Quý I/2016, ngân hàng lãi lớn
Tuy chưa nhiều nhà băng tiết lộ kết quả kinh doanh của quý đầu năm, song mùa ĐHCĐ gần kề cũng là lúc các ngân hàng đưa ra dự báo kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm.
Eximbank công bố đạt tới 500 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I
Theo lãnh đạo các nhà băng, so với cùng kỳ năm trước, kết quả kinh doanh quý I năm nay có phần khởi sắc do tín dụng tăng trưởng khả quan và… chưa trích lập dự phòng.
Tăng do chưa trích dự phòng
Eximbank là một điển hình khi nhà băng này vừa đưa ra thông tin cho biết, đến cuối quý I/2016, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 123.263 tỷ đồng, huy động vốn đạt 101.165 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm. Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất – kinh doanh ước đạt 500 tỷ đồng. Trong khi đó, đến nay, các tài liệu liên quan đến ĐHCĐ thường niên 2016 vẫn chưa được Eximbank tiết lộ về kế hoạch hoạt động và chỉ tiêu lợi nhuận. Eximbank sẽ tiến hành ĐHCĐ trong ngày 29/4.
Mặc dù lợi nhuận quý đầu năm luôn được Eximbank công bố ở mức cao, song đến quý IV hàng năm, nhà băng này phải trích dự phòng rủi ro lớn. Vì thế, con số lợi nhuận đưa ra trong quý I/2016 của Eximbank vẫn là dấu chấm hỏi đối với thị trường, khi không biết ngân hàng này đã trích dự phòng hay con số lợi nhuận trên là trước dự phòng rủi ro. Mới đây, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã đưa cổ phiếu EIB của Eximbank vào diện cảnh báo, do lỗ lũy kế trong 2 năm qua.
Thực tế, gần đây, Eximbank đều báo lỗ lớn vào quý cuối năm do khoản dự phòng rủi ro tăng đột biến. Năm 2015, Ngân hàng đạt vỏn vẹn 89 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và âm 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết quả này gần như không đáng kể so với chỉ tiêu 1.000 tỷ đồng trước thuế đã được ĐHCĐ Ngân hàng giao trước đó.
Con số bết bát của cả năm một phần lớn do lợi nhuận trước thuế quý IV/2015 của Eximbank âm 588 tỷ đồng, bởi Ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro lên tới 935 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức lỗ này đã giảm 33% so với cùng kỳ năm 2014.
Video đang HOT
Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu Eximbank còn 1,85%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 802 tỷ đồng, giảm 40% so với mức 1.343 tỷ đồng của năm 2014. Eximbank đang nắm giữ 5.251 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành với mệnh giá 6.230 tỷ đồng.
Một số nhà băng khác, lợi nhuận quý đầu năm cũng thường công bố hoàn thành kế hoạch hoặc vượt chỉ tiêu đưa ra. Lãnh đạo Sacombank, ACB, VPBank cũng cho hay, con số lợi nhuận đạt được trong quý đầu năm nay tương đối khả quan, song chưa tiết lộ con số cụ thể. ACB sẽ thông báo đến cổ đông trong ĐHCĐ ngày 8/4 tới.
Còn ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, HĐQT Ngân hàng đang chọn ngày họp ĐHCĐ thường niên 2016. Sacombank sẽ trình ĐHCĐ chỉ tiêu lợi nhuận trong kỳ đại hội.
Tuy nhiên, trước áp lực dự phòng tăng, các nhà băng cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay cũng sẽ có tính toán kỹ. Vì nợ xấu đã bán cho VAMC nhiều cũng đồng nghĩa với việc dự phòng rủi ro tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận thu về, kể cả cổ tức cho cổ đông.
Dự phòng sẽ tăng mạnh
Chỉ tiêu lợi nhuận 2016 được không ít nhà băng công bố trước ngày ĐHCĐ sắp diễn ra. Nam A Bank dự kiến đạt 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm; ACB đặt chỉ tiêu 1.500 tỷ đồng trước thuế, tăng 14% so với năm 2015. Năm 2016, ACB đặt chỉ tiêu tổng tài sản tăng 18%, đạt 237.000 tỷ đồng. Tín dụng của ACB sẽ tăng trưởng tối đa hạn mức Ngân hàng Nhà nước cho phép, dự kiến khoảng 18%, vốn huy động từ tiền gửi khách hàng cũng tăng trưởng ở mức 18%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%.
Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, chỉ tiêu lợi nhuận OCB dự kiến năm nay sẽ cao hơn năm 2015. Tuy nhiên, trước diễn biến của thị trường khi tín dụng bất động sản có khả năng bị “siết” lại theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, lãi suất có chiều hướng tăng và khoản dự phòng rủi ro chưa giảm khi xử lý nợ xấu còn khó khăn nên lãnh đạo các nhà băng cho rằng, khó kỳ vọng lợi nhuận cao năm nay. Không chỉ có ngân hàng nhỏ phải lo lắng với các khoản trích lập dự phòng, mà ngay cả các ngân hàng lớn cũng vậy.
Đơn cử, Vietcombank cũng là một ngân hàng bị ăn mòn lợi nhuận vì trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2015, Vietcombank đã phải trích lập dự phòng rủi ro cho vay lên tới 8.609 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm 2014.
Theo dự báo của CTCK Bảo Việt (BVSC), chi phí trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu và trái phiếu VAMC sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận chung toàn ngành ngân hàng năm 2016. Do nắm giữ lượng trái phiếu VAMC lớn, nhóm ngân hàng chưa niêm yết sẽ còn chịu nhiều áp lực đối với lợi nhuận.
BVSC tính toán trích lập dự phòng của các ngân hàng trong năm 2016 có thể tăng mạnh lên khoảng 91.374 tỷ đồng, cao hơn hẳn mức 74.828 tỷ đồng năm 2015 và 59.287 tỷ đồng năm 2014. Trong đó, dự phòng nợ xấu trong năm 2016 là 53.098 tỷ đồng, trái phiếu VAMC khoảng 38.276 tỷ đồng.
Nguyên nhân việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng tăng lên là do từ khi tiến hành Đề án Tái cấu trúc hệ thống TCTD, tỷ lệ nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu, theo báo cáo, không thay đổi nhiều. Thực tế, tổng nợ xấu của các ngân hàng đã bán cho VAMC đến cuối năm 2015 đạt hơn 200.000 tỷ đồng, song tỷ lệ xử lý mới được 10 – 15%.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng cho rằng, áp lực dự phòng đối với các ngân hàng còn lớn, do quá trình xử lý nợ xấu chưa thể đẩy nhanh hơn. Đặc biệt, khi tín dụng bất động sản “siết” lại sẽ khiến ngân hàng khó khăn trong xử lý nợ, bởi vấn đề lớn nhất đối với các nhà băng trong xử lý, thu hồi nợ chính là khâu phát mãi tài sản. Cuối năm 2015, các nhà băng kỳ vọng sang năm 2016, thị trường bất động sản ấm lên sẽ là cơ hội để phát mãi, thu hồi nợ xấu, nhưng dự thảo sửa đổi Thông tư 36 có thể dập tắt hy vọng này.
Trong khi đó, CTCK Vietcombank (VCBS) lại cho rằng, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2016 sẽ có nhiều động lực để cải thiện hơn so với năm 2015, do tín dụng duy trì mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, VCBS cũng nhận định, áp lực dự phòng rủi ro cho trái phiếu VAMC trong 2016 tương đối lớn, ước tăng khoảng 50 – 80% so với 2015 khiến tổng chi phí dự phòng được dự báo vẫn ở mức cao.
Thùy Vinh
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Tin vui cho người mua nhà gói 30.000 tỉ đồng
Đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, tiếp tục triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 02/2013 với lãi suất ưu đãi cho đến khi giải ngân hết.
Trên đây là một trong những nội dung của Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa được Chính phủ ban hành.
Với quyết định trên của Chính phủ, người mua nhà đã có thể thở phào nhẹ nhõm, bởi theo quy định gói 30.000 tỉ đồng sẽ kết thúc vào 1-6-2016. Cụ thể theo thông báo trước đó của các ngân hàng, tất cả khoản giải ngân sau ngày 1-6-2016 sẽ phải chịu lãi suất theo thị trường, thay vì mức lãi suất ưu đãi 5% của gói tín dụng này.
Trước đó Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn cho các đối tượng khách hàng, hộ gia đình vay tiền thuê, mua nhà hoặc cải tạo, với lãi suất ưu đãi của gói 30.000 tỉ đồng nếu việc giải ngân gói này đến ngày 1-6 chưa thực hiện xong.
Tuy nhiên, từ ngày 1-4 sẽ không có thêm khách hàng mới nào được vay tiền từ gói 30.000 tỉ đồng, theo quyết định vừa ban hành của Ngân hàng Nhà nước.
Khách hàng tham quan tìm mua căn hộ tại dự án được vay gói 30.000 tỉ đồng. Ảnh: QUANG HUY
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2016 cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; khẩn trương trình, ban hành theo thẩm quyền điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định hiện hành
Đồng thời tập trung rà soát, bổ sung danh sách doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý II-2016.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng gắn với bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.
Theo_PLO
Không dễ bán cổ phần cho đối tác ngoại Sau quá trình tái cơ cấu, hoạt động dần ổn định trở lại cũng là thời điểm các nhà băng bắt đầu tính đến chuyện tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để hợp tác, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh trên thị trường. SCB hiện đang trong quá trình tìm hiểu, đàm phán với các đối tác nước...