Quốc hội thảo luận về đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ hai “đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp.”
Các hộ kinh doanh ở thành phố Lào Cai. Ảnh minh họa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, sáng 21/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội biểu quyết tại kỳ họp này gồm 10 chương với 219 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, nhóm công ty và hộ kinh doanh.
2 luồng ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày khẳng định, việc xem xét, tiếp tục sửa đổi toàn diện Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa đầy đủ nội dung nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Đối với phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, về vấn đề này có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vì nội dung quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật dựa trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
Video đang HOT
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và năm 2014 đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, xét về bản chất thì việc quy định một Chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh. Ngoài ra, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định nội dung hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh vì xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ hai “đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp.”
Thảo luận trực tuyến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp ở thời điểm này là cần thiết, tuy nhiên, khác với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Phan Thái Bình ủng hộ loại ý kiến thứ nhất là đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật lần này.
Theo đại biểu, qua nhiều lần sửa đổi, trong Luật Doanh nghiệp đều có điều khoản quy định về hộ kinh doanh. Dự thảo lần này đã bổ sung theo hướng nâng lên, cụ thể hóa thành nhiều nội dung hơn và quy định thành chương riêng. Như vậy, bản chất có nghĩa rằng hộ kinh doanh lâu nay đã được luật quy định.
Đại biểu Phan Thái Bình đề nghị bổ sung đối tượng hộ kinh doanh vào quy định của Điều 3 dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và viết lại: Trong trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức, quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì áp dụng quy định của luật đó.
Ủng hộ không đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, bản chất hộ kinh doanh có nhiều khác biệt so với doanh nghiệp vì vậy nên tách thành luật riêng sẽ có các quy định chặt chẽ hơn.
Đánh giá kỹ việc quy định tỷ lệ vốn nhà nước chiếm giữ trên 50% là doanh nghiệp nhà nước
Đối với quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có trên 50% vốn góp hoặc cổ phần chi phối của nhà nước, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu ý kiến cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng việc quy định tỷ lệ vốn nhà nước chiếm giữ trên 50% là doanh nghiệp nhà nước. Quy định này chưa thể hiện được vai trò chi phối và quyết định của nhà nước với các vấn đề quan trọng, đảm bảo quyền hài hòa, đóng góp của các cổ đông khác.
Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng nhà nước nắm giữ 50% vốn là có quyền chi phối nhiều vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, đảm bảo lợi thế quyết định, đặc biệt là hợp đồng kinh doanh nên tỷ lệ trên 50% là phù hợp. Tuy vậy, để xác định căn cứ, cần tiến hành rà soát số lượng doanh nghiệp nhà nước mà nhà nước đang nắm giữ 50% vốn sở hữu trở lên, đánh giá rõ tác động, tiến trình cổ phần hóa, thu hút vốn từ tư nhân…
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các đại biểu Quốc hội còn ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gửi văn bản cho góp ý cho Ban Thư ký.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp hôm nay, cũng như các ý kiến góp ý gửi về, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban thẩm tra tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này./.
Cần thiết phải luật hóa các quy định hộ kinh doanh
Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ngày 23/3.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng hầu hết các ý kiến đều đồng tình với việc cần thiết phải luật hóa các quy định hộ kinh doanh. Ý kiến khác nhau chỉ ở việc nên để các quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp hay xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị giữ phương án quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp do phương án này có lợi cho nền kinh tế, khơi thông nguồn lực để đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và không chồng chéo với các luật khác. Nếu xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh thì kéo dài thêm mấy năm nữa, trong khi luật hóa ngay thì có lợi cho nền kinh tế.
Trường hợp còn ý kiến khác nhau về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội để tiếp tục thảo luận và biểu quyết riêng về nội dung này, trước khi biểu quyết thông qua Luật.
Liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về tỉ lệ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước, trong quá trình soạn thảo Luật, Ban soạn thảo phân tích, đánh giá tác động, so sánh và tham vấn và có phân tích 3 phương án là: 50%, 65% và 100%.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, đối với công ty cổ phần, cổ đông sở hữu trên 50% tổng cổ phần có quyền biểu quyết là đủ để thông qua được các quyết định thông thường của doanh nghiệp. Đối với quyết định quan trọng khác yêu cầu thông qua với tỉ lệ biểu quyết trên 65% tổng số phiếu biểu quyết vẫn cần phải có sự đồng ý của cổ đông sở hữu trên 50% tổng số quyền biểu quyết thì mới thông qua được quyết định đó. Như vậy, cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết đã có thể chi phối toàn bộ các quyết định của các công ty cổ phần. Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa đều tổ chức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.
Ngoài ra, phương án như cơ quan soạn thảo đã trình có một điểm tích cực hơn hẳn so với các phương án khác là tính tương thích với hệ thống quy định pháp luật hiện hành, bởi vì các quy định về giám sát, quản lý doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước đã và đang phân loại, tiếp cận đối với doanh nghiệp có phần vốn nhà nước theo tiêu chí tương tự: dưới 50%, trên 50% và 100%. Đồng thời, tỉ lệ sở hữu trên 50% vốn điều lệ là phù hợp với các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết với quốc tế phù hợp với Nghị quyết 12, vừa tương thích với hệ thống pháp luật và có thể thực hiện được ngay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm mục tiêu tổng quát là hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt, phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.
Qua đó nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới). Đồng thời, nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt, phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới).
Cùng với đó là nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế. Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Bảo Long
Đề nghị làm luật riêng điều chỉnh hộ kinh doanh Liên quan đến đối tượng hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tách nội dung về hộ kinh doanh để quy định thành luật riêng. Theo Ủy ban Kinh tế, hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh...