Quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN không ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư
Doanh nghiệp hoàn toàn có thể phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn từ nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp. Nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp có thể ủy thác đầu tư trái phiếu riêng lẻ thông qua nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Cần duy trì các quy định của pháp luật để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Ảnh: Internet
Đó là nội dung đáng chú ý tại báo cáo về việc tiếp thu giải trình ý kiến đại biểu quốc hội của Chính phủ về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước đó, thảo luận về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị quy định chặt chẽ điều kiện về phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp.
Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn theo hướng chặt chẽ các điều kiện của doanh nghiệp để phát hành trái phiếu riêng lẻ, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện dự án đầu tư.
Một số ý kiến đồng tình quy định phát hành trái phiếu của công ty không phải đại chúng tại dự thảo luật này, tuy nhiên cần có những quy định chặt chẽ để quản lý việc phát hành trái phiếu; cần luật hóa một số điều ở nghị định và giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể hơn.
Có ý kiến đề nghị xem xét trái phiếu doanh nghiệp là đối tượng quản lý theo Luật Chứng khoán. Trong Luật Doanh nghiệp chỉ quy định về cơ bản, còn chi tiết phải đưa vào quy định tại Luật Chứng khoán để đảm bảo quản lý chặt chẽ và đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư. Có ý kiến đề nghị thận trọng trong việc quy định doanh nghiệp nào cũng được phát hành trái phiếu.
Về nội dung này, theo Báo cáo số 73/BC-CP của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu quốc hội đối với Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, hoàn thiện các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ trên cơ sở kế thừa các quy định tương tự trong Dự thảo Luật Chứng khoán mà Chính phủ đã trình Quốc hội.
Báo cáo nêu rõ một số nội dung dự kiến hoàn thiện. Theo đó, xác định rõ đối tượng được phát hành riêng lẻ trái phiếu bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần không phải là đại chúng. Việc phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành riêng lẻ trái phiếu của công ty đại chúng sẽ thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán.
Video đang HOT
Quy định rõ điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, bao gồm: trái phiếu riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp dự án PPP huy động vốn qua trái phiếu…
Trên cơ sở quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết hơn về loại trái phiếu, điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục phát hành và giao dịch trái phiếu riêng lẻ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần không phải là đại chúng.
Theo báo cáo này, thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự phát triển nhanh và chuyển dịch dần kênh huy động vốn từ tín dụng ngân hàng sang phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có ít thông tin và khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, hoặc khi các doanh nghiệp lạm dụng, triển khai các hình thức huy động vốn trái phiếu thiếu minh bạch.
Do đó, rất cần duy trì các quy định của pháp luật để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư mua trái phiếu và hạn chế doanh nghiệp lạm dụng phương thức này để huy động vốn thông qua các quy định về hạn chế đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và giới hạn việc chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Các quy định hạn chế này không ảnh hưởng đến quyền của các nhà đầu tư khác không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và lợi ích của doanh nghiệp vì doanh nghiệp hoàn toàn có thể phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn từ nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp. Nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp có thể ủy thác đầu tư trái phiếu riêng lẻ thông qua nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Xuân Yến (Baodauthau.vn)
Điều kiện để nhà đầu tư PPP được chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu
Tất cả các dự án PPP đều áp dụng cơ chế chia sẻ khi tăng doanh thu, nhưng với các dự án giảm doanh thu, thì phải có thêm điều kiện mới được chia sẻ rủi ro.
Nhà đầu tư PPP sẽ được chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu
Một trong những nội dung được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm khi Luật PPP được dự thảo, đó là cơ chế chia sẻ doanh thu như thế nào.
Liên quan về vấn đề này, trong văn bản được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây ít ngày, Chính phủ cho biết, hiện Dự thảo Luật PPP quy định cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu theo hướng điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng PPP trong trường hợp doanh thu thực tế không như doanh thu trong phương án tài chính quy định tại hợp đồng trong một số trường hợp và đáp ứng điều kiện theo quy định.
Đối với một số dự án trọng điểm, trường hợp sau khi đã thực hiện cơ chế trên nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu cần thiết, thì Chính phủ và nhà đầu tư cam kết chia sẻ phần giảm thu và phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Trên thực tế, đa số đại biểu Quốc hội đều đồng thuận với sự cần thiết phải có cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu với nhà đầu tư được đề xuất tại dự thảo Luật.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến yêu cầu Chính phủ phải cân nhắc, quy định rõ về nguyên tắc chia sẻ, cấp có thẩm quyền quyết định, điều kiện, đối tượng áp dụng, nguồn tiền để xử lý khi rủi ro giảm doanh thu xảy ra, cách thức kiểm soát và quản lý rủi ro tài chính quốc gia, trong đó đặc biệt lưu ý việc tạo sự bình đẳng với cơ chế chia sẻ 50% giữa Nhà nước và tư nhân.
"Đây là nội dung mới, khó và là một trong các nội dung then chốt cần được tập trung nghiên cứu, đề xuất phương án có tính khả thi tại Dự án Luật", Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội như vậy.
Là nội dung mới và khó, nên trong giai đoạn này, Chính phủ đề nghị phương án tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội theo hướng là sẽ phân biệt cơ chế chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu và chia sẻ khi tăng doanh thu.
Cụ thể, tất cả các dự án PPP đều áp dụng cơ chế chia sẻ khi tăng doanh thu. Trong khi đó, đối với cơ chế chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu, thì sẽ bổ sung một số điều kiện thực hiện và trường hợp được áp dụng cơ chế này. Đó là sẽ chia sẻ rủi ro doanh thu khi doanh thu thực tế bị ảnh hưởng bởi lỗi của phía Nhà nước.
Về nguồn xử lý khi rủi ro phát sinh, Chính phủ cho biết, hiện tại Dự thảo Luật đang thiết kế theo hướng sử dụng nguồn dự phòng vốn đầu tư công trung hạn; nghiên cứu, cân nhắc bổ sung quy định HĐND cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định việc chia sẻ rủi ro cho các dự án PPP đủ điều kiện, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong phạm vi quản lý, ngân sách của địa phương.
Doanh nghiệp PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Trong khi đó, liên quan vấn đề thành lập và hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP, Dự thảo Luật PPP hiện quy định doanh nghiệp dự án được thành lập chỉ nhằm mục đích duy nhất là thực hiện dự án theo hợp đồng với mô hình công ty TNHH hoặc công ty cổ phần và được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thực hiện dự án PPP.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định như dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, Dự thảo Luật cần bảo đảm tuân thủ Luật Doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp dự án PPP không quy định tại Luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến yêu cầu điều chỉnh lại thời điểm doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Chính phủ, thì theo quy định tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp 2014, trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó.
Theo đó, Chính phủ nhấn mạnh, các quy định đặc thù đối với doanh nghiệp dự án PPP tại Dự thảo Luật là đồng bộ, không xung đột với Luật Doanh nghiệp.
Liên quan đến thời điểm doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu, Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm việc với các Ủy ban của Quốc hội để đề xuất phù hợp trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật và dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Hà Nguyễn (Theo Baodauthau.vn)
"Nhiều khoản vay dự án BOT có nguy cơ thành nợ xấu" Cho đến thời điểm hiện tại ngân hàng cho vay dự án BOT đạt 110.000 tỷ đồng, thì đến 1/2 là doanh thu không đạt như dự kiến... Dự thảo Luật PPP đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 14 được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên...