“Quy ước mật” để bỏ qua… lỗi đăng kiểm phương tiện
Ngày 12/8, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án liên quan đến ngành đăng kiểm. Phiên tòa diễn ra với phần bào chữa của các luật sư cho nhóm bị cáo thuộc Trung tâm Đăng kiểm: 50 -05V, 50 -06V, 50 -07V.
Các trung tâm đăng kiểm khối V, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) có chức năng cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới đường bộ và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới cải tạo, trong đó có phương tiện cải tạo miễn thiết kế và phương tiện cải tạo có thiết kế.
Trong nhóm bị cáo thuộc Khối V có bị cáo Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Trung tâm 50-06V đã bàn bạc với các bị cáo khác trong Ban Giám đốc Trung tâm gồm bị cáo: Nguyễn Doãn Hồng, Trần Anh Tú để thống nhất chủ trương và chỉ đạo các Trưởng chuyền, đăng kiểm viên (ĐKV) nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi của các phương tiện đến đăng kiểm. Số tiền nhận hối lộ tùy thuộc vào loại xe, 9 chỗ đến 16 chỗ, 16 đến 45 chỗ, xe tải, sơmi rơmooc…
Các bị cáo đặt ra “quy ước” để nhận biết trên xe có tiền, hay không. Nếu xe trên xe có tiền, các ĐKV sẽ kiểm định qua loa, bỏ qua các lỗi không đạt và kiểm định “đạt” ngay lần đầu. Ngược lại, trên xe không có tiền, các ĐKV sẽ kiểm tra kỹ và ghi nhận tất cả các lỗi, in phiếu kiểm định “không đạt”.
Bị cáo Nguyễn Thanh Long chỉ đạo tập trung nhận tiền các xe của công ty dịch vụ công ích, các đối tượng môi giới có quan hệ quen biết. Tuy nhiên, đến tháng 8/2018, để có tiền tiếp khách và đưa hối lộ cho lãnh đạo Cục ĐKVN khi hoạt động, không bị kiểm tra xử lý và tăng thu nhập cho nhân viên trong trung tâm nên Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo nhận tiền hối lộ từ các phương tiện đến đăng kiểm, thực hiện việc ăn chia tiền vào cuối ngày (từ tháng 8/2018 đến 5/2022, mỗi chuyền trung bình một ngày nhận hối lộ số tiền là 6 triệu đồng, tổng 3 chuyền là 18 triệu đồng/ngày). Nguyễn Thanh Long chỉ đạo toàn bộ tiền nhận được phải giao cho Nguyễn Đình Khởi giữ để chi tiếp khách, ăn uống, quà biếu cho lãnh đạo Cục đăng kiểm 9 triệu đồng/3 chuyền (“tiền cứng”) còn lại chia đều theo tỷ lệ cho giám đốc, phó giám đốc, ĐKV, nhân viên.
Video đang HOT
Bị cáo Ngô Ngọc Sơn (cựu giám đốc Trung tâm 50 -07V) nhận ra lỗi lầm trước tòa.
Tại tòa, phần lớn các luật sư bào chữa đã thống nhất với đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh về tội danh truy tố nhưng cho rằng mức án đề nghị là quá nghiêm khắc. Các luật sư đã nêu ra các tình tiết giảm nhẹ để giảm hình phạt cho các bị cáo.
Tự bào chữa cho mình bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu giám đốc Trung tâm 50-06V) đã nhận ra lỗi lầm và xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Long mong muốn HĐXX sẽ cân nhắc thêm các tình tiết giảm nhẹ và giảm đi tình tiết tăng nặng để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo Long bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm chung số tiền nhận hối lộ tại trung tâm hơn 18,8 tỉ đồng, thu lợi bất chính gần 1,2 tỉ đồng và làm giả, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức 221 bộ hồ sơ xe cải tạo.
Bị cáo Nguyễn Thanh Long bị đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đề nghị HĐXX tuyên từ 23 – 26 năm tù về 3 tội danh: “Nhận hối lộ”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Là người cuối cùng trong ngày bào chữa bổ sung cho mình, bị cáo Ngô Ngọc Sơn (cựu Giám đốc Trung tâm 50 -07V) cũng đã nhận ra lỗi lầm do có sự buông lỏng quản lý…, bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo
Giám đốc trung tâm chỉ biết "đưa bao nhiêu nhận bấy nhiêu"
Ngày 9/8, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử 254 bị cáo với phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho các bị cáo tại Trung tâm đăng kiểm khối V trong "đại án" đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Các trung tâm đăng kiểm khối V, trực thuộc Cục ĐKVN. TP Hồ Chí Minh có 5 trung tâm khối V, trong đó có các trung tâm và chi nhánh xảy ra sai phạm gồm Trung tâm 50 - 03V, 50 - 05V, 50 - 06V, 50 - 07V.
