Quy định về chống chuyển giá sẽ được sửa đổi toàn diện
Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị định quy định về quản lý thuế với giao dịch liên kết, theo đó sẽ sửa đổi toàn diện Nghị định 20 với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và “gia cố” thêm các quy định nhằm chống chuyển giá.
Tính đến hết tháng 5, cơ quan Thuế các cấp đã thực hiện được 15.195 cuộc thanh tra, kiểm tra. Ảnh Thùy Linh.
Thanh tra 48 doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 5, cơ quan Thuế các cấp đã thực hiện được 15.195 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra được 163.726 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Từ đó, tổng số tiền xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 20.737,73 tỷ đồng; tăng thu ngân sách nhà nước 8.686,14 tỷ đồng.
Đáng chú ý, với hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp có giao dịch liên kết, 5 tháng đầu năm, ngành Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 48 doanh nghiệp. Từ đó truy thu, truy hoàn và phạt 173 tỷ đồng; giảm lỗ 891 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 1.000 tỷ đồng.
Video đang HOT
Về đối tượng doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, Tổng cục Thuế thông tin, trong tổng số gần 4.000 doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết phát sinh khoản chi phí lãi vay, có hơn 700 doanh nghiệp có tỷ lệ chi phí lãi vay/EBITDA vượt ngưỡng 20% (hơn 450 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trên 250 doanh nghiệp nội địa). Khoản chi phí lãi vay bị loại khỏi chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp của số doanh nghiệp này khoảng 18.000 tỷ đồng/năm. Trong số đó, khoản chi phí lãi vay của các doanh nghiệp trong nước được loại trừ ở mức trên 10.000 tỷ đồng/năm. Các doanh nghiệp này có tỷ lệ chi phí lãi vay vượt 20% đều có quy mô khoản vay lớn, thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng, sản xuất và phân phối điện,… có hoạt động liên doanh liên kết khá cao.
Tuy nhiên, theo Nghị định 20/2017NĐ-CP, cách xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù thì tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA). Chính vì vậy, nó đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong 2 năm qua.
Sửa đổi toàn diện Nghị định 20
Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phải sửa đổi Nghị định 20 theo hướng nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30%. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Tài chính đã quyết định sửa đổi toàn diện Nghị định 20 với mục tiêu vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa củng cố thêm các quy định nhằm chống chuyển giá.
Theo Dự tháo Nghị định quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giáo dịch liên kết đang được Bộ Tài chính xây dựng, tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.
Cũng theo Dự thảo, phần chi phí lãi vay không được trừ kể trên được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định kể trên (30% EBITDA). Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng giao dịch liên kết để trốn thuế, né thuế, Bộ Tài chính sẽ quy định cụ thể các giao dịch liên kết phát sinh trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của người nộp thuế có quan hệ giao dịch liên kết bao gồm mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài chính, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.
Lấy ý kiến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 20 về giao dịch liên kết
Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Dự kiến Nghị định thay thế sẽ áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2019 trở đi.
Theo nội dung dự thảo, giao dịch vay, cho vay của người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết bao gồm tổng chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ của người nộp thuế (chi phí lãi vay bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay thuần cộng chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.
Trong đó, doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay và các khoản có tính chất tương tự xác định theo quy định của pháp luật về kế toán và thuế. Chi phí lãi vay sẽ bao gồm cả các khoản có tính chất tương tự lãi vay, chi trả tiền vay được tính vào giá trị đầu tư.
Dự thảo nêu rõ, trường hợp tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay thuần cộng chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế nhỏ hơn hoặc bằng 0, thì chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ được chuyển toàn bộ và liên tục vào chi phí lãi vay thuần được trừ theo quy định để xác định thu nhập chịu thuế của 5 năm tiếp theo theo quy định xác định lỗ và chuyển lỗ của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quy định này không áp dụng với người nộp thuế là đối tượng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật Kinh doanh bảo hiểm; các giao dịch vay, cho vay của các dự án công ích, xã hội, dự án mục tiêu, trọng điểm thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Chính phủ được Bộ Tài chính thẩm định phương án tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Dự kiến nếu được thông qua, Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2019 trở đi.
Thùy Linh
Theo haiquanonline.vn
Sửa đổi toàn diện quy định về chống chuyển giá Bộ Tài chính đã quyết định sửa đổi toàn diện nghị định 20 năm 2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Thay vì việc sửa đổi đúng một từ của Nghị định 20 năm 2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết do bị doanh nghiệp...