Quốc hội Syria tuyên bố ủng hộ nguyện vọng của nhân dân
Ngày 9/12, Quốc hội Syria ra tuyên bố ủng hộ nguyện vọng của người dân về việc xây dựng một đất nước mới.
Quang cảnh thủ đô Damascus, Syria, ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Hãng thông tấn quốc gia SANA dẫn tuyên bố của Quốc hội Syria nêu rõ: “Chúng tôi ủng hộ nguyện vọng của nhân dân về việc xây dựng một đất nước Syria mới hướng tới tương lai tươi sáng hơn, trên cơ sở luật pháp và công lý”. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi lực lượng đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đứng đầu tuyên bố kiểm soát thủ đô Damascus ngày 8/12, dẫn đến sự chấm dứt chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Cùng ngày, Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc (LHQ) Qusay al-Dahhak tuyên bố Israel phải rút quân khỏi Syria. Ông Qusay al-Dahhak nhấn mạnh Israel phải tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và thỏa thuận năm 1974, trong đó nêu rõ vùng đệm ở Cao nguyên Golan là khu vực phi quân sự và chỉ có lực lượng LHQ đồn trú ở đây.
Bộ Ngoại giao Iraq cũng lên án mạnh mẽ việc Israel chiếm vùng đệm phi quân sự ở Cao nguyên Golan và các vị trí lân cận khác ở khu vực giáp ranh với Syria. Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iraq nêu rõ “hành động này vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và các nghị quyết hợp pháp quốc tế liên quan”. Iraq nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền của Syria và bảo vệ sự ổn định, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như cần phải kiềm chế can thiệp vào những vấn đề nội bộ của đất nước láng giềng này. Iraq cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là HĐBA LHQ, phản đối hành động của Israel và có biện pháp chấm dứt các hành vi vi phạm như vậy.
Trong khi đó, ngày 9/12, người đứng đầu tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), ông Rami Abdel Rahman cho biết Israel tiếp tục tiến hành nhiều đợt không kích nhắm vào các vị trí quân sự của Syria bao gồm các địa điểm ở thủ đô Damascus, khu vực phía Nam và bờ biển.
Video đang HOT
Người đứng đầu SOHR thông báo: “Những cuộc không kích của Israel nhắm vào các địa điểm quân sự, bao gồm các kho tên lửa chống tăng và vũ khí phòng không”.
Liên quan đến giai đoạn chuyển tiếp ở Syria, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã có cuộc thảo luận, trong đó đề cập đến việc đưa viện trợ nhân đạo vào Syria và những việc LHQ có thể làm để giúp tái thiết nước này.
Cùng ngày, Văn phòng của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận khả năng hợp tác với các nhà lãnh đạo mới của Syria. Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Đức có đoạn: “Cả hai bên đều nhất trí sẵn sàng hợp tác với giới lãnh đạo mới (của Syria) trên cơ sở các quyền cơ bản của con người, cũng như bảo vệ các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số”.
Hai nhà lãnh đạo còn nhắc lại tầm quan trọng của nghĩa vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Syria, đồng thời nhất trí hợp tác nhằm tăng cường cam kết của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria, đặc biệt là thông qua công tác phối hợp với các đối tác Trung Đông hỗ trợ “các tiến trình chính trị toàn diện” ở nước này.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ Pierre-Alain Elchinger cho biết nước này sẵn sàng đóng vai trò trung gian nếu các bên ở Syria đề nghị. Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ông Elchinger nêu rõ: “Thụy Sĩ sẵn sàng cung cấp các cơ sở tốt nhất của mình nếu các bên liên quan (ở Syria) đưa ra lời đề nghị. Thụy Sĩ kêu gọi tất cả các bên tham gia đối thoại và chuyển tiếp hòa bình”.
Trong diễn biến mới nhất, các nhà ngoại giao Qatar đã khởi động kênh liên lạc với nhóm HTS. Một quan chức Qatar tiết lộ Doha có kế hoạch tiếp xúc với thủ lĩnh HTS Mohamed Al-Bashir trong ngày 10/12, sau khi nhân vật này được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính quyền chuyển tiếp của Syria. Trọng tâm của cuộc tiếp xúc là nhấn mạnh “yêu cầu đối với HTS và các nhóm khác về việc duy trì trật tự và bảo vệ các thể chế công cộng của Syria trong thời kỳ chuyển tiếp”.
Các nước trong khu vực đang cố gắng thiết lập những mối liên hệ mới với HTS và các nhóm nổi dậy khác đã tham gia chiến dịch tấn công chớp nhoáng từ ngày 27/11 giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria, dẫn đến bước ngoặt thay đổi cục diện trên chính trường Syria. Lực lượng nổi dậy đã chiếm giữ các vùng đất của chính phủ và giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus từ sáng sớm 8/12 (giờ địa phương).
Các lực lượng đối lập Syria chiếm kênh truyền hình nhà nước và kiểm soát Damascus
Ngày 8/12, các lực lượng đối lập ở Syria đã chiếm các kênh truyền hình nhà nước và kiểm soát thủ đô Damascus.
Tuyến đường dẫn tới thủ đô Damascus của Syria. Ảnh: AA/TTXVN
Trên sóng truyền hình, một người đàn ông mặc quân phục, được các tay súng vũ trang bảo vệ, đã đọc tuyên bố, gọi là "Tuyên bố số 1" trên sóng truyền hình, trong đó khẳng định các nhóm đối lập đã chiếm được thủ đô Damascus. Các nhóm đối lập cũng tuyên bố đã phóng thích toàn bộ tù nhân.
Trước đó, phát biểu trên kênh truyền hình Al Jazeera Mubasher, thủ lĩnh nhóm đối lập chính của Syria ở nước ngoài Hadi al-Bahra cho biết sẽ gặp đại diện các nước Arập, châu Âu và Liên hợp quốc để bàn thảo và đi đến thống nhất về giai đoạn kế tiếp của quốc gia Trung Đông này.
Trong khi đó, quân đội Syria khẳng định lực lượng này vẫn đang tiến hành các hoạt động quân sự chống lại "các nhóm khủng bố" ở vùng nông thôn Hama, Homs và Deraa. Quân đội Syria cho rằng cần nâng cao nhận thức về những gì họ cho là "một âm mưu quy mô lớn" nhắm vào đất nước, đồng thời kêu gọi người dân cảnh giác để bảo vệ sự ổn định và chủ quyền của Syria.
Trước đó, nhiều hãng truyền thông phương Tây đưa thông tin chưa được kiểm chứng rằng Tổng thống Syria Bashar Al- Assad đã rời đất nước.
Các vụ nổ xảy ra xung quanh thủ đô Damascus, Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Cùng ngày, Ahmed al-Sharaa, thủ lĩnh của Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm Hồi giáo đứng đầu cuộc tấn công, tuyên bố cấm tiếp cận các cơ quan công quyền và những cơ quan này sẽ nằm dưới sự giám sát của Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali cho đến khi được bàn giao chính thức.
Trong tuyên bố đăng trên Facebook, Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali khẳng định ông vẫn ở tại nhà riêng và sẵn sàng "hợp tác" với bất kỳ nhà lãnh đạo nào do người dân lựa chọn.
Trước tình hình trên, Nhà Trắng đã ra tuyên bố cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến bất ngờ ở Syria và đang giữ liên lạc chặt chẽ với các đối tác trong khu vực.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng cuộc tấn công của các nhóm vũ trang đối lập ở Syria đã được lên kế hoạch cẩn thận từ lâu "nhằm thay đổi tình hình trên thực địa, để thay đổi cán cân quyền lực". Ông nhấn mạnh Moskva "sẽ phản đối điều này bằng mọi cách", cũng như "sẽ ủng hộ chính quyền hợp pháp Syria".
Cũng trong ngày 8/12, Jordan đã ra tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì sự ổn định và an ninh của Syria.
Tổng thống đắc cử Trump: Mỹ nên tránh can thiệp quân sự vào Syria Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 7/12 đã lên tiếng phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ vào Syria, trong bối cảnh các lực lượng phiến quân giành được nhiều thắng lợi quan trọng, tiến sát đến thủ đô Damascus. Ông Trump phản đối Mỹ can thiệp quân sự vào Syria. Ảnh: Getty Images/TTXVN Trong bài đăng...