Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ từ chức
Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Wolf sẽ từ chức ngày 11/1 trong bối cảnh lo ngại gia tăng về khả năng bạo lực khi Biden nhậm chức.
“Quyền Bộ trưởng sẽ từ chức lúc 23h59 (11h59 ngày 12/1 giờ Hà Nội)”, một quan chức Bộ An ninh Nội địa cho biết, song không nêu lý do khiến Wolf từ chức. Pete Gaynor, lãnh đạo Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang, sẽ tiếp quản vị trí này.
Chad là quan chức nội các mới nhất rời chính quyền Tổng thống Donald Trump sau vụ bạo loạn ở tòa nhà quốc hội hôm 6/1, sau Bộ trưởng Giao thông Vận tải Elaine Chao và Bộ trưởng Giao dục Besty DeVos. Chad từ chức khi chính quyền chỉ còn tại nhiệm 9 ngày.
Quyền Bộ trưởng Wolf tại cuộc họp báo ở Bộ Tư pháp hồi tháng 3/2020. Ảnh: AFP .
Wolf đã đảm nhận vai trò đứng đầu Bộ An ninh Nội địa (DHS) hơn một năm. Trump chính thức đề cử ông tháng 8/2019, nhưng ông chưa bao giờ được Thượng viện xác nhận. Nhà Trắng tuần trước rút lại đề cử đối với Wolf.
Sự ra đi của Wolf diễn ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn xung quanh lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden diễn ra ngày 20/1.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc bạo loạn tại tòa nhà quốc hội, Wolf cam kết sẽ giữ nguyên vị trí của mình cho đến khi chính quyền Trump kết thúc nhiệm kỳ “để đảm bảo sự tập trung của Bộ vào các mối đe dọa nghiêm trọng mà đất nước phải đối mặt và một quá trình chuyển giao quyền lực có trật tự”.
Trong thư gửi các đồng nghiệp tại DHS, Wolf trích dẫn các vụ kiện đang diễn ra xung quanh vị trí của mình là lý do khiến ông rời chính quyền sớm hơn dự định.
Video đang HOT
“Tôi rất buồn khi làm điều này, vì ý định của tôi là phục vụ Bộ cho đến khi chính quyền mãn nhiệm. Thật không may, việc tôi từ chức liên quan các sự kiện gần đây, gồm các phán quyết vô ích và đang diễn ra liên quan đến tính hợp lệ quyền hạn của tôi với tư cách quyền bộ trưởng”, Wolf viết.
Wolf giới thiệu công việc của DHS về an ninh biên giới, an ninh mạng và các vấn đề khác. Tuyên bố của ông không đề cập đến cuộc tấn công của đám đông ủng hộ Trump vào tòa nhà quốc hội.
Trong tuyên bố hôm 7/1, Wolf gọi cuộc bạo loạn là “vô lương tâm” và đề nghị Trump lên án mạnh mẽ bạo lực. Nhà Trắng công khai rút lại đề cử ông ngay sau đó, dù một quan chức Nhà Trắng nói việc rút đề cử xảy ra một ngày trước đó và không liên quan bình luận của ông hay cuộc bạo loạn.
Tin tức Wolf từ chức được đưa ra khoảng một giờ sau khi ông thông báo Cơ quan Mật vụ sẽ bắt đầu thực hiện các biện pháp an ninh đảm bảo lễ nhậm chức của Biden, sớm 6 ngày so với kế hoạch. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) được cho là đã cảnh báo khả năng xảy ra biểu tình có vũ trang trên toàn quốc bắt đầu từ 16/1.
Sự thay đổi lãnh đạo tại DHS có thể làm dấy lên lo ngại về tác động đối với khả năng của bộ trong việc giải quyết các mối đe dọa tiềm ẩn liên quan lễ nhậm chức.
Thách thức và cơ hội của Biden
Biden gặp chông gai lớn trong việc hàn gắn nước Mỹ, nhưng ông dễ dàng thúc đẩy các chính sách của mình khi đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện.
Sau khi quốc hội Mỹ chính thức chứng nhận chiến thắng của Joe Biden, lễ nhậm chức ngày 20/1 là thủ tục duy nhất còn lại để ông tiếp quản Nhà Trắng. Việc đảng Dân chủ, bên đã kiểm soát Hạ viện, thắng thêm hai ghế Thượng viện ở Georgia vào tuần trước đã giúp Biden như "hổ thêm cánh".
Phe Cộng hòa và Dân chủ hiện đều nắm 50 ghế ở Thượng viện, nhưng đảng Dân chủ sẽ giành quyền kiểm soát vì Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris, người sẽ là Chủ tịch Thượng viện, có quyền bỏ lá phiếu quyết định trong những trường hợp kết quả biểu quyết 50-50.
Tổng thống đắc cử Joe Biden phát biểu tại Delaware ngày 8/1. Ảnh: AFP .
Chia sẻ với VnExpress , Tiến sĩ Ted Gover, chuyên gia về chính sách đối ngoại và là giám đốc Chương trình Quản trị cho người Mỹ bản địa thuộc Đại học Claremont Graduate ở California, đánh giá với chiến thắng tuyệt đối này, Biden và đảng Dân chủ có cơ hội thực hiện những chương trình nghị sự đã hứa hẹn như cứu trợ Covid-19, cải cách hành pháp, xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, khôi phục các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ với nước ngoài, tham gia lại thỏa thuận hạt nhân Iran và thỏa thuận khí hậu Paris.
"Khả năng triển khai các chương trình nghị sự của Biden đã được mở rộng đáng kể", Charles R Hankla, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia ở Atlanta, Mỹ, nhận xét. Ông liệt kê ưu tiên hàng đầu của Biden sẽ là đối phó Covid-19, kích thích nền kinh tế, tăng cường phúc lợi xã hội và trấn an đồng minh.
Việc đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng đảng sẽ giúp Biden dễ dàng thúc đẩy các lựa chọn nhân sự cho những vị trí cấp cao hơn, nhưng nó không đồng nghĩa Biden có thể thực hiện mọi chính sách ông muốn . Tham vọng của ông có thể bị hạn chế bởi chính những người trong đảng, thế đa số mà đảng Dân chủ được hưởng cũng "mỏng" hơn nhiều so với thời Obama.
Tại Hạ viện, đảng Dân chủ chỉ hơn đảng Cộng hòa 12 ghế, điều này có khả năng hạn chế tham vọng hàng nghìn tỷ USD mà Biden đặt ra trong chiến dịch năm 2020 nhằm mở rộng chăm sóc sức khỏe, giảm bất bình đẳng kinh tế và chống biến đổi khí hậu, cũng như đề xuất tăng thuế với doanh nghiệp và người giàu.
Những vấn đề từ năm 2020 và bạo loạn tại tòa quốc hội Mỹ hôm 6/1 sẽ phủ bóng lên nhiệm kỳ của Biden. Gover cho rằng các thách thức Biden đối mặt trong 2021 gồm lập lại trật tự về cách kiểm soát Covid-19 sau những sai lầm chống dịch của chính quyền Trump, cung cấp các khoản cứu trợ Covid-19 nhanh chóng, ổn định quan hệ Mỹ - Trung.
Mặc dù vaccine đang được triển khai, Covid-19 vẫn giết hàng nghìn người Mỹ mỗi ngày. Trump đã thể hiện mình có công lao thúc đẩy phát triển vaccine nhanh chóng, tuy nhiên, Biden sẽ là người phải giám sát công tác hậu cần rất lớn là triển khai tiêm chủng khắp 50 bang. Chính quyền Trump đã không đạt được mục tiêu tiêm chủng 20 triệu liều trước khi hết năm 2020. Tính đến 8/1, Mỹ mới chỉ tiêm được cho gần 7 triệu người.
Trong khi Trump có thể đổ lỗi cho Covid-19 về các vấn đề kinh tế, Biden sẽ là người bị đổ dồn chú ý xem liệu ông có đưa ra được chính sách hiệu quả để phục hồi nền kinh tế trong năm 2021 hay không.
Trump đã là một đối thủ "khó chơi" khi ông thể hiện quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh hơn rất nhiều tổng thống Mỹ khác. Biden được cho sẽ không nhẹ tay với Trung Quốc nhưng ông nhiều khả năng không thể hiện giọng điệu gay gắt như chính quyền Trump.
