Quốc hội Mỹ muốn “trảm” Tổng thống Obama
Trễ nhất là cuối năm nay, Tổng thống Barack Obama sẽ phải ra tòa vì tội “xem mình như vua, coi thường dân chúng và đại biểu Quốc hội”. Đơn kiện do chính Chủ tịch Quốc hội Mỹ John Boehner vừa thông báo.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner (trái) và Tổng thống Barack Obama
Phát biểu với báo giới sáng 27/6, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner cho biết, vụ kiện mà ông cùng các đồng viện đảng Cộng hòa sẽ đưa ra trước tòa liên bang “không nhắm vào mục tiêu truất quyền Tổng thống của ông Obama”, mà chỉ nhắm mục đích nhờ luật pháp phân xử để người lãnh đạo nước Mỹ “thi hành luật pháp một cách nghiêm chỉnh” vì “rõ ràng Tổng thống Obama đã lợi dụng quyền hạn” được hiến pháp giao phó. Ông Boehner không cho biết khi nào sẽ chính thức khởi kiện và những lý do sẽ đưa ra trong đơn nộp trước tòa, chỉ nói “khi nào có quyết định tôi sẽ thông báo cho mọi người biết sau”.
Video đang HOT
Chuyện khởi đầu từ bản Thông điệp liên bang đọc hồi cuối tháng 1/2014, trong đó Tổng thống Obama cho biết năm 2014 sẽ là năm ông tự hành động, lấy lý do tất cả những đề nghị ông đưa ra đều gặp trở ngại ở Quốc hội.
Ngay sau đó, ông Obama đã dùng quyền Tổng thống để ban hành một số sắc lệnh, chẳng hạn như quy định mức lương tối thiểu mà Chính phủ liên bang phải trả cho người làm việc, đưa ra những quy định mới để bảo vệ môi trường hay các quy định về di trú, cũng như quyết định oanh tạc Lybia hay đồng ý trao đổi 5 tên khủng bố bị giam ở trại tù Guantanamo lấy một binh sĩ Mỹ bị Taliban cầm giữ mà không thông báo cho Quốc hội.
Những điều này nếu đưa ra trước Quốc hội sẽ bị phía đảng Cộng hòa bác bỏ, và lối làm việc của ông Obama bị các vị dân cử Cộng hòa xem là “cố ý lách luật” và được ông Boehner giải thích, “Hiến pháp đòi hỏi Tổng thống phải thi hành luật pháp một cách nghiêm chỉnh, nhưng qua lối làm việc của ông, tôi tin rằng Tổng thống đã không thi hành đúng những gì được quy định bởi hiến pháp”.
Trong thư gửi các đồng viện cùng đảng, ông Boehner viết rằng dự tính vào tháng tới “sẽ yêu cầu Hạ viện bỏ phiếu chấp thuận cho Văn phòng Đặc trách Tư pháp Hạ viện đưa ông Obama ra tòa với tội danh không thi hành đúng những quy định của luật pháp”, tức không tham khảo ý kiến hay lấn quyền của Quốc hội khi tự ý ban hành những sắc lệnh lách luật. Văn bản của ông Boehner cũng cho rằng nếu không ngăn cản điều này từ bây giờ, “những vị Tổng thống kế nhiệm (ông Obama) sẽ tiếp tục làm những gì ông ta đang làm, đi ngược với nguyên tắc phân quyền, cho Tổng thống toàn quyền quyết định như một ông vua, coi thường dân chúng và những đại biểu của dân”.
Nhưng liệu tòa án có đồng ý xem xét đơn kiện mà Hạ viện dự tính nộp hay không? Theo các chuyên gia về luật pháp, thì kết quả còn tùy.
Simon Larazus, Trưởng ban Tư pháp của Viện nghiên cứu Hiến pháp cho biết muốn kiện thì việc đầu tiên “phải có lý do và chứng cứ”, đến giờ “ông Boehner chỉ nói chung chung, chưa đưa ra được lý do hay chứng cứ nào rõ rệt cả”. Ông Larazus tin rằng “tòa không bao giờ xử những vụ kiện không có chứng cứ xác đáng, và tòa liên bang thường không muốn xét xử những vụ kiện mà các vị thẩm phán tin rằng có tính cách chính trị”.
Một chuyên gia khác là ông Louis Fisher, nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về phân quyền trong hệ thống chính trị Mỹ nói rằng “đưa Tổng thống ra tòa không phải là điều hay” vì “theo cái nhìn của bên tư pháp, Quốc hội có rất nhiều quyền và nhiều cách để kiểm soát hành pháp”. Theo ông Fisher, các vị thầm phán tòa liên bang hay cả Tối cao Pháp viện sẽ không chấp nhận đơn kiện, “lấy lý do Quốc hội có nhiều quyền để ngăn cản không cho Tổng thống đi quá luật, tại sao Quốc hội không làm mà lại yêu cầu chúng tôi phân xử?”. Ông đưa ví dụ nếu không hài lòng với chuyện Tổng thống Obama ra sắc lệnh buộc các cơ quan liên bang phải trả mức lương 10,1USD/giờ cho những nhân viên được thuê mướn tạm thời, Quốc hội có quyền từ chối cấp ngân khoản thực thi sắc lệnh này, “không cần phải đi qua ngõ tư pháp”, tức không hội đủ lý do “để tòa phải phân xử”.
Riêng về trường hợp Tổng thống Obama đồng ý đánh đổi 5 tên khủng bố Taliban lấy thượng sĩ Bowe Bergdahl, chuyên gia Fisher nghĩ rằng, “chuyện này có thể sẽ được tòa liên bang cứu xét”, dựa vào lý do “luật pháp quy định Tổng thống phải thông báo cho Quốc hội ít nhất 30 ngày trước khi thả tù nhân đang bị cầm giữ ở Guantanamo”, đi kèm với điều kiện “lưỡng viện phải đồng ý là Tổng thống Obama đã vi phạm luật, chứ một mình Hạ viện thôi cũng chưa đủ”. Nhưng ông Fisher cũng nêu thắc mắc “giả sử vụ kiện đó thành công, chuyện kế tiếp sẽ là gì?” – ý muốn nói nếu ông Boehner nói không nghĩ đến chuyện truất quyền của Tổng thống Obama, thì kiện tụng làm gì cho mất thì giờ?
Câu trả lời đến từ bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Khối thiểu số (Dân Chủ) Hạ viện: ông Boehner và phía Cộng hòa “vẽ chuyện để chứng tỏ cho cư tri biết là họ có làm việc”. Bà Pelosi mỉa mai khi rằng “cánh Cộng hòa cần có người trưởng thành để hướng dẫn, và tôi mong người trưởng thành đó là ông Boehner”.
Tại Nhà Trắng, thoạt đầu các cố vấn đặc trách đối nội của Tổng thống Barack Obama từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến chuyện này, nhưng trong cuộc họp báo hôm 27/6 vừa rồi, phát ngôn viên Josh Earnest cho rằng: “Người dân Mỹ sẽ bực bội, không ủng hộ khi thấy có những người sử dụng tiền thuế của dân chỉ để chống lại những gì Tổng thống muốn làm cho quốc gia”.
Theo Năng Lượng Mới