Quốc hội không ấn định thời hạn sửa Bộ luật Hình sự mới
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến cuối giờ chiều 29/6, kết quả kiểm phiếu biểu quyết về việc hoãn thi hành Bộ luật Hình sự 2015 cho thấy, tuyệt đại đa số các đại biểu ủng hộ việc lùi thời hạn thi hành đến khi Quốc hội sửa xong… 90 lỗi tại Bộ luật.
Việc gửi phiếu để các đại biểu Quốc hội khóa XIII thực hiện việc biểu quyết về việc hoãn thi hành Bộ luật Hình sự ngay tại các địa phương, không phải tại một kỳ họp tập trung, được tiến hành hôm 27/6 vừa qua. Theo đó, 15h chiều nay là hạn chót để các đại biểu bỏ phiếu và kết quả kiểm phiếu được tập hợp ngay trong buổi chiều để Nghị quyết của Quốc hội được thông qua.
Trước đó, phiếu biểu quyết đưa ra nội dung đề xuất lùi thời hạn thi hành Bộ luật lại 6 tháng, đến 1/7/2017 nhưng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, UB Thường vụ Quốc hội vẫn lo ngại khả năng đến thời điểm đó vẫn chưa sửa xong được Bộ luật. Vì vậy, chốt lại, Nghị quyết của Quốc hội quy định lùi hiệu lực thi hành Bộ luật đến khi sửa xong các lỗi (theo thống kê, đến thời điểm này, các cơ quan đã phát hiện khoảng 90 lỗi).
Được biết, cùng với việc lùi lại hạn thi Bộ luật Hình sự 2015, Nghị quyết của Quốc hội cũng quyết định cho lùi hiệu lực thi hành của 3 đạo luật được thông qua năm 2015 gồm: Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Các đạo luật này có nhiều điều khoản viện dẫn, liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự mới.
Trong Nghị quyết còn điều khoản cho cho phép áp dụng trước các quy định của Bộ luật này mà có lợi cho người phạm tội, tức là tuy lùi nhưng các điều khoản có lợi cho người phạm tội vẫn được áp dụng. Cụ thể, các quy định được nêu tại khoản 3, điều 7 vẫn được thực hiện từ ngày 1/7/2016.
Việc này có nghĩa, những điều luật xoá bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn… có lợi cho người phạm tội sẽ được áp dụng ngay trong một vài ngày tới.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện tại, Nghị quyết đang được UB Tư pháp, UB Pháp luật hoàn thiện để trình lên Chủ tịch Quốc hội ký, đóng dấu rồi chuyển sang Văn phòng Chủ tịch nước để thực hiện quy trình công bố.
P.Thảo
Theo Dantri
Tiền của dân, tin cậy của dân, hãy làm cho xứng đáng!
Đại biểu cho dân mà không biết "lắng nghe" dân thì "lắng nghe" ai? Lắng nghe mà không phản ánh tâm tư nguyện vọng của dân thì lắng nghe để làm gì? Làm người bình thường cũng phải giữ lời hứa bởi "lời nói đọi máu", "một sự thất tín, vạn sự bất tin" huống chi là đại biểu của dân, của nước...
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Chỉ ít ngày nữa, nhiệm kỳ mới của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sẽ chính thức đi vào hoạt động. Một đòi hỏi không mới, nhưng không và mãi mãi không cũ, đó là trách nhiệm của đại biểu với cử tri, những người đã bỏ phiếu tín nhiệm, bầu cho mình.
Công bằng mà nói, trong các nhiệm kỳ qua, nhất là những nhiệm kỳ gần đây, nhiều đại biểu đã thể hiện khá đầy đủ tinh thần trách nhiệm với dân, với nước. Họ không chỉ tận tâm, tận lực mà còn dũng cảm nói lên những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân, góp sức cùng dân đấu tranh cho công bằng, cho chân lý.
Song, cũng không ít đại biểu chưa làm tròn trách nhiệm của mình với cử tri. Vẫn có hiện tượng vắng mặt trong các kỳ họp hoặc có mặt nhưng cũng... như không bởi nhiều nhiệm kỳ không một lần phát biểu.
Không phải đại biểu nào cũng biết lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng cử tri để đi tìm chân lý.
Xin đơn cử những vụ việc mà báo Dân trí đồng hành cùng người dân và thành công trong mấy năm gần đây như vụ 194 phố Huế. vụ bà cụ ở Lâm Đồng bị "áp thuế" 5,7 tỉ đồng , vụ 146 Quán Thánh... đều bắt đầu từ những nguyện vọng chính đáng của dân. Thế nhưng tiếc thay, suốt trong quá trình đó đã không có được sự quan tâm, đồng hành của các đại biểu các cấp!?
Rồi không phải đại biểu nào cũng thực hiện đầy đủ lời của mình đã hứa trước khi bầu cử.
Vẫn còn những đại biểu "ngủ gật" trong nghị trường khiến cử tri bức xúc.
Vẫn còn có cả những đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật bị bãi miễn, bỏ tù...
Thậm chí, có cả đại biểu phiếu bầu "chưa ráo mực" đã phải đứng trước nguy cơ như lời của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: "Ông Trịnh Xuân Thanh không xứng đáng đại biểu Quốc hội"
Tại kỳ họp thứ I - HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX, bà Lê Thị Ái Nam, người vừa trúng cử Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã yêu cầu các đại biểu trong địa bàn của mình "phải lắng nghe và kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng cũng như thực hiện tốt lời hứa với người dân".
Những điều bà Ái Nam nói thực chất chỉ là những yêu cầu tối thiểu đối với một đại biểu ở Hội đồng nhân dân hay đại biểu Quốc hội bởi là đại biểu cho dân mà không biết "lắng nghe" dân thì "lắng nghe" ai? Lắng nghe mà không phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của dân thì lắng nghe để làm gì? Và cuối cùng, làm người bình thường cũng phải giữ lời hứa bởi "lời nói đọi máu", "một sự thất tín, vạn sự bất tin" huống chi là đại biểu của dân, của nước?!
Làm đại biểu cho dân, không chỉ được hưởng lương từ tiền đóng thuế của dân mà cao hơn nữa, là tình cảm, niềm tin, sự gửi gắm của dân hay nói cách khác, tiền từ dân, tình của dân, các vị hãy làm sao cho xứng đáng, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám
Theo Dantri
Từ 1/8: Quy định cụ thể thời gian phải bật đèn xe Từ ngày 01/8/2016, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt bắt đầu có hiệu lực thi hành. Trong đó quy định cụ thể về thời gian phải bật đèn xe và mức xử phạt nếu vi phạm. Từ ngày 01/8/2016, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm...