Quấy rối TD: Làm gái cho người ta trêu!?
Luật đã quy định cấm song thực tế ngay cả những nhà làm luật cũng đang khó xử với những hành vi lẽ ra là quấy rối tình dục nhưng lại được chấp nhận như một nét văn hóa giao tiếp…
“Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” từ lâu được xem như cái cớ “dễ chấp nhận” của đấng mày râu khi tròng ghẹo chị em nơi làm việc.
Đàn ông cũng bị quấy rối tình dục
Nhắc tới quấy rối tình dục (QRTD) nơi làm việc, người ta thường liên tưởng đối tượng là nữ tuy nhiên, thực tế nam giới cũng có thể là nạn nhân. Nhớ lại thời mới đi làm, T, nhân viên ngân hàng kể: Khi mới ra trường, kiến thức và kinh nghiệm còn rất non kém, lại được một chi nhánh ngân hàng nhận vào làm việc dưới sự quản lý của sếp nữ đã ngoài 50 tuổi.
Một lần, vị sếp nữ nói với anh rằng: “Nhà chị có bình nóng lạnh bị hỏng mà chị thì rất sợ gọi thợ đến nhà phòng họ nhòm ngó rồi có gì trộm vặt…. Em có thể tới sửa giúp chị được không?” . Nghe vậy, anh nhân viên trẻ cũng hồn nhiên đồng ý nhận lời.
“Vào một ngày đẹp trời”, theo lời hẹn anh tới nhà sếp và được tiếp đón chu đáo. Khi nhân viên vào nhà tắm sửa bình nóng lạnh thì bên ngoài bà sếp cũng bắt đầu tháo bỏ đồ ra rồi quấn khăn tắm xung quanh người. Trong trang phục đó, nữ chủ nhà thản nhiên bước vào hỏi: “Em sửa xong chưa để chị còn tắm?”.
Đàn ông cũng bị quấy rối tình dục (Ảnh minh họa)
Thấy vậy, chàng trai trẻ hoảng hốt chạy thẳng ra cửa. Hôm sau tới cơ quan, việc đầu tiên mà anh làm là viết đơn xin nghỉ việc…
Cho rằng những hành vi trêu đùa, bỡn cợt nơi làm việc cũng chỉ là một yếu tố văn hóa của người phương đông, một viên chức khi được hỏi cho biết: “Hiện nay, rất nhiều các hành vi thể hiện QRTD, nhưng nạn nhân rất ngại nói ra vì không có một quy định nào cả, người ta cho rằng thôi thì mình là cấp dưới, cấp trên có thế này thế kia một tý thì cũng là yêu quý hoặc là tạo điều kiện, nếu mình mà có hành vi cự lại sẽ dẫn tới hậu quả ảnh hưởng tới sự nghiệp của mình”.
Một nam quản lý khách sạn cho biết, tại nơi làm việc của mình, ít nhất anh cũng đã từng chứng kiến 2 vụ là khách nghỉ quấy rối tình dục nhân viên nữ. “Từ đây, khi làm thỏa ước lao động tập thể, công đoàn khách sạn cũng đã đưa nội dung này vào để lưu ý người lao động” anh nói.
Video đang HOT
Ranh giới mong manh
Trung Quốc được xem là một trong những nước có xảy ra tình trạng QRTD phức tạp tại khu vực Châu Á: Một nghiên cứu từ 2009 cho thấy 20% số phụ nữ được hỏi đã bị QRTD tại nơi làm việc. Nghiên cứu cũng cho thấy chỉ 45,6% nạn nhân trách mắng kẻ QRTD, hơn 34% đã báo cáo lên cán bộ quản lý gần 20% đã gọi cho công an hoặc thực hiện hành động pháp luật dân sự. hơn 51% người bị quấy rối thừa nhận bị giảm hiệu quả trong công việc trong khi 43% cho biết họ mắc nhiều lỗi hơn và gần 28% trả lời họ muốn thay đổi công việc.
