Quy định khống chế chi phí lãi vay: 3 hướng gỡ khó
Hai năm qua, nhiều doanh nghiệp liên tục kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi quy định về giới hạn chi phí lãi vay khi tính chi phí được trừ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp song vẫn chưa được giải quyết.
Các công ty con có nguồn vốn hạn chế và khả năng vay vốn yếu nên phải nhờ đến các công ty mẹ vay vốn về cho vay lại. Ảnh: Minh Dũng
Bị tăng thuế bất hợp lý
Nghị định 20/2017/NĐ-CP (NĐ20) và Thông tư 41/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/5/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, với đối tượng áp dụng là tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết.
Khoản 3 Điều 8 NĐ20 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA)”. Cơ quan thuế cho biết, đây là quy định nhằm chống gian lận trong chuyển giá để trốn thuế.
Theo phản hồi từ cộng động doanh nghiệp, quy định này hiện được nhiều cơ quan thuế địa phương áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam, tổng công ty, công ty mẹ – con, bất kể các công ty này có mức thuế thu nhập doanh nghiệp không giống nhau, ở giai đoạn mới đi vào hoạt động hay đã đi vào hoạt động được một thời gian dài.
Quy định này đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ có nguồn lực vốn hạn chế và khả năng vay vốn yếu nên phải nhờ đến các công ty mẹ vay vốn về cho vay lại. Để tháo gỡ khó khăn này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, bất động sản và chứng khoán đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính song vẫn chưa được giải quyết.
Mới đây nhất, Nhóm công tác về thuế và hải quan của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ( VBF) đã kiến nghị và đề xuất cách giải quyết với Bộ Tài chính về nội dung này.
Theo ông Mark Gillin, Trưởng Nhóm công tác thuế và hải quan của VBF, việc áp dụng quy định này với các dự án đầu tư mới đi vào hoạt động là không hợp lý vì doanh nghiệp trong thời kỳ mới thành lập có thể doanh thu còn thấp dẫn đến EBITDA rất nhỏ.
Video đang HOT
Do đó, nếu áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay như trên cho thời gian mới đi vào hoạt động này thì doanh nghiệp có khả năng bị loại phần lớn hay toàn bộ chi phí lãi vay khỏi chi phí được trừ, làm tăng thuế phải nộp của doanh nghiệp một cách bất hợp lý.
Xem lại việc áp quy định với công ty mẹ – con
Ông Mark Gillin kiến nghị, với mô hình công ty mẹ – công ty con có mức thuế thu nhập doanh nghiệp giống nhau không nên áp dụng quy định này, do các giao dịch cho vay/vay liên quan không nhằm mục đích tránh thuế, và nên được khuyến khích thực hiện để tăng hiệu quả hoạt động của mô hình này.
Đặc biệt, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con thường phát sinh các giao dịch cho vay theo mô hình công ty mẹ đi vay và cho công ty con vay lại. Các doanh nghiệp này, đặc biệt là các tập đoàn quy mô lớn, chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cách xử lý thuế này.
Để giải quyết bất cập nêu trên, Nhóm công tác kiến nghị Bộ Tài chính/Tổng cục Thuế sửa đổi Khoản 3 Điều 8 của NĐ20 theo một số hướng.
Một là, tổng chi phí lãi vay bị khống chế không vượt quá 20% EBITDA trong kỳ là chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và thu nhập từ hoạt động cho vay của người nộp thuế.
Hai là, không áp dụng quy định trên đối với các dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng trong thời gian từ 3 đến 5 năm, tính từ khi bắt đầu có doanh thu.
Ba là, đối với người nộp thuế là tổng công ty, công ty mẹ – công ty con ở cùng lãnh thổ Việt Nam, cùng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thì áp dụng trên báo cáo tài chính hợp nhất của người nộp thuế.
Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang tổng hợp các ý kiến nêu vướng mắc, từ đó sẽ có đánh giá các tác động, mức độ ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp kiến nghị và trình Chính phủ trong thời gian tới để có định hướng sửa đổi.
Hoàng Oanh
Theo baodauthau.vn
Khống chế chi phí lãi vay gây khó cho doanh nghiệp?
Quy định của Nghị định 20 về khống chế chi phí lãi vay bên cạnh việc chống chuyển giá đối với các tập đoàn đa quốc gia cũng có những tác động rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP "Về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết" quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế". Điều khoản này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam (VNREA), quy định khống chế lãi vay theo Nghị định 20 không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật DN năm 2014, không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn cho DN.
Vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của DN nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh, đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh BĐS.
Quy định này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các DN nói chung và DN kinh doanh trong các ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn nói riêng, khiến các DN e ngại.
"Quy định khống chế chi phí lãi vay đã tạo ra rào cản đối với hoạt động vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hợp pháp của DN", ông Nam nói.
Đặc biệt, ông Nam cho rằng quy định này sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện nay, bởi trong các tập đoàn kinh tế, công ty mẹ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay lại các đơn vị thành viên.
Điều này dẫn đến quy định của Nghị định 20 tạo ra rào cản trong cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, lại không đồng tình với những quan điểm "kêu khó" về quy định của Nghị định 20.
Theo ông Châu, Luật Nhà ở quy định về vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại bao gồm: Vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư; vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.
Ông Châu cho rằng, ngoài 4 nguồn vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại nêu trên, các DN có thể huy động thêm nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư BĐS, quỹ đầu tư tín thác BĐS (REIT), hoặc phát hành trái phiếu DN để giảm dần sự phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo quy định của pháp luật, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng chỉ là một trong các nguồn cấp vốn cho DN. Trong khi đó, hiện nay, các DN BĐS lại đang dựa vào hai nguồn vốn chính là nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng. DN rất cần nguồn vốn tín dụng ngân hàng để thực hiện dự án cho đến thời điểm đủ điều kiện huy động vốn từ khách hàng.
Tuy nhiên, nếu phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính càng lớn thì độ rủi ro cho DN càng cao và có thể dẫn đến "bong bóng" trên thị trường BĐS. Đó cũng chính là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS.
Theo ông Châu, việc thực hiện quy định "trần tổng chi phí lãi vay được trừ tối đa là 20%" theo Nghị định 20 và lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết và sẽ tạo áp lực tích cực, lành mạnh, buộc các DN BĐS phải nâng cao uy tín thương hiệu, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng.
Như vậy, DN cần tăng nguồn vốn chủ sở hữu, chuyển đổi thành công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán. Đồng thời, DN cần tìm kiếm nguồn vốn bổ sung từ các quỹ đầu tư, từ nguồn vốn FDI, hoặc thông qua hợp tác, liên doanh, liên kết, phát hành trái phiếu.
"Các quy định của Nghị định 20 là việc bình thường của Nhà nước trong khâu quản lý để đấu tranh chống chuyển giá", ông Châu nói.
Khánh An
Theo vnmedia.vn
Khống chế chi phí lãi vay: Không phải hổ, có cần trói chặt? Quy định khống chế chi phí lãi vay không vượt quá 20% tại Nghị định 20 được ban hành nhằm chống gian lận thuế khi kê khai giá giao dịch liên kết. Tuy nhiên chỉ có hổ mới phải trói chặt, còn doanh nghiệp trong nước đa phần chỉ là mèo con. Việc khống chế chi phí lãi vay đang gây khó cho...