‘Quy định CSGT không mang quá 100.000 đồng là buồn cười’
“Chẳng lẽ ngành công an không còn cách nào kiểm soát tiêu cực nên mới đưa ra quy định như vậy. Nếu cảnh sát nhận hối lộ nhưng thông qua cô hàng nước giữ dùm thì sao”, đại biểu HĐND TP HCM Võ Văn Sen lên tiếng.
Theo ông Võ Văn Sen, quy định trên sẽ gây khó khăn cho người làm nhiệm vụ giao thông. Chẳng hạn, khi anh cảnh sát chẳng may bị hỏng xe giữa đường thì đành chịu vì số tiền 100.000 ngàn chỉ đủ ăn uống, đổ xăng…
“Quy định này hơi buồn cười, giống như ngày xưa cấm lực lượng công an uống rượu thì họ về nhà đóng cửa trước, uống phía sau. Giờ cảnh sát vẫn nhận hối lộ nhưng thông qua cô hàng nước giữ dùm thì cũng không có gì khó khăn. Chẳng lẽ ngành công an không còn cách nào để kiểm soát cảnh sát tiêu cực nên mới đưa ra quy định như vậy” ông Sen nói.
Ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND cũng cho rằng, biện pháp này hoàn toàn không khả thi và không thể đạt được mục đích. Ông Quân đưa ra dẫn chứng, trước đây khi có tình trạng nhân viên của các trạm thu phí ở Bình Dương ăn bớt tiền, người ta cũng đã nghĩ ra việc may túi của nhân viên thu phí dính chặt lại để họ khỏi dấu tiền thu được nhưng không hiệu quả.
Video đang HOT
Quy định của công an thành phố bị đánh giá là không khả thi. Ảnh: Quốc Thắng.
“Tôi nghĩ quy định 100.000 đồng này cũng là phiên bản mới của việc may túi như trên mà thôi, chẳng giải quyết được gì. Thêm nữa, việc này ảnh hưởng tới cá nhân mỗi chiến sĩ CSGT”, ông Quân nêu quan điểm.
Theo ông Quân, lập luận 100.000 là đã đủ để các CSGT ăn sáng, uống nước không thuyết phục. CSGT ngoài việc thực hiện pháp luật, công vụ thì họ cũng là một công dân bình thường. Họ vẫn phải có những khoản chi tiêu, sinh hoạt. Nếu chỉ đem theo 100.000 trên người khi gặp sự cố như hỏng xe thì tiền đâu để sửa?
Cũng theo ông Quân, chuyện cấm CSGT không được sử dụng điện thoại trong khi làm nhiệm vụ cũng không đúng. “CSGT đang làm nhiệm vụ mà cần đồng nghiệp hỗ trợ, hoặc gặp tình huống nguy hiểm cần giúp đỡ thì sẽ giải quyết thế nào trong khi bộ đàm chưa trang bị đầy đủ?”, ông Quân thắc mắc.
Ngoài lo ngại về tính khả thi của biện pháp này, các đại biểu HĐND cũng đóng góp những giải pháp mong có thể giải quyết tận gốc rễ tiêu cực của CSGT.
Ông Lê Trương Hải Hiếu cho rằng, ngoài việc tăng cường giáo dục đạo đức, về trách nhiệm, nghĩa vụ của người chiến sĩ công an thì cũng cũng cần có chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý hơn như về lương, thưởng… Thành phố nên cho phép CSGT được hưởng phần trăm “hoa hồng” trên biên bản xử lý như đối với thanh tra xây dựng, trật tự đô thị hiện nay được hưởng 10% cho người trực tiếp lập biên bản. Đây mới là những biện pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết gốc rễ tình trạng tiêu cực trong CSGT.
Còn ông Lâm Thiếu Quân thì đề nghị, Công an thành phố nên thường xuyên tổ chức những đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất khi các CSGT đang làm nhiệm vụ, nếu phạt hiện thì xử lý thật nghiêm bằng cách sa thải ngay.
Đại biểu Võ Văn Sen thì cho rằng trước mắt vẫn có thể chấp nhận quy định này nhằm hạn chế được nạn nhũng nhiễu bao nhiêu tốt bất nhiêu. Nhưng về cơ bản phải đi sâu vào cơ chế mang tính nghiệp vụ như có những hình thức kiểm tra đột xuất, bí mật bắt tại chỗ cảnh sát giao thông đang nhận hối lộ.
“Đối với những người này phải xử lý mạnh tay, nên sa thải khỏi ngành công an để làm gương. Sau đó, tuyên truyền giáo dục lực lượng, lựa chọn con người có phẩm chất đạo đức tốt vào ngành công an”, ông Sen khẳng định.
Theo VNExpress