Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Cởi trói các dự án ‘vất vưởng’ hàng chục năm
Hiện hàng chục nghìn héc ta đất ven bờ sông Hồng đang để hoang hóa, bị lấn chiếm hoặc khai thác kém hiệu quả. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được thông qua như một chiếc “chìa khóa vàng” mở cánh cửa ngăn cách giữa nội đô và 2 bên bờ sông Hồng.
Bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) sử dụng chưa hiệu quả. Ảnh: P.V
Năm 1992, các hộ dân tại phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) nhận được thông báo từ chính quyền phường về việc thỏa thuận đền bù khu đất để thành phố triển khai Dự án Sông Hồng City. Kể từ đó đến nay đã gần 30 năm, dự án không triển khai, người dân phải sống tạm bợ trong chính ngôi nhà mình.
Dự án Sông Hồng City đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 1995, nằm trong ranh giới nghiên cứu Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Dự án này cần phải thống nhất đồng bộ với nghiên cứu Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Trong khi đó, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vẫn đang “treo” bởi chưa đồng nhất được với Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Bên kia sông Hồng là khu đất hàng trăm ha ngoài đê thuộc quận Long Biên, đang để hoang hóa. Trong đó 3 dự án lớn là khu nhà ở, biệt thự của Cty CP Him Lam, dự án sân Golf, dự án Cảng Giang Biên. Đại diện UBND quận Long Biên cho biết, khi còn cơ chế đầu tư theo hình thức BT (xây dựng- chuyển giao) đổi đất lấy hạ tầng, một số doanh nghiệp thực hiện các công trình để đổi lấy khu đất ven sông. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch phân khu nên không lập được quy hoạch tập trung, đất bãi không thể khai thác được. “Nếu quy hoạch phân khu sông Hồng được thực hiện, chắc chắn sẽ có sự khởi sắc của các dự án bất động sản ven sông”, đại diện UBND quận Long Biên nhận định.
Dọc tuyến sông Hồng từ huyện Đan Phượng tới quận Tây Hồ (Hà Nội) – diện tích đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông rộng tới cả nghìn ha. Hiện các hộ dân ở đây chỉ được khai thác tạm thời bởi không có quy hoạch, chỉ được đấu thầu nhiều nhất là 5 năm.
Lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết, huyện có 3 xã Liên Trung, Liên Hồng, Liên Hà canh tác nông nghiệp tại đất bồi ngoài đê. Các bãi đất ngoài đê chỉ được thuê tối đa 5 năm, do đó một số nhà đầu tư tâm huyết muốn đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao, nhà lưới… chưa dám triển khai.
Video đang HOT
Giải tỏa bức xúc cho hàng vạn hộ dân
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chưa được phê duyệt cũng đồng nghĩa nhiều dự án chưa có cơ sở để điều chỉnh quy hoạch, triển khai xây dựng. Bên cạnh đó, trật tự xây dựng, quản lý đô thị khu vực này trở thành gánh nặng với chính quyền địa phương.
Khảo sát tại các phường Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ), Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), Bạch Đằng, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng)… cuộc sống của người dân ngoài đê vô cùng vất vả. Vướng quy hoạch chưa được phê duyệt, nhiều người dân sống chật vật trên mảnh đất của chính mình. Anh Linh (phường Yên Phụ) cho biết, để xin được giấy phép xây dựng, anh phải vất vả xin thỏa thuận đê điều với Sở NN&PTNT Hà Nội. Giấy phép cũng chỉ được cấp tạm để xây dựng với chiều cao hạn chế.
Tại phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), hiện có khoảng hàng trăm hộ dân sinh sống, xây dựng nhà cửa ở ven đê sông Hồng. Dù có nhiều hộ dân đã sinh sống ổn định nhiều năm, song vẫn có trường hợp lấn chiếm đất nông nghiệp (xen kẹt) xây nhà ở. Việc này khiến cho chính quyền phường vất vả kiểm tra, cưỡng chế các công trình vi phạm.
Ông Trần Xuân Hà, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) cho biết, là phường thuộc quận trung tâm nhưng vấn đề xây dựng lại gặp nhiều khó khăn. Ngoài những khu vực được cấp phép xây dựng tạm, khu bờ vở dọc sông không được phép xây dựng mới. Những hộ dân đang sinh sống tại đây chỉ được phép cải tạo nguyên trạng nhà khi xuống cấp.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, quy hoạch càng sớm được phê duyệt thì việc quản lý trật tự xây dựng, kêu gọi các nhà đầu tư vào các khu vực ngoài đê càng thuận lợi. Quy hoạch sẽ giải quyết được các bức xúc của người dân ngoài đê bao năm qua.
Trao đổi với báo chí về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa được Ban Cán sự Đảng UBND thành phố trình lên Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn thông tin: “Hà Nội sẽ hướng đến xây dựng khu vực này thành một đô thị sinh thái, kết nối phía bắc và nam sông Hồng. Đây sẽ là những giá trị đặc thù, không gian riêng và là nội dung chính của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tương lai”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, phân khu đô thị sông Hồng nằm trên đoạn sông dài 40 km, quỹ đất khoảng 11.000 ha. Quy hoạch thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc địa bàn 13 quận, huyện. Dân số ước tính theo quy hoạch dao động 280.000- 320.000 người. “Trước đây, chúng ta hay nói là thành phố quay lưng với sông Hồng, tới đây sẽ quay mặt ra sông Hồng để tạo một trục không gian, hành lang xanh quan trọng”, ông Tuấn nói.
Chuyên gia giải thích về hiện tượng nước sông Hồng đổi màu, trong xanh như "ngọc"
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, sự mất đi màu đỏ quen thuộc của sông Hồng, chính là vì bị mất đi phù sa của nó.
Những ngày qua, nhiều người dân sinh sống tại Lào Cai không còn xa lạ với dòng nước sông Hồng bất ngờ chuyển màu xanh như "ngọc". Nước trong xanh đến nỗi, người dân có thể nhìn được cận cảnh rong, rêu mọc xen giữa các hòn đá cuội dưới lòng sông.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tượng trên là do phía Trung Quốc xả nước thủy điện vào mùa khô.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN khẳng định, hiện tượng đó liên quan đến lượng phù sa trong nước bị mất đi.
Hình ảnh nước sông Hồng chuyển màu trong, xanh như "ngọc". Ảnh: Phạm Ngọc Hiển
GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích, sông Hồng bao gồm nhánh chính là sông Thao và 2 nhánh phụ là sông Lô và sông Đà. Thượng nguồn sông Thao nằm ở đất Trung Quốc được gọi là sông Nguyên, bắt nguồn từ địa phận Mao Thảo Tiêu thuộc huyện Nguỵ Sơn, châu Đại Lý, tỉnh Vân Nam.
"Sông Hồng đi qua nhiều huyện thị của tỉnh Vân Nam, rồi chảy vào địa phận xã A Ma Sung, huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai. Do sông Nguyên đi qua những vùng đất hoàng thổ, nên phù sa của nó có màu đỏ và chúng ta gọi là sông Hồng", GS.TS Vũ Trọng Hồng cho hay.
"Giai đoạn này bắt đầu là mùa khô, nên có thể người dân ở thượng nguồn đang lấy nước sông có lớp phù sa trên mặt để tưới ruộng, khiến dòng sông trở thành trong xanh", GS.TS Vũ Trọng Hồng nhận xét thêm: "Giống như ở Việt Nam chúng ta trước đây, tỉnh Thái Bình đã có một thời đi đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp và được vinh danh là quê hương 5 tấn. Bởi chính Thái Bình đã có kinh nghiệm vận hành cống lấy nước để lấy sa vào ruộng".
Hình ảnh nước sông Hồng chuyển màu trong xanh được ghi tại đoạn đi qua tỉnh Lào Cai. Ảnh: Phạm Ngọc Hiển
Vậy hiện tượng nước trong xanh này có gây biến đổi dòng chảy trên sông không?
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, những biểu hiện biến đổi dòng chảy trên sông, như xói lở, bồi lắng bờ sông thì không bị ảnh hưởng. Bởi chỉ những chất di đẩy như cát, sỏi, đá di chuyển ở sát đáy sông mới có tác dụng và chính việc xây dựng thuỷ điện trên sông mới gây ra hiện tượng biến đổi dòng chảy.
"Còn hiện tượng đổi màu chỉ làm giảm năng suất cây trồng ven sông, không có biểu hiện gì ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Hồng", GS.TS Vũ Trọng Hồng đánh giá.
Để kết luận, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng: "Chúng ta không quá lo lắng vì thiếu phù sa sông Hồng mà năng suất cây trồng bị giảm, bởi Việt Nam đã có kinh nghiệm canh tác để giữ được sự màu mỡ đất đai bao nhiêu thế hệ rồi. Biện pháp luân canh, trồng các loại cây xen kẽ, bón các loại phân hữu cơ, bón thúc bằng loại phân hoá học... đều có tác dụng vừa tạo ra năng suất, vừa giữ được sự màu mỡ của đất trồng".
Nước sông Hồng từ Trung Quốc về Lào Cai bất ngờ xanh: Chuyên gia nói gì? Chuyên gia môi trường lý giải về hiện tượng nước sông Hồng chảy từ Trung Quốc đổ về qua Lào Cai, bất ngờ chuyển màu xanh... Nước sông Hồng chảy từ Trung Quốc qua địa phận Lào Cai những ngày qua mang màu xanh Gần đây, dư luận quan tâm tới thông tin nước sông Hồng chảy từ phía Trung Quốc về qua...