Cuộc bạo loạn khiến 5 người chết hôm 6/1 đã bị một số báo Mỹ gọi là "ngày đen tối nhất" trong lịch sử nước này. Biden sẽ phải khôi phục niềm tin vào chính trường Mỹ và hàn gắn xã hội đang bị chia rẽ. "Các nhiệm vụ của Biden vốn đã khó khăn và cuộc bạo loạn khiến ông ấy càng gặp trắc trở trong việc đoàn kết nước Mỹ", Giáo sư David Schultz, khoa Khoa học Chính trị và Pháp lý, Đại học Hamline, Mỹ, bình luận.
"Biden sẽ cần phải bắt đầu một quá trình kéo dài hàng thập kỷ để có được sự hợp tác của các bên đối chọi và những cử tri tin rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị đánh cắp khỏi tay Donald Trump", Gover nói.
"Có lẽ thách thức lớn nhất của Biden là vượt qua sự phân cực đang làm tổn hại đến nền dân chủ Mỹ, đặc biệt là các lực lượng dân túy, phản dân chủ đang giữ ảnh hưởng lớn trong đảng Cộng hòa", Hankla nhận xét.
Tuy nhiên, Gover cho rằng Biden có cơ hội thay đổi bầu không khí chính trị Mỹ, chuyển từ phong cách gay gắt của Trump sang cách tiếp cận thỏa hiệp thông thường hơn. "Biden sẽ nỗ lực đưa giọng điệu tích cực hơn vào các bài diễn thuyết trước công chúng và sẽ cố gắng xây dựng lòng tin với các đảng viên Cộng hòa, như sử dụng cách tiếp cận tôn trọng hơn khi làm việc với đối thủ chính trị và những người chỉ trích ông".
Cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol có khả năng buộc Biden phải tăng cường khẳng định lại các chuẩn mực dân chủ vốn thường xuyên bị Trump phớt lờ. Gover chỉ ra Biden đã khẳng định hôm 7/1 rằng người được đề cử làm Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland không làm việc cho cá nhân ông mà phải "trung thành với luật pháp, hiến pháp và người dân".
Cũng trong bài phát biểu hôm 7/1, Biden chỉ ra rằng cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol cho thấy cảnh sát quốc hội có phần nhún nhường trước những người ủng hộ Trump, chủ yếu là người da trắng. Ông nhấn mạnh sự mâu thuẫn với cách lực lượng hành pháp đối xử với người biểu tình Mạng người da màu cũng quan trọng vào đầu năm nay. Biden thể hiện quyết tâm cải thiện các hoạt động hành pháp và thúc đẩy hòa giải chủng tộc.
Một điểm tích cực cho Biden là cuộc bạo loạn có thể khiến người ủng hộ ôn hòa rời xa Trump , khi Tổng thống bị coi là người kích động bạo loạn. "Tôi hy vọng bạo loạn sẽ làm suy yếu 'chủ nghĩa Trump'. Nhiều đảng viên Cộng hòa có thể kết luận rằng các lực lượng được kích động bởi chủ nghĩa dân tộc, dân túy và phân biệt chủng tộc của Tổng thống quá nguy hiểm. Có thể các đảng viên Cộng hòa sẽ bắt đầu quay lưng lại với ảnh hưởng của Trump", Hankla nói.
Bạo loạn đặt ra thách thức cho Biden về mặt đối ngoại . "Hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế suy giảm vì Trump và những gì đã xảy ra trong cuộc bạo loạn", Schultz nói.
Gover cho rằng các nhà ngoại giao Mỹ dưới thời Biden sẽ gặp khó khăn khi bảo vệ lợi ích của Mỹ ở nước ngoài và lên tiếng về các tiêu chuẩn quản trị và nhân quyền ở các nước khác.
"Cuộc bạo loạn ngày 6/1 do Trump kích động sẽ ám ảnh nền ngoại giao Mỹ trong nhiều năm, làm phức tạp nghiêm trọng những nỗ lực của Washington nhằm thúc đẩy các chuẩn mực dân chủ và nhân quyền", ông nói.
Washington yêu cầu siết an ninh trước thềm lễ nhậm chức Thị trưởng Washington Bowser yêu cầu Bộ An ninh Nội địa hành động để đảm bảo thủ đô an toàn trước thềm lễ nhậm chức ngày 20/1 của Biden. "Chúng tôi tin rằng lễ nhậm chức tổng thống lần thứ 59 vào ngày 20/1 sẽ đòi hỏi cách tiếp cận rất khác so với các lễ nhậm chức trước đó do sự hỗn...