Quyết định chấm dứt hoạt động của Tâm Việt đối với trẻ tự kỷ
Sở Lao động TB&XH Hà Nội quyết định Công ty TNHH Tâm Việt giáo dục, hòa nhập cộng đồng cho trẻ khuyết tật (gọi tắt là Trung tâm Tâm Việt) phải chấm dứt hoạt động tiếp nhận, nuôi, dạy kỹ năng cho trẻ tự kỷ trên địa bàn TP Hà Nội.
Xem video: Sự thật phía sau trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt:
Liên quan đến hành vi bạo lực trẻ ở trung tâm Tâm Việt (thời điểm đóng tại TX Từ Sơn, Bắc Ninh) nay chuyển về Đông Ngàn (Đông Anh, Hà Nội) do VietNamNet đăng tải thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp các cơ quan ban ngành, tiến hành thanh tra cơ sở này.
Hành vi bạo lực trẻ ở trung tâm Tâm Việt được phóng viên VietNamNet ghi lại
Qua công tác thanh tra, Sở Lao động Thương binh và Xã hội phát hiện trung tâm Tâm Việt hoạt động trái phép nên đã ra quyết định: Chấm dứt hoạt động tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dạy kỹ năng cho người lớn, trẻ em tự kỷ của trung tâm trên địa bàn huyện Đông Anh và các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo quyết định số 3751/SLĐTBXH, trung tâm Tâm Việt tên đầy đủ là: Công ty TNHH Tâm Việt giáo dục, hòa nhập cộng đồng cho trẻ khuyết tật (gọi tắt là trung tâm Tâm Việt). Địa chỉ đăng ký: Thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ngành nghề chính: Giáo dục khác chưa phân vào đâu (Đào tạo về sự sống; kỹ năng nói trước công chúng). Người đại diện pháp luật là ông Phan Quốc Việt, chức danh giám đốc.
Từ ngày 1/5/2019 – 30/9/2019, trung tâm Tâm Việt thuê cơ sở vật chất tại Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh).
Từ ngày 30/9/2019, trung tâm Tâm Việt ký thỏa thuận liên danh với Phòng khám chữa bệnh chữ thập đỏ Đông Anh ở thôn Đông Ngàn, Đông Hội, Đông Anh (Hà Nội).
Hai bên thỏa thuận liên danh hỗ trợ, kết hợp huấn luyện và chữa bệnh cho trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật trong và ngoài nước trong thời gian 5 năm. Tuy nhiên, ngày 10/11/2019, hai bên đã ký văn bản hủy thỏa thuận liên danh này do không đáp ứng được các điều kiện như đã ký.
Thời điểm kiểm tra, xác minh, trung tâm có 45 đối tượng, trong đó có 29 trẻ em (sinh từ năm 2004 – 2012) đang được gia đình gửi vào học kỹ năng, sinh hoạt và lưu trú tại địa điểm liên danh của trung tâm Tâm Việt với Phòng khám chữa bệnh chữ thập đỏ Đông Anh. Trung tâm Tâm Việt không cung cấp được các giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động.
Trung tâm Tâm Việt đăng ký kinh doanh lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên không có quyết định thành lập trung tâm giáo dục hòa nhập cộng đồng và chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quyết định cho phép hoạt động theo quy định tại thông tư liên tịch số 58/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định về điều kiện, thủ tục thành lập, hoạt động, đình chỉ hoạt động, tổ chức lại, giải thể trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Công ty này cũng không có quyết định thành lập cơ sở trợ giúp xã hội và Giấy phép hoạt động (cho hoạt động chăm sóc người khuyết tật) theo quy định tại NĐ 103/ 2017/NĐ -CP về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định, trung tâm Tâm Việt hoạt động trái phép, gây nhiều bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự an tòa xã hội.
Đồng thời, yêu cầu giám đốc công ty chấm dứt các hoạt động tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dạy kỹ năng cho người lớn, trẻ em tự kỷ của trung tâm trên địa bàn huyện Đông Anh và các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bàn giao 45 đối tượng đang theo học kỹ năng tại công ty về cho gia đình.
Phía Sở Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đề nghị UBND huyện Đông Anh giám sát việc chấm dứt hoạt động này trên địa bàn huyện và báo cáo kết quả trước ngày 30/11/2019.
Trước đó, từ ngày 29/10, VietNamNet đăng tải loạt phóng sự điều tra về hoạt động của trung tâm Tâm Việt. Trong vai giáo viên tập sự ở trung tâm, phóng viên đã ghi lại được những hình ảnh phản ánh đào tạo trẻ tự kỷ tại trung tâm Tâm Việt có nhiều bất cập.
Bên cạnh việc ăn ở không đảm bảo vệ sinh, các giáo viên của trung tâm đã có hành vi chửi mắng, đe dọa các học sinh của trung tâm trong quá trình dạy học.
Trung tâm này sử dụng phương pháp giáo dục chưa được kiểm chứng, quá trình tập luyện không có biện pháp, dụng cụ bảo hộ cho học sinh… Theo phản ánh của phụ huynh đã có em gặp chấn thương trong quá trình học tại Tâm Việt, thậm chí có 1 bé đã tử vong vào tháng 6/2019.
Nhóm PV
Theo vietnamnet.vn
Tâm Việt, trách nhiệm thuộc về ai?
Loạt bài về những gì diễn ra trong trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt trên VietNamNet đã khuấy đảo công luận và gây chấn động lương tri của nhiều bạn đọc suốt những ngày qua.
Thật khó có thể hình dung, dưới vỏ bọc mỹ miều của một trung tâm đào tạo 'trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia' nhằm tạo niềm tin ở những bậc phụ huynh tuyệt vọng, người ta đã cư xử với những đứa trẻ tự kỷ như vậy.
Hãy nghe một phụ huynh phản ảnh với chúng tôi: "Tôi đón cháu về, cháu đã thân tàn ma dại. Lúc này, sức khỏe cháu suy kiệt, mặt mũi sưng húp, tất cả phần da không có quần áo che bị chi chít hàng trăm vết muỗi đốt. Mỗi bước đi, cháu đều ôm bụng, gào khóc. Cháu sụt 4 kg".
Những trường hợp thương tâm như cháu bé kể trên không phải cá biệt, mà được lặp đi, lặp lại trong thời gian dài trong môi trường sinh hoạt, 'đào tạo' hà khắc. Song, vấn đề đã vượt quá mọi giới hạn khi đã có trẻ em chết ở Trung tâm.
Người mẹ đã quyết định lên tiếng sau khi xem loạt phóng sự điều tra về trung tâm đào tạo kỷ lục gia Tâm Việt trên Vietnamnet: "Người ta bế con từ giường sang cáng để chuyển về Hà Nội, người con cứng đơ. Tôi không biết con mình tử vong lúc nào mà cứng như thế".
Một vụ chết người thương tâm, đầy nghi vấn như vậy mà Tâm Việt "không một lời giải thích". Cũng vẫn vị phụ huynh chia sẻ: "Sau khi con tôi mất, ông Phan Quốc Việt không hề giải thích điều gì. Gia đình hỏi ông ấy chỉ chắp tay, không nói câu gì".
Phản ứng như vậy, chỉ xét riêng về cái tình, là không thể chấp nhận được chứ chưa nói về lý lẽ, luật pháp.
Một học sinh của Tâm Việt với đôi chân mưng mủ do muỗi đốt
Sau khi loạt bài được công bố, báo VietNamNet nhận được rất nhiều quan tâm của dư luận, của bạn đọc và của nhiều phụ huynh có con tự kỷ. Tất cả đều muốn chúng tôi đi đến cùng sự việc này để giúp gióng lên môt tiếng chuông cảnh báo đến việc chăm sóc, đào tạo trẻ tự kỷ, lĩnh vực còn chưa được quan tâm trong các thiết chế chính sách hiện nay.
Một mặt, trẻ tự kỷ và gia đình nhiều khi bơ vơ khi chưa được pháp luật bảo vệ. Khi soạn thảo Luật Người khuyết tật cách đây gần một thập kỷ, đã có ý kiến gợi ý nên đưa những người tự kỷ vào luật nhưng rất tiếc là không được tiếp thu.
