Quyết liệt chống tội phạm “tín dụng đen”, công nghệ cao
Quyết liệt phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu “ xã hội đen”, tội phạm hình sự liên quan “ tín dụng đen”, tội phạm ma túy, cướp giật, công nghệ cao,… – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019.
Tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm kéo dài
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày báo cáo kiểm điểm năm 2018 của Chính phủ
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương sáng 28/12, thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2018, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhắc lại phương châm đã đề ra “Kỷ cương – Liêm chính – Hành động – Sáng tạo – Hiệu quả”. Chính phủ đổi mới cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế gắn với tinh thần thượng tôn pháp luật; tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng.
Đồng thời, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khơi dậy niềm tin, tạo động lực sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính liêm chính, hành động, phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động.
Nhìn lại năm 2018, bên cạnh những thuận lợi, đất nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn kiên định với mục tiêu đề ra.
Kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thể hiện rõ nét qua kết quả tình hình kinh tế – xã hội năm 2018, góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội vào tương lai phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như công tác dự báo, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách chưa chủ động; trong một số trường hợp phản ứng chính sách chưa kịp thời; việc khắc phục cơ chế, chính sách, pháp luật bất cập chưa đạt yêu cầu.
Một số báo cáo, đề án trong chương trình công tác chưa đạt tiến độ đề ra, trong khi có nhiều trường hợp phát sinh phải bổ sung, gây bị động trong việc sắp xếp chương trình làm việc của Chính phủ.
Công tác phối hợp trong xử lý những vấn đề liên ngành giữa các bộ, cơ quan còn tình trạng né tránh, ý kiến không rõ ràng, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành trong một số lĩnh vực còn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số địa phương chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động nắm tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống phát sinh, để xảy ra vụ việc đáng tiếc gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và hình ảnh Việt Nam.
Video đang HOT
Chính phủ cho rằng những hạn chế nêu trên một phần do nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; một số cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Quyết chặn “xã hội đen”, “tín dụng đen”
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày dự thảo nghị quyết triển khai kế hoạch năm 2019 của Chính phủ
Trình bày dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm sau, 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành. Một là, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế. Củng cố nền tảng vĩ mô, duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng. Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Hai là, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ. Chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động tư pháp.
Ba là, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; gắn với xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bốn là, chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Bám sát 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 5.945 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể.
Nhóm giải pháp đầu tiên là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trọng tâm của giải pháp này là điều hành thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các chính sách vĩ mô, nhất quán mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; phấn đấu giảm lãi suất cho vay; nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, tăngcủng cố dự trữ ngoại hối.
Cũng nằm trong nhóm giải pháp lớn này là cơ cấu lại và siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản công. Giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay. Cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thuế; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Cân đối nguồn lực để thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo nghị quyết Trung ương.
Xây dựng, trình Bộ Chính trị đề án và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.
Bám sát diễn biến tình hình, điều hành hiệu quả để bảo đảm các cân đối lớn, nhất là về ngân sách Nhà nước, thương mại, đầu tư, lương thực, năng lượng… Củng cố hệ thống thông tin, báo cáo; nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, dự báo, phục vụ quản lý, điều hành; triển khai đề án thống kê khu vực GDP chưa được quan sát…
Dự thảo nghị quyết cũng nêu một số nhiệm vụ khác như nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm, không để trở thành điểm nóng, gây mất an ninh, trật tự.
Ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương; tập trung tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.
Quyết liệt phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm hình sự liên quan “tín dụng đen”, tội phạm ma túy, cướp giật, công nghệ cao,…; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ cũng là nhiệm vụ được nêu tại dự thảo nghị quyết.
Dự thảo nghị quyết cũng nêu rõ, năm sau sẽ triển khai quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc. Tăng cường kỷ luật báo chí, bảo đảm chủ động cung cấp thông tin, nhất là tình hình kinh tế – xã hội, cơ chế, chính sách mới. Các cơ quan thông tấn báo chí thông tin trung thực, khách quan, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và tự hào dân tộc, khát vọng Việt Nam.
P.Thảo
Theo Dantri
Lạ mà hay: Lắp trạm thuỷ văn chăm cây, tưởng "gàn" lại thành tỷ phú
Với diện tích hơn 20.000m2, khu vườn của ông Đinh Phúc Tiến, thôn Đông Trà, Hương Trà, Hương Khê (Hà Tĩnh) được quy hoạch một cách bài bản, và áp dụng công nghệ cao, kết hợp với chuồng trại chăn nuôi con đặc sản. Không chỉ mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, mô hình này còn mang về cho ông giải A trong 182 vườn mẫu tiêu biểu của Hà Tĩnh năm 2018.
Lắp trạm thủy văn để chăm sóc cây, con
Nhớ lại những ngày mới bắt tay làm vườn, ông Tiến kể: Năm 1989, sau khi phục viên trở về quê hương với hai bàn tay trắng, ông phải "cắp nón" đi làm thuê hết nơi này đến nơi khác, tần tảo kiếm tiền giúp vợ nuôi các con ăn học. "Trong đầu lúc nào cũng quẩn quanh với câu hỏi, tại sao một người lính đã vào sinh ra tử ở chiến trường lại không chiến thắng được cái đói, cái nghèo. Suy nghĩ đó khiến tôi càng quyết tâm phải làm kinh tế ngay trong vườn của mình, phải bắt đất cằn nhả vàng", ông Tiến nói.
Ông Đinh Phúc Tiến bên vườn cam đặc sản của gia đình. Ảnh: Hải Đăng
Ông Tiến bàn với vợ vay mượn ngân hàng, anh em hàng xóm để mua những mảnh vườn bỏ hoang quanh nhà mở rộng diện tích, xóa bỏ vườn tạp, quy hoạch thiết kế lại khuôn viên.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề ươm cây giống, đến nay, mỗi năm gia đình ông Tiến sản xuất được trên 5 vạn cây giống ăn quả các loại, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Chẳng nói đâu xa, 90% cây giống trong vườn được xuất bán cho nông dân xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang); cây giống ít sâu bệnh, phát triển nhanh.
Ngoài vườn ươm, ông Tiến còn sở hữu 300 gốc cam, chanh, dó trầm và đàn hươu trên dưới chục con. Không phụ công người chăm sóc, khu vườn mẫu mang lại cho gia đình ông Tiến cả tỷ đồng mỗi năm.
Điều khiến chúng tôi đặc biệt chú ý khi đến khu vườn của ông Tiến là ở giữa vườn có một trạm thủy văn.
Thấy khách tò mò, bà Anh - vợ ông Tiến nhanh chóng giải đáp: "Do khí hậu ở đây quá khắc nghiệt nên phải có hệ thống dự báo trước. Năm 2015, cơn bão số 7 ập đến đúng thời điểm mùa vụ khiến hàng vạn cây giống trong vườn chuẩn bị thu hoạch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đợt đó, gia đình tôi chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều năm hạn hán kéo dài, hai vợ chồng phải sử dụng hàng trăm mét ống dẫn, ở đâu có nước là kéo về cứu cây, nhưng từ ngày lắp trạm thủy văn, chúng tôi luôn cập nhật được tình hình thời tiết, khí hậu nên việc chăm sóc cây trồng ở trang trại luôn được đảm bảo".
5 năm xây dựng vườn mẫu theo chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh, gia đình ông Tiến không chỉ tiếp cận cách thiết kế, xây dựng khu vườn quy củ, bài bản mà còn ứng dụng thêm công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Vừa nói chuyện, ông Tiến vừa dẫn chúng tôi đến hệ thống tưới tiết kiệm được áp dụng tùy theo nhu cầu chăm sóc của mỗi loại cây. Nếu như khu vực vườn ươm ông sử dụng hệ thống tưới nước tự động công nghệ cao thì khu vườn trồng cây ăn quả luôn giữ màu xanh nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel...
Riêng đối với cây có múi như cam, bưởi yêu cầu phải chuẩn bị kỹ về điều kiện trồng như: Tầng đất trồng phải sâu, đặc biệt không sử dụng phân bón vô cơ, chỉ bón phân vi sinh, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, chủ động về nước tưới. Các loại cây có múi này thường bị nhiều loại sâu bệnh tấn công, vì vậy chủ vườn phải chú ý đến việc phòng trừ. "Làm gì cũng vậy, trước hết phải có lòng đam mê, chịu khó học hỏi, muốn thành công phải siêng năng, chăm chỉ" - ông Tiến khẳng định.
Ngoài việc trồng, kinh doanh cây giống, gia đình ông Tiến còn tận dụng thế mạnh của vùng để phát triển trang trại chăn nuôi hươu. Mỗi năm, gia đình ông cũng thu hàng trăm triệu đồng nhờ nghề nuôi con đặc sản này. Ông Tiến cho hay: Nuôi hươu không khó, chỉ cần một diện tích nhất định đủ xây dựng chuồng trại cho hươu ở, có khoảng không gian rộng rãi cho hươu đi lại.
"Hươu đực cho lộc (nhung) 1 lần/năm với số lượng khoảng 7 lạng nhung/con, cá biệt, có con cho hơn 1kg nhung/năm. Hiện tại, nhung hươu được bán tại Hà Tĩnh có giá dao động từ 1,6-2 triệu đồng/lạng, bình quân một con hươu mang lại thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/năm. Điều đáng mừng là chúng tôi chưa bao giờ phải lo thiếu đầu ra" - ông Tiến tiết lộ.
Nhiều cống hiến vì cộng đồng
Bên cạnh việc làm giàu cho mình, vợ chồng ông Tiến còn nhiệt tình giúp đỡ bà con trong và ngoài địa phương cùng làm giàu. Bằng chứng là trong những năm qua, gia đình ông đã hỗ trợ cây giống và hươu giống trả chậm cho bà con ở địa phương.
"Cùng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này nên hơn ai hết, chúng tôi hiểu được nỗi khổ cực và khắc nghiệt ở đây. Đến giờ nhờ trời, may mắn mình làm ăn được, có thu nhập cao rồi thì phải giúp đỡ bà con cùng thoát nghèo làm giàu. Đây cũng là điều nên làm" - ông Tiến chia sẻ.
Cùng với việc hỗ trợ cây giống, con đặc sản, ông Tiến còn đến từng hộ dân để hướng dẫn "cầm tay, chỉ việc" để bà con hiểu và làm nhanh. Nhờ sự giúp đỡ của ông Tiến, trong những năm qua, nhiều hộ dân ở Hương Trà đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhanh chóng.
Nói về ông Tiến, ông Trần Huy Oánh - Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Gia đình ông Đinh Phúc Tiến không chỉ là tấm gương sáng mẫu mực trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mà vợ chồng ông còn đóng góp rất lớn cho quá trình xây dựng NTM của địa phương. Chúng tôi hy vọng khu vườn mẫu của ông Tiến sẽ trở thành một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, đúng như chủ trương ban đầu của tỉnh khi phát động xây dựng các mô hình vườn mẫu là gắn với phát triển du lịch".
Theo Danviet
"Đổi mới thực sự trong công tác Hội" Đó là khẳng định của ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng khi nói về những đổi mới về hoạt động của Hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đổi mới thực sự Trao đổi với PV Báo NTNN, ông Đa Cát Vinh cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua hội đã có những cách làm hay,...