Quy định mới về quản lý, sử dụng nhà chung cư
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD và Điều 3 của Thông tư số 28/2016/TT-BXD. Theo đó, Quy chế này áp dụng đối với nhà chung cư có mục đích để ở và nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp dùng để ở và sử dụng vào các mục đích khác, bao gồm căn hộ dùng để ở, cơ sở lưu trú du lịch, công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng và các công trình khác.
Việc quản lý, sử dụng nhà chung cư được thực hiện trên cơ sở tự nguyện cam kết, thỏa thuận giữa các bên nhưng không được trái pháp luật về nhà ở, pháp luật có liên quan và đạo đức xã hội.
Liên quan đến Hội nghị nhà chung cư lần đầu quy định tại Điều 13, Thông tư 02/2016/TT-BXD được sửa đổi như sau: Hội nghị nhà chung cư lần đầu phải được tổ chức trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã được bàn giao cho người mua, thuê mua (không bao gồm số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua). Trường hợp quá thời hạn quy định đó mà tòa nhà chung cư chưa có đủ 50% số căn hộ được bàn giao thì hội nghị nhà chung cư được tổ chức sau khi có đủ 50% số căn hộ được bàn giao.
Hội nghị của cụm nhà chung cư được tổ chức khi có tối thiểu 50% số căn hộ của mỗi tòa nhà trong cụm đã được bàn giao cho người mua, thuê mua (không bao gồm số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua) và có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ của từng tòa nhà đã nhận bàn giao đưa vào sử dụng đồng ý nhập tòa nhà vào cụm nhà chung cư.
Video đang HOT
Đối với hội nghị của tòa nhà chung cư lần đầu thì số lượng người tham dự cuộc họp phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự. Trường hợp không đủ số người tham dự quy định này thì trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức họp hội nghị được ghi trong thông báo mời họp, chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi có nhà chung cư tổ chức hội nghị nhà chung cư.
Hội nghị nhà chung cư lần đầu quyết định các nội dung sau đây: Quy chế họp hội nghị nhà chung cư (bao gồm họp lần đầu, họp thường niên và họp bất thường); Quy chế bầu Ban quản trị nhà chung cư, tên gọi của Ban quản trị, số lượng, danh sách thành viên Ban quản trị, Trưởng ban, Phó ban quản trị (nếu nhà chung cư có thành lập Ban quản trị); kế hoạch bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư cho các thành viên Ban quản trị;
Sửa đổi, bổ sung nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư (nếu có); Các nội dung quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều này; đối với giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư thì hội nghị nhà chung cư quyết định trên cơ sở quy định của Quy chế này và thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành; Các khoản kinh phí mà chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư phải đóng góp trong quá trình sử dụng nhà chung cư; Các nội dung khác có liên quan.
Cuộc họp này cũng phải thông báo giá dịch vụ phải trả phí như bể bơi, phòng tập, sân tennis, khu spa, siêu thị và các dịch vụ khác (nếu có) và các đề xuất khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư cần báo cáo hội nghị nhà chung cư lần đầu.
Quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích khác trong nhà chung cư theo nguyên tắc 1 m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 01 phiếu biểu quyết.
Ngoài ra, thông tư cũng sửa đổi quy định thành phần tham dự và việc biểu quyết tại hội nghị nhà chung cư; thù lao cho các thành viên Ban quản trị, nguyên tắc chi tiêu kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu; quy định về chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì đối với nhà chung cư có mục đích để ở; sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 3 của Thông tư số 28/2016/TT-BXD quy định về số lượng thành viên Ban quản trị nhà chung cư, cụm nhà chung cư; đơn vị thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư…
Nam Phong
Theo Nhịp sống kinh tế
TPHCM: Tăng cường quản lý về nhà chung cư
UBND TPHCM vừa giao Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý cấp phép xây dựng công trình nhà chung cư
Trong đó, TPHCM yêu cầu đơn vị này cần xác định phần diện tích sở hữu chung và sở hữu riêng của các chủ sở hữu, không để phát sinh tranh chấp, khiếu nại về sau; giám sát việc thực hiện cam kết của các chủ đầu tư trong quá trình khai thác, quản lý, sử dụng nhà chung cư; đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư cho phù hợp với thực tế.
UBND TPHCM sẽ đưa hệ thống tổ chức cấp phường-xã, thị trấn tham gia vào công tác quản lý nhà nước về nhà chung cư trên địa bàn.
Nhằm khắc phục các hạn chế trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư trên địa bàn, TPHCM cho rằng về lâu dài, kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay. Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do ban quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỷ lệ % do Hội nghị nhà chung cư quyết định.
Chính phủ cần có biện pháp chế tài xử lý đối với các vi phạm trong công tác quản lý sử dụng chung cư như: chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư; vi phạm Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư; Ban quản trị nhà chung cư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư thường niên; các thành viên ban quản trị nhà chung cư không tham gia lóp bồi dưỡng kiến thức về quản lý, sử dụng nhà chung cư...
Bộ Xây dựng cần ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn xác định diện tích để xe đạp, xe cho người tàn tật, xe động cơ hai bánh và xe ô tô, tránh phát sinh tranh chấp; hướng dẫn việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu nơi để xe tại chung cư đối với trường hợp sau ngày Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực thi hành đến trước ngày Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực thi hành; hướng dẫn mô hình hoạt động của ban quản trị theo Hội đồng quản trị của hợp tác xã hoặc của công ty cổ phần.
UBND quận-huyện, phường-xã, thị trấn sẽ chịu trách nhiệm về giải quyết các tranh chấp, khiếu nại cũng như tình hình trật tự xã hội tại nhà chung cư; đồng thời giải quyết tình hình tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Sở Xây dựng cần tăng cường kiểm tra, giải quyết dứt điểm các tranh chấp khiếu nại về việc chiếm dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; giải quyết các tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư; xác định diện tích sở hữu, sử dụng chung riêng của nhà chung cư; nghiệm thu, đánh giá chất lượng xây dựng nhà chung cư; tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Nam Phong
Theo Trí thức trẻ
Sửa Luật Doanh nghiệp: Nan giải tìm tiếng nói chung cho quyền cổ đông Tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa qua, đại diện cho Ban soạn thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhắc đi nhắc lại mục tiêu cốt lõi là cần đảm bảo cân bằng và dung hòa lợi ích...