Quyết định kịp thời của 2 bác sĩ cứu bé gái đuối nước nguy kịch
Đang bơi tại bể của khách sạn ở Hạ Long, bác sĩ Hoàng Anh Tuấn nghe tiếng kêu cứu rồi thấy một bé gái bị đuối nước được vác dốc ngược nhưng tình trạng tím tái không cải thiện.
Bác sĩ Hoàng Anh Tuấn là cán bộ khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ( Hà Nội). Sự việc xảy ra ngày 8/6, thời điểm anh cùng đồng nghiệp tham gia chương trình hội nghị khoa học chuyên ngành.
Anh nhớ lại khoảng 18h, khi đang bơi tại bể của khách sạn, anh nghe tiếng kêu cứu. Một bé gái bị đuối nước được đưa lên bờ và một người đàn ông dốc ngược cháu để nước chảy ra nhưng tình trạng tím tái của bé không cải thiện.
Nhận thấy tình trạng cháu bé nguy kịch, bác sĩ Tuấn và đồng nghiệp cùng khoa là bác sĩ Hà Hoài Nam đã đề nghị người đàn ông ngừng dốc ngược, lập tức đặt cháu bé xuống nền cứng. Hai vị bác sĩ tiến hành hồi sinh tim phổi bằng cách ép tim ngoài lồng ngực kèm thổi ngạt.
Sau khoảng 2 phút ép tim, nhận thấy trong khoang miệng bé có nhiều thức ăn từ dạ dày trào ngược lên, bác sĩ Nam đã cùng một bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khai thông đường thở cho cháu bé.
Sau 5 phút cấp cứu, cháu bé đã có ý thức, tỉnh lại, được đưa đến trung tâm y tế gần nhất để tiếp tục điều trị. Sáng hôm sau, khi gặp lại nhóm bác sĩ, gia đình thông báo kết quả kiểm tra cho thấy tình trạng sức khỏe của bé ổn định.
Video đang HOT
Theo bác sĩ Hoàng Anh Tuấn, khi xảy ra đuối nước, việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Trong trường hợp này, vác dốc ngược nạn nhân là cách sơ cứu chưa phù hợp.
“Nhiều người lầm tưởng động tác này giúp loại bỏ nước ra khỏi hệ hô hấp và giúp trẻ có thể tự thở được nhưng thực chất việc đó chỉ làm chậm trễ các bước sơ cứu quan trọng hơn, bao gồm hồi sức tim phổi”, bác sĩ Tuấn cho biết.
Lượng nước đi vào phổi khi bị đuối nước thường không nhiều và có thể được thải ra ngoài khi thực hiện ép tim ngoài lồng ngực và khi trẻ có thể tự thở. Trì hoãn việc hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực làm tăng nguy cơ tổn thương não không hồi phục do thiếu oxy.
Việc cần làm đầu tiên trong sơ cứu trẻ đuối nước là đưa trẻ lên khỏi mặt nước. Sau đó đánh giá tình trạng của trẻ xem trẻ có ngừng thở, ngừng tim hay không. Nếu có, cần nhanh chóng tiến hành hồi sinh tim phổi đồng thời báo người xung quanh gọi cấp cứu 115.
Vị trí ép tim: Trên xương ức, ngang với đường nối 2 núm vú. Ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3-1/2 lồng ngực. Tốc độ ép tim 100 lần/phút.
Nếu chỉ có một mình bạn cấp cứu: Hãy thực hiện 30 lần ép tim, sau đó thổi ngạt 2 lần. Nếu có 2 người cấp cứu: Hãy thực hiện 15 lần ép tim, sau đó thổi ngạt 2 lần. Sau mỗi 2 phút cần đánh giá lại xem trẻ có thở lại hay không, có mạch không? Sau khi trẻ có nhịp tim và nhịp thở trở lại, cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra chức năng sau hồi sinh tim phổi.
Căn bệnh khiến cột sống uốn cong như con rồng
Căn bệnh không chỉ khiến nhiều trẻ em và người lớn có ngoại hình khác biệt mà còn khó đứng vững, chạy nhảy hay bị ngã, dễ ảnh hưởng cơ quan nội tạng.
Trong một lần tắm cho con gái 2 tuổi, chị T.N (Điện Biên) phát hiện cột sống bé bị vẹo lệch, hai vai không cân bằng. 11 năm qua, chị đã đưa con đi 3 viện lớn, tập vật lý trị liệu thời gian dài, nhưng tình trạng vẹo cột sống của con không đỡ.
Vì cột sống bị vẹo lệch, trẻ chạy nhảy dễ bị ngã. Lớn lên với ngoại hình khác thường, không chỉ bị hạn chế chiều cao, bé gái còn thường hay bị các bạn trêu chọc.
Ngày 3/6, đến khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), bác sĩ khám sàng lọc cho trẻ bằng nghiệm pháp Adam, đo đường cong ngực, kết hợp hình ảnh chụp phim, cho thấy trẻ bị vẹo cột sống tới 60 độ. Bệnh khiến vai trái bé thấp hơn hẳn vai phải, bướu sườn nhìn rõ khi cúi xuống trước.
Hình ảnh chụp phim cho thấy trẻ bị vẹo cột sống tới 60 độ. Ảnh: Võ Thu
"Bệnh nhân bị vẹo cột sống vô căn ở tuổi thiếu niên. Đây là loại bệnh khoa học chưa tìm ra nguyên nhân, nhưng chiếm tới 80% số bệnh nhân cong vẹo cột sống, nghĩa là rất phổ biến", PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chia sẻ với VietNamNet.
Bác sĩ Sơn đánh giá bệnh nhi bị cong vẹo mức độ nặng. Nếu không mổ ngay, chỉ 5-10 năm tới, bệnh càng nặng thêm, ảnh hưởng tới các cơ quan nội tạng. "Nhiều trường hợp trẻ bị cong vẹo mức độ rất nặng, tới 90-140 độ, khiến cột sống cong chữ C, uốn 'như con rồng', bác sĩ Sơn nói.
Theo bác sĩ Sơn, việc điều trị vẹo cột sống chia thành 2 nhóm. Với trẻ dưới 10 tuổi (khởi phát sớm), cột sống đang phát triển mạnh, nếu không điều trị hậu quả nặng nề, quan trọng nhất là ảnh hưởng tim mạch, phổi.
Đó là bởi trẻ phát triển hoàn thiện lồng ngực trong giai đoạn 5-8 tuổi, nếu bị vẹo cột sống ở giai đoạn này, phổi bị xẹp, không phát triển được. Điều này có thể khiến hệ hô hấp của trẻ không tốt, khó thở; tim và các mạch máu lớn bị chèn ép; khoang ổ bụng và các nội tạng cũng bị ảnh hưởng, không hoàn thiện.
Việc điều trị cho các bé dưới 10 tuổi bị vẹo cột sống rất khó. Trước đây, nẹp tăng trưởng được sử dụng nhiều, gần đây bác sĩ cải tiến kỹ thuật, dùng thanh trượt giúp trẻ không phải gây mê để mổ nhiều lần, vừa giữ cột sống ổn định, tiếp tục phát triển, vừa đảm bảo các cơ quan nội tạng phát triển.
Ở nhóm thứ 2, với những trường hợp xương đã cốt hóa, trưởng thành, chỉ cần dùng phương pháp nắn chỉnh một lần.
"Không phải trường hợp cong vẹo cột sống nào cũng phải mổ", bác sĩ Sơn nói. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố như tuổi, mức độ cong vẹo, nguyên nhân để có chỉ định phù hợp như mặc áo nẹp chỉnh hình, tập luyện, bó bột hay phẫu thuật... Quan trọng là phải phát hiện cong vẹo cột sống sớm, điều trị kịp thời bằng phương pháp phù hợp, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những biến chứng gây biến dạng nặng cột sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, tâm lý của trẻ.
Hàng năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức chương trình khám sàng lọc, tư vấn và chụp X-quang miễn phí gù vẹo cột sống ở trẻ em. Năm nay, chương trình sẽ diễn ra trong 2 ngày 8-9/6.
Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 đặt chỉ tiêu về tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học, 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn.
Bệnh học đường là những bệnh liên quan đến lứa tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường. Việc học sinh hiểu biết về bệnh học đường sẽ giúp trẻ bảo vệ sức khỏe và tinh thần tốt nhất.
Một trong các bệnh, tật học đường phổ biến hiện nay là gù, cong vẹo cột sống. PGS.TS Đinh Ngọc Sơn cho biết hiện nay cong vẹo cột sống là căn bệnh khá phổ biến. Đáng chú ý, số trẻ em bị cong, vẹo cột sống chiếm từ 0,5 đến 1% dân số.
TP.HCM: Bé gái 3,5 tuổi bị ngạt nước khi đang bơi dưới ao Bé gái P.B.M.N (3,5 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) trong lúc đang bơi cùng chị dưới ao thì bé chìm dần. Bé N. chìm dưới nước tầm 2 phút thì được người nhà vớt lên. Tại thời điểm đưa bé lên, ghi nhận bé không thở được, ấn tim thổi ngạt 30 giây em hồng, tự thở. Người nhà nhanh chóng đưa...