Quyết định cho thôi chức Giám đốc ĐHQG HN
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định về việc ông Mai Trọng Nhuận thôi giữ chức Giám đốc ĐHQG Hà Nội.
Theo đó, trên cơ sở đề nghị của ĐHQG Hà Nội, Bộ Nội vụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 210/QĐ-TTg về việc ông Mai Trọng Nhuận thôi giữ chức Giám đốc ĐHQG Hà Nội để làm công tác chuyên môn từ ngày 1/1/2013.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố thông báo kết luận thanh tra về việc liên doanh, liên kết đào tạo đại học và sau đại học của ĐHQG Hà Nội giai đoạn từ năm 2006 -2010.
Theo đó, đoàn thanh tra đã phát hiện một số nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong liên kết đào tạo tại trường này. Từ đây, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ĐHQG Hà Nội tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của Giám đốc ĐHQG Hà Nội trong việc ban hành các văn bản trái quy định, cấp phép cho các đơn vị trực thuộc liên kết đào tạo trái thẩm quyền; vi phạm điều kiện tuyển sinh, vi phạm quy chế đào tạo sau đại học; bổ nhiệm cán bộ vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng; tự đặt ra khoản thu % từ các nguồn kinh phí và thu dịch vụ của đơn vị trực thuộc.
Đoàn thanh tra đã phát hiện một số sai phạm trong liên kết đào tạo tại ĐHQG Hà Nội
Kết luận cũng đề nghị Giám đốc ĐHQG Hà Nội có trách nhiệm nộp 21,373 tỷ đồng do đã yêu cầu các đơn vị trích nộp trái quy định về ngân sách Nhà nước.
Video đang HOT
Được biết, kết luận Thanh tra Chính phủ về những sai phạm của ĐHQG Hà Nội có từ tháng 1/2012. Tại thời điểm đó, ông Mai Trọng Nhuận đã có văn bản kiến nghị xem xét lại kết luận này. Tuy nhiên, Thanh tra Chính Phủ không chấp nhận giải trình trên và tới tháng 6/2012 đã quyết định công bố kết luận thanh tra.
GS-TS Mai Trọng Nhuận sinh năm 1952 và nhậm chức Giám đốc ĐHQG Hà Nội từ cuối năm 2007.
Theo 24h
Kiến nghị không công nhận nhiều bằng ĐH
Thanh tra Chính phủ kiến nghị xem xét quyết định không công nhận bằng cử nhân, thạc sỹ do đối tác nước ngoài liên kết với Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC) đã cấp cho các học viên.
Trong bản kết luận thanh tra đối với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐH QGHN) được công bố sáng nay (10/1), Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trường đại học này phải tổ chức kiểm điểm. Qua đó xác định trách nhiệm của giám đốc ĐH QGHN trong việc ban hành các văn bản trái quy định, cấp phép cho các đơn vị liên kết nước ngoài trái thẩm quyền, vi phạm điều kiện tuyển sinh, vi phạm quy chế đào tạo sau đại học, bổ nhiệm cán bộ vi phạm luật Phòng chống tham nhũng và tự đặt ra khoản thu phần trăm từ các nguồn kinh phí và thu dịch vụ của đơn vị trực thuộc.
Liên quan đến những sai phạm tại Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC) thuộc ĐH QGHN, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xem xét quyết định không công nhận bằng cử nhân, thạc sỹ do đối tác nước ngoài liên kết với Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC) đã cấp cho các học viên. Kiến nghị xem xét không công nhận bằng thạc sỹ do trường Đại học Kinh tế (ĐH QGHN) cấp cho những học viên không bảo vệ luận văn tốt nghiệp.
Cơ quan này cũng kiến nghị xem xét đình chỉ tuyển sinh, chấm dứt hoạt động giảng dạy đối với các lớp đào tạo do ETC đã trực tiếp ký hợp đồng tổ chức, phối hợp liên kết đào tạo hệ đại học và sau đại học trái quy định.
Mặt khác, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ tài liệu một số vụ việc liên quan đến việc thực hiện hợp đồng của ETC với một số công ty sang Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48 - Bộ Công an) để điều tra. Đồng thời làm rõ hoặc điều tra mở rộng đối với các hợp đồng của ETC với một số đơn vị khác.