Đến các luật sau này như Luật Trẻ em, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Giáo dục..., lại tiếp tục không đề cập đến trẻ tự kỷ.
Thiếu vắng các hành lang pháp lý đã dẫn đến nhiều bậc phụ huynh cha mẹ trở nên bơ vơ, những đứa trẻ tự kỷ trở nên lạc lõng trong cộng đồng. Vì thế, những trung tâm như Tâm Việt là nơi mà họ muốn bấu víu, nương tựa.
Chỉ có điều, những gì diễn ra ở đó, như chúng tôi phản ánh, đã phản bội lại niềm tin của họ, những người thực sự đáng thương.
Ngày nay, căn bệnh tự kỷ đang ngày càng phổ biến. Những gia đình, phụ huynh có con tự kỷ là những người thấm thía nhất căn bệnh này khi họ sống cạnh con. Ai cũng thấy đất trời sụp đổ dưới chân khi nhận ra con mình mắc bệnh. Ai cũng xót xa như xát muối vào lòng khi chăm bẵm con hàng ngày. Họ gửi con vào các trung tâm với hi vọng đưa con hòa nhập với xã hội, cộng đồng ngày một tốt hơn.
Tâm Việt là một doanh nghiệp nên họ phải làm ăn có lãi, có lời. Chỉ đau xót là cái lãi, cái lời đó lại dựa trên nền tảng trẻ khuyết tật, những người yếm thế nhất trong xã hội.
Tại buổi làm việc của báo Vietnamnet với Phòng lao động thương binh xã hội, huyện Đông Anh - nơi trung tâm Tâm Việt đang đóng, vị trưởng phòng cho biết, Tâm Việt chuyển về địa bàn hoạt động nhưng không báo cáo, phòng cũng không nắm được.
Sau khi bị trường ĐTTD Từ Sơn, Bắc Ninh từ chối không cho thuê địa điểm, Trung tâm Tâm Việt chuyển về hoạt động trên địa bàn Đông Anh. 64 con người của Tâm Việt (bao gồm 45 người khuyết tật, trẻ tự kỷ; 4 giáo viên và 15 tình nguyện viên địa bàn hơn 1 tháng nhưng các cơ quan ban ngành Đông Anh không hề hay biết!
Chỉ đến khi báo Vietnamnet phản ánh sự thật đáng sợ bên trong trung tâm đào tạo kỷ lục gia này, Phòng Lao động thương binh - xã hội của huyện Đông Anh mới biết đến sự tồn tại của nó.
Ai cấp phép cho họ? Vì sao khi thấy vấn đề nghiêm trọng như vậy nhưng đến khi nào mới có sự thanh tra toàn diện của cơ quan chức năng? Cơ quan nào sẽ xử lý vấn đề này? Có xử lý không? Bao giờ thì xử lý? Chúng tôi vẫn đau đáu với những câu hỏi đó với mong muốn sự công bằng cần được đảm bảo, công lý được thực thi để góp phần nâng cao nhận thức chung của xã hội về căn bệnh đang ảnh hưởng đến cả triệu người này.
Văn bản của Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam yêu cầu: "Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý y tế, giáo dục, lao động thương binh xã hội, các nhà chuyên môn được đào tạo các lĩnh vực thần kinh học, vận động trị liệu, tâm lý, giao tiếp, hành vi, giáo dục đặc biệt, các hội về người khuyết tật, về trẻ em... cùng xem xét vấn đề".
Lời đề nghị khẩn thiết của lương tri đó sẽ được cơ quan nào tiếp nhận, xử lý?
Thanh Thanh
Theo vietnamnet
Tiết lộ giật mình của thạc sĩ tâm lý từng làm giáo viên ở Tâm Việt Được đào tạo bài bản chuyên ngành tâm lý nhưng cô gái từng trúng tuyển làm giáo viên ở Tâm Việt đã phải chạy mất dép sau 2 tuần thử việc tại đây. Bỏ học thạc sĩ, chỉ cần 1 năm ở Tâm Việt tương lai giỏi hơn giảng viên đại học Đó là lời ông Phan Quốc Việt - CEO Tâm Việt...