Còn ở Việt Nam, từ trước tới nay vẫn chưa có báo cáo nghiên cứu chính thức về vấn đề này. Hầu hết những vụ QRTD mà dư luận được biết thông qua báo chí nhưng cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
Trong hơn 10 năm hành nghề Luật sư Lê Đăng Tùng cho biết cũng chưa bao giờ chứng kiến hay nghe kể về vụ kiện tụng QRTD được đưa ra tòa. “Nguyên nhân chính là do từ trước tới nay, Luật pháp chưa có quy định cụ thể về hành vi này. Tôi được biết những vụ việc này cùng lắm chỉ được giải quyết nội bộ trong cơ quan mà thôi”- Luật sư Tùng nói.
Bà Nguyễn Kim Lan, điều phối viên quốc gia các vấn đề về giới thuộc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng thừa nhận xét trong văn hóa giao tiếp người phương Đông, nhiều khi giữa hành vi QRTD với trêu đùa tại nơi làm việc chỉ là một ranh giới mong manh rất dễ có thể vượt qua.
Câu “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu!” lâu nay đã trở thành định kiến, là cái cớ để đồng nghiệp nam có những hành vi lời nói bông đùa đối với nữ giới. Khi đối mặt với những hành vi trêu ghẹo, có người thì cảm thấy khó chịu, bực tức song cũng có người lại cho rằng đó là đùa vui còn hưởng ứng nhiệt tình…”- bà Lan nói.
Mới đây, nội dung cấm QRTD nơi làm việc đã được nêu trong Bộ Luật Lao động sửa đổi (có hiệu lực từ 5/2013) nhưng khái niệm cụ thể và chế tài xử phạt hành vi này lại chưa được đề cập tới. ILO tại Việt Nam cho biết đang hỗ trợ về mặt kỹ thuật để giúp Việt Nam xây dựng thông tư dưới luật quy định cụ thể về vấn đề này.
Những quy định về QRTD mà ILO tham vấn cho VN
Trong bộ quy tắc ứng xử của ILO, QRTD nghĩa là: bất kỳ sự gợi ý, đề nghị nòa về tình dục, hoặc liên quan tới tình dục, được thể hiện bằng lời, không bằng lời hay đụng chạm thể xác mà không được sự hưởng ứng của người kia, làm ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc, tạo ra sự thù địch, bị đe dọa trong môi trường làm việc hay sự cố tính trừng phạt hoặc đòi hỏi, ép buộc đánh đổi về việc làm…
Theo Luật Bảo vệ chống quấy rối phụ nữ tại nơi làm việc của Pakistan quy định: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là bất kỳ lời tán tingr về tình dục hoặc liên quan đến tình dục không được mong muốn sự yêu cầu quan hệ tình dục hoặc sự gioa thiệp khác bằng lời nói hay không bằng lời nói mang tính tình dục, dẫn đến cản trở việc thực thi công việc hoặc tạo ra một môi trường làm việc bị đe dọa, thù địch hoặc tấn công hoặc cố gắng trừng phạt người tố cáo vì từ chối tuân theo một yêu cầu như vậy hoặc bị đặt điều kiện đối với việc làm.
Luật Việc làm của Malaysia quy định: QRTD nghĩa là bất kỳ hành vi, ứng xử không được mong muốn của một giới, dù bằng lời, không bằng lời, thị giác, cử chỉ hoặc thể xác, nhằm vào một người bị tấn công hoặc xỉ nhục hoặc là một sự đe dọa đối với hạnh phúc của người đó, phát sinh do và trong quá trình làm việc của người đó.
Theo 24h
Quấy rối tình dục: Chứng minh thế nào?
Hầu hết nạn nhân bị quấy rối tình dục đều trong cảnh yếu thế, cắn răng không biết kêu ai. Ngay cả Luật pháp cũng chưa quy định rõ thế nào thì bị coi là quấy rối tình dục công sở?
