“Quên bị can suốt… 21 năm”: Công an đã nhận trách nhiệm bồi thường oan
Ban đầu các cơ quan tố tụng đùn đẩy trách nhiệm, sau nhiều lần báo chí phản ánh, cuối cùng Công an huyện Châu Thành (Long An) đã nhận trách nhiệm bồi thường oan cho công dân.
Sáng 8.6, theo thư mời, ông Phan Văn Lá (ngụ xã Vĩnh Công, Châu Thành, Long An) đã tới Công an huyện để trao đổi về số tiền cụ thể mà ông đã yêu cầu bồi thường oan trước đó. Trong buổi làm việc này, Công an huyện đã chính thức đứng ra nhận trách nhiệm sẽ bồi thường cho ông Lá. Như vậy sau 21 năm bị kết án oan và bị đùn đẩy trách nhiệm, đến nay ông Lá đã được một cơ quan tố tụng nhận trách nhiệm sẽ bồi thường oan cho ông.
Tại buổi làm việc, ông Lá đã yêu cầu Công an huyện bồi thường oan cho ông gần 500 triệu đồng (gồm tiền tổn thất tinh thần trong những ngày bị tạm giam, tiền mất thu nhập thực tế…).
Ông Phan Văn Lá bên chồng đơn sau 21 năm đòi công lý. Ảnh: H.Nam
Như Pháp luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, tháng 7.1991, ông Phan Văn Lá cùng hai em trai (13 và 15 tuổi) bị Công an huyện Châu Thành (Long An) khởi tố, bắt tạm giam về tội hủy hoại tài sản XHCN theo Điều 138 BLHS 1985. Sau hai tháng tạm giam, cơ quan điều tra (CQĐT) Công an huyện đã đình chỉ điều tra đối với hai người em. Tháng 12.1991, TAND huyện đã phạt ông Lá bốn năm tù về tội trên. Ông Lá kháng cáo kêu oan. Tháng 9.1992, TAND tỉnh Long An đã hủy án để điều tra, xét xử lại vì chưa đủ cơ sở buộc tội. Hơn một tháng sau, VKSND huyện cho ông Lá tại ngoại. Kể từ đó không ai gọi ông lên làm việc nữa.
Ông Lá gửi đơn kêu oan khắp nơi nhưng không nơi nào phản hồi tích cực. Ròng rã suốt 21 năm trời, ông gõ cửa từ cơ quan tố tụng này đến cơ quan tố tụng khác.
Video đang HOT
Mãi đến tháng 9.2013, sau hơn 21 năm, CQĐT mới ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Lá. Được đình chỉ, ông Lá lại tiếp tục hành trình yêu cầu cơ quan tố tụng phải công khai xin lỗi và bồi thường oan cho mình nhưng một lần nữa, chẳng cơ quan tố tụng nào chấp nhận sẽ xin lỗi, bồi thường cho ông.
Ông Lá hai lần khởi kiện ra TAND huyện yêu cầu chính tòa này phải bồi thường oan và công khai xin lỗi nhưng cả hai lần tòa đều từ chối nhận đơn kiện. Lý do: Tòa này cho rằng lỗi thuộc về CQĐT không điều tra lại, để hết thời hạn điều tra nên tòa không có trách nhiệm bồi thường.
Ngược lại, hai ngành công an và kiểm sát ở tỉnh Long An cũng như Bộ Công an, VKSND Tối cao, Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) đều cho rằng trách nhiệm bồi thường oan thuộc về TAND huyện. Trong khi đó, ngành tòa án tỉnh Long An và TAND Tối cao lại nói trách nhiệm thuộc về Công an huyện.
Trước tình huống trên, Tỉnh ủy Long An đã chủ trì giải quyết khiếu nại của ông Lá nhưng Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao không thống nhất được cơ quan nào sẽ đứng ra bồi thường cho ông Lá. Vì vậy, Tỉnh ủy Long An đã xin ý kiến chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương rồi mới có quyết định cụ thể.
Tháng 12.2014, Ban Nội chính Trung ương đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Long An về vấn đề này. May sao cuối cùng Công an huyện Châu Thành đã nhận trách nhiệm sẽ bồi thường oan cho ông Lá.
“Công an nói họ sẽ họp để xem xét số tiền mà tôi đưa ra, sau đó sẽ mời tôi lên để thương lượng. Nếu hai bên thương lượng không thành thì sẽ phải nhờ tòa án phán quyết. Tôi hiểu cơ quan nhà nước chứ có phải chợ búa đâu mà muốn có là được liền. Thôi thì thà chậm còn hơn không! Hơn 20 năm trời tôi mang thân phận bị can, thời gian đó tôi không làm được gì cả. Tôi khiếu nại mà chẳng cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm, đôi khi tôi tưởng như không còn công lý. Cũng may nhờ có báo chí vào cuộc hỗ trợ và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Ban Nội chính Trung ương nên cuối cùng mọi chuyện cũng đã rõ ràng, vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Đêm rồi tôi mừng quá, thao thức cả đêm không ngủ được luôn. Đợi khi nào có tiền, tôi sẽ trích một ít để sửa nhà, số còn lại tôi dùng để mua công đất làm rẫy” – ông Phan Văn Lá nói.
Theo_Dân việt
19 văn bản chỉ đạo vẫn không xong một vụ án oan
Ban Nội chính Trung ương đề nghị tỉnh Bình Phước giải quyết dứt điểm, tránh làm oan công dân vô tội.
Ngày 16-4, ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Phước và các cơ quan tố tụng của tỉnh này về công tác nội chính, oan sai.
Tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương đề nghị các cơ quan tố tụng giải quyết dứt điểm, tránh gây oan sai đối với vụ khởi tố, bắt giam ông Trần Văn Đề (ngụ xã Minh Hưng, Chơn Thành, Bình Phước) về tội không chấp hành án.
Chuyện không đáng cũng khởi tố
Như đã phản ánh, bản án sơ thẩm của TAND huyện Chơn Thành tuyên ông Đề phải tách thửa diện tích hơn 3,5 ha cho người hàng xóm, ngược lại người này phải trả lại tiền phần diện tích dư (hơn 0,5 ha) cho ông. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm tháng 7-2011 lại chỉ tuyên ông Đề phải tách thửa hơn 3,5 ha mà không nhắc gì đến việc người hàng xóm phải hoàn trả tiền phần đất dư này. Vì thế, ông Đề khiếu nại giám đốc thẩm. Ông đề nghị với Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Chơn Thành là chờ kết quả trả lời của TAND Tối cao thì ông sẽ THA ngay. Tuy nhiên, Chi cục THA không chấp nhận và ra quyết định cưỡng chế, đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vợ chồng ông.
Lấy lý do ông Đề không chấp hành quyết định cưỡng chế trên, Chi cục THA đã chuyển hồ sơ cho Công an huyện Chơn Thành để xử lý ông Đề về tội không chấp hành án theo Điều 304 BLHS. Về phía ông Đề, sau khi có trả lời đơn của TAND Tối cao, ông đến gặp cơ quan THA và công an để xin tự nguyện THA nhưng không được chấp nhận. Ngày 18-3-2013, ông Đề bị bắt tạm giam để điều tra. Gần hai tháng sau ông được cho tại ngoại.
Hai năm qua ông Đề vừa làm thuê kiếm sống vừa liên tục kêu oan. Ảnh: N.ĐỨC
Trên cứ chỉ đạo, dưới cứ trù trừ
Theo lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước, vụ án này đã có đến 19 văn bản chỉ đạo của nhiều ban ngành như Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước, Ban Nội chính Tỉnh ủy, VKSND tỉnh... đề nghị giải quyết dứt điểm nhưng vụ án vẫn dẫm chân tại chỗ, đương sự vẫn mang thân phận bị can.
Lý do chậm xử lý theo báo cáo của VKSND tỉnh Bình Phước: Theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước, VKS tỉnh đã có văn bản yêu cầu VKS huyện Chơn Thành bàn liên ngành theo hướng đình chỉ vụ án. Nhưng các cơ quan tố tụng huyện Chơn Thành không thống nhất mà có văn bản đề nghị kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm. Do vụ án phức tạp, có nhiều quan điểm nên VKS tỉnh và TAND tỉnh đã họp bàn giải quyết vụ án. Tiếp đó VKS tỉnh Bình Phước đã có báo cáo xin ý kiến của Vụ 1A - VKSND Tối cao. Ngày 19-3, Vụ 1A - VKSND Tối cao có công văn xác định: "Hành vi của ông Trần Văn Đề không cấu thành tội phạm". Ngày 31-3, VKS tỉnh tiếp tục đề nghị VKS huyện Chơn Thành họp liên ngành cơ quan tố tụng cấp huyện để thống nhất đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Đề.
Cũng liên quan đến vụ án này, sau khi bao có nhiều bài phản ánh, đoàn công tác Ban Nội chính Trung ương đã về làm việc với cơ quan tố tụng Bình Phước. Đến 17-11-2014, Ban Nội chính Trung ương đã có văn bản đề nghị Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo, xử lý vụ này. Theo đó, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương nêu: "Căn cứ tài liệu thu thập, nghiên cứu hồ sơ vụ án và kết quả làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Chơn Thành và tỉnh Bình Phước, Ban Nội chính Trung ương nhận thấy vụ án ông Trần Văn Đề không chấp hành án có dấu hiệu oan sai khá rõ. Vụ án được dư luận quan tâm vì vậy đề nghị Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo các cơ quan tố tụng của tỉnh giải quyết dứt điểm vụ án theo quy định pháp luật".
Theo Phap luât TPHCM
Không để người phạm tội tham nhũng "chết là hết chuyện" Nhóm nghiên cứu thuộc Ban Nội chính Trung ương đề xuất quy định làm rõ người thực hiện hành vi tham nhũng đã chết có để lại di sản nào không, để buộc người thừa kế phải thực hiện bồi thường, nhằm tránh thực tế hiện nay là "người phạm tội chết là hết chuyện". Theo quy định hiện nay, khi người thực...