Trước đó, trong cuộc thanh tra đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phát hiện trường này có nhiều sai phạm liên quan đến liên kết đào tạo đại học và sau đại học.
Ông Lê Tiến Hào và ông Ngô Văn Khánh (Phó tổng Thanh tra Chính phủ) chủ trì cuộc họp báo Thanh tra Chính phủ sáng nay (10/1)
Không riêng Đại học Quốc gia Hà Nội, trong cuộc họp báo sáng 10/1, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố nhiều sai phạm tại các trường đại học khác. Qua xem xét hồ sơ 419 chương trình liên kết đào tạo trong nước tại 18 trường cho thấy, hơn 46% chương trình liên kết tuyển sinh hệ vừa làm vừa học khi chưa được Bộ GD& ĐT cấp phép.
Kết luận chỉ ra rằng, có 54 trong số 419 chương trình liên kết đào tạo có địa điểm đặt lớp không đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Thanh tra cũng nêu một số sai phạm khác về hồ sơ lưu không có danh sách thí sinh dự thi các lớp liên kết đào tạo đại học ở trường Đại học Vinh. Còn Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Thái Nguyên liên kết đào tạo thạc sĩ ngoài trụ sở không có phép của Bộ GD&ĐT.
Đáng chú ý, kết luận thanh tra nêu rằng, trong 94 đối tác nước ngoài liên kết đào tạo với các trường đại học trong nước, chỉ có 5 trường được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới. Hầu hết đối tác là trường có thứ hạng thấp, thậm chí chưa được xếp hạng trên thế giới hoặc có trường trong nước liên kết với đối tác xếp thứ thấp hơn trường mình.
Riêng học phí liên kết trong nước, các cơ sở liên kết được thu học phí ngoài quy định, thu thêm học phí khi tổ chức học ngoài giờ, tự đặt mức phí tuyển sinh, sử dụng biên lai do trường tự in khi chưa được phép của cơ quan quản lý thuế.
Thậm chí, cơ sở liên kết với trường Đại học Vinh còn thu chi phí tuyển sinh không theo dõi qua hệ thống kế toán của trường. Đại học Bách khoa HN khi ký hợp đồng liên kết chỉ xác định mức thu của trường, không xác định mức thu của đơn vị liên kết đối với học sinh. Đại học Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) thu vượt quy định 100.000 đồng/học viên/tháng, với tổng số tiền hơn 283 triệu đồng.
Còn học phí các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, mức thu không được tính toán dựa trên chi phí cụ thể. Mức thu có sự chênh lệch giữa các chương trình, đối tác. Chương trình thạc sĩ thu thấp nhất là 3.500 USD/khóa của lớp cao học Việt Nam - Hà Lan (ĐH Kinh tế Quốc tế Quốc dân), cao nhất là 13.500 USD/khóa (cử nhân quản trị kinh doanh của trường Đại học Kinh tế Quốc dân). Mức phổ biến là 8.000 - 10.000 USD/khóa. Mức thu cao gấp 20 lần mức quy định của Thủ tưởng Chính phủ, nhưng chất lượng đào tạo không tương xứng học phí.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng có thông báo kết luận thanh tra phát hiện nhiều sai phạm trong việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ nêu hàng loạt kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan kiểm điểm trách nhiệm, giải pháp xử lý. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra một số vụ việc có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đó là dự án Nhà máy sản xuất cao su Power do công ty TNHH Lê Hiệp làm chủ đầu tư sử dụng hồ sơ vay vốn tại ngân hàng Phát triển và Techcombank. Công ty TNHH TM Trúc Tâm vay vốn tại Ngân hàng Phát triển chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông, giám đốc và phó giám đốc đã đi khỏi nơi cư trú, dư nợ còn khoảng 72 tỷ đồng.
Theo 24h
Điều kiện nào để CSGT được cấp "thẻ xanh"? Thực hiện Thông tư 45 của Bộ Công an, kể từ ngày 1/1/2013, chỉ CSGT có thẻ xanh mới được dừng xe xử phạt, thể hiện tính công khai minh bạch nhằm tránh các trường hợp giả danh CSGT. Thẻ xanh được dán tem chống làm giả Trao đổi với phóng viên xoay quanh tấm &'thẻ xanh', Đại úy Trương Song Thành, Đội...