Quốc hội Triều Tiên tuyên bố đẩy mạnh chương trình hạt nhân
Trong phiên họp quốc hội hiếm hoi, bất thường hôm 9.4, Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh, Bình Nhưỡng bị cho là đang sở hữu khoảng 1.000 tên lửa đạn đạo có thể bắn tới lãnh thổ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA đưa tin, Thủ tướng Pak Pong-ju đã tuyên bố trước quốc hội rằng, 2014 là năm Triều Tiên đạt được “nhiều thành tựu” làm nền tảng cho thắng lợi cuối cùng trên mọi lĩnh vực để hoàn thành mục tiêu xây dựng một quốc gia thịnh vượng như nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đề ra.
Sau đó, ông Pak Pong-ju nhấn mạnh nhiệm vụ của năm 2015 là đẩy mạnh các hoạt động kinh tế song song với nỗ lực phát triển chương trình hạt nhân.
“Các động lực chính cho năm nay là đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, trong đó trọng tâm là giải quyết vấn đề thiếu lương thực thực phẩm, lấy 3 nghành trồng trọt, chăn nuôi và khai thác thủy hải sản làm trụ cột chính, thúc đẩy sản xuất năng lượng và ngành công nghiệp luyện kim. Yêu cầu quan trọng trong việc thực thi đường lối chiến lược của Đảng là phải phát triển kinh tế song song với tăng cường năng lực hạt nhân”, Thủ tướng Pak nhấn mạnh.
Tên lửa Triều Tiên xuất hiện trong một cuộc diễu binh năm 2010 ở Bình Nhưỡng.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, quốc hội Triều Tiên chỉ được tổ chức họp một hoặc 2 lần/năm và chủ yếu là các phiên họp dài ngày để duyệt chi ngân sách hoặc bàn và đưa ra các quyết sách quan trọng trên lĩnh vực kinh tế hoặc cải tổ nhân sự cấp cao. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã vắng mặt trong phiên họp hôm qua với gần 690 đại biểu tham dự. Trước đó, ông cũng vắng mặt trong phiên họp quốc hội cuối cùng của năm ngoái hồi tháng 9. Sự vắng mặt này được cho do nhà lãnh đạo phải tĩnh dưỡng sau cuộc phẫu thuật mắt cá chân.
Tuy nhiên, tuyên bố sau phiên họp của quốc hội Triều Tiên phù hợp với bài phát biểu năm mới của ông Kim Jong-un trong đó nhấn mạnh về sự cần thiết của việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân song song với việc đẩy mạnh chương trình hạt nhân chiến lược.
Một phiên họp của quốc hội Triều Tiên.
Tuyên bố đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân của quốc hội Triều Tiên hôm qua (9.4) được đưa ra trong bối cảnh, một bản báo cáo được công bố cùng ngày của Viện Mỹ – Hàn của Trường nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Nitze trực thuộc Đại học Johns Hopkins, Washington cho biết, Triều Tiên hiện sỡ hữu khoảng 1.000 tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới lãnh thổ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, hầu hết các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên sử dụng công nghệ của Liên Xô cũ, có thể phóng tới các mục tiêu ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, tiêu biểu là tên lửa Nodong có tầm bắn từ 1.200 đến 1.500 km và tên lửa Scud với tầm bắn từ 300 đến 600 km.
Video đang HOT
Báo cáo với tiêu đề “Tương lai của Hệ thống Phân phối Hạt nhân Triều Tiên” cũng chỉ ra rằng, trong năm 2020, Triều Tiên có thể phát triển khoảng 100 đầu đạn hạt nhân.
“Tiềm lực và năng lực kỹ thuật của Triều Tiên hiện nay cho phép nước này phát triển của các kho vũ khí hạt nhân. Một trong những &’kịch bản tồi tệ’ nhất là vào năm 2020, Bình Nhưỡng sẽ có 100 đầu đạn hạt nhân”, báo cáo của Viện Mỹ – Hàn Quốc cho biết.
Trước đó, các nguồn tin tin tình báo Mỹ và Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên có thể đang phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa được gọi là Taepodong, có khả năng tấn công lục địa Mỹ.
Tuy nhiên, kho tên lửa Triều Tiên nói trên được cho là chỉ “tượng trưng cho một tuyên bố chính trị hơn là phản ánh khả năng hoạt động thật sự” của kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên bởi chúng “tồn tại nhiều vấn đề nghiêm trọng”, báo cáo viết.
Chẳng hạn, các loại tên lửa Taepodong, do vẫn còn hạn chế về mặt công nghệ, một khi được phóng, sẽ ngay lập tức bị đánh chặn.
Bất chấp một số tiến bộ đã đạt được, điển hình như vụ phóng thành công tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo hồi năm 2012, Bình Nhưỡng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về kỹ thuật, nhất là trong việc phát triển tên lửa liên lục địa có thể phóng tới Mỹ.
Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa Unha – 2 (Ngân Hà 3) đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 (Quang Minh Tinh 3) lên quỹ đạo Trái đất hồi tháng 4.2012.
Tuy nhiên, Triều Tiên không ngừng phát triển chương trình hạt nhân của nước này. Theo bản báo cáo, để vượt qua những khó khăn về công nghệ, Triều Tiên sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài trong việc chế tạo, sản xuất các thiết bị tiên tiến như động cơ hiệu suất cao, lá chắn tầm nhiệt, hệ thống điện tử và động cơ sử dụng nhiên liệu rắn thay vì nhiên liệu lỏng như hiện nay.
Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, trụ sở ở Washington (Mỹ) gần đây cũng cảnh báo, Bình Nhưỡng đang sở hữu lượng vật liệu phân hạch đủ để sản xuất ít nhất 10 đầu vũ khí hạt nhân. Con số này sẽ tăng tới 20 hoặc 100 vào năm 2020.
“Triều Tiên đã xây dựng được một hệ thống phân phối vũ khí hạt nhân tương đối phát triển. Thực tế này sẽ giúp họ trở thành một cường quốc hạt nhân nhỏ trong những năm sắp tới”, báo cáo viết.
Thậm chí, năm ngoái, Tư lệnh Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Curtis Scaparrotti từng phát biểu rằng, Triều Tiên có thể đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa KN-08 và bắn tới Mỹ.
Tuy nhiên, Triều Tiên lại chưa từng tiến hành một vụ thử tên lửa nào như vậy. Tên lửa KN-08 chỉ từng xuất hiện trong lễ diễu binh ở Triều Tiên.
Theo NTD
Cơ cấu quyền lực của Triều Tiên sắp được hé lộ
Tuần này, Triều Tiên triệu tập phiên họp quốc hội quan trọng đầu tiên trong năm. Các phiên họp này có thể hé lộ đôi chút về việc nắm giữ quyền lực của ban lãnh đạo và sự ổn định của chế độ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un đến thanh tra cục Hải quân 164 của Quân đội nhân dân Triều Tiên
Phiên họp thứ ba của Hội nghị Nhân dân Tối cao thứ 13 của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ quy tụ 687 đại biểu.
Thực ra người ta biết rất ít về cách thức thực quyền được áp dụng và các quyết định được thực hiện như thế nào bên trong chế độ khép kín này. Song các chuyên gia phân tích và các cơ quan tình báo nước ngoài thường nghiên cứu những phiên họp công khai để đánh giá ai có thể giành thế lực, họ có thể tác động ra sao đến các chính sách kinh tế và an ninh.
Không có khả năng để theo đuổi cải cách?
Ông Ahn Chan-il, một người Triều Tiên đào tẩu và là người đứng đầu Học viện Thế giới về Nghiên cứu Triều Tiên, cho rằng những người vừa được ông Kim Jong-un bổ nhiệm là các nhà lãnh đạo đảng và quân đội lớn tuổi có liên hệ chặt chẽ với các chính sách ủng hộ phát triển hạt nhân của thân phụ ông. Ông Ahn nói các quyết định này cho thấy ông Kim không có khả năng theo đuổi những cải cách mà ban đầu có thể ông đã mong muốn.
Ông Ahn nói trong việc xây dựng và phát triển vũ khí hạt nhân, củng cố một cách thiếu đồng bộ quyền lực và tổ chức quân đội chiến lược, chế độ Kim Jong-un có thể đang tìm cách đi ra khỏi chính sách đặt quân đội lên hàng đầu. Nhưng ông Kim không thể thoát ra được và vẫn còn luẩn quẩn ở nguyên một chỗ.
Ông Jang Jin-seong, cũng là một người Triều Tiên đào tẩu và là giáo sư tại trường Đại học Leiden ở Hà Lan, tin rằng ông Kim Jong-un bị kẹt trong cơ chế quyền lực do cha ông thiết lập.
Ông Jang nói sự khác biệt giữa ông Kim Jong-il và ông Kim Jong-un là ông Kim Jong-il là một nhà lãnh đạo tự lập, trong khi ông Kim Jong-un là một người thừa kế. Đây là một sự khác biệt lớn.
Biết ít thì không nên suy diễn quá nhiều
Những sự kiện như Hội nghị Nhân dân nằm trong khuôn khổ các nỗ lực tuyên truyền ráo riết nhằm nuôi dưỡng việc tôn thờ cá nhân quanh gia đình Kim. Ông Jang Jin-seong nói càng ngày càng có nhiều người không coi nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba là toàn năng.
Xác định công chúng và các giới chức cấp cao nhất thực sự nghĩ gì về một vấn đề gần như là điều không thể làm được trong quốc gia khép kín này.
Ông Andrei Lankov, một giáo sư về lịch sử Triều Tiên tại trường đại học Kookmin ở Seoul, cảnh báo rằng việc đồn đoán về cách thức thực hiện các quyết định trong chế độ khép kín này thường là không tin cậy được.
"Một trong các bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất là nội bộ bên trong và hình thức mà ta có thể nói là hoàng gia của nước này. Chúng ta biết rất ít"- ông Lankov nói.
Rất ít người bên ngoài được phép thăm Triều Tiên và gần như không có cơ hội nào để người nước ngoài có thể thảo luận không chính thức về những đề tài chính trị với các quan chức Triều Tiên.
Trong khi Hội nghị Nhân dân có thể đem lại một cái nhìn hiếm hoi nhưng bị kiểm soát về hình thái và phương hướng của chính phủ Kim Jong-un, ông Lankov cho rằng không nên suy diễn quá nhiều từ đó.
Theo G.M/VOA
Lao Động
Mỹ đẩy mạnh 'tái cân bằng' ở châu Á Giai đoạn tiếp theo trong chiến lược tái bố trí quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ được Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter công bố ngay trước chuyến thăm châu Á. Tàu ngầm hiện đại lớp Virginia đến châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh: US Navy Đêm qua, ông Ash Carter đã đến Tokyo, mở đầu...