Quỹ Vinaland bán hết danh mục, kết thúc 13 năm đầu tư ở Việt Nam
Sau khi thành lập năm 2006, Quỹ đầu tư bất động sản VinaLand đã rót hàng trăm triệu USD mua các dự án bất động sản tại Việt Nam, song những biến động trên thị trường khiến quỹ chịu thua lỗ ở khá nhiều khoản đầu tư.
Quỹ đầu tư bất động sản Vinaland thuộc VinaCapital dự kiến sẽ hủy niêm yết chứng chỉ quỹ trên sàn chứng khoán London và kết thúc hoạt động vào tháng 7, sau 13 năm hoạt động đầu tư ở Việt Nam.
Được thành lập từ tháng 3/2006, VinaLand hướng đến việc thâu tóm các dự án bất động sản và quỹ đất lớn tại nhiều tỉnh, thành phố lớn. Danh mục đầu tư của Vinaland khá đa dạng từ khu dân cư, văn phòng, khu công nghiệp và nhiều dự án khác.
Từ số vốn các nhà đầu tư góp ban đầu 204 triệu USD năm 2006 và 407 triệu USD năm 2007, quy mô của VinaLand đã tăng lên nhanh chóng và đạt tới 804 triệu USD giá trị tài sản ròng (NAV) vào giữa năm 2008.
Mặc dù vậy, thị trường bất động sản trong các năm sau khi giải ngân khiến quỹ này lao đao. Năm 2012, VinaCapital đã từng tổ chức đại hội cổ đông bất thường cho quỹ Vinalandđể gia hạn thêm thời gian hoạt động đồng thời thoái vốn khỏi các dự án địa ốc.
Từ đó đến nay, VinaLand rất tích cực tiến hành các hoạt động thoái vốn. Đến năm 2016, các cổ đông của quỹ tiếp tục thông qua việc gia hạn hoạt động thêm 3 năm và dự kiến đóng quỹ trong năm nay.
Giai đoạn từ năm 2016 đến nay cũng là thời điểm thị trường bất động sản sôi động trở lại và là ‘cơ hội vàng’ để VinaLand bán các dự án đang nắm giữ. Chỉ trong vòng 2 năm, từ tháng 6/2016 đến tháng 6/2018, NAV của VinaLand giảm từ 336 triệu USD xuống còn 47 triệu USD.
Báo cáo của VinaLand gần nhất cho biết, đến ngày 31/12/2018, quỹ này đã hoàn tất thoái vốn khỏi toàn bộ các dự án bất động sản trong danh mục. Trong đó, có nhiều dự án quy mô lớn và mang lại hàng chục triệu USD cho quỹ.
Đáng kể nhất là dự án Century 21, rộng 30ha tại khu vực Nam Rạch Chiếc (Quận 2, TP.HCM). Đây là dự án luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của quỹ Vinaland do đến khi được thoái vốn vào năm 2016. Dự án sau đó thuộc quyền kiểm soát của Tập đoàn NovaLand thông qua sở hữu gián tiếp Công ty Bất động sản Khải Hưng.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Dự án quần thể Danang Beach Resort đã được VinaLand bán lại cho tập đoàn BRG. Dự án rộng 250 ha với sân Golf 18 lỗ sau đó được đổi tên thành BRG Danang Golf Resort.
Video đang HOT
Khu căn hộ Azura, một trong những dự án thành công của VinaLand tại Đà Nẵng
Sang năm 2017, VinaLand cùng với một quỹ khác của VinaCapital là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) bán toàn bộ cổ phần tại Đại Phước Lotus – một dự án phát triển nhà ở và khu dân cư tại Đồng Nai rộng gần 200 ha. Số cổ phần này được bán cho một công ty thuộc Tập đoàn phát triển nhà đất China Fortune Land Development (CFLD) của Trung Quốc. VinaLand thu về 48,8 triệu USD từ thương vụ này.
Giữa năm 2017, Vinaland và các quỹ khác của VinaCapital tiếp tục tuyên bố thoái hết vốn tại dự án Times Square Hà Nội, thu về 41 triệu USD. Đơn vị đứng ra mua dự án là công ty Elite Capital Resources Limited, một công ty được thành lập tại thiên đường thuế.
Dự án Times Square Hà Nội được phát triển bởi liên doanh giữa VinaCapital và Công ty Thăng Long GTC, một đơn vị thành viên của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, với tỷ lệ sở hữu tương ứng 65%-35%. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, dự án bao gồm một cụm tháp văn phòng hạng A có tổng diện tích sàn 20.000m2, một khách sạn 5 sao với 300 phòng và khu trung tâm bán lẻ cao cấp. Tuy nhiên hơn 10 năm qua, Times Square Hà Nội vẫn là một khu đất trống, nằm cạnh BigC Thăng Long.
Các dự án lớn khác được VinaLand thoái vốn trong năm 2018 là Pavillion Square (37 triệu USD) và Aqua City (45,2 triệu USD) hay Capital Square (22,7 triệu USD) và Trinity Garden (23,1 triệu USD).
Trong hơn 1 thập kỷ đầu tư tại Việt Nam, VinaLand đã rót hàng trăm triệu USD để mua các dự án bất động sản. Sau khi thoái vốn, số tiền thu về sẽ được sử dụng để mua lại cổ phần quỹ từ các nhà đầu tư hoặc trả cổ tức.
Tuy vậy, không phải tất cả các khoản đầu tư của VinaLand đều có lãi. Báo cáo năm 2018 của quỹ cho biết, nhiều khoản đầu tư thua lỗ từ một đến vài triệu USD. Cụ thể, khoản đầu tư tại dự án phát triển Khu Đô thị Vĩnh Thái (Nha Trang) lỗ tổng cộng 7 triệu USD.
Tương tự, quỹ cũng lỗ 9,2 triệu USD khi vốn khỏi Công ty TNHH Vina Alliance, chủ đầu tư khu phức hợp VinaSquare, một khu “đất vàng” rộng hơn 3 ha ở quận 5 TP.HCM.
Trong giai đoạn cuối của quỹ, VinaLand đã chấp nhận bán lỗ nnhiều dự án trong danh mục như Khu đô thị Phú Hội (lỗ 4,9 triệu USD), Viet Land Development Corp (lỗ 8,7 triệu USD), dự án AA Vinacapital Tower (lỗ 1,9 triệu USD).
Theo theleader.vn
Thiếu quỹ đầu tư bất động sản
Việt Nam hiện chỉ có một quỹ đầu tư bất động sản nhưng vẫn chưa hoạt động.
Bất động sản (BĐS) cần nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn nhưng hiện tại thị trường lại phụ thuộc vào hai dòng vốn chính là tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động trước từ nguời mua. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Cần phải có nhiều quỹ đầu tư BĐS hơn để giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.
Tám năm chỉ có một quỹ đầu tư ra đời
Câu chuyện quỹ đầu tư BĐS manh nha từ năm 2012. Thế nhưng gần tám năm qua, kể từ khi có hành lang pháp lý chính thức, đến nay thị trường vẫn chỉ có một quỹ đầu tư BĐS duy nhất, quy mô 50 tỉ đồng được cấp phép thành lập. Thực tế theo khảo sát của Ủy ban Chứng khoán, hiện quỹ này vẫn chưa hoạt động.
Trước đó, trong giai đoạn tái cấu trúc thị trường năm 2011-2020, để tạo hành lang pháp lý cho loại hình này, tháng 12-2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 228 hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ.
Mất đến năm năm, đến năm 2017 quỹ đầu tư BĐS đầu tiên tại Việt Nam là Techcom Vietnam (TCREIT) do Công ty TNHH Quản lý quỹ kỹ thương quản lý mới chính thức niêm yết chứng chỉ trên thị trường chứng khoán. Tổng số vốn huy động được là 50 tỉ đồng. Hiện quỹ này vẫn chưa hoạt động vì nguồn tiền khó, việc đầu tư vào các dự án tương đối khó khăn.
Lý giải nguyên nhân các quỹ đầu tư không phát triển, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng thị trường BĐS đang có dấu hiệu giảm sút theo xu hướng của nền kinh tế.
Năm 2009-2010, thị trường sốt giá nhưng không có người mua nên đã xảy ra tình trạng khủng hoảng và đóng băng. Ở hiện tại, thị trường lại giảm sút vì nguồn cung khan hiếm dù sức mua vẫn còn đó. Những điểm siết trong quy định, thủ tục, cấp phép khiến thị trường càng vận động yếu đi.
Theo ông Nam, hiện tình trạng siết vốn tín dụng vào BĐS đã gây ảnh hưởng nhất định tới thị trường và nhiều doanh nghiệp. Tín dụng vào BĐS giảm mạnh. "Quỹ đầu tư BĐS là hướng cân bằng dòng vốn nói chung, trong đó có thị trường BĐS. Tuy nhiên, về khung pháp lý, các quy định chưa thúc đẩy hình thành và hoạt động quỹ. Trong khi đó, lý do người dân không đầu tư vào các quỹ là do gửi ngân hàng an toàn hơn. Trên thực tế nhiều quỹ có mức độ rủi ro khá cao" - ông Nam phân tích.
Quỹ đầu tư BĐS, quỹ đầu tư tín thác (REIT) được kỳ vọng tạo sức đẩy cho thị trường phát triển bền vững. Ảnh: Q.HUY
Quỹ rất cần có một bàn đạp
Đại diện VinaCapital cho rằng việc chuyển nhượng đang là rào cản khiến quỹ đầu tư BĐS tại Việt Nam rất khó phát triển. Cụ thể, quy định nhà đầu tư rót vốn 13%-30% vào quỹ sẽ mất sáu năm để chuyển nhượng lại. Thời gian được phép chuyển nhượng dài khiến họ không mặn mà tham gia.
Đại diện VinaCapital kiến nghị nên áp dụng thời gian hạn chế chuyển nhượng phù hợp hơn, chỉ khoảng một năm để kích thích nhà đầu tư. Ngoài ra, cần có chính sách nới rộng giới hạn vay lên 15% trên tổng giá trị tài sản ròng.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định việc thị trường phụ thuộc hai dòng vốn chính là tín dụng ngân hàng và huy động từ người mua tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào BĐS trong khi chưa có nguồn vốn khác thay thế. Chứng khoán chưa thực sự trở thành kênh dẫn vốn cho BĐS, các quỹ đầu tư, quỹ đầu tư tín thác chưa phát triển như kỳ vọng dẫn đến thị trường này chưa thật sự phát triển lành mạnh và bền vững.
Theo ông Châu, các quy định pháp lý về quỹ đầu tư BĐS vẫn chưa rạch ròi về loại hình. Cần có lộ trình hình thành nhiều quỹ đầu tư để tạo ra một trong những kênh cung cấp vốn ổn định cho thị trường.
Ông Châu phân tích, việc phát triển quỹ sẽ giúp mở rộng danh mục đầu tư, cung cấp công cụ cho nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp cận các dự án quy mô lớn, thu hút tối đa các nguồn tích lũy từ cộng đồng và định hướng được các khoản đầu tư vào những dự án BĐS, cơ sở hạ tầng nhiều hơn.
"Bên cạnh đó, cần hành lang pháp lý cũng như quy định cụ thể cho hoạt động của quỹ được minh bạch, tạo điều kiện phát triển thêm nhiều quỹ đầu tư BĐS trong tương lai" - ông Châu nói.
Nên miễn thuế cho quỹ đầu tư bất động sản
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, kiến nghị Nhà nước nên miễn thuế cho quỹ này. Ngoài ra, Việt Nam có thể tham khảo thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở theo mô hình của các nước như Đức, Czech, Slovakia, Hungari, Rumani... Ví dụ như khách hàng có thể thỏa thuận với ngân hàng về mức tiền tiết kiệm và thực hiện tiết kiệm hằng tháng với lãi suất cố định. Khi đã tiết kiệm được khoảng 50% giá trị nhà ở cần mua, khách sẽ vay 50% còn lại với lãi suất thấp, cố định đã thỏa thuận trước đó. Những dạng tổ chức này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người nghèo, người có thu nhập trung bình.
MINH LONG
Theo plo.vn
Các công ty chứng khoán Việt 'rót' hơn 100.000 tỷ đồng đầu tư tài chính Tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính của các công ty chứng khoán tại Việt Nam lên đến 103.900 tỷ đồng thời điểm kết thúc quý I/2019, tăng 4,5% so với hồi đầu năm. Các công ty chứng khoán Việt 'rót' hơn 100.000 tỷ đồng đầu tư tài chính Theo báo cáo tổng hợp kết quả kinh doanh quý I/2019 của...