Quốc hội xem xét việc xin lỗi người dân về sai sót của Bộ luật Hình sự
Nói về trách nhiệm đối với việc Bộ luật Hình sự vừa sửa đổi phải lùi hiệu lực thi hành vì phát hiện nhiều sai sót, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng xác nhận lỗi của Quốc hội khi thông qua Bộ luật này cuối năm 2015. Việc Quốc hội có tổ chức xin lỗi người dân hay không sẽ được quyết định trên cơ sở làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (thứ 3 từ trái qua) nhận trách nhiệm với cử tri khi bấm nút thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại cuộc họp báo công bố Nghị quyết lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự năm 2015 của Quốc hội tại Văn phòng Chủ tịch nước sáng nay, 30/6, rất nhiều câu hỏi về trách nhiệm được đặt ra với đại diện các cơ quan của Quốc hội.
Việc thông qua một Bộ luật cơ bản, quan trọng khi còn rất nhiều sai sót để sau cùng, Bộ luật buộc phải sửa ngay khi chưa có hiệu lực thi hành được xác định là có trách nhiệm của gần 500 đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua luật. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc cá thể hoá trách nhiệm của những người trực tiếp soạn thảo, thẩm tra trong quá trình xây dựng Bộ luật? Bài học kinh nghiệm rút ra từ sự việc này?
Một câu hỏi cũng được đặt ra là Quốc hội có tiến hành việc xin lỗi người dân về sai sót hi hữu này, khi hệ quả kéo theo của việc này không phải là nhỏ?
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi đầu tiên, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Luật xác nhận, qua sự việc này, ông thừa nhận trách nhiệm của cá nhân mình trước cử tri, Quốc hội và nhân dân, với tư cách là một đại biểu đã bấm nút tán thành thông qua Bộ luật.
“Tôi không có ý trốn trách nhiệm của mình. Tôi thấy rất thấm thía về việc này” – ông Luật nói về bài học rút ra, nền tảng để Quốc hội có thể ban hành các quy phạm pháp luật, những căn cứ để trình, thẩm định, thông qua phải được thực hiện rất nghiêm túc, từ việc xây dựng chương trình làm luật hàng năm tới phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra, công bố dự thảo để lấy ý kiến nhân dân. Chúng ta cũng cần có thời gian, con người cụ thể để đảm bảo việc trình, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật một cách đầy đủ.
Ông Luật cũng cho biết, báo cáo mới đây của UB Thường vụ Quốc hội đã xác định trách nhiệm để xảy ra việc này thuộc về toàn bộ Quốc hội và Thường vụ Quốc hội. Tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trực tiếp làm Bộ luật này.
Trả lời câu hỏi sau, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cũng xác nhận ông là một trong những đại biểu đã bấm nút tán thành việc thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015 tại kỳ họp cuối năm ngoái.
“Tôi cũng thấy có lỗi với cử tri về việc này. Còn việc cá thể hoá trách nhiệm thế nào, tới đây Quốc hội sẽ tiếp tục làm rõ với những cơ quan, cá nhân trực tiếp liên quan, nhất là cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và qua đó Quốc hội sẽ có đánh giá cụ thể. Việc có xin lỗi người dân hay không, tập thể Quốc hội sẽ có quyết định cụ thể trên cơ sở làm rõ hơn nữa trách nhiệm tập thể và cá nhân này” – ông Đỗ Mạnh Hùng đáp.
Ông Hùng cũng chia sẻ, người phát hiện những sai sót này là các cử tri, chuyên gia, báo chí. Qua việc này có thể thấy rõ hơn nữa vai trò giám sát của cử tri, người dân với hoạt động của Quốc hội, kể cả hoạt động lập pháp.
Ông Hùng khuyến cáo, Quốc hội khoá XIII dù sắp kết thúc nhiệm kỳ nhưng Quốc hội khoá XIV và các khoá tiếp theo cần chú trọng hơn nữa vai trò giám sát của cử tri, người dân để chú trọng hơn nữa hoạt động của mình, trong đó có hoạt động lập pháp.
P.Thảo
Theo Dantri
Quốc hội không ấn định thời hạn sửa Bộ luật Hình sự mới
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến cuối giờ chiều 29/6, kết quả kiểm phiếu biểu quyết về việc hoãn thi hành Bộ luật Hình sự 2015 cho thấy, tuyệt đại đa số các đại biểu ủng hộ việc lùi thời hạn thi hành đến khi Quốc hội sửa xong... 90 lỗi tại Bộ luật.
Việc gửi phiếu để các đại biểu Quốc hội khóa XIII thực hiện việc biểu quyết về việc hoãn thi hành Bộ luật Hình sự ngay tại các địa phương, không phải tại một kỳ họp tập trung, được tiến hành hôm 27/6 vừa qua. Theo đó, 15h chiều nay là hạn chót để các đại biểu bỏ phiếu và kết quả kiểm phiếu được tập hợp ngay trong buổi chiều để Nghị quyết của Quốc hội được thông qua.
Trước đó, phiếu biểu quyết đưa ra nội dung đề xuất lùi thời hạn thi hành Bộ luật lại 6 tháng, đến 1/7/2017 nhưng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, UB Thường vụ Quốc hội vẫn lo ngại khả năng đến thời điểm đó vẫn chưa sửa xong được Bộ luật. Vì vậy, chốt lại, Nghị quyết của Quốc hội quy định lùi hiệu lực thi hành Bộ luật đến khi sửa xong các lỗi (theo thống kê, đến thời điểm này, các cơ quan đã phát hiện khoảng 90 lỗi).
Được biết, cùng với việc lùi lại hạn thi Bộ luật Hình sự 2015, Nghị quyết của Quốc hội cũng quyết định cho lùi hiệu lực thi hành của 3 đạo luật được thông qua năm 2015 gồm: Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Các đạo luật này có nhiều điều khoản viện dẫn, liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự mới.
Trong Nghị quyết còn điều khoản cho cho phép áp dụng trước các quy định của Bộ luật này mà có lợi cho người phạm tội, tức là tuy lùi nhưng các điều khoản có lợi cho người phạm tội vẫn được áp dụng. Cụ thể, các quy định được nêu tại khoản 3, điều 7 vẫn được thực hiện từ ngày 1/7/2016.
Việc này có nghĩa, những điều luật xoá bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn... có lợi cho người phạm tội sẽ được áp dụng ngay trong một vài ngày tới.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện tại, Nghị quyết đang được UB Tư pháp, UB Pháp luật hoàn thiện để trình lên Chủ tịch Quốc hội ký, đóng dấu rồi chuyển sang Văn phòng Chủ tịch nước để thực hiện quy trình công bố.
P.Thảo
Theo Dantri
Chính thức lùi thi hành Bộ luật Hình sự 2015 để sửa lỗi Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc lùi hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự từ ngày mai (1-7) đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành. Quang cảnh buổi họp báo Sáng 30-6, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo thông báo lệnh của Chủ tịch...