Quốc hội Australia với những ngôi nhà chao đảo
Ngày 31/7, theo hãng tin Reuters, lần thứ hai, các đảng đối lập đe dọa ngăn chặn dự luật về nhà ở, qua đó tạo điều kiện cho chính phủ kích hoạt hiến pháp một cuộc bầu cử sớm tại Australia.
Thậm chí, theo đài ABC, chính phủ Australia đương nhiệm có thể giải tán cả hai viện của Quốc hội, nếu Thượng viện tiếp tục ngăn cản dự luật đã được Hạ viện thông qua ấy.
Không ai khoan nhượng
“Chà, tôi không muốn thế đâu, nhưng tôi muốn chính sách này phải được thông qua!” – Thủ tướng Australia Anthony Albanese phát biểu với ABC, khi Quốc hội Australia tiến hành các cuộc họp – “Đây là vấn đề chủ chốt, và sau đó, chúng ta sẽ tiến hành bầu cử lại”.
Lịch trình của cuộc bầu cử quốc hội sắp tới tại Australia phải đến đầu năm 2025 mới diễn ra. Nhưng hiện tại, sự bế tắc trong những cuộc tranh luận đã khiến Thủ tướng Anthony Albanese có thể đẩy nhanh tiến trình này.
Thủ tướng Albanese đã biết rằng mình sẽ phải đối diện với rất nhiều thách thức ngay từ ngày đầu nhậm chức.
Bế tắc ấy xoay quanh gói nhà ở trị giá 10 tỷ AUD (tương đương 6,7 tỷ USD) của chính phủ Công đảng trung tả đề xuất, mà Đảng Xanh đang từ chối thông qua tại Thượng viện, nếu không có những thay đổi để tăng chi tiêu và hạn chế tiền thuê. Hồi tháng 6/2023, đảng Xanh đã cùng đảng Tự do đối lập đã bỏ phiếu để trì hoãn dự luật này. Những tranh cãi liên quan chính sách này đang dẫn tới mối đe dọa kép: Giải tán Quốc hội và bầu cử sớm.
Công đảng và Đảng Xanh ủng hộ hành động giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở đang diễn ra tại Australia, nhưng không thống nhất được với nhau về cách tiếp cận.
Công đảng đã đề xuất thành lập một quỹ trị giá 10 tỷ AUD để tài trợ cho nhà ở xã hội, nhằm bình ổn giá thị trường bất động sản, với trị giá ít nhất 500 triệu AUD/năm. Tuy nhiên, Đảng Xanh muốn chi tới 2,5 tỷ AUD cho nhà ở hằng năm, đồng thời đưa ra một nội dung gây tranh cãi nhất là “đóng băng tiền thuê nhà trên toàn quốc”.
Rất đáng chú ý, kể từ khi “lập quốc” năm 1901, Australia cũng đã trải qua bảy lần khủng hoảng kép, khi vừa phải giải tán Quốc hội vừa bầu cử sớm. Gần đây nhất là vào năm 2016, đảng Tự do – khi đó đang cầm quyền – đã kích hoạt những điều khoản hợp hiến cần thiết, để rồi trở lại nắm quyền với ít ghế tại Thượng viện hơn.
Dự luật nhà ở mới nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị ngăn cản.
Những lựa chọn khó khăn
Video đang HOT
Thực chất, cuộc khủng hoảng nhà ở đang diễn ra tại Australia, và khiến cả Quốc hội cũng như chính phủ nghiêng ngả theo là gì?
Hãng MPA, ngày 1/8/2023, tổng kết một cách ngắn gọn: “Một khoản vay thế chấp đáng kinh ngạc, có lãi suất cố định trị giá 95 tỷ AUD, sẽ đến hạn trong ba tháng tới”.
Cụ thể, “gần 150.000 hộ gia đình ở Australia đang đứng trước bờ vực, khi các khoản vay lãi với suất cố định giá rẻ sắp hết hạn, dẫn tới nguy cơ thu hồi những khoản thế chấp với tổng trị giá lên tới 95 tỷ AUD.
Theo một báo cáo của tờ The Australian, đây là hệ quả của việc quốc gia này đang phải vật lộn trên đỉnh điểm của những cú sốc tín dụng, trong bối cảnh toàn bộ tác động từ việc tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ (Reserve Bank Australia/RBA) bắt đầu bộc lộ.
Trước cuộc họp của hội đồng quản trị RBA, được lên kế hoạch để thảo luận về khả năng tăng thêm lãi suất tiền mặt, The Australian đã thu lượm được những thông tin, theo đó chỉ ra rằng các khoản thế chấp trị giá 32 tỷ AUD sẽ cần được tái cấp vốn mỗi tháng, kể từ tháng 9/2023 đến hết quý IV.
Một phiên họp Quốc hội Australia.
Nhiều người đi vay dự kiến sẽ phải đối mặt với toàn bộ tác động của việc tăng lãi suất tiền mặt 4% trong năm qua, dẫn đến khoản thanh toán hàng tháng của họ tăng đột biến, thậm chí có thể lên tới 63%. Đối với những người đi vay sắp được giảm lãi suất cố định, gánh nặng sẽ rất lớn. Chẳng hạn, chủ những khoản vay trị giá 750.000 AUD, được đặt lãi suất ở mức 2% trong quá khứ, sẽ sửng sốt khi thấy các khoản hoàn trả tăng từ 3.180 AUD mỗi tháng lên 4.830 AUD mỗi tháng – mức tăng với giả định tỷ lệ mới là 6%, The Australian giải thích.
Tương tự, những người đi vay đã chọn lãi suất ba năm vào năm 2020, khi lãi suất trung bình là 2,61% sẽ phải đối mặt với mức tăng 53% trong khoản trả nợ của họ, với cam kết hàng tháng cho khoản vay 500.000 AUD tăng từ 2.004 AUD lên 3.074 AUD.
RBA ước tính: Khoảng một nửa số khoản vay mua nhà có lãi suất cố định, trị giá khoảng 350 tỷ AUD, sẽ hết hạn trong năm nay. Tình hình này còn có thể trở nên tồi tệ hơn, với đà tăng của lạm phát.
Trở lại với những cuộc họp Quốc hội sau kỳ nghỉ đông kéo dài 6 tuần, Thủ tướng Australia Anthonyh Albanese thấy mình đối diện với những bất ổn ngày càng tăng trong xã hội, về mọi phương diện của chi phí sinh hoạt. Mục tiêu hàng đầu mà ông lựa chọn là ngăn chặn và đẩy lùi lạm phát. Do đó, ông từ chối những đề xuất của phe liên minh đối lập: Thay thế việc tăng trợ cấp thất nghiệp thêm 40 AUD mỗi hai tuần cho các cá nhân, thông qua mạng lưới quản trị JobSeeker, bằng phương thức thêm tùy chọn cho những người nhận trợ cấp, để họ có thể giữ thu nhập lên tới 300 AUD mà không bị cắt phúc lợi xã hội; và đóng băng tiền thuê nhà, đổi lại là việc thông qua Quỹ nhà ở trị giá 10 tỷ AUD mà Thủ tướng đang đề xuất Nghị viện chấp thuận.
“Chúng tôi có kế hoạch chống lạm phát” – Albanese nói trước Quốc hội – “Đó là về việc biến khoản thâm hụt 78 tỷ AUD thành thặng dư ngân sách đầu tiên sau 15 năm. Thứ hai là cung cấp hỗ trợ chi phí sinh hoạt hộ gia đình mà không làm tăng lạm phát. Và thứ ba, đầu tư vào những thách thức trong chuỗi cung ứng”.
Lạm phát – mối đe dọa trực diện với Australia, cũng như rất nhiều quốc gia.
Những mục tiêu đầy tham vọng, và cũng có vẻ khá thực tế. Tuy vậy, như cách Bộ Tài chính Australia (thuộc phe đối lập) phản bác, phải chăng chính phủ của Thủ tướng Albanese đã dựa vào những dữ liệu lỗi thời trong ngân sách phúc lợi?
Chuyên gia tài chính Steve Mickenbecker của hãng Canstar, trước đó, từng phân tích: “Một năm vừa qua, những người đi vay với lãi suất cố định đã không có đủ điều kiện và cơ sở để thích nghi với mức lãi suất cao hơn. Họ đã tránh được khó khăn trong việc điều chỉnh ngân sách của mình để trả các khoản vay, nhưng lại phải đón nhận đến 12 lần điều chỉnh tiền tệ của RBA”.
Rủi ro tiềm ẩn
Và như vậy, tất cả các khía cạnh của cuộc khủng hoảng chính trường đang hiện hữu này, thực chất, chính là một sự bế tắc được tạo nên bởi xung đột của các quan điểm chính sách xã hội đối lập.
Theo The Australian, Hội đồng quản trị RBA đã thừa nhận rằng: Những nguy cơ từ việc đẩy lãi suất quá cao sau khi thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ, cũng như sự phức tạp của việc xử lý các khoản vay thế chấp có lãi suất cố định, đã khiến nhiệm vụ kiểm soát lạm phát mà không làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp trở nên đặc biệt khó khăn, vào thời điểm hiện tại.
Trong quá khứ gần đầy những biến động, một xu hướng đáng chú ý được quan sát thấy vào năm 2021 là người dân Australia “đổ xô vào” lãi suất thế chấp cố định thấp dưới 2% – mức đột biến trong lịch sử, dẫn đến một tỷ lệ đáng kể người sử dụng các khoản vay như vậy, lên tới 80%.
Những lần tăng lãi suất liên tiếp của RBA là những cú đòn nặng nề dành cho người đi vay.
Khi quá trình tăng lãi suất do RBA khởi xướng từ tháng 5/2022 tiếp tục diễn ra, phân tích của RBA ước tính khoảng 800.000 hộ gia đình đang vay lãi suất cố định vẫn chưa bị tăng lãi suất. Song, kể từ mốc thời gian ấy tới nay, có quá nhiều thứ đã thay đổi. Và thậm chí, trong thời điểm này, các nhà kinh tế vẫn chia rẽ về việc liệu RBA sẽ lựa chọn tăng lãi suất lần thứ 13 hay quyết định tạm dừng ở mức hiện tại là 4,1%.
Khi mức độ căng thẳng tài chính đối với nhiều người dân Australia trở nên rõ ràng, Thống đốc Jim Chalmers tin rằng thặng dư tài khóa 2022-23 dự kiến sẽ vượt quá 20 tỷ AUD. Tuy nhiên, điều quan trọng là chính phủ hiện không có kế hoạch hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn, mặc dù tình hình tài chính được cải thiện có thể cho phép cứu trợ trong tương lai, ở những khoản ngân sách sắp tới.
Và điều đó, không phải dự luật hay chính sách đơn lẻ nào, mới chính là căn nguyên đích thực của những mâu thuẫn trên chính trường, đang đe dọa tạo nên cho Australia một nguy cơ kép: Giải tán quốc hội, để tổ chức bầu cử sớm. Đó là sự cụ thể hóa ở mức cao nhất những thách thức trong việc quản trị một quốc gia, khi phải đối diện với tình hình thế giới đầy biến động và bất ổn, khi bị giằng xé giữa chống lạm phát bằng những công cụ khắc nghiệt, hay là nới lỏng kiểm soát nhằm hỗ trợ các giai tầng yếu thế hơn trong xã hội.
Cũng không chắc những đề xuất từ liên minh đối lập đã là hữu lý, để giải bài toán này, với những lựa chọn khó khăn này…
"Tối hậu thư" trước âm mưu đảo chính ở Niger
Mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger, có thể bao gồm sử dụng vũ lực, sẽ được thực hiện - Tối hậu thư đanh thép của Khối Cộng đồng kinh tế 15 quốc gia Tây Phi (ECOWAS) với thời hạn 7 ngày được đưa ra không khoan nhượng, báo hiệu những ngày đầy biến động phía trước với Niger, và với châu Phi.
Điều kiện đã được nêu rõ với nhóm đảo chính ở Niger, sau khi Tổng thống Mohamed Bazoum bị bắt giữ và phế truất vào tuần trước bởi lực lượng cận vệ nước này. Các biện pháp trừng phạt và thậm chí việc sử dụng vũ lực sẽ được thực hiện nếu những nhân vật lãnh đạo cuộc đảo chính ở quốc gia Tây Phi này không phục hồi chức vụ cho Tổng thống.
Lo ngại tình trạng bất ổn có thể lan rộng tại Niger do cuộc đảo chính. Ảnh: AP
Đây là quyết định được ECOWAS đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp diễn ra ở Nigeria hôm 30/7 (giờ địa phương) nhằm thảo luận về bất ổn chính trị tại Niger. ECOWAS yêu cầu ngay lập tức trả tự do và khôi phục quyền lực cho Tổng thống dân cử Mohamed Bazoum. Tuyên bố chung của hội nghị nêu rõ: "Trong trường hợp các yêu cầu đối với chính quyền (quân sự Niger) không được đáp ứng trong vòng 1 tuần, ECOWAS sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger. Các biện pháp đó có thể bao gồm sử dụng vũ lực. Để đạt kết quả này, tham mưu trưởng quân đội các thành viên ECOWAS sẽ lập tức nhóm họp".
Cùng ngày, ECOWAS và Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi gồm 8 thành viên đồng thời cho biết biên giới với Niger sẽ bị đóng cửa ngay lập tức, các chuyến bay thương mại bị cấm, các giao dịch tài chính bị tạm dừng, tài sản quốc gia bị đóng băng và viện trợ chấm dứt. Các quan chức quân sự liên quan đến cuộc đảo chính sẽ bị cấm đi lại và tài sản của họ bị đóng băng. Liên minh châu Phi (AU) cũng đưa ra một tối hậu thư tương tự, đe dọa trừng phạt nếu chính quyền quân sự của Niger từ chối rút lui trong 15 ngày.
Đây không phải phản ứng gay gắt duy nhất được đưa ra nhắm vào nhóm đảo chính Niger. Trước đó, khi Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng cận vệ của Tổng thống Niger từ năm 2011, tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi trong giai đoạn chuyển tiếp, các nước láng giềng và các đối tác quốc tế bao gồm Mỹ, Liên Hợp Quốc, AU, Liên minh châu Âu (EU) và Pháp đã đồng loạt lên án mạnh mẽ, từ chối công nhận các nhà lãnh đạo mới do nhân vật này đứng đầu. Trong diễn biến mới nhất, Điện Elysee ngày 31/7 ra cảnh báo sẽ đáp trả bất kỳ hành động tấn công nào nhằm vào công dân, quân đội, nhà ngoại giao cũng như lợi ích của Pháp tại Niger.
Trước đó, EU và Pháp đã ra thông báo đình chỉ ngay lập tức mọi khoản viện trợ phát triển cho Niger. Mỹ cảnh báo sẽ thực hiện động thái tương tự trong tương lai. Trên thực tế, Niger là nước nhận viện trợ chính từ phương Tây và là đối tác chính của Liên minh châu Âu trong ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp từ khu vực châu Phi cận Sahara. Tại Niger có căn cứ quân sự của Pháp và Mỹ, tiền đồn hậu cần của Đức.
Tuy nhiên, Thủ tướng Niger dưới thời chính phủ của Bazoum, ông Ouhoumoudou Mahamadou, hôm 31/7 bày tỏ lo ngại các biện pháp trừng phạt của ECOWAS sẽ khiến Niger đương đầu thảm họa vì nước này phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác quốc tế để trang trải các nhu cầu ngân sách của mình. Theo Ngân hàng Thế giới, Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhận được gần 2 tỷ USD hỗ trợ phát triển chính thức mỗi năm.
Chính vì thế, giải pháp đàm phán và hòa giải vẫn đang là sự lựa chọn được châu Phi thực hiện song song để giải quyết khủng hoảng chính trị tại Niger, ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng lan rộng ra toàn bộ khu vực Tây Phi. Ngày 30/7, người phát ngôn chính phủ Cộng hòa Chadxác nhận Tổng thống nước này Mahamat Idriss Deby Itno đã tới Niger để hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng sau cuộc đảo chính.
Trong diễn biến mới nhất, Reuters cho biết Tổng thống Cộng hòa Chad đã trao đổi với các nhân vật lãnh đạo quân sự tiến hành vụ đảo chính ở Niger và sau đó thông báo lại các nội dung trao đổi cho Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, Chủ tịch ECOWAS. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng kiên trì kêu gọi đối thoại và thiết lập sự ổn định tại Niger. Khẳng định là một đối tác của chính phủ được bầu cử một cách dân chủ tại Niger, Anh kêu gọi các lực lượng quân sự lập tức phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum để khôi phục trật tự hiến pháp.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nhấn mạnh nước này cùng với ECOWAS và các nhà lãnh đạo khu vực kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Niger và gia đình của ông, khôi phục tất cả các chức năng của nhà nước cho chính phủ hợp pháp, được bầu cử dân chủ. Nga cũng lên án cuộc đảo chính là một "hành động vi hiến" và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế sử dụng vũ lực.
Mặc dù vậy, giới quan sát lo ngại các động thái trừng phạt nhằm vào Niger vẫn chưa đủ để giải quyết bất ổn, nhất là khi người phát ngôn của ban lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự tại Niger, Đại tá Amadou Abdramane cáo buộc ECOWAS lên kế hoạch xâm lược Niger, đồng thời khẳng định quyết tâm "bảo vệ đất nước" của chính quyền mới. Những biến động chính trị tại quốc gia Tây Phi này có thể sẽ trở thành bất ổn khó giải quyết của khu vực, nếu như các biện pháp trừng phạt hay đối thoại không đạt hiệu quả trong thời gian tới.
New Zealand sẵn sàng đối thoại về AUKUS Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins cho biết nước này "sẵn sàng đối thoại" về việc tham gia thỏa thuận AUKUS (gồm Australia, Anh và Mỹ), miễn là không liên quan tới việc phát triển tàu ngầm hạt nhân. Một quân nhân của Quân đội New Zealand đang quan sát các tàu chiến cập cảng Waitemata. Ảnh: AFP Theo phóng viên TTXVN tại...