Quy trình lựa chọn đại biểu trong bầu cử tổng thống Mỹ
Là những người có tiếng nói quyết định trong việc lựa chọn ứng viên ra tranh cử tổng thống, các đại biểu được bầu theo quy trình khác nhau trong từng đảng.
Một công dân Mỹ trình giấy phép lái xe để đăng ký bầu cử trong ngày Siêu Thứ ba ở thành phố Oklahoma. Ảnh: AFP
Trong ngày Siêu Thứ ba vừa diễn ra hôm 1/3 ở Mỹ, hai ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa đã giành thắng lợi lớn ở nhiều bang khác nhau, tạo lợi thế rất lớn trong cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ.
Bản chất của các cuộc bầu cử sơ bộ và bầu kín diễn ra trong ngày Siêu Thứ ba không phải là cử tri bỏ phiếu bầu ra các ứng viên tổng thống, mà trên thực tế, họ chỉ bầu ra các đại biểu (delegate) sẽ tham gia đại hội của các đảng diễn ra sau đó. Thông thường, những đại biểu này cam kết ủng hộ cho một ứng viên nhất định, và càng được nhiều đại biểu ủng hộ, ứng viên sẽ có cơ hội càng cao được đảng đề cử ra chạy đua chiếc ghế tổng thống.
Với việc 12 bang đồng loạt đi bỏ phiếu trong ngày Siêu Thứ ba, số đại biểu được bầu ra trong ngày này là rất lớn, gần như định đoạt ứng viên nào sẽ là người sáng giá nhất thay mặt cho đảng ra tranh cử, khi đại hội toàn quốc của hai đảng sẽ diễn ra vào tháng 7.
Theo Reuters, quy trình bầu ra đại biểu tham dự đại hội đảng diễn ra không giống nhau ở hai đảng này. Các đảng tự đề ra những quy định lựa chọn đại biểu của riêng mình. Tuy nhiên, có một điểm chung là ở đại hội đảng, một ứng viên cần phải được đa số đại biểu ủng hộ thì mới được đảng đề cử ra tranh cử tổng thống.
Đại hội đảng Dân chủ diễn ra vào 25-28/7 sẽ có khoảng 4.763 đại biểu trên toàn quốc tham dự, và để được đảng đề cử, một ứng viên phải hội đủ ít nhất 2.382 phiếu đại biểu. Sau ngày Siêu Thứ ba, bà Clinton đã nhận được sự ủng hộ của 1.052 đại biểu, trong khi đối thủ của bà là ông Bernie Sanders mới chỉ có 427 phiếu.
Đại hội đảng Cộng hòa diễn ra vào 18-21/7 với sự tham gia của 2.472 đại biểu. Sau ngày Siêu Thứ ba, tỷ phú Donald Trump đã giành được sự ủng hộ của 319 đại biểu, và ông cần thêm ít nhất 918 đại biểu ủng hộ nữa mới có thể trở thành ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa. Bám sát ông là ứng viên Ted Cruz, với 226 phiếu đại biểu sau ngày đặc biệt trên.
Siêu đại biểu
Một cụm từ thường xuyên được nhắc tới trong giai đoạn này là “siêu đại biểu” (superdelegate), khiến người ta có cảm giác rằng họ có vai trò lớn hơn so với những đại biểu thông thường. Tuy nhiên, siêu đại biểu về bản chất chỉ là những đại biểu chưa cam kết ủng hộ bất cứ ứng viên nào, và đây là nhân tố có thể làm nên bất ngờ trong cuộc đua giành vị trí được đề cử của các ứng viên. Điều đặc biệt là chỉ có đảng Dân chủ mới có siêu đại biểu.
Khái niệm “siêu đại biểu” được đưa ra lần đầu tiên trong đại hội đảng Dân chủ năm 1984, và theo nhiều nhà khoa học chính trị, đây chính là di sản của phiên đại hội năm 1980, nơi chứng kiến cuộc đấu quyết liệt giành quyền đề cử giữa Tổng thống Jimmy Carter, người rất muốn tiếp tục nhiệm kỳ hai ở Nhà Trắng, với Thượng nghị sĩ Edward Kennedy đến từ bang Massachusetts.
Video đang HOT
Tỷ phú Trump và bà Clinton đang dẫn đầu sau ngày Siêu Thứ ba. Ảnh:Courierpress
Các nghị sĩ Quốc hội đã rất tức giận với tiếng nói yếu ớt của mình trong cuộc đấu này, bởi những đại biểu đã được bầu ra để ủng hộ ứng viên nào thì sẽ không được “lật kèo” để bỏ phiếu cho người kia. Bởi vậy, các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Hạ viện đã phát động chiến dịch giành vai trò lớn hơn cho mình trong quá trình đề cử ứng viên, với kết quả là siêu đại biểu ra đời. Khác với các đại biểu thông thường, siêu đại biểu có quyền thay đổi ứng viên mà họ ủng hộ ngay trước thềm diễn ra đại hội đảng.
Đảng Dân chủ không có số lượng siêu đại biểu cố định, vì nhóm này được xác định theo nhiều tiêu chí khác nhau, và các thành viên có thể thay đổi theo từng vòng bầu cử.
Để trở thành siêu đại biểu, người đó phải là thành viên của đảng Dân chủ trong Hạ viện hoặc Thượng viện; là thống đốc một bang thuộc đảng Dân chủ; tổng thống và phó tổng thống đương nhiệm thuộc đảng Dân chủ; cựu tổng thống và cựu phó tổng thống thuộc đảng Dân chủ; cựu lãnh đạo đảng Dân chủ trong Thượng viện; cựu chủ tịch Hạ viện và cựu lãnh đạo đảng Dân chủ ở Hạ viện. Với thành phần phong phú như vậy, các siêu đại biểu sẽ xuất hiện rất đông đảo tại đại hội của đảng Dân chủ.
Đại biểu thông thường
Cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều cử các đại biểu tham dự đại hội dựa trên kết quả bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ hoặc bầu kín được tổ chức ở từng bang. Tuy nhiên, mỗi đảng lại có những quy định khác nhau về cách phân bổ đại biểu cho từng ứng viên.
Đảng Dân chủ áp dụng một bộ quy tắc giống nhau cho tất cả các bang. Tại mỗi bang, số đại biểu được phân bổ cho ứng viên theo tỷ lệ phiếu bầu trong cuộc bầu cử sơ bộ hay bầu kín, và các ứng viên phải đạt tối thiểu 15% phiếu bầu mới được phân bổ đại biểu. Ví dụ một bang có 10 đại biểu, nếu ứng viên A giành được 70% phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ, người này sẽ có được sự ủng hộ của 7 đại biểu.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa để các bang tự đề ra quy định phân bổ đại biểu của mình. Một số bang phân bổ đại biểu theo tỷ lệ phiếu bầu, miễn là ứng viên đó nhận được một tỷ lệ tối thiếu phiếu bầu. Một số bang lại áp dụng nguyên tắc “được ăn cả, ngã về không”, nghĩa là ứng viên nào giành được nhiều phiếu bầu nhất sẽ được toàn bộ đại biểu của bang ủng hộ. Một vài bang phối hợp cả hai phương pháp này.
Một người Mỹ cầm tấm biển kêu gọi mọi người đi bỏ phiếu trong ngày Siêu Thứ ba. Ảnh: AP
Các bang áp dụng phương pháp tỷ lệ phiếu bầu có thể quay sang phương pháp “được ăn cả, ngã về không” nếu một ứng viên đạt được hơn 50% phiếu bầu của cử tri.
Ngoài ra, đảng Cộng hòa quy định tất cả các bang tổ chức bầu cử sơ bộ hoặc bầu kín từ 1/3 đến 14/3 đều phải áp dụng phương pháp tỷ lệ phiếu bầu, nghĩa là các bang tổ chức bầu vào ngày Siêu Thứ ba sẽ phân bổ đại biểu cho ứng viên theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri.
Người bỏ cuộc
Sau ngày Siêu Thứ ba, có thể nhận thấy sự phân hóa rõ rệt trong tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với từng ứng viên, có những người giành được rất nhiều phiếu, nhưng cũng có những người đạt tỷ lệ ủng hộ rất thấp. Trong trường hợp này, thông thường những ứng viên cảm thấy không còn nhiều cơ hội sẽ chủ động bỏ cuộc, giống như những gì xảy ra trong các cuộc bầu cử trước.
Đối với đảng Dân chủ, ứng viên nào bỏ cuộc thì các đại biểu ủng hộ cho người đó sẽ được phân bổ cho các ứng viên còn lại.
Còn đối với đảng Cộng hòa, cách thức phân bổ đại biểu của ứng viên bỏ cuộc thay đổi theo từng bang. Ở một số bang, đại biểu được yêu cầu trung thành với ứng viên mà mình đã lựa chọn, ít nhất là cho tới vòng bỏ phiếu đầu tiên trong đại hội đảng. Còn tại một số bang khác, nếu một ứng viên bỏ cuộc, đại biểu của người này sẽ lập tức ủng hộ một ứng viên khác. Cũng có một vài bang nơi đại biểu của ứng viên bỏ cuộc được phân bổ cho các ứng viên khác.
Trí Dũng
Theo VNE
Dân Mỹ phản ứng với kết quả 'siêu thứ ba': Dọn nhà qua Canada ở
Làn sóng dọn nhà qua Canada ở, tránh gặp Donald Trump đang rầm rộ ở Mỹ sau kết quả bầu cử sơ bộ ở một loạt bang trong ngày &'siêu thứ ba', ít nhất là... trên mạng.
Trước đà thắng lợi của ông Donald Trump qua các cuộc bầu cử sơ bộ, trên mạng ầm ĩ chuyện "dời nhà sang Canada ở" - Ảnh: Reuters
Khi kết quả "siêu thứ ba" bắt đầu được công bố với thắng lợi vang dội của ứng viên Donald Trump (đảng Cộng hòa) và Hillary Clinton (Dân chủ), trên Google lập tức rầm rộ làn sóng... dọn nhà lánh nạn.
Lãnh đạo phụ trách số liệu của Google, ông Simon Rogers đã lên Twitter thông báo mức tăng đến 350% chỉ trong vòng 4 giờ của cụm từ tìm kiếm xuất phát từ Mỹ: "làm cách nào tôi có thể chuyển sang Canada sinh sống".
Nhưng đó chưa phải là mức tăng cao nhất. Đỉnh điểm của làn sóng này đến 20 phút sau thông báo của Rogers.
Còn hướng dẫn của ông Norm Kelly, ủy viên Hội thành phố Toronto (Canada) trên Twitter với đường dẫn trỏ tới Cục di trú Canada nhanh chóng nhận được 32.000 cú hồi âm.
Cùng lúc, đường dẫn "Nộp đơn di trú ở Canada" đã được đưa lên Twitter hơn 29.000 lần trong vòng 24 giờ, theo BBC.
Nhưng không phải ai cũng cảm ơn ông Kelly cùng những người hữu ích tương tự. Hẳn là vì có quá nhiều cú click vào một đường dẫn mà trang web của chính phủ Canada (trong đó có hướng dẫn nộp đơn di trú kể trên) phải chạy dòng cảnh báo: "Trang web có thể chạy rất chậm. Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề. Cảm ơn sự kiên nhẫn của bạn".
Những tuyên bố gây sốc, những chính sách kỳ quặc và những lời bài xích khó chịu từ ứng viên cứ tưởng như đùa hóa thành sáng giá nhất của đảng Cộng hòa - ông Donald Trump - thời gian qua đã khiến nhiều người nói tới chuyện sẽ rời Mỹ nếu ông này được bầu làm tổng thống.
Cụm từ tìm kiếm "làm cách nào tôi có thể chuyển sang Canada sinh sống" tăng đột biến - Ảnh: Google Trends
Nhưng làn sóng ồ ạt dời nhà sang Canada... trên mạng hay ít ra là đe dọa điều đó hoặc tìm hiểu quy trình đó giữa những kỳ bầu cử tổng thống thật ra là... truyền thống lâu đời của người Mỹ.
"Làn sóng dời nhà sang Canada" tăng vọt nhất là sau khi ông George W. Bush được bầu làm tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 vào năm 2004. Lúc đó, Cục di trú Canada cho biết lượt truy cập vào trang web đã tăng đến 6 lần.
Nhưng thiên hạ có dời nhà thật sau các động thái ảo? Diễn viên điện ảnh Alec Baldwin có lẽ là người Mỹ "dời nhà" ầm ĩ nhất. Ở cái thời mạng xã hội còn chưa kịp ra đời, hộp thư điện tử của ông này muốn nổ tung giữa chiến dịch ồn ã của ông hồi năm 2000, bảo rằng Bush mà được bầu làm tổng thống, ông sẽ rời khỏi Mỹ. Trong khi ông Bush được bầu làm tổng thống thật, không chỉ một mà đến 2 lần, Baldwin vẫn chẳng đi đâu cả!
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Ngày thống trị của bà Clinton và ông Trump Thắng lợi của bà Hillary Clinton không quá bất ngờ trong khi tỉ phú Donald Trump tiếp tục đẩy các chính trị gia Cộng hòa vào "cơn hoảng loạn". Cục diện đường đua vào Nhà Trắng 2016 đang dần thành hình ? - Ảnh: Reuters "Siêu thứ ba" 1.3 (giờ địa phương) là ngày quan trọng nhất trong mùa bầu cử sơ bộ...