Tốt nghiệp ĐH khoa tiếng Trung, K xin vào làm trợ lý phiên dịch cho công ty may Trung Quốc đóng tại Việt Nam. Tuy không thuộc vào hàng xinh đẹp nhưng K lại sở hữu thân hình gợi cảm bắt mắt...
Ngay từ buổi đầu làm việc, K đã lọt vào mắt ông chủ. Vậy là mỗi khi có cơ hội ngồi gần nữ nhân viên, ông chủ nước ngoài kia toàn tranh thủ lợi dụng với những hành động "sờ, nắn", khi nói chuyện cũng cố tình khoác vai K ngay chốn làm việc. Sau những lần như vậy, K thấy xấu hổ, nhìn thấy sếp là phải lấy lý do để tránh xa!
Luật có nhưng chưa cụ thể
Vì công ty có xưởng may ở nhiều tỉnh xa nên K lại thường xuyên phải đi phiên dịch cho sếp trong những chuyến đi công tác. Hôm đó, trong một chuyến đi công tác ở Nghệ An, đường xa quá nên đoàn phải thuê nhà nghỉ. Mặc dù đã thuê mỗi người một phòng nghỉ tuy nhiên K lại mất cảnh giác không chốt cửa phòng mình. Lợi dụng sơ hở này, ông sếp đã mò sang, bất ngờ ôm chầm lấy cô nhân viên trẻ vừa ghì siết vừa hứa hẹn này nọ... Sau phút hoảng loạn, K định thần lại dùng hết sức lực đẩy người đàn ông ra rồi bỏ chạy... Cô cũng từ bỏ việc làm từ hôm đó nhưng trong lòng vẫn chất chứa ấm ức chỉ biết bày tỏ cùng bạn bè.
Không nghiêm trọng như K nhưng H lại thường xuyên phải làm việc trong không khí căng thẳng, ức chế với những lời tán tỉnh của những đồng nghiệp nam đã có vợ. H kể, chuyện điện thoại của mình luôn có những tin nhắn à ơi kiểu mời mọc đi chơi, đi uống cà phê là thường ngày và cũng có thể bỏ qua. "Ức chế nhất là đang làm việc thì bị nam đồng nghiệp nhảy vào nick chat với những lời lẽ thô thiển như: anh có vợ nhưng chưa có người yêu, anh đang tìm người yêu... thế này có khi anh tán em luôn!"
Lần khác, H trưng ảnh cháu gái vừa sinh lên avatar, ngay lập tức, trưởng phòng khác nhảy vào hỏi: "Bé gái hả em" H trả lời: Vâng! Rồi tay trưởng phòng hỏi luôn: "Anh đang toàn con trai, muốn gửi em đứa con gái được không?".
"Những chuyện thô thiển tương tự như vậy ngày nào cũng xuất hiện, mặc dù mình rất cảnh giác, đề phòng nhưng nó vẫn làm mình bị ám ảnh ức chế", H tâm sự.
Lợi dụng công việc để quấy rối tình dục là chuyện dễ thấy nơi công sở (Ảnh minh họa)
Bà Nguyễn Kim Lan, điều phối viên quốc gia các vấn đề về giới thuộc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, Bộ Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ 5/2013 đã nêu quy định cấm quấy rối tình dục công sở, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị quấy rối tình dục... Tuy nhiên, Luật lại chưa đưa ra được định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục? "Khi bắt gặp những hành vi khiếm nhã, có thể chị A cho rằng mình đã bị quấy rối nhưng anh B lại cãi rằng chỉ là hành động đùa cho vui thì sao? Làm thế nào để chứng minh, dựa vào đâu để khẳng định mình bị quấy rối? Đặc biệt khi đã kiện tụng ra Tòa thì phải có cơ sở chứ...", bà Lan đặt câu hỏi.
Mặt khác, về không gian và thời gian xảy ra quấy rối tình dục cũng là vấn đề đang gây tranh cãi. Theo bà Lan, chúng ta cứ nói quấy rối tình dục chỉ xảy ra tại cơ quan, nơi làm việc, tuy nhiên cũng có nhiều hoàn cảnh khi người lao động đang thi hành nhiệm vụ ở bên ngoài bị đồng nghiệp quấy rối thì sao đây? "Một cô thư ký có thể theo sếp đi công tác, đi tiếp khách mà lại bị sếp hay khách có hành vi sàm sỡ thì có được Luật bảo vệ hay không?", bà Lan nói.
Nạn nhân không biết kêu ai
Mới đây, tại một buổi tọa đàm về nạn quấy rối tình dục công sở do Bộ LĐ-TB-XH kết hợp ILO tổ chức với hơn 100 đối tượng đại diện cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và học sinh, sinh viên năm cuối, khi được hỏi thì tất cả đều không biết Luật Lao động mới có quy định về vấn đề này.
"Trao đổi với chúng tôi, hầu hết mọi người đều chỉ nhận thức rất mông lung về hành vi quấy rối tình dục. Thậm chí, các đối tượng được hỏi còn cho rằng quấy rối tình dục là chỉ khi có xảy ra quan hệ tình dục hoặc sờ soạng linh tinh... còn với những hành vi gọi điện, nhắn tin, show hình khiêu dâm thì vẫn chưa được coi là quấy rối..", bà Lan cho biết.
Kết quả báo cáo về tệ nạn quấy rối tình dục ở Việt Nam cho thấy, nạn nhân có cả nam và nữ, tuy nhiên phần đông thuộc về nữ lao động với độ tuổi còn rất trẻ. Đa phần nạn nhân thường là những người có địa vị thấp hơn đối tượng quấy rối cả về chức tước lẫn tiền bạc.
Báo cáo cũng đánh giá, phân tích nạn nhân bị quấy rối tình dục làm 2 trường hợp: Thứ nhất là những đối tượng dù bị quấy rối nhưng lại không nhận thức được lại cho rằng mình được sếp hoặc đồng nghiệp "ưu ái"; thứ hai là đối tượng dù biết nhưng vẫn cố chịu đựng, chấp nhận để đánh đổi lấy địa vị, được thăng quan tiến chức...
Tuy nhiên, thực tế, theo bà Lan hầu hết nạn nhân bị quấy rối tình dục đều phải "cắn răng" chịu đựng trong môi trường làm việc căng thẳng mà không biết giải quyết như thế nào. "Trong khi các nước khác đều có các khóa tập huấn phòng tránh nạn quấy rối tình dục công sở cho nhân viên mới thì đến nay tại các cơ quan, đơn vị trong nước hiện vẫn chưa có cơ chế giải quyết, khi nhân viên bị quấy rối tình dục thì họ cũng không biết kêu ai để bảo vệ mình", bà Lan nói.
Hiện ILO đang phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu đề ra một quy định chuẩn về quấy rối tình dục công sở để áp dụng phù hợp với thực tiễn đời sống văn hóa của Việt Nam. Quy định này sẽ được đề xuất cùng với báo cáo đánh giá nạn quấy rối tình dục tại Việt Nam vào cuối tháng 12 năm nay.
Theo 24h
LĐLĐ tỉnh Kon Tum: Đẩy mạnh thi đua tiến tới đại hội công đoàn các cấp Từ 6-7.11, tại LĐLĐ tỉnh Kon Tum, đồng chí Nguyễn Hòa Bình - PCT thường trực Tổng LĐLĐVN đã đến kiểm tra thực hiện Nghị quyết Đại hội X CĐVN và công tác chỉ đạo, tổ chức đại hội CĐ các cấp tiến tới Đại hội IX Công đoàn tỉnh và Đại hội XI CĐVN. PCT Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh...