Quyền lực “bí mật” của “chuyện ấy”
Tình dục cũng giống như tình yêu, nó có “quyền lực” riêng mà chỉ hai người trong cuộc mới biết, nhất là khi đã thành vợ chồng, họ có những quyền công khai lẫn những quy ước ngầm…
ảnh minh họa
Đáp ứng nhu cầu của nhau
Trừ những trở ngại khách quan như khi đau ốm, sinh nở hoặc gặp phải những chấn thương về thể chất hay tinh thần… người vợ và người chồng phải đáp ứng được nhu cầu tình dục của nhau thường xuyên. Mới đây Chính phủ ở một nước Hồi giáo còn thông qua một điều luật cụ thể: “Trừ những lúc đau ốm, ít nhất mỗi tuần 4 lần người vợ phải sinh hoạt tình dục với chồng một cách nồng nhiệt”. Tất nhiên phụ nữ nước này phản đối Chính phủ vì họ chỉ thiên về “quyền” của người chồng mà không đếm xỉa gì đến “quyền” của người vợ, vì đó có thể xem là một cách “áp bức” tình dục phụ nữ.
Không bỗng dưng từ bỏ tình dục
Quyền lợi nào cũng gắn liền với bổn phận, khi đã kết hôn thì không thể bỗng dưng muốn từ bỏ bổ phận làm vợ, làm chồng một cách… ngẫu hứng. Có người chồng “bỏ đói” cô vợ trẻ hàng tháng trời để buộc vợ phải làm theo ý mình là “lên đời” chiếc xe máy anh ta đang đi bằng một chiếc xe phân khối lớn hàng hiệu. Cũng có người vợ “trừng phạt” chồng vì cái tội anh ta lỡ đi bia ôm hay bồ bịch lăng nhăng. Nhưng cũng lắm khi chẳng vì một lý do rõ ràng nào cả, một trong hai người “câm như hến” trước nhu cầu ân ái của người bạn đời. Có cô vợ kể rằng chồng cô đã 3 năm rồi chỉ “sinh hoạt” với vợ có một lần khiến cô vô cùng bức xúc, đau khổ mà không biết làm sao để “đối thoại” với chồng…
Không phê phán khả năng chăn gối của nhau
Điều khiến người vợ hoặc chồng bất mãn hay bị tổn thương khi bị người bạn đời chê khả năng tình dục của mình. Chị B. bị sốc và trở nên lãnh cảm khi nghe chồng “phán” một câu rằng chị không có khả năng mang lại khoái cảm cho anh ta. Còn anh T. đã “tắt đài” khi nghe vợ “nói hành, nói tỏi” về mình “Anh ấy coi to con vậy mà… dở ẹt à!”. Nhưng ngay cả khi họ tỏ ra “mạnh mẽ” vẫn cứ bị chê theo kiểu “Ông ấy kinh lắm, chẳng đêm nào để tôi yên!. Hoặc “Bà vợ tôi thuộc loại “cọp cái”.
Chấp nhận và cải thiện
Có những đôi vợ chồng già hoặc bệnh tật, bị giảm sút hay mất hẳn khả năng “giao lưu” họ vẫn sống với nhau hạnh phúc vì tình yêu, tình nghĩa và nhiều điều thiêng liêng khác của đạo vợ chồng. Nếu chỉ một trong hai người mất “khả năng chi trả” thì người kia vẫn có sự thông cảm và chấp nhận khả năng tình dục của nhau hoặc tìm cách cải thiện bằng tâm lý, sự chăm sóc âu yếm hoặc nhờ bác sĩ điều trị.
Nhưng một khi vẫn còn “khả năng” mà không quan tâm, đáp ứng hoặc tìm cách “giả lơ” nhu cầu ân ái của người bạn đời thì họ đã tự tạo một hố cách biệt sâu sắc. Điều đó khiến mối liên hệ giữa vợ chồng trở nên lỏng lẻo, thậm chị khiến họ không còn cần thiết đối với nhau trong cuộc sống và sẽ mất đi những quyền khác như sự chia sẻ, yêu thương, gắn bó vốn là những quyền lực tối thượng giữa vợ chồng.
Theo VNE