‘Quay cuồng’ xin cấp giấy đi đường mẫu mới ở Hà Nội
Đến trụ sở Công an phường Dịch Vọng Hậu ( Cầu Giấy), nhiều người phải quay xe khi thấy thông báo “liên hệ cảnh sát khu vực” dán trước cổng.
Sáng 6/9, chị Thu, phụ trách hành chính một công ty cho thuê văn phòng trụ sở tại phường Dịch Vọng Hậu đến trụ sở công an phường trên phố Trần Thái Tông, tìm cảnh sát khu vực để hỏi hồ sơ xin cấp giấy đi đường mẫu mới bao giờ được duyệt.
Chị cần làm giấy đi đường mẫu mới cho các nhân viên trực kỹ thuật, đảm bảo tòa văn phòng cho thuê vận hành trơn tru khi một số công ty thuộc nhóm thiết yếu vẫn đang hoạt động. Thu cũng lên văn phòng ba lần trong tuần, bởi có những công việc không thể giải quyết qua từ xa.
Người xin giấy đi đường đứng trước thông báo của công an phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, sáng 6/9. Ảnh: Phạm Dự
Cũng như Thu, nhiều người là đại diện các doanh nghiệp thuộc nhóm 6 sáng nay đã đến trụ sở công an phường. Trải qua gần 45 ngày thực hiện cách ly xã hội, Hà Nội đã ít nhất 4 lần điều chỉnh thủ tục cấp giấy đi đường. Với quy định mới nhất áp dụng cho nhóm 6, doanh nghiệp muốn được cấp giấy đi đường, buộc phải qua “hai cửa” là công an phường và UBND phường xét duyệt.
Cụ thể, công an phường tiếp nhận hồ sơ và gửi trả giấy, còn Ủy ban phường đảm nhận khâu xét duyệt. Bước đầu tiên trong quy trình này, là đại diện doanh nghiệp phải làm việc trực tiếp với công an phường để cấp thông tin, địa chỉ email và xác thực địa chỉ email trên hệ thống.
Thu cho biết, sáng chủ nhật (5/9), chị nhận được thông báo của Ban quản lý Khu CNTT tập trung, hướng dẫn quy trình tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy đi đường của công an phường, kèm số điện thoại cảnh sát khu vực. Chỉ vài tiếng sau, chị đã chuẩn bị đủ 6 loại giấy tờ, gồm: bản sao đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận đăng ký kinh doanh, lịch phân công công việc, phương án phòng chống dịch, thông tin công ty và danh sách nhân viên. Gửi xong email cho công an phường, chị yên dạ chờ phản hồi.
Đến tối, các công ty thuê văn phòng cho biết hồ sơ của họ đã được xét duyệt, trừ đơn vị Thu. Chị gọi điện hỏi cảnh sát khu vực và được phản hồi chưa nhận được hồ sơ, bởi có chút trục trặc khi gửi email bằng email công ty. Sáng nay, Thu gửi email hồ sơ lần nữa.
Những giấy đi đường đầu tiên chủ yếu cấp cho các trường hợp thuộc ngành Công Thương quản lý. Ảnh: Võ Hải.
Video đang HOT
Quen với các loại thủ tục hành chính, Thu không thấy loại giấy tờ nào khó đáp ứng. Bởi thành phần hồ sơ tương tự giấy tờ chị từng chuẩn bị cách đây gần một tháng. Hôm 9/8, Hà Nội siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường, chị phải chuẩn bị một tập hồ sơ để gửi lên UBND phường Dịch Vọng Hậu chờ xét duyệt.
Chị nhớ hôm ấy ra xếp hàng rất sớm, mướt mồ hôi chạy về công ty 3-4 lần để bổ sung các loại giấy còn thiếu. Cuối ngày, phường tiếp nhận hồ sơ, hẹn chờ xét duyệt. Rạng sáng 10/8, thành phố bỏ yêu cầu người đi đường phải có lịch trực, lịch làm việc. Không phải xin dấu của phường, công ty Thu được tự làm giấy và chịu trách nhiệm việc nhân viên ra đường.
“Hồ sơ lần này khác chút là danh sách nhân viên phải ghi rõ vị trí công việc từng người để chờ xét duyệt”, chị giải thích.
Lý giải việc không liên lạc trực tiếp mà phải ra tận trụ sở, chị cho biết đã gọi điện thoại mấy lần với cảnh sát khu vực không được. Thu đoán “chắc cán bộ bận hướng dẫn nhiều doanh nghiệp”, tiện đường nên chị chạy ra luôn. Chị lo thành phố chỉ du di dùng giấy mẫu cũ trong hai ngày 6-7/9. Sau đó, nếu không được cấp giấy đi đường, tòa nhà không thể vận hành thông suốt.
Không nhận được hướng dẫn như chị Thu, anh Thịnh, nhân viên công ty thiết bị y tế, không biết cảnh sát phụ trách khu vực là ai, cũng chưa bao giờ gặp, nên đành đến trực tiếp hỏi cho rõ. Đến nơi, anh được hướng dẫn xem thông báo dán trước cổng. “Các cơ quan, cá nhân không đến công an phường, liên hệ với cảnh sát khu vực địa bàn qua Zalo. Khi nào có kết quả, cảnh sát khu vực sẽ thông báo”. Đi kèm là số điện thoại các cán bộ phụ trách địa bàn. Thịnh đành chụp lại để liên hệ sau.
45 ngày qua, công ty anh chỉ có hai nhân viên được ra đường, vận chuyển thiết bị y tế. Mất nửa ngày chạy lên trụ sở công an phường rồi phải quay về, anh chỉ còn ngày rưỡi để chuẩn bị hồ sơ, đăng ký và chờ xét duyệt. Anh “lo sốt vó”, không được cấp giấy thì đành ngồi yên ở nhà, vì mọi ngả đường đều có chốt và địa bàn di chuyển của họ chủ yếu thuộc vùng 1 – khu vực nguy cơ cao.
“Tôi thấy quy trình cấp giấy hơi phức tạp. Nếu cấp trực tuyến, hoặc các bước được rút gọn sẽ đỡ phải ra đường hơn”, Thịnh nói.
Phương tiện lưu thông trên đường Cầu Diễn, sáng 6/9, ngày đầu Hà Nội áp dụng phân vùng chống dịch. Ảnh: Phạm Chiểu
Cách đó hơn một km, chị Mai Hoa, nhân viên công ty kinh doanh thiết bị y tế, cũng vừa dắt xe ra khỏi trụ sở Công an phường Dịch Vọng (68 Trần Đăng Ninh) sau khi hỏi về hồ sơ cấp giấy đi đường. Sáng qua, chị mới nhận được thông tin công ty thuộc diện phải cấp lại giấy đi đường có mã nhận diện QR theo mẫu mới. Cách đây gần một tháng, Mai Hoa cũng phải xếp hàng gần 10 tiếng đồng hồ để làm giấy đi đường theo mẫu mới với yêu cầu có lịch phân công công việc và xác nhận của uỷ ban phường. Song chỉ qua một đêm, chính sách lại huỷ bỏ. Rút kinh nghiệm, lần này Hoa đợi sau một ngày mới đi làm với hy vọng “biết đâu thành phố huỷ bỏ quy định”.
Từ sáng sớm 6/9, chị không cách nào liên lạc được với cảnh sát khu vực như hướng dẫn của Công an Hà Nội. Gần 9h, Hoa rời nhà, cầm theo giấy tờ đến trụ sở công an phường và được người trực ban cho số điện thoại của cảnh sát khu vực để trao đổi trực tiếp. Chị Hoa sau đó được cảnh sát khu vực nơi công ty đặt trụ sở cho địa chỉ email của UBND phường để gửi đề nghị cấp giấy và hướng dẫn điền thông tin công ty vào tờ khảo sát các doanh nghiệp thiết yếu trên địa bàn.
Chị đã gửi công văn đề nghị cấp giấy đi đường cho 9 nhân viên theo biểu mẫu kèm theo giấy đăng ký kinh doanh, lịch phân công công việc, phương án phòng chống dịch của công ty, danh sách nhân viên xin cấp giấy và giấy tờ tuỳ thân của họ. Sau 5 tiếng chờ, chị chưa nhận được phản hồi của UBND phường rằng duyệt hay từ chối. Nhà chức trách cũng không thông báo về thời gian trả kết quả.
Chị Hoa cho rằng quy trình cấp giấy hiện nay “rối, gây phiền hà” cho doanh nghiệp. Chị thắc mắc sao “không thu về một mối là uỷ ban hoặc công an” để rút gọn quy trình. Hiện tại, công an phường là đầu mối hướng dẫn song rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khi liên hệ. Gọi điện cho cảnh sát khu vực, thông tin duy nhất họ nhận được là địa chỉ mail của UBND phường.
“Quy định mới hay cũ thì công ty tôi vẫn đăng ký cho 9 người, bằng một phần ba số nhân viên ra đường”, chị nói.
Trong ngày 6/9, nhiều công an phường ở các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa cho biết đang đợi thẩm định của ủy ban phường nên chưa cấp được giấy đi đường. Nhiều người dân, doanh nghiệp phản ánh gặp vướng khi liên hệ với công an, đành phải đến trực tiếp trụ sở song chỉ được cung cấp số điện thoại của cảnh sát khu vực. Công an Hà Nội cung cấp ba số điện thoại (069.219.4299 – 069.219.4295 – 069.219.4296) để tiếp nhận phản ánh song nhiều người nói “rất khó liên lạc”.
Hà Nội: Từ 12h trưa 25/5 dừng hoạt động nhà hàng ăn uống, cắt tóc, gội đầu
UBND TP Hà Nội vừa có công điện khẩn về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, trên địa bàn TP đã xuất hiện chùm ca bệnh mới chưa xác định nguồn lây nhiễm tại các khu vực chung cư tập trung đông dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp.
Từ 12h ngày mai (25/5), TP quyết định tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới. Cụ thể: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.
Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả hơn, nhanh hơn bằng nhiều hình thức thiết thực, phát huy tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, phường, các khu chung cư, trên không gian mạng.
Hà Nội hôm nay đã cho phong tỏa nhiều khu dân cư do liên quan đến ca mắc Covid-19 mới.
Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, làm việc trực tuyến.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô và UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát triển khai phương án bổ sung các khu cách ly tập trung để chủ động đáp ứng việc cách ly tập trung.
Chủ tịch TP cũng nhấn mạnh phải xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu và các cá nhân liên quan nếu để xảy ra lây chéo trong khu cách ly tập trung và lây nhiễm dịch bệnh từ các khu cách ly tập trung ra cộng đồng; các vi phạm về quy định phòng, chống dịch bệnh.
Rà soát kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các lực lượng trong toàn bộ hệ thống phòng chống dịch Covid-19 từ tổ dân phố, thôn xóm, hộ gia đình, tổ sản xuất, nhất là các khu chung cư, khu nhà trọ, ký túc xá sinh viên, khu nhà ở học sinh, sinh viên...
Ổ dịch tại tập đoàn T&T được đánh giá phức tạp.
Giám sát, quản lý chặt chẽ việc cách ly y tế tại cộng đồng, tuyệt đối không để xảy ra các ca bệnh mới phát sinh tại cộng đồng.
Thần tốc, truy vết, cách ly, khoanh vùng, tổ chức xét nghiệm nhanh, kịp thời để sàng lọc khi có ca bệnh mới phát sinh.
Người đứng đầu UBND TP yêu cầu, tất cả người dân từ các tỉnh, thành khác trở về Hà Nội: Thời điểm từ ngày 10-24/5 đều phải khai báo y tế trên website http://tokhaiyte.vn và các ứng dụng NCOVI, Bluezone, hoàn thành chậm nhất trong ngày 25/5.
Từ ngày 25/5, thực hiện khai báo y tế trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm có mặt tại Hà Nội.
Diễn biến dịch 24/5: Bắc Giang vượt 1000 ca, chùm ca bệnh ở Hà Nội phức tạp Trong 24h qua, Việt Nam có thêm 187 ca Covid-19 gồm 3 ca nhập cảnh và 184 ca trong nước. Như vậy, tính từ 27/4 đến nay, nước ta đã có đến 2.349 ca lây nhiễm trong cộng đồng, xuất hiện ở 30 tỉnh thành. Sau 28 ngày, tổng số ca nhiễm của đợt dịch thứ 4 đến nay cao gấp 2,85 lần...