Quốc hội Italy thông qua chính phủ mới do Thủ tướng Conte đứng đầu
Đây là chính phủ thứ 66 của Cộng hòa Italy và là chính phủ thứ 2 trong nhiệm kỳ quốc hội 5 năm tại quốc gia Nam Âu này.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte phát biểu tại phiên họp Hạ viện ở Rome, Italy, ngày 9/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Với 169 phiếu thuận, 133 phiếu chống và 5 phiếu trắng, Thượng viện Italy ngày 10/9 Italy đã chính thức thông qua chính phủ của liên minh 3 đảng là Phong trào 5 sao (M5S), Dân chủ (PD) và Tự do và Công bằng (LeU) do Thủ tướng Giuseppe Conte đứng đầu.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Roma, chính phủ Thủ tướng Conte hôm 9/9 cũng đã vượt qua vòng bỏ phiếu tương tự tại Hạ viện với kết quả 343 phiếu thuận và 263 phiếu chống.
Video đang HOT
Đây là chính phủ thứ 66 của Cộng hòa Italy và là chính phủ thứ 2 trong nhiệm kỳ quốc hội 5 năm tại quốc gia Nam Âu này.
Với việc được Quốc hội lưỡng viện Italy thông qua, chính phủ mới của Thủ tướng Conte sẽ có 21 bộ, tăng 3 bộ so với chính phủ tiền nhiệm.
Trong chính phủ liên minh này, M5S giữ 10 ghế bộ trưởng, đảng PD có 9 ghế, và đảng LeU có 1 ghế, Vị trí Bộ trưởng Nội vụ được trao cho một nhân vật kỹ trị không thuộc đảng phái nào.
Chính phủ liên minh M5S-PD-LeU đã cam kết thực hiện chính sách kinh tế mở, thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng với các ưu tiên hoãn tăng thuế giá trị gia tăng VAT, áp dụng lương tối thiểu, tăng trợ cấp phúc lợi xã hội, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, đầu tư phát triển kinh tế cho khu vực miền Nam, cam kết theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững.
Cải cách Hiến pháp, luật bầu cử, cắt giảm số lượng nghị sỹ và xem xét lại các đạo luật an ninh mới được ban hành cũng là những mục tiêu ưu tiên của chính phủ mới.
Bên cạnh đó, trong quan hệ với EU, Italy đặt mục tiêu trở thành một trong những bên quan trọng của giai đoạn tái khởi động và làm mới EU, thúc đẩy những thay đổi cần thiết trong các quy định của EU hiện nay, giảm các ràng buộc của EU đối với Itay trong vấn đề nợ công và tăng trưởng./.
Theo Huy Thông (TTXVN/Vietnam )
Tổng thống Italy hối thúc các bên nhanh chóng đạt thỏa thuận chính trị
Tổng thống Mattarella đã bắt đầu các cuộc tham vấn nhằm thành lập một chính phủ mới sau khi liên minh cầm quyền đổ vỡ và Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố từ chức.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte (giữa) phát biểu tại phiên họp Thượng viện ở Rome, ngày 20/8/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã hối thúc các đảng phái chính trị nước này nhanh chóng đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh mới trong vài ngày tới nếu không muốn tổ chức một cuộc bầu cử sớm.
Một nguồn tin thân cận ngày 22/8 cho biết Tổng thống Mattarella đã bắt đầu các cuộc tham vấn nhằm thành lập một chính phủ mới sau khi liên minh cầm quyền đổ vỡ và Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố từ chức.
Theo kế hoạch, trong ngày 22/8, Tổng thống Mattarella sẽ gặp phái đoàn của đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng Dân chủ (PD) trung tả, vốn được cho là có thể tạo ra một liên minh cầm quyền mới. Ông Mattarella muốn có các đảng phái chính trị đưa ra tín hiệu rõ ràng về khả năng đạt được thỏa thuận trong ngày 22/8 cũng như các bước tiến lớn vào đầu tuần tới.
"Đất nước hình chiếc ủng" tiếp tục vướng vào vòng xoáy khủng hoảng và bất ổn chính trị mới, sau quyết định của Phó Thủ tướng Matteo Salvini và đảng cực hữu Liên đoàn (Lega) rút lại sự ủng hộ và đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Giuseppe Conte, phá vỡ liên minh mong manh với M5S, kéo theo việc Thủ tướng Conte đệ đơn từ chức vào ngày 20/8.
Giới chuyên gia cho rằng ít nhất ba kịch bản có thể xảy ra, đó là chính phủ "đỏ-vàng" - tức liên minh gồm M5S (vàng) và PD (đỏ); hoặc chính phủ liên minh "Ursula," được đặt theo tên của người được bầu làm Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, bao gồm đảng PD trung tả, đảng Tiến lên Italy (Forza Italia) và M5S, các lực lượng chính ủng hộ bà Ursula von der Leyen là Chủ tịch EC; hoặc một chính phủ kỹ trị./.
Theo Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam )
Hội nghị G7: Nỗ lực vực dậy, củng cố niềm tin Trong bối cảnh "rối ren" khi chiến tranh thương mại leo thang, suy thoái kinh tế, khủng hoảng chính trị ở một số nước châu Âu, rạn nứt quan hệ giữa các thành viên Liên minh châu Âu (EU) Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) được xem như "cầu nối" quan trọng, giúp "xoa dịu" hàng loạt...