Quyền làm chủ của dân gắn với tính thượng tôn pháp luật
Hôm 15-3, tại Hà Nội, cán bộ, công chức ngành ngoại giao Việt Nam đã nêu nhiều ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trước đó, nhiều ý kiến đóng góp của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cũng được Bộ Ngoại giao tập hợp, phản ánh về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là đợt sinh hoạt chính trị – pháp lý quan trọng của toàn ngành ngoại giao. Nhiều chuyên gia trong ngành ngoại giao khẳng định các quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thể chế hóa tư tưởng chỉ đạo về đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và Nghị quyết Đại hội XI. 28 đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại giao và gần 70 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã hoàn thành việc lấy ý kiến đối với Dự thảo. Công chức ngành ngoại giao bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với quy định tại Điều 4 của Dự thảo và nhấn mạnh sự cần thiết phải khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp.
Các đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến nội dung, cách thức lấy ý kiến hiệu quả, thiết thực tới từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Hội nghị nhất trí cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có những tiến bộ vượt bậc cả về nội dung cũng như kỹ thuật lập hiến so với các bản Hiến pháp trước đây. Dự thảo đã thể hiện nhiều điểm mới quan trọng như ghi nhận nguyên tắc quyền làm chủ của nhân dân gắn với tính thượng tôn Hiến pháp; nguyên tắc về tổ chức quyền lực nhà nước với sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, các nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân… Toàn bộ chương II của dự thảo với 28 điều về quyền con người và quyền, nghĩa vụ công dân đã thể hiện cách tiếp cận mới so với Hiến pháp năm 1992 và cơ bản phù hợp với các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia.
Hơn 2 tháng qua, cùng với hàng triệu người dân trong nước đóng góp ý kiến tâm huyết cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bà con kiều bào Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới cũng thể hiện trách nhiệm của mình với đợt sinh hoạt chính trị – pháp lý rộng lớn này. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết: Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn tuyên truyền và chỉ đạo công tác lấy ý kiến đóng góp của Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. “Bà con kiều bào có nhiều thành phần, nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, những người đóng góp tích cực nhất là những người thường xuyên về thăm quê hương”- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh khẳng định khi trả lời phỏng vấn.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo thủ trưởng cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài gặp gỡ, tiếp xúc với bà con kiều bào, trong đó cung cấp cho bà con tài liệu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, gợi ý những chủ đề đóng góp, sau đó tổng hợp ý kiến đóng góp và gửi về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cho đến nay, Bộ Ngoại giao đã tập hợp được rất nhiều ý kiến cá nhân, của các hội đoàn để phản ánh về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất đặc thù, bao gồm những đối tượng khác nhau, từ nhân sĩ, trí thức, chuyên gia cho đến người lao động và thậm chí có thái độ và động cơ chính trị cũng rất khác nhau. Bởi vậy, đợt góp ý sửa đổi Hiến pháp lần này là dịp tập hợp trí tuệ và sức mạnh của bà con Việt kiều vốn có tình cảm gắn bó với quê hương đất nước, nhận thức đúng đắn về đất nước.
Theo ANTD
Nhiều ý kiến cụ thể và thiết thực
Hôm qua 8-3, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 3 đầu cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Các ý kiến đóng góp tại hội nghị đã chỉ ra những mặt còn tồn tại của Dự thảo như: Lời nói đầu còn rườm rà, nặng về văn bản tuyên truyền. So với bản Hiến pháp 1992, Dự thảo đã rút ngắn được 1 chương và 23 điều nhưng lại rút ngắn nhiều khái niệm cần được làm rõ. Trong đó, điều 64 đề cập tới lĩnh vực văn hóa nhận được nhiều lời góp ý nhất. Các đại biểu đã nghiên cứu rất kỹ bản Dự thảo và từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn để đưa ra ý kiến.
Theo NSƯT Lê Chức, nhiều từ ngữ định tính, ít định lượng như: thuần phong mỹ tục, vi phạm đạo lý được sử dụng tại điều khoản này sẽ gây ra không ít khó khăn trong xử lý vi phạm thực tế. Vì thế, việc làm rõ khái niệm, thay thế từ ngữ định tính bằng định lượng là cần thiết. Cùng với đó, các đại biểu tập trung góp ý sửa đổi từng câu, từng chữ tại các chương, điều khoản để văn bản trở nên chặt chẽ, thống nhất và đưa Hiến pháp trở thành văn bản pháp quy, từ đó xây dựng thành các bộ luật áp dụng trong đời sống. Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp, Bộ VH-TT&DL sẽ tập hợp và có văn bản trình Ban Sửa đổi Hiến pháp.
Theo ANTD
26 tỷ đồng hỗ trợ cho 3 dân tộc đặc biệt khó khăn Năm 2013, Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh Lai Châu 26 tỷ đồng để thực hiện đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc". Ông Bùi Xuân Thu, Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh Lai Châu cho biết: "Nguồn vốn này, tỉnh Lai Châu sẽ đầu tư xây dựng các công trình giao thông tại các xã có...