Quế Trân tiết lộ khoảnh khắc khiến NSND Thanh Tòng khóc vì tự hào
NSƯT Quế Trân chia sẻ về chặng đường làm nghề của mình, xúc động khi nhắc về người cha quá cố là NSND Thanh Tòng trên sóng truyền hình.
NSƯT Quế Trân kể khoảnh khắc tự hào khi giành huy chương vàng giải Trần Hữu Trang. Chụp màn hình
Chương trình Khoảnh khắc rực rỡ lên sóng tập 64 với sự góp mặt của khách mời đặc biệt là NSƯT Quế Trân, một “cô đào” tài năng được nhiều thế hệ khán giả yêu mến. Từ năm 8 tuổi, Quế Trân đã được tham gia đoàn Đồng ấu Bạch Long. Đến năm 9 tuổi, cô được NSND Thanh Tòng cho đi diễn cùng ở các sân khấu chuyên nghiệp.
Vốn là con nhà nòi, Quế Trân sớm bộc lộ tài năng ở lĩnh vực cải lương, được giới chuyên môn và khán giả công nhận. Chỉ mới 18 tuổi, cô đã giành được huy chương vàng giải Trần Hữu Trang. Theo nữ nghệ sĩ, đó là may mắn của cô khi còn khá trẻ đã chạm được vào một giải thưởng lớn của giới sân khấu cải lương lúc bấy giờ.
Video đang HOT
Quế Trân tâm sự cô ý thức được sự nổi tiếng của NSND Thanh Tòng nên luôn phải cố gắng để xứng đáng với gia đình. Chụp màn hình
“Thời điểm đó, ba không tạo áp lực cho tôi mà chỉ nói rằng tôi nên thi để cọ xát. Ba cứ nhắc nhở là cứ tập tành đi, để mình được làm quen với sân khấu lớn, được dạn dĩ, tự tin hơn khi đứng trước khán giả và vào được những giải thưởng lớn. Không có một áp lực nào cho tôi lúc bấy giờ vì mình chỉ nghĩ không thành công cũng thành nhân. Mặc dù lúc đó ba tôi rất nổi tiếng và ai cũng trông để xem con ông Thanh Tòng hát thế nào. Lúc đó ba tôi lại là thành viên của ban giám khảo nữa. Cảm xúc vỡ òa khi tôi đạt được giải thưởng năm đó. Ba tôi đã khóc và hàng ngàn khán giả ở rạp Hòa Bình lúc bấy giờ cũng xúc động khóc theo. Lúc đó tôi nghĩ được hát và thành công là mình đã không làm hổ danh của ba mình”, cô rơm rớm nước mắt nhớ lại.
Sau khi giành giải thưởng, NSƯT Quế Trân tâm sự lúc đó cô mới thấy áp lực khi được nhiều người biết đến, nhiều chương trình mời cô tham gia từ TP.HCM cho đến các tỉnh miền Tây. Cô bày tỏ: “Tôi ý thức được ba mình rất nổi tiếng, một đời gắn bó với nghệ thuật. Từ đời ông bà, cha mẹ, đến tôi là đời thứ 5 đều đã thành danh nên tôi phải cố gắng làm sao cho xứng đáng. Mình phải nối nghiệp gia đình, gia tộc, sự nhắc nhở đó càng nhiều hơn với tôi”.
Nữ nghệ sĩ kể kỷ niệm đi diễn ở vùng sâu vùng xa, hạnh phúc khi nhận được tình yêu thương của khán giả. Chụp màn hình
Khoảnh thời gian hoàng kim, Quế Trân kể cô ăn ngủ trên xe để chạy show. Những ngày lễ, tết hát từ sáng đến khuya, mỗi ngày khoảng 9-10 show. Thời điểm đó, giọng ca 8X không quan trọng chuyện tiền bạc mà chỉ cần được đến gần khán giả và đáp lại sự yêu thương của họ. “Nhớ nhất là những lúc tôi vào những vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn lắm. Bà con muốn đến xem là phải canh 3,4 giờ trước, có người chèo ghe, người đi bộ từ sớm để giành chỗ ngồi tốt. Có những ngày ngập lụt mình đi không được thì phải bước trên những cái ghế một đoạn đường dài mới vào được sân khấu. Mỗi khi lên diễn, khán giả hái hoa dại bên đường, cho đòn bánh tét, cây nhà lá vườn có gì cho đó mà những thứ ấy khiến tôi nhớ hoài không quên”, giọng ca trong vở Thiên Kiều công chúa kể.
Trong chặng đường theo đuổi sự nghiệp của mình, Quế Trân bày tỏ cô có rất nhiều người thầy đã giúp đỡ và cô biết ơn tất cả những người thầy đó. Nhưng người mà cô thần tượng lớn nhất trong cuộc đời chính là NSND Thanh Tòng. Nữ nghệ sĩ nghẹn ngào bày tỏ: “Tôi muốn gửi lời cảm ơn, biết ơn sâu sắc nhất đến với đấng sinh thành của mình. Ba mẹ là người đã cho tôi hình hài này, cho tôi hơi thở và sự sống, đặc biệt là cho tôi cái nghề để đứng trên sân khấu và được đón nhận tình yêu thương vô tận của khán giả”.
Trinh Trinh kể tuổi thơ bán vé số, tự nhận mình là 'nghệ sĩ không có thời'
Tại chương trình Khoảnh khắc rực rỡ, nghệ sĩ Trinh Trinh trải lòng rằng mình là một nghệ sĩ không có thời. Cô rơi nước mắt nhắc về giai đoạn ba bệnh nặng nên phải bỏ sân khấu cải lương để chuyển sang đóng hài kiếm sống.
Nghệ sĩ Trinh Trinh nhớ về giai đoạn gia đình khó khăn, từng đi bán vé số, sau này phải chuyển sang đóng hài kiếm tiền lo cho gia đình. Chụp màn hình
Nghệ sĩ Trinh Trinh sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nên ngay từ năm 8 tuổi, cô đã có cơ hội đứng trên sân khấu. Đến năm 11 tuổi, cô được góp mặt trong bộ phim Phạm Công Cúc Hoa, vai Nghi Xuân lúc nhỏ. Cô kể: "Khi đó tôi cùng em trai Bảo Châu đi thử vai thì được chọn một cặp Nghi Xuân - Tấn Lực. Nhưng sau đó tôi lại phát triển cao hơn em trai nên phải bắt thêm một cặp để em trai tôi cùng em gái bạn khác đóng cặp nhỏ, tôi cùng bạn trai kia đóng cặp lớn".
Dù có năng khiếu nghệ thuật nhưng Trinh Trinh tâm sự ban đầu cô không được ba mẹ ủng hộ theo nghề vì sợ vất vả. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ và động viên của các cậu, dì mà nữ nghệ sĩ được hoạt động nghệ thuật. "Năm 15,16 tuổi là tôi tham gia trong Đồng ấu Bạch Long. Vào mùa hè thì Đồng ấu Bạch Long được đài truyền hình thành phố quay một vở thiếu nhi là Cóc kiện trời. Cậu Bạch Long tập hợp những đứa trẻ trong xóm, có cả tôi nữa. Sau đó, tôi đi tấu hài với anh Hữu Châu, anh Trung Dân cùng chú Tấn Thi. Tôi còn đi hát ở các tụ điểm nhà hàng, làm đủ thứ để kiếm tiền lo cho ba", Trinh Trinh chia sẻ.
Trinh Trinh khóc nghẹn khi nhắc về khoảng thời gian nghệ sĩ Hữu Cảnh bệnh nặng. Chụp màn hình
Khi được hỏi về khoảnh khắc rực rỡ nhất cuộc đời, Trinh Trinh tâm sự nhiều người cho rằng sự nổi tiếng là rực rỡ, còn với cô thì trong mỗi vai diễn đều là rực rỡ. Còn để nói về giai đoạn hoàng kim thì bà xã Kim Tử Long tự thấy mình là "nghệ sĩ không có thời". Cô giãi bày trong nước mắt: "Tôi biết nhìn, nhưng đến độ chín muồi thì tôi lại bước chân ra đi. Con người khi rủi ro hay bất cứ thứ gì thì đổ thừa cho số mệnh. Nhưng với tôi, tôi nghĩ là do mình, bởi nếu mình không quyết định thì nó sẽ không xảy ra. Tôi được chạm ngõ tới những cái mình muốn, nhưng tới khoảnh khắc nào đó, chẳng qua là vì đồng tiền nó làm cho mình phải thay đổi hết tất cả những gì mơ ước. Tôi phải bỏ sân khấu cải lương để đi diễn hài kiếm sống".
Trinh Trinh kể ba cô là nghệ sĩ Hữu Cảnh bệnh nặng suốt 18 năm. Thời điểm đó, mỗi ngày bệnh viện phải truyền một lọ thuốc trị giá 7 phân vàng. Hằng ngày, Trinh Trinh cùng các em phải đạp xe để đi kiếm thuốc cho ba. Trong giai đoạn ở Đồng ấu Bạch Long, khi ba mẹ đi hát xa, cô kể các chị em phải tự đi bán vé số để có tiền đóng tiền học. "Đó là lý do tôi quyết định phải chuyển hướng, phải có tiền lo cho gia đình", cô tâm sự.
Trinh Trinh cho biết cô chịu ơn của nhiều nghệ sĩ, người thầy để có được tên tuổi như hiện tại. Chụp màn hình
Trước khi chia tay chương trình, Trinh Trinh không quên gửi lời cảm ơn đến ba mẹ cũng như những đồng nghiệp, người thầy đã giúp đỡ mình trên con đường làm nghề. Cô bày tỏ: "Ba mẹ dạy cho tôi rất nhiều điều. Mẹ tôi xem và góp ý rất tỉ mỉ, vừa là mẹ nhưng cũng là người thầy đứng sau lưng chứ ít khi nào thị phạm trước mặt mọi người. Đặc biệt phải có cậu Bạch Long thì mới dựng ra Đồng ấu Bạch Long. Nhờ có dì Bạch Lê, Bạch Lựu, Thùy Dương... thuyết phục mẹ thì tôi mới được đi hát. Cậu Thanh Tòng, cô Bạch Mai cũng là người thầy đứng sau giúp đỡ tôi. Anh xã Kim Tử Long cũng là người dạy tôi được nhiều điều".
Hiếu Hiền khóc nức nở khi nhắc về mẹ ruột Kim Ngọc trên sóng truyền hình Xuất hiện trong tập 59 Khoảnh khắc rực rỡ, diễn viên Hiếu Hiền kể về những kỷ niệm tươi đẹp khi còn mẹ là cố NSƯT Kim Ngọc. Hiếu Hiền bật khóc chia sẻ khoảnh khắc rực rỡ nhất của anh là khi còn mẹ. Chụp màn hình Xuất thân trong gia đình nghệ thuật khi có mẹ là NSƯT Kim Ngọc và...