Quyền lợi của Việt Nam sẽ không mất đi vì “đá hóa đảo” của Trung Quốc
Theo báo Đức, ở Biển Đông, Tập Cận Bình muốn gì thì ông ta sẽ lấy cái đó. Trong ý thức của ông ta, Biển Đông là thứ thuộc về ông ta.
Hình ảnh minh họa trên báo Đức (nguồn dw.de)
Philippines : vấn đề Biển Đông mấu chốt nằm ở “đường chín đoạn”
Đài tiếng nói nước Đức vừa có bài viết cho rằng, về vấn đề chủ quyền đảo đá ở Biển Đông, tuần này, Philippines và Trung Quốc lại diễn ra một cuộc khẩu chiến lớn. Philippines trước hết tuyên bố sẽ quay trở lại sửa chữa công trình sân bay trên đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” đối với vấn đề này. Bộ Ngoại giao Philippines phản hồi: so với hành động lấn biển quy mô lớn của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp, Philippines sửa chữa sân bay thực ra không thể đánh đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose vào thứ Bảy nói rằng, việc Trung Quốc trước đó công kích Philippines khôi phục thi công trên đảo ở Biển Đông “sẽ không ảnh hưởng tới vấn đề thực sự trên Biển Đông”. Theo Charles Jose, vấn đề thực sự của Biển Đông nằm ở “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) do Trung Quốc vẽ ra một cách bất hợp pháp (tức là vẽ bậy vẽ bạ).
“Đường chín đoạn” ban đầu do Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc công bố vào năm 1947, khi đó gọi là “đường 11 đoạn”, tức là trên bản đồ sử dụng 11 đoạn đường ảo để đưa khoảng 90% diện tích Biển Đông vào bản đồ Trung Quốc. Việc phân định ranh giới của bản đồ này cũng cơ bản là kế thừa của Chính phủ Trung Quốc sau này.
Bộ Ngoại giao Philippines vào thứ Bảy tái khẳng định, Philippines “có chủ quyền” đối với vùng biển tranh chấp, nước này có kế hoạch sửa chữa công trình quân sự trên đảo, đá ngầm “không thể đánh đồng với hoạt động lấn biển quy mô lớn của Trung Quốc, hành vi của Trung Quốc vừa vi phạm luật pháp quốc tế, cũng đã làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng khu vực này một cách không cần thiết”.
Hình ảnh minh họa trên báo Đức về khu vực Biển Đông (nguồn dw.de)
Các học giả địa chất cho rằng, đáy biển Biển Đông tàng trữ tài nguyên dầu khí phong phú; vùng biển này cũng là tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng, hàng năm tổng kim ngạch hàng hóa vận chuyển trên 5.000 tỷ USD. Ngoài Trung Quốc và Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan cũng đều tuyên bố có chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần đảo, đá ngầm Biển Đông. Tranh chấp lãnh thổ Biển Đông cũng là vấn đề nóng lâu dài của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tạo ra mối đe dọa đối với sự ổn định khu vực.
Vào thứ Sáu, Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao của họ có tên là Hoa Xuân Oánh cho rằng, họ “quan ngại nghiêm trọng” về việc Philippines có kế hoạch tu sửa đường băng sân bay trên đảo Thị Tứ. Hoa Xuân Oánh nói, quyết định của Philippines “không chỉ chà đạp chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, mà còn lộ ra bản chất đạo đức giả của Philippines” – giọng chửi bới thường thấy của một số quan chức ngoại giao “nước lớn”.
Năm 2014, Philippines đã chấm dứt công tác tu sửa đường băng đảo Thị Tứ, lo ngại công trình này sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đối với vụ kiện trọng tài quốc tế của nước này. Năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài quốc tế ở La Hay, Hà Lan, cho rằng, yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc đã vi phạm “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển”, đồng thời yêu cầu trọng tài phân xử. Tòa án trọng tài có thể sẽ đưa ra phán quyết vào đầu năm 2016. Trong khi đó, Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện, cho rằng chủ trương của Philippines “thiếu căn cứ pháp lý”.
Quyền lợi của Việt Nam sẽ không mất đi vì “đá hóa đảo” phi pháp của Trung Quốc
Video đang HOT
Trên Đài tiếng nói nước Đức mấy ngày qua còn có một bài viết khác, cho rằng, những năm gần đây Trung Quốc đang bành trướng mạnh mẽ trên Biển Đông; Bắc Kinh đang thông qua mở rộng đảo nhân tạo để nhấn mạnh yêu sách lãnh thổ (phi pháp) của họ đối với “vùng biển tranh chấp”.
Trung Quốc đang xây dựng phi pháp sân bay, bến cảng ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn dw.de)
Theo các nguồn tin như tờ “Jane’s Defense Weekly” Anh, Trung Quốc đang mở rộng đảo nhân tạo nhanh chóng ở vùng biển quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Ảnh chụp vệ tinh mới nhất cho thấy, công trình trên đá ngầm Gaven trong một năm nhanh chóng mở rộng, đã tăng mới một bãi đáp máy bay trực thăng, một con đê dài, một đoạn khác của đê là một đảo nhân tạo mới xây vào tháng 3 năm 2014.
Trong khi đó, ở đá ngầm Tư Nghĩa, gần đây đã tăng thêm 2 bến tàu, một bãi đáp trực thăng và 1 công trình bê tông… Trên đá Chữ Thập, cách đây không lâu vẫn chỉ có một công trình xây dựng nhỏ; nhưng từ năm 2014, thông qua lấn biển, bồi đắp (phi pháp), hiện nay diện tích đá ngầm này đã đủ để thi công đường băng máy bay và bến tàu. Hơn nữa 2 công trình này rõ ràng đang được thi công (phi pháp).
Mỹ cho rằng, trong 2 – 3 năm qua, diện tích lấn biển, bồi đắp mới của Trung Quốc trên các hòn đảo ở Biển Đông đã vượt tổng số bồi đắp của các nước trong mấy chục năm qua. Trung Quốc cho rằng, việc này thuộc “chủ quyền lãnh thổ” (yêu sách phi pháp, vô lý – hệ quả từ các cuộc chiến tranh xâm lược biển đảo Việt Nam) của họ; họ còn nói rằng, (mở rộng đá ngầm phi pháp) là để “cải thiện điều kiện sinh hoạt của nhân viên làm việc trên biển” của họ. Nhưng dư luận nghi ngờ, Trung Quốc đang xây dựng các tiền đồn quân sự ở Biển Đông.
Theo bài báo, thông quá mở rộng đá ngầm ở Biển Đông, Bắc Kinh đang muốn làm cho yêu sách lãnh thổ (phi pháp) của họ trở thành “sự thực đã rồi”. Nhưng, khi phân định lãnh thổ, thông thường chỉ xét tới diện tích tăng tự nhiên, chứ không phải công trình mở rộng nhân tạo. Vì vậy, về pháp lý, việc xây dựng rầm rộ (phi pháp của Trung Quốc) hoàn toàn không thể gây ảnh hưởng mang tính quyết định tới cục diện.
Trong tranh chấp Biển Đông, các bên như Malaysia, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Brunei hoàn toàn không vì vậy mà mất đi quyền lợi của họ. Trong khi đó, ở góc độ đấu tranh chính trị quyền lực, họ lại thực sự ở vào tình hình bất lợi.
Căn cứ quân sự hải-không quân Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong tương lai (ảnh tưởng tượng từ các trang mạng Trung Quốc)
Đối với Trung Quốc, mở rộng đá ngầm cũng có tính toán quân sự nhất định. Khác với tình hình biển Hoa Đông, lực lượng đường không của Trung Quốc không thể tiến hành tuần tra thường lệ (phi pháp) đối với Biển Đông rộng lớn. Trung Quốc thiếu cơ sở tiếp tế ở Biển Đông. Trong khi đó, thông qua thi công (phi pháp) công trình mới, Quân đội Trung Quốc có thể theo dõi (phi pháp) có hiệu quả hơn vùng biển này.
Theo bài viết, khác với Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo Trung Quốc – Tập Cận Bình hoàn toàn không cần dựa vào cường quyền để bành trướng lãnh thổ, thực hiện lợi ích chính trị quyền lực của ông ta (? Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974, xâm lược 1 phần Trường Sa năm 1988…; xâm phạm vùng biển chủ quyền Việt Nam năm 2014). Nhưng, theo bài báo, phương thức hành vi của Tập Cận Bình cũng không có gì khác với Putin. Ở Biển Đông, ông ta muốn gì thì ông ta sẽ lấy cái đó. Trong ý thức của ông ta, Biển Đông là thứ thuộc về ông ta.
Theo Giáo Dục
Trung Quốc thăng chức 2 tướng Hạm đội, tham vọng đường lưỡi bò Biển Đông
Trương Văn Đán và Quách Ngọc Quân đều là Thiếu tướng, đều phục vụ lâu dài ở Hạm đội Nam Hải, riêng Trương Văn Đán được thăng chức 2 lần trong 1 năm.
Mạng sina Trung Quốc ngày 23 tháng 3 đã có bài viết về Lễ chào đón biên đội tàu chiến Trung Quốc trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ thăm các nước trên thế giới. Bài báo cho biết, trải qua 231 ngày đêm, hành trình hơn 110.000 hải lý, đến sáng ngày 19 tháng 3 năm 2015, biên đội hộ tống tốp thứ 18 Hải quân Trung Quốc đã quay trở về, đậu tại bến cảng của một quân cảng ở Trạm Giang - thành phố cấp địa khu của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập chống cướp biển với biên đội 465 EU (ảnh tư liệu)
Theo bài báo, biên đội tàu chiến này gồm có các tàu chiến mới như tàu đổ bộ cỡ lớn Trường Bạch Sơn số hiệu 989 Type 071, tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành số hiệu 571 Type 054A (đều thuộc Hạm đội Nam Hải) và tàu tiếp tế tổng hợp Sào Hồ số hiệu 890 Type 903 (thuộc Hạm đội Đông Hải).
Tham dự buổi lễ này có Trung tướng Tưởng Vĩ Liệt - Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc. Tưởng Vĩ Liệt từng là tướng chỉ huy ở Biển Đông. Tham dự buổi lễ còn có Thiếu tướng Thẩm Kim Long - Phó Tư lệnh Đại quân khu Quảng Châu kiêm Tư lệnh Hạm đội Nam Hải; Thiếu tướng Lưu Minh Lợi - Phó Chính ủy Đại quân khu Quảng Châu kiêm Chính ủy Hạm đội Nam Hải; Trương Văn Đán - Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, Đỗ Bản Ấn - Phó Chính ủy Hạm đội Nam Hải, Quách Ngọc Quân - Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải, Niếp Thủ Lễ - Chủ nhiệm chính trị Hạm đội Nam Hải;
Phó Tư lệnh Trương Văn Đán (trái) và Tham mưu trưởng Quách Ngọc Quân của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Ngoài ra, còn có Vương Kim Phó - Tổng thanh tra an ninh Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, Lưu Tiểu Hoa - Bí thư thành ủy Trạm Giang, Hà Hâm - Phó Chủ tịch thành phố Trạm Giang; đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cục hàng hải Quảng Đông, thành phố Vận Thành - tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Tưởng Vĩ Liệt cho rằng, ngày 1 tháng 8 năm 2014, binh sĩ biên đội hộ tống tốp thứ 18 đã được giao nhiệm vụ tới vịnh Aden, vùng biển Somalia thực hiện nhiệm vụ hộ tống và thăm 5 nước châu Âu, giao lưu, diễn tập với biên đội tàu chiến các nước.
Trương Văn Đán đeo lon Thiếu tướng, được thăng chức 2 lần trong vòng 1 năm
Trải qua hơn 7 tháng, biên đội này đã hoàn thành nhiệm vụ hộ tống cho 48 tốp với 135 tàu Trung quốc và tàu nước ngoài, trước sau đã tiến hành hộ tống đặc biệt cho 8 lượt tàu, lần đầu tiên hộ tống cho tàu Viễn Vọng 3 Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ đo đạc công trình thám hiểm Mặt trăng, đã tiếp tục duy trì kỷ lục về độ an toàn của bản thân biên đội và tàu được bảo vệ.
Ngoài thực hiện nhiệm vụ hộ tống, biên đội tàu chiến này của Hải quân Trung Quốc đã đến thăm 5 nước châu Âu, trong đó đây là lần đầu tiên biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc thăm Anh, Đức và Hà Lan. Qua đây, báo Trung Quốc cho là đã tăng cường hiểu biết và lòng tin với các nước đến thăm, thúc đẩy phát triển sâu sắc quan hệ đối ngoại, đặt nền tảng tốt cho triển khai giao lưu, hợp tác thiết thực, nhiều cấp độ với 5 nước châu Âu trong tương lai.
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, biên đội tàu chiến Trung Quốc đã lần lượt tiến hành gặp gỡ giao lưu với sĩ quan chỉ huy tàu chiến hộ tống của quân đội các nước trong đó có biên đội 508 của EU, biên đội 465 của NATO; đã triển khai các hoạt động diễn tập như chống cướp biển liên hợp, cứu trợ nhân đạo với hải quân 3 nước gồm Mỹ, Pháp, Hy Lạp, không ngừng tích lũy kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ biển xa thường xuyên, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quân sự đa dạng hóa cho quân đội.
Thiếu tướng Trương Văn Đán - Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Theo tờ "Thanh niên" Trung Quốc ngày 23 tháng 3, như vậy, từ hoạt động lễ chào đón nêu trên cho thấy, nguyên Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải, Thiếu tướng Trương Văn Đán đã được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, còn Thiếu tướng Quách Ngọc Quân tiếp nhận chức Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải - vị trí Trương Văn Đán vừa để lại.
Được biết, vào tháng 1 năm 2014, ông Trương Văn Đán xuất hiện với tư cách Phó Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải. Sau đó, tướng Trương Văn Đán lại xuất hiện với tư cách là Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải trên tờ "Nhật báo Trạm Giang" ngày 18 tháng 3 năm 2014.
Trong khi đó, tướng Quách Ngọc Quân được cho là từng làm tư lệnh đơn vị 91458 - tức là căn cứ Du Lâm, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc. Trên tờ "Nhật báo Hải Nam" vào ngày 1 tháng 8 năm 2014 đã đăng phát biểu đáng chú ý của Quách Ngọc Quân với chức vụ khi đó là tư lệnh đơn vị 91458.
Khi đó, Quách Ngọc Quân nói: "Chúng ta cần biến sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo nhân dân tỉnh Hải Nam thành động lực, coi bảo vệ Biển Đông, xây dựng Biển Đông là trách nhiệm không thể thoái thác, bám chặt vào mục tiêu cường quân (hiện đại hóa quân đội), dựa vào yêu cầu đánh trận và đánh thắng trận, tập trung xây dựng tinh thần, tích tụ có trọng tâm để tìm cách đánh thắng, không ngừng tăng cường năng lực tác chiến, bằng trách nhiệm chính trị mạnh mẽ, rèn luyện phẩm chất quân sự vững vàng, tác phong chiến đấu tốt, xây dựng vững chắc Trường Thành sắt thép của Tổ quốc, giữ chắc cánh cửa lớn phía nam của Tổ quốc".
Thiếu tướng Quách Ngọc Quân - Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Như vậy, phát biểu của Quách Ngọc Quân tiếp tục thể hiện tham vọng "đường lưỡi bò" ngoan cố của Trung Quốc, cũng cho thấy, Trung Quốc vẫn đang ra sức hiện đại hóa quân đội, trong đó có hải quân, mà trọng điểm là Hạm đội Nam Hải - một hạm đội lớn triển khai ở Biển Đông, hòng làm hậu thuẫn quân sự (vũ lực) cho lòng tham biển đảo mà không có bất cứ cơ sở lịch sử và pháp lý nào của Trung Quốc.
Bài báo còn cho biết, Hạm đội Nam Hải được thành lập vào năm 1949, là một trong ba hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc, biên chế cấp phó đại quân khu.
Cũng liên quan đến sự điều chỉnh nhân sự cấp cao Hạm đội Nam Hải lần này, tờ "Đại công báo" Hồng Kông ngày 23 tháng 3 cho rằng, sự điều chỉnh thay đổi 2 chức vụ Phó tư lệnh và Tham mưu trưởng của Hạm đội Nam Hải lần này là sự tiếp diễn của điều chỉnh giai đoạn trước.
Vào cuối tháng 12 năm 2014, Tư lệnh và Chính ủy Hạm đội Nam Hải gồm Tưởng Vĩ Liệt và Vương Đăng Bình lần lượt được thăng làm Phó Tư lệnh và Phó Chính ủy Hải quân Trung Quốc. Khi đó, Phó Tư lệnh Thẩm Kim Long và Phó Chính ủy Lưu Minh Lợi của Hạm đội Nam Hải cũng lần lượt được đôn lên làm Tư lệnh và Chính ủy hạm đội này.
Theo bài báo, Trương Văn Đán và Quách Ngọc Quân lần này được thăng chức, đều đã phục vụ lâu dài ở Hạm đội Nam Hải. Trương Văn Đán từng làm các chức như Phó Tham mưu trưởng, tháng 7 năm 2010 được thăng quân hàm Thiếu tướng hải quân, trước tháng 3 năm 2014 được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải. Như vậy, trong vòng 1 năm, Trương Văn Đán đã 2 lần được thăng chức.
Còn Quách Ngọc Quân cũng mang quân hàm Thiếu tướng, trước từng là tư lệnh của Căn cứ Du Lâm - một căn cứ hải quân bố trí hướng ra Biển Đông, thuộc Hạm đội Nam Hải, là một trong những căn cứ quan trọng nhất của Hải quân Trung Quốc.
Theo Giáo Dục
Philippines: Quyết tâm kiện Trung Quốc đến cùng Thêm hơn 3.000 trang tài liệu để hỗ trợ cho vụ kiện Trung Quốc đã được Philippines gởi đến Tòa án Trọng tài Thường trực về tuyên bố chủ quyền của nước này tại Biển Đông. Động thái này chứng tỏ quyết tâm của Philippines theo đuổi vụ kiện Trung Quốc đến cùng Bộ Ngoại giao Philippines đã nộp thêm 12 tập tài...