Theo cáo trạng, lãnh đạo các trung tâm khối V có chủ trương cho phép các đăng kiểm viên (ĐKV) nhận tiền từ chủ phương tiện để bỏ qua lỗi, khiếm khuyết, hư hỏng của phương tiện khi tiến hành kiểm định và vẫn cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm cho các phương tiện. Số tiền nhận được sẽ được chia cho lãnh đạo, ĐKV, nhân viên tại trung tâm, dành một phần làm quỹ tiếp khách ngoại giao và một phần để chung chi cho lãnh đạo Cục ĐKVN.
Các bị cáo được xem là đầu vụ tại tòa.
Đặc biệt, từ thời điểm Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm Cục trưởng, Hà đã đưa ra yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm phải đặt quyền lợi của Hà là cao nhất. Từ khoảng tháng 4/2022, Đặng Việt Hà yêu cầu các Trung tâm khối V phải nộp tiền hối lộ hàng tháng cho Hà với mức cố định từ 8.000 đồng đến 15.000 đồng/phương tiện đối với tổng các phương tiện đến các Trung tâm để kiểm định. Do đó, tất cả lãnh đạo, ĐKV các Trung tâm khối V đều phải tăng cường việc nhận tiền khi kiểm định để có tiền nộp cho Hà theo yểu cầu.
Bào chữa cho thân chủ, các luật sư thống nhất tội danh và khung hình phạt đối với các bị cáo mà đại diện VKS nêu.
Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa.
Theo luật sư, trong thời gian làm Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50 - 03V, Trần Văn Chủ không được phản ánh, báo cáo về tiêu cực xảy ra tại trung tâm. Lúc đó, Trưởng chuyền là người ký quyết định đạt hay không đạt. Bị cáo Chủ có nhiệm vụ giám sát chung nên không thể có đủ cơ sở để tự phát hiện sai phạm. Trần Văn Chủ chỉ đóng vai trò giúp sức, không phải là người chủ trương hành vi nhận hối lộ. Đối với số tiền được cho là hưởng lợi bất chính hơn 2,6 tỷ đồng, luật sư đề nghị nên quy buộc bị cáo Chủ chỉ thực nhận là 360,4 triệu đồng. Bị cáo Chủ đã ăn năn hối cải, đã khắc phục toàn bộ số tiền được hưởng lợi.
Cũng theo luật sư, bị cáo Trần Văn Chủ chỉ nhận tiền khi cấp dưới đưa lên. "Đưa bao nhiêu nhận bấy nhiêu, bị cáo Chủ nghĩ do khách hàng tự nguyện đưa nên chỉ phạm vào lỗi vô ý do quá tự tin. Bị cáo tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng trong việc phát hiện tội phạm để giải quyết vụ án. Ngoài ra, bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, gia đình có công với cách mạng, bản thân là thương binh 4/4 (tham gia chiến trường Campuchia), mang nhiều bệnh tật. Cục ĐKVN cũng có đơn xin giảm nhẹ hình sự bị cáo Chủ.
Theo hồ sơ, bị cáo Trần Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-03V là người tiếp nhận chủ trương từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, thông tin với Ban Lãnh đạo và ĐKV tại trung tâm về chủ trương của Đặng Việt Hà, rồi cùng thống nhất với Ban Lãnh đạo và ĐKV tại trung tâm về việc nhận hối lộ trong hoạt động đăng kiểm nên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi "Nhận hối lộ". Theo đại diện VKS, bị cáo là người điều hành mọi hoạt động, thống nhất với Ban Giám đốc cho ĐKV nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi các phương tiện khi đến kiểm định.
Từ tháng 8/2018 đến tháng 3/2022, để đảm bảo đủ chỉ tiêu số lượt phương tiện kiểm định của Cục Đăng kiểm giao, tăng thêm thu nhập cho nhân viên, đồng thời có tiền để chung chi cho lãnh đạo Cục ĐKVN, Trần Văn Chủ cho phép các ĐKV nhận tiền hối lộ từ người đi đăng kiểm, chủ phương tiện và đối tượng môi giới để bỏ qua lỗi của phương tiện trong quá trình kiểm định để cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm.
Trần Văn Chủ bị đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đề nghị mức án từ 12 - 13 năm tù
Bắt tạm giam đăng kiểm viên Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Ngày 6/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Trần Đăng Đức (SN 1980) về tội "Giả mạo trong công tác". Bị can Trần Đăng Đức nguyên là Đăng kiểm viên hạng 2 của Chi cục Thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông...