Quy hoạch trồng caosu ở Bắc Trung Bộ sau bão: Còn nhiều việc phải làm!
Caosu tại Bắc Trung Bộ (BTB), cho đến thời điểm này vẫn là câu chuyện khiến dư luận quan tâm sau thiệt hại khủng khiếp do bão số 10 và 11 gây ra. Trồng loại cây đặc tính giòn, dễ gãy giữa vùng “ rốn bão” , dù có mang lại nhiều tiền đến đâu, thì với nông dân vẫn như một “canh bạc” với ông trời. Caosu ở BTB cần được quy hoạch lại, trong đó có sự vào cuộc khẩn trương của nhiều cơ quan.
Rừng caosu bị cơn bão số 11.2013 tàn phá. Chụp tại rừng caosu huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Hải Nguyễn
Đó là những nội dung tại buổi tọa đàm “Giải pháp nào cho cây caosu ở Bắc Trung Bộ?” do báo Lao Động phối hợp với kênh truyền hình nông nghiệp nông thôn VTC16 tổ chức tại Hà Nội ngày 8.11.
Hàng ngàn hécta cây caosu gãy đổ
Kể lại giây phút chứng kiến vườn caosu hơn 8ha đổ rạp hoàn toàn sau bão số 10, ngồi trên sân khấu, ông Dương Đình Phương – chủ vườn caosu Thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình – nghẹn ngào: “Trước khi bão vào, nhìn vườn caosu nằm trơ trọi giữa trời đất mà cả gia đình tôi vẫn bất lực. Cả đời trồng caosu, hơn 30 năm nay tôi mới lại chứng kiến một cơn bão lớn giật cấp 13 như vậy. Kể cả hai hàng tràm hoa vàng chắn gió bao quanh vườn cũng đổ rạp trước cả caosu”.
Vườn nhà ông Phương đã có hơn 90% diện tích caosu bị ngã đổ hoàn toàn không thể cứu vãn. Theo ông Lê Tiến Dũng – trưởng phòng nông nghiệp huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) – toàn huyện có hơn 7.500ha caosu thì đã có 5.200ha ảnh hưởng do bão, trong đó trên 3.000ha gãy đổ hoàn toàn và tập trung vào diện tích caosu đang khai thác.
Video đang HOT
Ông Dũng cũng nhìn nhận, mặc dù có kế hoạch trồng cụ thể hằng năm, nhưng vì lợi nhuận, bà con mở rộng diện tích ở cả những vùng không nằm trong kế hoạch. Caosu vẫn được trồng ở phía đông của huyện, tuy đất tốt nhưng quá gần biển. Nhiều nông dân còn chuyển đổi trồng cây hằng năm sang hẳn caosu.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) Phạm Đồng Quảng cho biết: “Bộ NNPTNT được giao xây dựng quy hoạch caosu định hướng cho cả nước, trong đó có BTB. Dựa vào những căn cứ như kinh nghiệm phát triển caosu có từ 1960, giá caosu rất cao, đặc biệt từ 2009-2011 nên phát triển caosu tăng lên nhanh.
Chúng tôi đồng thời dựa vào lợi thế của caosu tại BTB như chịu được điều kiện khô hạn, đặc biệt từ tháng 4 – 8, chi phí đầu tư cho caosu thấp, trong 7 năm đầu chỉ từ 50-70 triệu đồng, sau một năm là có thể thu hồi vốn”. Cũng theo ông Quảng, Bộ NNPTNT chỉ quy hoạch định hướng tổng thể, còn chi tiết ở đâu, như thế nào thì do UBND các tỉnh phê duyệt.
“Tất cả diện tích caosu ở BTB theo báo cáo đều nằm trong quy hoạch, riêng 2 tỉnh có diện tích vượt so với quy hoạch tại Quyết định 750 là Hà tĩnh vượt 2.200ha và Quảng Bình vượt hơn 4.500ha” – ông Quảng nói.
Nhiều việc phải làm!
Nhìn nhận bức tranh quy hoạch tổng thể caosu ở BTB, theo GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung, caosu đang có nguy cơ giống với cây càphê, khi mà càphê lên giá thì trồng ồ ạt, còn rớt giá thì nông dân chặt đi trồng cây khác. “Quyết định 750 chỉ giao chỉ tiêu thôi chứ chưa có cụ thể hóa. Thực ra Viện Nghiên cứu caosu đã xây dựng quy trình trồng caosu rất tốt, nhưng liệu các tỉnh có quan tâm đến điều này hay không?
Và kể cả quy trình này có tính đến những điều kiện sinh thái đặc thù để đưa vào bản đồ quy hoạch?” – GS Nguyễn Ngọc Lung nêu vấn đề. Ngoài ra, theo GS Lung, thời điểm hiện tại không nên xác định phải làm kinh tế bằng mọi giá, tránh trồng theo phong trào. Caosu đang phụ thuộc quá nhiều vào giá và thị trường xuất khẩu, được giá thì nông dân có lời, nhưng nếu rớt giá, ai sẽ chịu hậu quả thay họ?
Hầu hết ý kiến đưa ra tại tọa đàm đều thống nhất, nếu trồng lại caosu, cần có phương án điều chỉnh lại quy hoạch phù hợp cho vùng BTB. Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu caosu (Tập đoàn caosu VN) Phan Thành Dũng cho biết, đã hoàn tất nội dung quy trình khắc phục và phát triển caosu ở miền Trung, dự kiến sẽ ban hành quy trình này vào cuối tháng 11 để phổ biến rộng rãi cho nông dân.
