Quý I/2019, tín dụng của Eximbank (EIB) tăng trưởng âm, lợi nhuận sụt giảm
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (mã chứng khoán: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất nhất quý I/2019 cho thấy, lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm 2019 của Ngân hàng đạt 350 tỷ đồng, giảm 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, tín dụng tiếp tục tăng trưởng âm.
Tính đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của Eximbank đạt 150.715 tỷ đồng, giảm 1,3% so với đầu năm.
Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,9% xuống mức 99.944 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 2,8% đạt 122.019 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sự sụt giảm lợi nhuận trong quý I/2019 của Eximbank chủ yếu đến từ chênh lệch ở khoản mục thu nhập góp vốn mua cổ phần.
Bởi trong khi quý I/2018, Eximbank có được khoản thu đột biến hơn 500 tỷ đồng từ việc thoái sạch vốn khỏi Sacombank, trong khi quý I năm nay, thu nhập từ góp vốn mua cổ phần chỉ đạt 1,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng kém khả quan hơn, có lãi đạt 23 tỷ, giảm 60% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác giảm 19%, chỉ đạt 38 tỷ đồng.
Trong khi đó, thu nhập lãi thuần tăng 24,3% đạt 829 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ có lãi 79 tỷ, tương đương với mức cùng kỳ. Hoạt động mua bán chứng khoán có lãi 46 tỷ, trong khi cùng kỳ bị lỗ 24 tỷ.
Chi phí hoạt động tăng nhẹ 6,1% lên mức 674 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Eximbank đạt 343 tỷ, giảm 51,8%.
Mặc dù được hoàn nhập dự phòng 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ phải trích lập tới 152 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế quý I/2019 của Eximbank vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 281 tỷ đồng, giảm 36,7% so cùng kỳ.
Nợ xấu của Eximbank đến cuối tháng 3/2019 là 1.895 tỷ đồng, giảm 25 tỷ so với đầu năm. Tuy nhiên, do tổng dư nợ cho vay sụt giảm nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng vẫn tăng từ mức 1,85% lên 1,88%.
Ngoài ra, Eximbank cũng còn 5.462 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 2.129 tỷ đồng.
Vân Linh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
ĐHĐCĐ VPBank: Sẽ nới "room" tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30%
Trong năm 2019 hoặc 2020, VPBank dự kiến tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm 10,28% thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank phát biểu tại đại hội.
Video đang HOT
Chiều nay (26/4), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (mã VPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.
Kế hoạch lợi nhuận 9.500 tỷ đồng
Tại đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc trình cổ đông kế hoạch kinh doanh cho năm 2019 với các chỉ tiêu: tổng tài sản tăng trưởng 16%, lên 373,6 nghìn tỷ đồng; huy động và phát hành giấy tờ có giá tăng 15%, lên 252,4 nghìn tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng dự kiến cũng tăng 15%, đạt 265,4 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ phấn đấu dưới 3%.
Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của ngân hàng dự kiến đạt 9.500 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với năm 2018.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, sau khi trích lập các quỹ, tổng lợi nhuận chưa phân phối của VPBank còn 3.431 tỷ đồng. Hội đồng Quản trị trình đại hội thông qua việc giữ lại lợi nhuận và cũng không chia các quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Tăng vốn điều lệ lên 27.899 tỷ đồng, tăng "room" ngoại lên 30%
Trong năm 2019 hoặc 2020, VPBank dự kiến tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 25.299 tỷ đồng lên 27.899 tỷ đồng (tương đương tăng 10,28%) thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành tối đa 260 triệu cổ phần, tương đương khoảng 2.600 tỷ. Số lượng phát hành cụ thể sẽ được tính toán chi tiết tại thời điểm phát hành để tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài/vốn điều lệ VPBank lên mức tối đa 30% (hiện tại đang khóa ở mức 22,532%).
Cũng tại đại hội, Hội đồng Quản trị VPBank trình kế hoạch bán cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên.
Theo đó, ngân hàng dự kiến sẽ bán 31 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 73 triệu cổ phiếu quỹ đã mua trong năm ngoái cho cán bộ nhân viên giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu.
Nguồn vốn chủ sở hữu dùng để bù đắp chênh lệch giá mua/bán cổ phiếu quỹ là lấy từ thặng dư vốn và quỹ đầu tư phát triển.
Các cán bộ nhân viên được mua cổ phiếu quỹ với giá ưu đãi, với điều kiện hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm và đươc giải tỏa dần theo tỷ lệ 30% số cổ phần CBNV được sẽ được giải tỏa sau 01 năm; 35% số cổ phần sẽ được giải tỏa sau 2 năm; 35% số cổ phần sẽ được giải tỏa sau 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt bán. Các quyền lợi phát sinh từ số cổ phần được mua (nếu có) sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Ban lãnh đạo VPBank cho bết, mục đích của đợt bán cổ phiếu quỹ này là nhằm thực hiện chính sách ưu đãi nhằm giữ chân nhân tài, các cán bộ nhân viên có đóng góp lớn đối với sự phát triển và tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng.
Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2019 hoặc tùy thuộc vào việc thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Đại hội thảo luận: Cổ đông lo lắng chính sách "siết" tín dụng tiêu dùng
Cổ đông: Xu hướng vay tiêu dùng hiện nay được đánh giá là đang đi chậm lại. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới lợi nhuận ngân hàng trong thời gian tới?
Đại diện VPBank: Đánh giá này dựa trên việc so sánh với sự tăng trưởng mạnh mẽ của cho vay tiêu dùng trong 7 - 8 năm vừa qua.
Thông thường, thị trường này sẽ tăng rất nhanh trong giai đoạn đầu, tuy nhiên, giá trị tuyệt đối tăng trưởng trong giai đoạn này lại không phải là lớn.
Trong số 16 công ty cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, FE Credit đang là một trong những công ty sở hữu số lượng khách hàng lớn nhất. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có khoảng 10 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ của chúng tôi, trong đó, số lượng khách hàng vẫn đang sử dụng dịch vụ khoảng 4,5 triệu người.
Chúng tôi khẳng định thị trường cho vay tiêu dùng vẫn đang tăng trưởng. Hiện thị trường này chỉ mới chiếm 15-16% GDP trong khi tại các nước xung quanh, tỷ lệ này cao hơn nhiều.
Do đó, chúng tôi cho rằng cơ hội tăng trưởng vẫn còn nhiều, có thể về tốc độ thì không cao bằng nhưng con số tuyệt đối thì cao hơn nhiều so với những năm trước.
Theo đó, năm nay, FE Credit và mảng Retail tiếp tục là động lực của ngân hàng. Ngoài ra còn có thu nhập từ các mảng khác như SMEs Banking, Comercial Banking. Động lực tăng trưởng và nguồn thu của VPBank ngày càng mở rộng.
Cổ đông: Năm nay VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận chỉ 3%, thấp hơn rất nhiều so với nhiều nhà băng khác?
Đại diện VPBank: Hội đồng Quản trị và Ban điều hành VPBank xây dựng kế hoạch năm 2019 trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành xuống 14-15%.
Bên cạnh đó, mục tiêu năm 2019 của VPBank là tăng trưởng chất lượng chứ không phải quy mô.
Theo kế hoạch, năm nay lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sẽ đạt khoảng 9.500 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với năm trước. Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường hơn 800 tỷ đồng từ bảo hiểm AIA thì lợi nhuận vẫn tăng trưởng 14% so với năm 2018.
Cũng trong năm nay, VPBank đặt kế hoạch xử lý dứt điểm nợ bán cho VAMC, hiện vẫn còn khoảng 3.100 tỷ đồng. Để xử lý khoản này thì ngân hàng sẽ phải trích lập và từ đó tác động đến lợi nhuận.
Với các lý do trên, kế hoạch 9.500 tỷ là một sự nỗ lực rất lớn của Ban điều hành.
Ngoài ra, VPBank đã chính thức được áp dụng tiêu chuẩn Basel II, theo đó, nhiều khả năng VPBank cũng sẽ được tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Do đó, kế hoạch lợi nhuận là khả quan.
Cổ đông: Ngân hàng Nhà nước đang có dự thảo thông tư về siết cho vay tiền mặt của công ty tài chính. Ngân hàng có kế hoạch như nào để không ảnh hưởng tới tốc độ tín dụng và lợi nhuận từ FE Credit?
Đại diện VPBank: Về dự thảo thông tư đề cập hạn chế cho vay tiền mặt, dự thảo này mới chỉ đang ở mức độ lấy ý kiến của các tổ chức ban ngành.
Trong thời gian vừa qua, cũng đã có nhiều ý kiến phản hồi, là nếu siết việc cho vay tiền mặt thì sẽ ảnh hưởng tới tín dụng tiêu dùng, là ngành còn non trẻ và đang góp phần rất lớn trong việc chống lại nạn tín dụng đen.
Chúng tôi cho rằng, nhiều khả năng việc siết lại sẽ không áp dụng. Các cơ quan soạn thảo văn bản Ngân hàng Nhà nước khi nhận được phản hồi sẽ có những quyết định phù hợp, đúng đắn.
TRẦN THÚY
Theo bizlive.vn
Ngân hàng kỳ vọng gia tăng lợi nhuận từ dịch vụ Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm 2019 tương đương với năm 2018 là 14%, hạn mức tín dụng được phân bổ xuống từng ngân hàng năm nay khó kỳ vọng cao hơn mức này. Để có thể gia tăng lợi nhuận, các ngân hàng trông chờ vào nguồn thu từ dịch vụ. Vì hạn mức...