Quyền lực mềm: Trung Quốc đang vượt Mỹ
Làm điện hạt nhân cho Iran, bán vũ khí cho thành viên NATO, lôi kéo đồng minh Mỹ vào ngân hàng… bàn tay của Trung Quốc đã vươn đến đâu?
Trung Quốc đặt chân vào cuộc chơi Iran
Ngày 14/4/2015, phát ngôn viên của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi cho biết quốc gia Trung Đông này cùng với Trung Quốc sẽ hợp tác trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Tehran.
Trước báo giới, ông Kamalvandi nói: “Iran có kế hoạch sản xuất ít nhất 190.000 SWU (một đơn vị tính trong quy trình làm giàu) nhiên liệu hạt nhân ở quy mô công nghiệp và chúng tôi cũng nghĩ tới công suất 1 triệu SWU nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho 5 nhà máy điện.”
Vị quan chức này cho biết thêm: “Chúng tôi đã hợp tác với Nga về việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân như Bushehr (một nhà máy điện hạt nhân cỡ lớn của Iran). Trung Quốc cũng sẽ sớm hợp tác với Iran trong lĩnh vực này, đây là điều chắc chắn.”
Như vậy, Trung Quốc bắt đầu tham gia vào cuộc cờ “Iran hậu cấm vận”, khi mà Nga đã sôi sục chuẩn bị sẵn hàng trăm nước đi và chỉ chờ cái lệnh trừng phạt mà Liên hợp quốc áp đặt được gỡ bỏ.
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran
Nga đã nhanh chóng mời Iran tham gia vào liên minh kinh tế Âu – Á (EAEU) – một khối thương mại tự do khu vực bao gồm các quốc gia chủ yếu nằm ở phía Bắc của đại lục Âu Á. Đồng thời, Nga hợp tác hạt nhân dân sự với Iran, bán vũ khí cho Iran…
Nếu nói nước Nga nhanh chân là không đúng, mà cần nhấn mạnh rằng Moscow đã chờ đợi cơ hội này từ rất lâu. Người nhanh nhẹn mau mắn ở đây phải là Trung Quốc. Cả Tehran và Bắc Kinh trước đến nay vẫn có mối quan hệ theo kiểu nước sông không phạm nước giếng. Tuy nhiên, việc Trung Quốc luôn hậu thuẫn cho quan điểm của Nga ở Trung Đông đã khiến Iran ít nhiều có thiện cảm.
Video đang HOT
Và khi những rào cản mang tính quốc tế được gỡ bỏ, Trung Quốc nhanh chóng lao vào cuộc cờ địa chính trị ở Trung Đông bằng cách tạo dựng quan hệ mật thiết với Iran. Bản thân trong thời gian bị cấm vận, Bắc Kinh vẫn ngầm buôn bán công nghệ quân sự, vũ khí cho Iran.
Dựa vào Nga, và chính sách ngoại giao khôn khéo của mình, Trung Quốc dễ dàng tiếp xúc với những quốc gia đối lập với Mỹ. Và kết hợp với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, như một tay chơi rất sẵn tiền, Bắc Kinh có thể gây ảnh hưởng với mọi quốc gia ấy một cách dễ dàng.
Từ đó để thấy, nếu Mỹ loại bỏ được mối lo hạt nhân của Iran, thì họ lại rước vào thân hàng loạt nguy cơ về địa chính trị. Và thế trận Trung Đông tiếp tục chia đôi, được thể hiện sâu sắc qua cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Yemen.
Trung Quốc và Nga đang trong mối quan hệ bền chặt và cùng phối hợp với nhau để hưởng lợi từ đó
Quyền lực mềm của Trung Quốc
Đấy là câu chuyện với những quốc gia có đường lối chính trị đối lập với Mỹ, còn đồng minh của Washington, quyền lực mềm của Bắc Kinh đang len lỏi và gây ảnh hưởng, hoặc chí ít là gây bất đồng bằng nhiều cách khác nhau.
Về quân sự, ta có thể thấy Trung Quốc đã len lỏi vào hàng ngũ phòng thủ của NATO bằng việc bán hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Đây thực sự là một cú sốc với thị trường vũ khí Mỹ, châu Âu khi Trung Quốc đã mang những sản phẩm giá rẻ, sẵn sàng chuyển giao công nghệ, và chất lượng chấp nhận được để cạnh tranh ngay chính sân nhà của họ.
Trung Quốc cũng dần dà vươn lên thành quốc gia xuất khẩu vũ khí thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Nga. Và điều đáng buồn hơn với cả hai cường quốc trên là ngày càng nhiều thông tin tuyệt mật về công nghệ của hai quốc gia này trôi về phía Trung Quốc.
Mỹ đổ lỗi cho tin tặc, cho tấn công mạng, Nga đổ lỗi cho nạn tham nhũng và việc dùng tiền mua chuộc của Trung Quốc, nhưng dù nói ngược nói xuôi, Bắc Kinh đang thực hiện rất thành công chiến lược của mình.
Về kinh tế, những ngày tháng 3, tháng 4/2015, thế giới đặc biệt chú ý đến việc hàng loạt đồng minh châu Âu thân cận của Mỹ nộp đơn xin gia nhập làm thành viên sáng lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á của Trung Quốc. Tất nhiên Mỹ không thích điều này, bởi Bắc Kinh đang tìm cách đẩy đồng nhân dân tệ trở thành đơn vị thanh toán toàn cầu, với tham vọng như một đồng USD thứ hai.
Thổ Nhĩ Kỳ mua HQ-9 của Trung Quốc là cú sốc với cả NATO
Điểm tựa của Trung Quốc là tiền, rất nhiều tiền, cùng với quan điểm ngoại giao mềm dẻo, chính sách linh hoạt, với nước lớn thì cùng hợp tác, cùng khai thác, với nước nhỏ thì áp chế, phủ đầu, thấy lợi là làm.
Quyền lực mềm mà Trung Quốc đang thể hiện đáng sợ hơn những nguyên tắc mà Mỹ đang duy trì với cây gây và củ cà rốt đã quá xưa cũ, hoặc thậm chí “quyền lực lịch sự” của Nga cũng không nguy hiểm bằng. Quyền lực mềm mà Bắc Kinh sở hữu rổn rảng tiếng động của kim tiền, thứ mà trong thế giới đa cực như hiện nay có sức mạnh hơn tất cả.
Nếu Mỹ muốn tiếp tục duy trì vị thế cường quốc của mình mà không viện đến một cuộc chiến tranh thì có lẽ đã đến lúc họ phải chặn đứng được sức lan tỏa của Trung Quốc.
Theo Đỗ Minh Tú
Đất Việt
Du học sinh củng cố quyền lực mềm của Trung Quốc
Vượt qua Pháp, Trung Quốc thành nước thu hút du học sinh lớn thứ ba thế giới. Điều này chứng tỏ sức hút và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc lên toàn cầu,Global Times cho biết.
Du học sinh Trung Quốc nghiên cứu tại Bordeaux, Pháp - Ảnh: AFP
Năm 2014 chứng kiến Trung Quốc vượt mặt Pháp để trở thành nơi thu hút nhiều sinh viên quốc tế nhất thế giới, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) dẫn thông tin từ Đại học Thanh Hoa hôm 10.4.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục Trung Quốc, có hơn 337.000 sinh viên quốc tế học tại đại lục, chiếm 8% tổng số du học sinh toàn thế giới.
Global Times cho rằng chi tiết trên thể hiện sự phát triển của Trung Quốc và ảnh hưởng của họ với cộng đồng quốc tế. "Số lượng sinh viên quốc tế ngày càng tăng đang phản ánh sự tăng cường trong quyền lực mềm của Trung Quốc", tờ báo viết.
Trong kết quả thống kê vừa qua, Trung Quốc cũng là quốc gia có số lượng sinh viên ra nước ngoài học tập nhiều nhất thế giới. Năm 2014, có 450.000 du học sinh Trung Quốc ở nước ngoài. Mức tăng trưởng của số lượng này vào khoảng 20% mỗi năm.
Sức hút của Trung Quốc chứng minh ở điểm có tới 360.000 sinh viên đã trở về đại lục sau khi học xong, tức tình trạng "chảy máu chất xám" không nghiêm trọng.
Theo Global Times, từ khi thực hiện chính sách mở cửa năm 1978, có 1,7 triệu sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài học và số lượng trở về phục vụ đất nước này đạt 74,48%.
Những tín hiệu tích cực từ hệ thống giáo dục và đào tạo quốc tế của Trung Quốc đang tạo cơ hội để các sinh viên nước ngoài "thực sự hiểu Trung Quốc" và "tạo ra một thế hệ tư duy tiên tiến" đối với sinh viên trong nước đi du học, Global Times viết.
Một điểm yếu trong lĩnh vực này của Bắc Kinh là tình trạng sinh viên ở các nước phát triển đang có dấu hiệu suy giảm, bất chấp Trung Quốc thừa nhận các trường của họ "có thành kiến" với sinh viên khu vực, và chỉ sẵn sàng tạo điều kiện tối ưu cho sinh viên các nước phát triển.
Chính vì thế, mục tiêu sắp tới của Trung Quốc là thay đổi chiến lược, nhắm nhiều hơn đến sinh viên các nước láng giềng.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
"Chủ nghĩa Obama": Hướng nội và "không làm chuyện điên rồ" Trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống của mình, trọng tâm chiến lược của ông Obama đã biến chuyển theo xu thế "hướng nội" và giữ nguyên tắc "không làm chuyện điên rồ". Trong 6 năm cầm quyền của ông Obama, chiến lược toàn cầu và một loạt các chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đã được điều chỉnh với nhiều thay đổi...