Ngoài ra, để tạo hướng mở cho tiêu thụ sản phẩm caosu, tập đoàn đang hình thành nhà máy sử dụng gỗ caosu để chế biến làm gỗ MDF có giá trị kinh tế cao. “Chúng tôi sẽ điều chỉnh vị trí trồng caosu hướng nhiều về phía tây, sử dụng giống caosu kháng gió đã được khảo nghiệm và điều chỉnh quy trình trồng. Những nơi liên tục thiệt hại nặng sẽ chuyển đổi trồng theo hướng lấy gỗ bằng cách tăng mật độ trồng lên” – ông Dũng cho biết thêm.
Về phía Bộ NNPTNT, theo ông Phạm Đồng Quảng, Cục Trồng trọt sẽ sớm ban hành quy trình kỹ thuật trồng caosu đặc thù cho vùng BTB, phối hợp địa phương để rà lại quy hoạch, xem xét lại định hướng các tỉnh, trên cơ sở đó sẽ có đề nghị UBND các tỉnh có điều chỉnh quy hoạch.
Đại diện NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN – ông Lê Hồng Sơn – cũng cho biết, sẽ cơ cấu lại các khoản nợ từ caosu để tính toán gia hạn nợ, với các hộ mất trắng caosu sẽ xem xét đề nghị Chính phủ cho phép khoanh và xóa nợ. “Nông dân trồng caosu trả nợ rất tốt, vì thế với sự trợ giúp của các ngành và sự cố gắng của người dân, chúng tôi sẽ nỗ lực miễn giảm lãi hoặc khoanh nợ phục hồi. Hộ nào có nhu cầu vay mới, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng” – ông Sơn khẳng định.
Theo Laodong
Kết luận nguyên nhân vết nứt lớn trên núi Dầu
Sau khi tiến hành thực địa, khảo sát hiện trường vết nứt trên núi Dầu ở xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), Sở TN-MT Hà Tĩnh đã đưa ra kết luận bước đầu về nguyên nhân gây ra hiện tượng này.
Ngày 30/10, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả kiểm tra, xác định nguyên nhân ban đầu về hiện tượng nứt, sụt tại núi Dầu, thôn Thượng Tiến, xã Đức Lạc.
Báo cáo nêu ra các thông số: núi Dầu cao 55,9m, sườn có độ dốc trung bình, từ bờ taluy do dân cải tạo vườn trước đây đến nhà dân gần nhất khoảng 60m. Tầng đất bị phong hóa khá dày. Hiện tượng sụt lún theo hình vòng cung ở cao độ 38m so với mực nước biển. Chiều dài lụn sún khoảng 250m, chiều rộng lớn nhất khoảng 1m, độ sâu quan sát được khoảng 1m, diện tích sụt lún đến chân đồi khoảng 6000m2. Trong phạm vi 55m về phía chân đồi có nơi xuất hiện 6 vết nứt lún rộng 20 - 30 cm, lún tạo chênh cao khoảng 10 cm. Khảo sát giếng đào của dân ở chân đồi sâu khoảng 6m, chủ yếu là tầng phong hóa mềm bở. Dưới chân núi Dầu đoạn qua khu vực khảo sát sụt lún hiện có 6 hộ gia đình, trong đó có 5 hộ có nhà ở và đang sinh sống.
Vết nứt trên núi Dầu (Rú Dầu) gây hoang mang cho người dân xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh
Từ những thông số trên, Sở TN-MT Hà Tĩnh đi đến nhận định, nguyên nhân của hiện tượng sụt lún tại núi Dầu là do tầng đất đá phong hóa dày, hộ dân cải tạo vườn cắt chân đồi, ngoài ra thời gian mưa kéo dài gây nên sụt lún do trọng lực.
Báo cáo cũng nhận định, khu vực sụt lún có nguy cơ sạt lở, nhất là khi mưa lớn có thể gây mất an toàn đến tính mạng và tài sản của các hộ dân ở chân núi.
Trước thực trạng nêu trên, Sở TN-MT đã có yêu cầu huyện Đức Thọ chỉ đạo UBND xã Đức Lạc có biển báo nguy hiểm tại khu vực sụt lún, không cho người, gia súc qua lại khu vực này. Ngoài ra, Sở đề nghị UBND tỉnh có văn bản gửi Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ là cơ quan chuyên ngành tiến hành khảo sát, đánh giá nguyên nhân, phạm vi, mức độ nguy hiểm của việc sụt lún.
"Sau khi có kết quả khảo sát, đánh giá của Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ, nếu mức độ nguy hiểm, đề nghị UBND huyện Đức Thọ khẩn trương lập phương án di dời các hộ dân ở phía dưới khu vực sụt lún" - báo cáo nêu rõ.
Văn Dũng - Xuân Sinh
Theo Dantri
Tìm thấy thi thể hai cô giáo bị lũ cuốn trôi Đến 11 giờ trưa nay 17/10, thi thể cô giáo Nguyễn Thị Đinh Hương, giáo viên Trường Tiểu học Liên Trạch (xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) bị lũ cuốn trôi đã được phát hiện cách nơi gặp nạn khoảng 200m. Trước đó, sáng 16/10, hai cô giáo ở TP Đồng Hới trên đường lên Trường Tiểu học xã Liên Trạch,...