Quốc hội Mỹ ‘thất thủ’ do cảnh sát không lượng định đúng tình hình
Giới chức các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đã thiếu sót khi cho rằng cuộc biểu tình hôm 6/1 chỉ dừng lại như các đợt tuần hành trước đó trong tháng 11/2020, với những va chạm nhỏ giữa nhóm cực hữu và thiên tả.
Người biểu tình quá khích ủng hộ Tổng thống Donald Trump tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC., ngày 6/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Hàng trăm người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã tràn vào trụ sở Quốc hội Mỹ chiều 6/1 (rạng sáng 7/1 giờ Hà Nội), khi lưỡng viện Quốc hội đang nhóm họp để kiểm đếm kết quả phiếu đại cử tri. Đây được coi là vụ xâm nhập nghiêm trọng nhất ở Điện Capitol.
Đánh giá về sự kiện tòa nhà Quốc hội Mỹ thất thủ trước người biểu tình, ông David Gomez, cựu đặc vụ cấp cao của Cục Điều tra Liên bang ( FBI) cho rằng Cảnh sát Quốc hội Mỹ (USCP) đã không chuẩn bị kịch bản cho một cuộc biểu tình quy mô lớn. Trong khi đó, nhiều cơ quan thực thi pháp luật khác phản ứng chậm, hoặc là do không muốn làm mất lòng ông Trump, hoặc là do thiếu kinh nghiệm trong đối phó với bạo loạn, vì đây không phải là nhiệm vụ chủ chốt của họ.
Theo Gomez, ngay trước thời điểm người biểu tình xông vào nhà quốc hội, USCP vẫn cho rằng khả năng cao nhất chỉ là một cuộc biểu tình quy mô lớn, không thể vượt khỏi ranh giới hàng rào. Vậy nên khi đám đông biểu tình vượt qua, lực lượng thực thi pháp luật bị áp đảo bởi số lượng và không thể phản ứng nhanh chóng.
Giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó cũng dự báo chỉ cần điều động khoảng 350 vệ binh quốc gia tại Washington D.C là đủ để hỗ trợ lực lượng cảnh sát thực thi nhiệm vụ bảo đảm an ninh trong tuần này và vệ binh quốc gia chủ yếu làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông.
Video đang HOT
Lầu Năm Góc muốn tránh hiện diện quân sự trong khuôn viên, bậc thềm tòa nhà Quốc hội. Sau khi người biểu tình tràn vào, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo điều động 1.100 vệ binh quốc gia, nhưng không rõ có triển khai lực lượng này đến Điện Capitol, hay là tới những địa điểm khác ở thủ đô.
Phản ứng của lực lượng chức năng lần này được cho là khác với hành động hồi năm ngoái khi chính quyền tỏ ra cứng rắn trước các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc bùng phát sau cái chết của công dân da màu George Floyd, với sự xuất hiện của cảnh sát chống bạo động nhằm phô trương lực lượng. Đơn cử, tháng 6/2016, các nhân viên thực thi pháp luật liên bang từng bị chỉ trích mạnh mẽ vì sử dụng hơi cay giải tán người biểu tình ôn hòa tại quảng trường Lafayette gần Nhà Trắng.
Sau khi xảy ra sự cố, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller cho biết Lầu Năm Góc sẵn sàng chi viện bổ sung lực lượng cần thiết, hợp lý theo yêu cầu của giới chức Washington D.C. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo tuyên bố sẽ tăng cường 1.000 vệ binh cách mạng quốc gia của bang tới thủ đô.
Quyền Bộ trưởng Tư pháp Jeffrey Rosen lên án hành động của người biểu tình, coi đây là một vụ tấn công nhằm vào thiết chế thiết yếu nhất của nền dân chủ. Ông cũng cho biết Bộ Tư pháp đã phái lực lường của FBI, Văn phòng Quản lý Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ, Cục Cảnh sát Mỹ tới hỗ trợ USCP. Nhân viên liên bang thuộc Sở cảnh sát vùng đô thị Washington cũng được điều động tới điện Capitol để hỗ trợ vãn hồi trật tự, giải tán đám đông khỏi nhà Quốc hôi và lập vành đai an toàn.
Theo yêu cầu của Thị trưởng Washington D.C, bà Muriel Bower, sở cảnh sát Maryland, New Jersey và Virginia cũng đã triển khai lực lượng tới trợ giúp. Tính đến đêm 6/1 giờ địa phương, lực lượng chức năng đã bắt giữ ít nhất 52 người biểu tình, trong đó có 4 đối tượng mang súng không giấy phép, một người mang vũ khí bị cấm và 47 người vi phạm lệnh giới nghiêm. Một nửa trong số này bị bắt trong khuôn viên tòa nhà Quốc hội.
USCP là cơ quan thực thi pháp luật liên bang, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ các nghị sĩ Quốc hội và các tòa nhà của Quốc hội, với tổng quân số khoảng 1.900 người.
Một số chuyên gia cho rằng, cũng rất khó trách cứ USCP đã sai sót trong việc lượng định, đánh giá hành động của người biểu tình. Theo ông Donald Richie, chuyên gia sử học về Thượng viện Mỹ, những gì diễn ra ở điện Capitol hoàn toàn vượt khỏi cách thức thông thường mà người Mỹ bày tỏ phản kháng, thể hiện tình cảm chính trị. “Tôi bất ngờ trước những gì xảy ra và vì lý do tương tự cảnh sát cũng bất ngờ”, ông Richie chia sẻ.
Cuộc bạo loạn ở Điện Capitol được cho là bắt nguồn từ mạng xã hội
Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump kết thúc bài phát biểu trước những người biểu tình tại thủ đô Washington vào lúc 1 giờ chiều hôm 6/1, hàng trăm người đã ủng hộ ông đăng tải bài viết kêu gọi xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Những người ủng hộ Tổng thống Trump quay phim, chụp ảnh trong Điện Capitol. Ảnh: Getty Images
Theo trang New York Times, trên các trang mạng xã hội của phe cực hữu như Gab và Parler, nhóm người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã chỉ dẫn và bàn bạc về việc người biểu tình nên đi đường nào để tránh cảnh sát, nên mang theo những dụng cụ nào để cạy cửa dưới phần bình luận của các bài đăng. Ngoài ra, có ít nhất hàng chục người đã đăng tải các bài viết về việc mang theo súng vào hội trường của tòa nhà Quốc hội.
Những lời kêu gọi dùng bạo lực chống lại các nghị sĩ Quốc hội, ủng hộ Tổng thống Trump và giành lại Điện Capitol đã lan truyền trên mạng trong nhiều tháng qua. Với sự ủng hộ của Tổng thống Trump, các nhóm này đã công khai tổ chức trên mạng xã hội và kêu gọi nhiều người khác tham gia để thực hiện mục đích bạo loạn.
Vào ngày 6/1, những lời kêu gọi trong thế giới ảo đã trở thành làn sóng bạo loạn trong thế giới thực, dẫn đến cảnh tượng chưa từng thấy. Trên mạng xã hội, nhiều người biểu tình quay cảnh họ tự do đi dạo qua các sảnh của tòa nhà Quốc hội, đăng tải các bức ảnh ăn mừng và kêu gọi những người khác tham gia.
Trên trang Gab, những bức ảnh cho thấy người biểu tình còn đi cả vào văn phòng của các nghị sĩ Quốc hội, bao gồm cả văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Hàng chục người đã đăng tải cảnh tìm kiếm Phó Tổng thống Mike Pence.
Vào lúc 2h24 chiều, sau khi ông Trump đăng lên Twitter rằng ông Pence "không có đủ can đảm để làm những gì đáng lẽ phải làm", hàng chục thông điệp trên trang này lại kêu gọi những người bên trong Điện Capitol săn lùng Phó Tổng thống. Trong các video tải lên trang Gab, có thể nghe thấy nhiều người biểu tình hô vang: "Ông Pence ở đâu?".
Khi mạng xã hội Facebook và Twitter bắt đầu đàn áp các nhóm kêu gọi bạo loạn, những người này dần chuyển sang các trang khác cho phép công khai kêu gọi dùng bạo lực.
Bà Renee DiResta, nhà nghiên cứu các phong trào trực tuyến tại tại Stanford Internet Observatory, nhận định rằng vụ bạo loạn hôm 6/1 là kết quả của các phong trào trực tuyến trên mạng truyền thông xã hội. Những người tham gia phong trào này tin vào tuyên bố tình trạng gian lận cử tri và phiếu bầu bị đánh cắp của Tổng thống Trump.
"Những người này đang hành động vì họ tin rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Đây là một minh chứng về tác động thực tế của 'buồng dội âm' - tình huống tạo ra niềm tin của người dùng Internet bằng cách lặp lại liên tục một thông tin nào đó", chuyên gia DiResta nói. "Điều này cũng phủ nhận ý kiến cho rằng thế giới trực tuyến và ngoại tuyến tồn tại tách biệt, hay những cuộc thảo luận trên mạng chỉ có ở trên mạng", bà nói thêm.
Mỹ điều Vệ binh Quốc gia đến Washington dẹp loạn Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được huy động đến Đồi Capitol để ổn định tình hình sau khi người ủng hộ Trump xông vào chiếm tòa nhà Quốc hội Mỹ. Toàn bộ Lực lượng Vệ binh Quốc gia Washington đã được điều động đến tòa nhà Quốc hội Mỹ để giúp khôi phục trật tự sau khi những người ủng hộ...