Quy định cách ly F1 tại nhà của Hà Nội đang “không công bằng”?
Chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội tiến hành cách ly F1 tại nhà với 4 nhóm ưu tiên, gồm: trẻ em, người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai là “không công bằng”, không đúng quy định của Bộ Y tế.
Ngày 17/11, một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội cho biết, nhiều quận, huyện của Thủ đô đã tiến hành cách ly F1 tại nhà với những trường hợp trong 4 nhóm ưu tiên là: trẻ em, người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai.
Những trường hợp F1 muốn cách ly tại nhà ngoài việc thuộc 4 nhóm đối tượng trên cần phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và nhiều yếu tố khác theo quy định của thành phố và Bộ Y tế đã ban hành.
Trao đổi với báo chí cùng ngày, bà Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên thực tế, thành phố đã triển khai việc cách ly F1 tại nhà ở một số quận, huyện từ trước đó, giờ là nhân rộng ra trên toàn địa bàn thành phố.
Chuyên gia dịch tễ cho rằng, việc Hà Nội chỉ cách ly tại nhà đối với 4 nhóm thuộc diện F1 là “không công bằng”, không đúng quy định của Bộ Y tế (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng – Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, việc Hà Nội chỉ cho 4 nhóm đối tượng thuộc diện F1 được cách ly tại nhà là không đúng quy định của Bộ Y tế và dẫn đến hiện tượng “không công bằng”.
“Không có lý do gì để Hà Nội chỉ cho 4 nhóm đối tượng trên được cách ly tại nhà dù chỉ mới là thí điểm. Tại sao F1 là người khỏe mạnh, người bình thường lại không được cách ly tại nhà? Đồng thời, không có căn cứ khoa học nào để quy định 4 nhóm này sẽ ít lây nhiễm hơn hay lây nhiễm nhiều hơn so với những người còn lại” – ông Hùng nói.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, một số điều kiện đối với F1 cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế có thể kể đến như sau:
- Nơi cư trú dùng để cách ly phải là nhà ở riêng lẻ; căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư.
- Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình.
- Phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo) để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly.
- Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà…
Video đang HOT
“Bộ Y tế quy định người nào đủ điều kiện cách ly tại nhà thì cho cách ly tại nhà chứ không căn cứ vào tiêu chí tuổi tác, giới tính, người già hay trẻ em, có bệnh nền hay không có bệnh nền. Vì vậy, quy định này của Hà Nội không có căn cứ khoa học” – ông Hùng nêu quan điểm.
UBND phường Quang Trung (quận Hà Đông) treo biển thông báo trước cửa nhà trường hợp F1 thuộc diện tự cách ly tại nhà (Ảnh: Trần Thanh).
Trao đổi với PV Dân trí chiều 17/11, PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, có quan điểm cho rằng, Hà Nội nên áp dụng cách ly tại nhà đối với tất các đối tượng thuộc diện F1 đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thay vì chỉ ưu tiên 4 nhóm đối tượng gồm: trẻ em, người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai.
Như Dân trí đã đưa tin, mới đây, quận Nam Từ Liêm đã tiến hành cách ly tại nhà khoảng 100 F1 tại 10/10 phường, thuộc 4 nhóm ưu tiên.
Tại phường Quang Trung (quận Hà Đông), tính đến 16/11 có 16 trường hợp là F1 đang tự cách ly tại nhà, dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng.
Huyện Quốc Oai trước đó cũng đã cho hàng chục F1 là trẻ em, người già, người có bệnh nền được cách ly tại nhà.
Đối với trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, thực hiện bắt buộc cách ly tập trung hoặc tự nguyện cách ly tại khách sạn (theo nguyện vọng cá nhân, phải có đơn xin tự nguyện cách ly tại khách sạn đã được thành phố phê duyệt làm cơ sở cách ly tập trung (F1) và cam kết chi trả kinh phí).
Vừa qua, thành phố cũng đã đồng ý cho phép 12 khách sạn được tiếp nhận cách ly F1 do người cách ly tự nguyện chi trả phí.
Không có chủ trương F1 cách ly tại nhà phải xin ý kiến hàng xóm
Ngày 17/11, dư luận xôn xao trước thông tin “F1 sống trong chung cư tại Hà Nội để được cách ly tại nhà cần có sự đồng ý của hàng xóm”. Về điều này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà khẳng định, thành phố không có chủ trương như vậy và cũng không có văn bản nào quy định thực hiện nội dung “F1 cách ly tại nhà phải xin ý kiến hàng xóm”.
Hà Nội: Xây dựng hướng dẫn cách ly F1 tại nhà, trường hợp nào đủ điều kiện?
Theo dự thảo được CDC Hà Nội xây dựng, các F1 khi cách ly tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly.
Trao đổi với Dân trí sáng nay, bà Lã Thị Lan, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết, đơn vị này đã xây dựng dự thảo Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 cho người tiếp xúc gần (F1) và người về từ vùng dịch để trình Sở Y tế Hà Nội xem xét.
Mục đích của đề xuất này là để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, ngăn ngừa tình trạng quá tải tại các khu cách ly y tế tập trung và tạo tâm lý thoải mái, giảm chi phí cho người được cách ly y tế.
Theo dự thảo được CDC Hà Nội xây dựng, các F1 khi cách ly tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly (Ảnh minh họa).
Cụ thể, theo hướng dẫn này, những đối tượng F1 có thể được áp dụng cách ly tại nhà bao gồm:
- Những người tiếp xúc gần (F1) và không phải là người trong cùng gia đình, trong cùng phòng làm việc, trong cùng bàn ăn, uống với ca bệnh xác định;
- Các F1 bắt buộc phải có người chăm sóc hỗ trợ như: trẻ em dưới 12 tuổi, người tàn tật, phụ nữ sau sinh và cho con bú trong vòng 12 tháng;
- Tất cả người sống trong một nhà/nơi cư trú đều là F1;
- Những người đang cách ly tập trung (F1 hoặc về từ vùng dịch) đủ 7 ngày, có kết quả xét nghiệm RT- PCR ngày thứ 7 âm tính với SARS-CoV-2 được chuyển về cách ly tại nhà;
- Người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ F1 được cách ly cùng với F1 tại nhà;
- Đối với các F1 nguy cơ cao: F1 cùng gia đình hoặc cùng phòng làm việc hoặc cùng bàn ăn với trường hợp xác định thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch cơ sở cân nhắc các điều kiện cách ly tại nhà và các yếu tố nguy cơ dịch bệnh để quyết định.
Các F1 thuộc diện cách ly tại nhà sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày liên tục kể từ ngày bắt đầu cách ly. Riêng người đã được cách ly tập trung 7 ngày thì tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày. Sau cách ly y tế, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp theo.
Các F1 khi cách ly tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly. Riêng người đã được cách ly y tế tập trung 7 ngày thì lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7 cách ly tại nhà.
Hướng dẫn cũng quy định chi tiết về các điều kiện cơ sở, vật chất để tại nơi cách ly, cụ thể:
- Là nhà ở riêng lẻ; căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư.
- Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: "Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch covid-19".
- Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình.
- Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn. Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng.
Trong phòng cách ly có 2 thùng đựng chất thải, có nắp đậy, mở bằng đạp chân, một thùng có lót túi màu vàng để đựng chất thải gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, có dán nhãn "chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV- 2"; một thùng có lót túi màu xanh để đựng chất thải sinh hoạt khác.
Không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng; đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ.
Có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt.
Có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 2 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng. Phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn hằng ngày.
- Phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm (khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo) để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly.
- Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.
- Nếu có điều kiện, khuyến khích lắp camera để giám sát người cách ly.
Hà Nội nên thí điểm cách ly F1 tại nhà để "tập dượt" trước TS Trần Đắc Phu cho rằng Hà Nội cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 để cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. Đồng thời nên thí điểm việc cách ly F1 tại nhà để phòng tình huống số mắc tăng lên. Trong đợt dịch thứ 4 kéo dài từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội phát hiện 775 ca, trong đó...