Quất Tết được mùa, được giá
Các nhà nghề trồng quất Tết nổi tiếng ở Hội An (Quảng Nam) đang khấp khởi hy vọng với đà thời tiết thuận lợi, quất Tết năm nay sẽ được mùa, được giá.
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là Tết. Tại vườn quất nhà ông Nguyễn Kim Nhất, một trong những hộ trồng quất lớn ở xã Cẩm Hà, TP Hội An, hàng trăm chậu quất sai quả vàng ươm, thế quất sung mãn. Bà Nguyễn Thị Hoa, vợ ông Nhất hồ hởi nói: “Năm nay có “lộc bà”, không có bão lũ, thời tiết thuận lợi hơn năm ngoái nên quất sai quả vàng đúng dịp. Không uổng công cả nhà chăm bẵm cả năm.
Thời tiết thuận lợi hơn, quất Tết Hội An năm nay sai quả, thế đẹp
Vườn quất nhà ông Nhất, bà Hoa có khoảng 700 chậu. Tất cả đã được những mối mua bán quen ở trong tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, Huế đặt mua hết với mức giá trung bình 1 triệu đồng/chậu. Trừ vốn liếng, nhà ông bà dự tính lãi trồng quất Tết năm nay được 300-400 triệu đồng, nhiều hơn năm ngoái hơn 100 triệu đồng. Để có kết quả này, cả nhà 4-5 huy động chăm bẵm từng chậu quất cả năm. “Lo nhất là thời điểm cuối năm này. Phải canh thật cẩn thận không thôi là quất nhiễm sương muối là cực lắm. So với năm trước, thì thời tiết năm ni thuận lợi hơn. