Quốc gia châu Âu đầu tiên áp đặt bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Áo trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu thông qua quy định áp đặt tiêm chủng bắt buộc đối với người dân trên 18 tuổi từ giữa tháng 3 tới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Vienna, Áo. Ảnh: AFP/TTXVN
Dự thảo luật do Chính phủ liên bang Áo đệ trình đã nhận được đa số ủng hộ của các nghị sĩ Hội đồng Quốc gia (Hạ viện) Áo, trong đó có 137 nghị sĩ bỏ phiếu thuận và 33 phiếu chống. Dù chỉ là hình thức, song Hội đồng liên bang (Thượng viện) vẫn phải thông qua để dự luật có hiệu lực. Quy định mới sẽ bắt buộc tiêm chủng đối với nam nữ công dân trên 18 tuổi, trong khi với nhóm tuổi từ 14-17 có thể tự quyết định có tiêm hay không (ban đầu, Chính phủ Áo chỉ muốn đặt ngoại lệ với trẻ dưới 14 tuổi).
Tuy nhiên, quy định sẽ không áp dụng với phụ nữ mang thai cũng như các đối tượng vì lý do y tế không thể tiêm chủng. Những người đã khỏi bệnh được miễn tiêm chủng trong vòng 180 ngày kể từ khi mắc bệnh. Giai đoạn quá độ để mọi người đi tiêm chủng sẽ kéo dài tới giữa tháng 3 tới. Trong khoảng thời gian này, mỗi hộ dân sẽ nhận được thông báo qua bưu điện về quy định tiêm chủng bắt buộc và khi có hiệu lực, lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm soát ngẫu nhiên tình trạng tiêm chủng của từng người, chẳng hạn như khi đi trên đường. Những người không phải đối tượng đặc biệt mà không tiêm chủng sẽ bị phạt, với mức phạt dao động từ 600 – 3.600 euro.
Bộ trưởng Y tế liên bang Áo Wolfgang Mckstein nhấn mạnh tiêm chủng bắt buộc là hành động thể hiện sự đoàn kết và gắn bó của người dân với nhau. Ông nêu rõ, khi càng có nhiều người được tiêm chủng thì sẽ càng có ít ca tử vong vì COVID-19. Bà Pamela Rendi-Wagner, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SP) đối lập cũng hoan nghênh kế hoạch này.
Video đang HOT
Đảng duy nhất bỏ phiếu chống dự luật là Đảng Tự do Áo (FP), cho rằng việc áp đặt tiêm chủng bắt buộc là đi ngược lại quyền tự do của người dân. Để khuyến khích tiêm chủng, Chính phủ Áo có nhiều hình thức như cung cấp xổ số tiêm chủng, tặng thưởng các vùng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao,… Tổng cộng có khoảng 1 tỷ euro chi cho các biện pháp này.
Áo đặt mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng từ 85-90% dân số từ 5 tuổi trở lên. Hiện con số này mới chỉ đạt 75%, trong khi tỷ lệ tiêm chủng theo tổng dân số là 72%. Với quyết định trên, Áo là quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) quy định tiêm chủng bắt buộc. Trước đó, Italy và Hy Lạp đã áp đặt tiêm chủng bắt buộc với người cao tuổi.
Nhiều quốc gia châu Âu giảm thời gian cách ly phòng dịch
Ngày 12/1, Chính phủ Ireland đã thông báo một loạt thay đổi đối với các quy định hiện hành liên quan đến việc cách ly và xét nghiệm cho các ca mắc COVID-19 cũng như những trường hợp tiếp xúc gần.
Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Dublin, Ireland. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo các quy định mới có hiệu lực từ ngày 14/1, thời gian tự cách ly đối với người bệnh sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Các trường hợp từng tiếp xúc gần các mắc COVID-19, nếu đã được tiêm mũi vaccine tăng cường và không có triệu chứng của bệnh, sẽ không phải tự cách ly trong 5 ngày. Dù vậy, cơ quan y tế vẫn khuyến nghị những trường hợp này cần đeo khẩu trang và thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên thường xuyên.
Đối với những người chưa tiêm vaccine tăng cường, nếu tiếp xúc gần các ca mắc COVID-19 sẽ phải tự cách ly trong 7 ngày. Những người từ 4 đến 39 tuổi, đã có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2, sẽ không cần thực hiện xét nghiệm PCR để khẳng định kết quả.
Bộ trưởng Y tế Ireland nêu rõ việc điều chỉnh các quy định trên sẽ giúp giảm bớt áp lực đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong nước và nhiều ngành nghề khác trong xã hội, chẳng hạn như các dịch vụ thiết yếu.
* Thụy Sĩ cũng sẽ giảm một nửa thời gian cách ly phòng dịch xuống còn 5 ngày nhằm giảm bớt tác động kinh tế tiềm tàng do làn sóng dịch bệnh gây ra. Quyết định này của chính phủ đã nhận được sự ủng hộ của giới chức y tế cho dù Thụy Sĩ ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày bởi biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh.
Các quan chức lo ngại rằng làn sóng lây nhiễm hiện nay có thể "nhấn chìm" hệ thống y tế tại Thụy Sĩ - nơi mới có khoảng 67% dân số đã tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản ngừa COVID-19 và chỉ khoảng 30% được tiêm mũi tăng cường.
Hiện chính phủ nước này cũng đề xuất gia hạn thời gian áp đặt hạn chế đối với các hoạt động công cộng từ tháng 12 năm ngoái tới cuối tháng 3 năm nay, song sẽ nỗ lực tránh áp đặt lệnh phong tỏa và việc bắt buộc tiêm phòng như quốc gia láng giềng Áo đang thực hiện.
* Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết nước này cũng đã quyết định nới lỏng thêm quy định cách ly và xét nghiệm COVID-19. Theo đó, bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR vì mục đích giám sát cũng như bãi bỏ yêu cầu này đối với những người tiếp xúc gần các ca mắc COVID-19. Việc xét nghiệm sẽ được tiến hành đối với các trường hợp xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh.
Các trường hợp tiếp xúc gần nếu đã được tiêm phòng đầy đủ các mũi cơ bản cũng sẽ không phải cách ly. Ngoài ra, những người mắc bệnh sẽ không cần làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ 7 khi hết thời gian cách ly.
* Chính phủ Đan Mạch cũng đã đề xuất nới lỏng các hạn chế phòng dịch vào cuối tuần, trong đó có việc mở trở lại các rạp chiếu phim, các địa điểm ca nhạc. Đề xuất này được đưa ra khi tỷ lệ nhập viện vì COVID-19 giảm cho dù số ca mắc mới tăng cao kỷ lục.
Chính phủ Đan Mạch cũng đã đề xuất tiêm mũi thứ 4 ngừa COVID-19 cho nhóm người có nguy cơ tổn thương cao, đặc biệt là những người được chẩn đoán mắc bệnh nghiêm trọng đã được tiêm mũi tăng cường đầu tiên vào mùa Thu vừa qua. Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke nhấn mạnh động thái này của chính phủ đánh dấu "một chương mới" trong cuộc chiến chống COVID-19.
Bộ trưởng Heunicke cho biết thêm nước này sẽ mở cửa trở lại các địa điểm văn hóa vốn phải ngừng hoạt động kể từ ngày 19/12 năm ngoái. Bên cạnh đó, sẽ cho phép tối đa 500 người có mặt đồng thời tại các địa điểm trong nhà. Tuy nhiên, các quán bar và nhà hàng sẽ phải đóng của lúc 23h hằng ngày và cấm bán đồ uống có cồn từ 22h.
Ba Lan phải trả giá đắt khi nhiều người dân từ chối tiêm vaccine COVID-19 Tỉ lệ tiêm chủng thấp đã đẩy Ba Lan vào tình thế nguy hiểm, với số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tăng vọt trong bối cảnh biến thể Omicron đáng lo ngại hơn đang rình rập. Bà Hanna Zientara, 83 tuổi của Warsaw, được tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 ở Warsaw, Ba Lan hôm 7/12. Ảnh: AP Theo hãng...