Quốc hội sẽ thể hiện thái độ về biển Đông
“Quốc hội cần thể hiện thái độ về việc Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam “, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo ý kiến của đoàn thư ký kỳ họp để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chiều 16/5.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam bằng vòi rồng, gần khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 – Ảnh: VnExpress.
Theo chương trình dự kiến của kỳ họp, cuối chiều ngày 22/5 Quốc hội sẽ họp riêng để nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông.
“Việc này sẽ thực hiện trong khoảng một giờ và nếu cần thì sẽ bố trí ngay chiều 20/5, tức ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, trong trường hợp Quốc hội xét thấy cần thiết thảo luận và thể hiện thái độ về vấn đề này, sẽ tùy tình hình thực tế để bố trí thời gian và cách thức thực hiện cho phù hợp”, ông Phúc nói.
Các ý kiến thảo luận đều cho rằng việc bổ sung báo cáo về tình hình biển Đông là rất cần thiết và Quốc hội nên nghe, thảo luận sớm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, kỳ họp thứ 7 diễn ra khi tình hình biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến chủ quyền là vấn đề rất thiêng liêng của đất nước.
Video đang HOT
“Tôi tin là mỗi đại biểu Quốc hội đều theo dõi rất sát, đây là vấn đề hệ trọng, phải dự báo để có ứng xử vừa thông minh, khôn khéo, vừa cứng vừa mềm để bảo vệ chủ quyền nhưng vẫn giữ được môi trường hòa bình và quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân Trung Quốc, giải quyết vấn đề có lợi cho nhân dân hai nước”, Chủ tịch nói.
Theo Chủ tịch, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ thì Quốc hội sẽ thảo luận ở đoàn và sẽ biểu hiện thái độ, ý kiến của Quốc hội.
“Chúng ta phải tỉnh táo, rất nóng nhưng cũng phải rất lạnh”, Chủ tịch nhấn mạnh.
Với dự kiến chương trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sẽ khai mạc vào sáng 10/5 và kết thúc vào chiều 24/6 tới đây.
Nội dung xem xét, thông qua nghị quyết về việc xây dựng, triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 đã được rút khỏi chương trình kỳ họp. Và Luật Dược (sửa đổi) cũng vừa được Ủy ban Thường vụ yêu cầu chưa trình Quốc hội tại kỳ họp này để chuẩn bị thêm.
Theo VnEconomy
Cộng đồng doanh nghiệp SME kêu gọi góp sức bảo vệ chủ quyền
Ngày 17/5/2014, tại diễn đàn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) khu vực Phía Bắc, cộng đồng doanh nghiệp SME Việt Nam đã công bố Nghị quyết chung về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lên tiếng cực lực phản đối hành động cố ý xâm phạm chủ quyền của nhà cầm quyền Trung Quốc tại Biển Đông, gây nên sự mất ổn định nghiêm trọng, đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực.
Tại diễn đàn, các cấp hội doanh nghiệp Việt Nam khẳng định luôn luôn ủng hộ và tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông và yêu cầu phía Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các lực lượng vũ trang, tàu thuyền ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng và thực hiện cam kết DOC, tôn trọng và thực hiện thỏa thuận giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc về các nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam vững vàng nơi đầu sóng.
Trên cơ sở đó, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp cả nước hãy bình tĩnh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước, tăng cường đoàn kết, hợp tác phối hợp hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, chia sẽ khó khăn, tích cực hưởng ứng thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," giữ ổn định và vững chắc thị trường nội địa, góp phần vào ổn định tình hình kinh tế-xã hội.
Các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang làm việc, sinh sống ở trong và ngoài nước có quan hệ kinh doanh, hợp tác, học tập với các doanh nghiệp và người dân nước ngoài vận động bạn bè lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ sự đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam, yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải Dương 981, các lực lượng vũ trang, tàu thuyền ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang làm việc, sinh sống ở trong và ngoài nước phát huy truyền thống yêu nước và nhân văn sâu sắc, không hành xử hay hành động quá khích, mắc mưu kẻ xấu, vi phạm pháp luật.
Bằng hành động cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang làm việc, sinh sống ở trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức khác nhau tích cực đóng góp về vật chất và tinh thần để động viên nhân dân và các lực lượng vũ trang đang sống và làm nhiệm vụ tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng kêu gọi các hiệp hội doanh nghiệp trên toàn thế giới hãy vì công lý và đạo lý lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.
Tại diễn đàn, ông Lại Quốc Toản-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa tỉnh Lạng Sơn, cho biết mọi hoạt động giao thương vẫn bình ổn, tuy nhiên điều kiện kinh tế thời gian vừa qua đã giảm phần nào so với những năm trước.
"Quan hệ thương mại và kinh doanh giữa các doanh nghiệp vẫn tốt đẹp. Vụ việc ở biển Đông là do chính quyền Trung Quốc đã có hành động và cách xử lý không đúng với pháp luật quốc tế và chủ quyền quốc gia là trên lĩnh vực khác. Do đó, các doanh nghiệp chúng tôi vẫn quan hệ trên phương diện hợp tác, kinh doanh," ông Toản nói.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Giang, ông Phạm Công Nhân cũng khẳng định, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện vẫn làm ăn bình thường tại Hà Giang.
"Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Giang chúng tôi mong muốn hai nước sớm có hòa bình hữu nghị và hợp tác lâu dài theo đúng như hai Đảng, hai Nhà nước đã ký kết. Có như vậy, chúng tôi mới yên tâm làm ăn kinh doanh, hợp tác hai bên giữa Trung Quốc và Việt Nam," ông Nhân nói.
Theo Vietnam
Hàng chục triệu người nhận tin nhắn "yêu nước đúng pháp luật" của Thủ tướng Những thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ của Chính phủ kêu gọi người Việt Nam đồng lòng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc đang được các nhà mạng gửi tới từng người dân. Vào đầu giờ chiều ngày 17/5, hàng triệu tin nhắn của Thủ tướng được gửi cho khách hàng với nội dung: "Ngày 17/5/2014, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:...