Quý I, cả nước có thêm gần 30 nghìn doanh nghiệp mới
Tính chung quý I/2020, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Bên cạnh đó, còn có 14,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2020 lên 44,5 nghìn doanh nghiệp, theo Tổng Cục Thống kê.
Tính riêng trong tháng 3/2020, cả nước có 12.272 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 131,4 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 86,2 nghìn lao động, tăng 33,9% về số doanh nghiệp, tăng 35,7% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 2/2020.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10,7 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, cả nước còn có 3.423 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 5,7% so với tháng trước và giảm 29,8% so với cùng kỳ năm trước; 2.452 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 46,3% và tăng 78,6%.
Tính chung quý I/2020, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 243,7 nghìn lao động, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và giảm 23,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả 552,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 9,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I/2020 là 903,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 14,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với quý I/2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2020 lên 44,5 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Nguyễn Thanh
Tăng tốc hành động để vực dậy nền kinh tế
Trong khi công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam trên mặt trận y tế chính thức bước vào giai đoạn thần tốc 15 ngày để giành chiến thắng thì đối sách về kinh tế cũng không để lỡ nhịp.
Tuần cuối cùng của tháng 3, nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế khác nhau đã chính thức tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng, bao gồm: các hình thức giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ từ các ngân hàng thương mại. Đây là kết quả của việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19. Sẽ có ít nhất 250 nghìn tỷ đồng trong gói hỗ trợ tín dụng được tung ra giúp các DN trực tiếp bị ảnh hưởng của dịch bệnh giảm giá vốn, cầm cự trong thời điểm khó khăn.
Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ gói hỗ trợ trị giá 80,2 nghìn tỷ đồng để cứu thanh khoản cho DN thông qua chính sách cho phép chậm nộp hàng loạt sắc thuế và chậm nộp tiền thuê đất.
Quy mô gói hỗ trợ này tăng gấp hơn hai lần so với mức 30 nghìn tỷ đồng như dự kiến ban đầu. Đồng thời, hàng loạt giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng đang được kích hoạt để nhanh chóng đưa gần 700 nghìn tỷ đồng nguồn vốn ngân sách sẵn có vào nền kinh tế, tạo ra tăng trưởng. Không dừng ở đó, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã yêu cầu các bộ, ngành tính toán nâng gói hỗ trợ cao hơn để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh đến DN và người dân, giúp nền kinh tế có thể bật dậy ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Những giải pháp chưa từng có tiền lệ cũng đang được tính đến, như xem xét khả năng cho DN vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Chính sách này được thực thi sẽ lan tỏa tới hàng triệu lao động bởi DN giảm được nguy cơ sa thải nhân lực trong lúc khó khăn, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội. Ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, Thủ tướng đã nhấn mạnh, gói hỗ trợ tài khóa cần phải được nâng lên 150 nghìn tỷ đồng hoặc hơn nữa để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn.
Là nền kinh tế có độ mở lên tới 214% GDP, chúng ta đang chịu tác động toàn diện từ dịch Covid-19 với biểu hiện tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực đều chậm lại; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Trong quý I-2020, các chỉ số về tăng trưởng GDP, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đều giảm về mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ DN tạm ngừng kinh doanh tăng đột biến. Theo các chuyên gia, việc GDP của Việt Nam quý I vẫn tăng trưởng 3,82%, trong khi nhiều nền kinh tế lớn đang rơi vào suy thoái, khủng hoảng được đánh giá là thành quả rất quan trọng. Thế nhưng, dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường và chưa đến đỉnh cho nên tác động đến nền kinh tế trong quý II có thể sẽ toàn diện và sâu rộng hơn. Vì vậy, các gói cứu trợ tung ra phải đủ lớn và đúng đối tượng thụ hưởng mới giúp DN và người dân đủ sức chống chịu.
Cả đất nước đang bước vào cuộc chiến chống dịch như chống giặc, Chính phủ đang tăng tốc hành động để sẵn sàng nắm bắt cơ hội phục hồi tăng trưởng kinh tế khi dịch bệnh đi qua. Vấn đề quan trọng là cần xây dựng được các tiêu chí cho từng gói hỗ trợ và giám sát thực hiện một cách có hiệu quả để tránh rủi ro cho nền kinh tế, nhất là các hành vi trục lợi chính sách và nguy cơ lạm phát. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có hạn, lại đang ưu tiên hàng đầu cho các giải pháp về y tế, bản thân mỗi DN cũng cần tự nỗ lực tái cơ cấu, chủ động vượt qua khó khăn và chia sẻ với Chính phủ trách nhiệm chống dịch và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh bằng nhiều cách trong phạm vi của mình. Gần một tháng nay, người cho thuê mặt bằng kinh doanh, chủ nhà trọ đã chủ động miễn, giảm giá thuê nhà; các DN tăng cường sử dụng sản phẩm của nhau để giảm gánh nặng hàng tồn kho hoặc bù đắp phần thiếu hụt nguyên liệu đầu vào... Đó không chỉ là thực hiện triết lý kinh doanh "cứu đối tác để cứu chính mình", mà còn thể hiện truyền thống tốt đẹp "lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta. Dịch Covid-19 là một cú sốc bất ngờ từ bên ngoài, có thể kéo lùi vài ba năm phát triển ngay cả đối với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Thế nhưng, với sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc thống nhất ý chí và hành động, chúng ta tự tin sẽ chiến thắng.
TÔ HÀ
Lãi 21 tỷ, công ty 'chơi trội' chi 47 tỷ trả cổ tức Công ty Cổ phần May Xuất khẩu Phan Thiết quyết định chi cổ tức 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 100%, tương ứng 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá giao dịch trên sàn chỉ 2.100 đồng. Công ty Cổ phần May Xuất khẩu Phan Thiết vừa thông qua nghị quyết chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ...