Quyết định gây chấn động của ông Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột hủy đàm phán với phe Dân chủ về các biện pháp cứu trợ Covid-19 bổ sung, tuyên bố hoãn hoạt động này cho tới sau tổng tuyển cử vào tháng 11.
Theo AP, Tổng thống Trump ngày 6/10 đăng đàn Twitter cho hay, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã “không đàm phán một cách thiện chí”.
Ông Trump thông báo đã yêu cầu Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ hướng mọi sự tập trung trước bầu cử vào việc phê chuẩn thẩm phán Amy Coney Barret, người được ông đề cử vào Tòa án tối cao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khi rời Quân y viện Walter Reed để về Nhà Trắng tiếp tục điều trị COvid-19 hôm 5/10. Ảnh: Reuters
“Tôi đã chỉ đạo các đại diện của tôi ngưng đàm phán cho tới sau cuộc bầu cử. Ngay sau khi tôi giành chiến thắng, chúng tôi sẽ thông qua một dự luật kích thích (nền kinh tế) trọng yếu, tập trung vào những người dân chăm chỉ và các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ”, ông Trump viết.
Theo AP, Tổng thống Trump ra quyết định bất ngờ ngay sau khi thảo luận với các lãnh đạo hàng đầu thuộc đảng Cộng hòa của ông, bất chấp những cảnh báo từ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ về tình trạng xấu đi của nền kinh tế.
Các cổ phiếu Phố Wall đồng loạt giảm giá sau động thái chấn động của người đứng đầu chính phủ Mỹ. Chỉ số S&P 500 giảm 1,4% sau khi tăng 0,7% trước thời điểm ông Trump ra thông báo, khoảng 1 giờ trước khi thị trường đóng cửa giao dịch ngày 6/10.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và chỉ số tổng hợp Nasdaq cũng lần lượt giảm 1,4% và 1,6%, dù trước đó đều tăng điểm vì thông tin tổng thống rời viện về Nhà Trắng tiếp tục điều trị Covid-19, thể hiện niềm tin của giới đầu tư vào diễn biến tích cực.
Một số nhà phân tích cho rằng, việc chấm dứt đàm phán một cách đột ngột đồng nghĩa chính quyền Trump sẽ ngưng hỗ trợ cử tri, kể cả khoản hỗ trợ trực tiếp 1.200 USD/người cho hầu hết các công dân trước cuộc bầu cử tổng thống năm nay, ngay cả khi tỉ lệ thất nghiệp trên toàn quốc vào khoảng 8% và hàng triệu người dân đang đối mặt với nguy cơ bị mất việc.
Động thái do đó có thể tạo ra đòn giáng vào triển vọng tái cử của Tổng thống Trump, đúng vào lúc chiến dịch vận động tranh cử và chính quyền của ông đang gặp khó. Ông Trump hiện phải điều trị cách ly trong Nhà Trắng, tạm dừng các buổi vận động tranh cử trực tiếp. Hàng loạt các cuộc thăm dò mới nhất đều cho thấy ông ngày càng thua kém đối thủ Joe Biden về tỉ lệ ủng hộ của cử tri vào thời điểm chỉ còn cách ngày bỏ phiếu quốc gia 4 tuần.
Trump lỡ cơ hội lấy lòng cử tri từ khủng hoảng Covid-19
Hôm 2/10, trong lúc Trump chuẩn bị được chuyển tới bệnh viện, các cố vấn của ông vẫn nhìn thấy một "cửa sáng" cho chiến dịch tranh cử.
Theo họ, nếu Trump nhanh chóng đánh bại Covid-19, sau đó tỏ ra đồng cảm với hàng triệu người dân Mỹ khi chia sẻ về những trải nghiệm của riêng mình trong quá trình điều trị, ông có thể phần nào khôi phục hình ảnh cũng như tín nhiệm chính trị với các cử tri.
Một quan chức chiến dịch cho biết cuộc khủng hoảng y tế mới nhất là đòn giáng mạnh vào nỗ lực tái tranh cử của ông chủ Nhà Trắng, nhưng đồng thời nó mang tới cơ hội quý giá để Trump thể hiện lập trường mới đối với Covid-19, qua đó thu hút thêm cử tri ủng hộ.
Tổng thống Trump trước khi rời Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed. Ảnh: NYTimes.
Tổng thống hoàn toàn có thể tận dụng nó từ giờ tới cuộc tranh luận thứ hai với đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden, dự kiến diễn ra vào ngày 15/10, để cho thấy rằng Covid-19 nguy hiểm nhưng hoàn toàn chữa khỏi được và ông đã sẵn sàng tái nhập đường đua.
Tuy nhiên, trong vài ngày qua, những gì Tổng thống Trump làm lại đi ngược kỳ vọng của các cố vấn. Hôm 5/10, ông đăng một dòng tweet kêu gọi công chúng "đừng sợ hãi Covid. Đừng để nó chi phối cuộc sống của bạn!" mà không thừa nhận rằng với tư cách Tổng thống, ông đã nhận được sự chăm sóc y tế đặc biệt, tốt hơn rất nhiều so với những người bình thường.
Những bình luận của Trump chỉ làm bật lên thực tế rằng chính quyền đã thất bại như thế nào trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch chết người trong 6 tháng qua.
"Tôi hy vọng Tổng thống không quá nôn nóng trở lại chế độ vận động tranh cử cho tới khi họ xác nhận ông ấy không còn là mối nguy hiểm đối với những người xung quanh", Ed Rollins, cố vấn một siêu ủy ban hành động chính trị ủng hộ Trump, cho hay.
Nóng lòng rời bệnh viện, Trump tối 5/10 đã đạt được mong muốn của mình. Các bác sĩ đồng ý để ông rời Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed, trở về Nhà Trắng, dù thừa nhận rằng tình trạng bệnh của Tổng thống vẫn có khả năng xấu đi và ông chưa trải qua giai đoạn 7-10 ngày tối quan trọng để các chuyên gia đánh giá bệnh tình.
Tại Nhà Trắng, ông leo hai dãy câu thang lên ban công Truman và gần như ngay lập tức cởi bỏ khẩu trang trước dàn ống kính máy quay. Trump sau đó quay một video theo kiểu vận động tranh cử từ ban công, nói rằng ông đã cảm thấy "tốt hơn" và có lẽ ông "miễn nhiễm" trước sự tàn phá của virus.
Trump gần như từ chối làm theo những điều mà những cố vấn mong chờ, điều có lợi cho ông về mặt chính trị. Trong các video được trợ lý quay nơi hậu trường nhằm cho thấy Tổng thống vẫn tích cực làm việc dù đang điều trị bệnh, Trump không đề cập tới những khó khăn mà Covid-19 đã gây ra cho hàng triệu người Mỹ hay bất kỳ ai bị nó ảnh hưởng. Ông cũng không nhắc đến những nhân viên bị nhiễm virus tại cụm dịch Nhà Trắng.
Dòng tweet Trump tuyên bố "tôi cảm thấy tốt hơn so với 20 năm trước" chỉ khiến mọi người có cảm nhận rằng những ngày trị bệnh của ông không khác gì một chuyến xả hơi cuối tuần ở spa. Nó báo hiệu rằng Trump rất có thể sẽ trở lại lối mòn xưa với những phát ngôn thậm chí còn sai lầm hơn về virus, bình luận viên Maggie Haberman và Annie Karni từ NYTimes nhận xét.
"Dường như chiến dịch tranh cử chưa thảo luận về chiến lược họ muốn thực hiện với Tổng thống", Brendan Buck, cố vấn của cựu chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, nói.
Theo Buck, cách tiếp cận hiện nay của Tổng thống Trump không mang đến cho ông bất kỳ lợi ích chính trị nào bởi nó không cho thấy ông có sự đồng cảm đối với hàng triệu người đã nhiễm virus.
Antonia Ferrier, cựu cố vấn cho lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, nhận định Tổng thống có thể học hỏi từ những lãnh đạo thế giới khác từng chiến thắng Covid-19.
Tổng thống Donald Trump kêu gọi người Mỹ "Đừng sợ nCoV" trong video ngày 5/10. Video: Twitter/Donald J. Trump.
"Sau khi xuất viện, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chia sẻ về việc virus đã ảnh hưởng tới ông như thế nào trên phương diện cá nhân, cảm ơn những người đã giúp ông hồi phục sức khỏe, đồng thời cam kết sẽ đối phó với virus và đưa đất nước vượt qua những thách thức", bà nói. "Tổng thống Trump đang có cơ hội truyền đạt một thông điệp tích cực tương tự".
Song đến nay, tất cả những gì Trump thể hiện chỉ là một tâm trạng háo hức và niềm khát khao trở lại chiến dịch tranh cử. "Sẽ sớm quay trở lại cuộc vận động!!! Các hãng tin giả chỉ đưa ra những cuộc thăm dò giả mà thôi", ông tweet tối 5/10.
"Chỉ còn 4 tuần nữa và gần 4 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu, quá muộn để thay đổi nhận thức về Tổng thống", chiến lược gia đảng Cộng hòa Liam Donovan nhận xét. "Và với những cử tri cởi mở sẵn sàng thay đổi quan điểm của họ, video được phát từ Walter Reed phản ánh chính những thách thức mà chiến dịch tranh cử của Tổng thống đang phải đối mặt: Cảm giác ban đầu về lòng nhân đạo và sự khiêm nhường nhanh chóng nhường chỗ cho một màn độc thoại lan man làm suy yếu toàn bộ nỗ lực".
Trung tâm y tế thu nhỏ của Trump ở Nhà Trắng Đơn vị Y tế Nhà Trắng, nơi được ví như một trung tâm chăm sóc khẩn cấp thu nhỏ, là nơi Trump tiếp tục điều trị Covid-19 sau xuất viện. Tổng thống Donald Trump tối 5/10 rời Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed ở bang Maryland sau 4 ngày điều trị Covid-19 và bay về Nhà Trắng. Tại đây, ông sẽ...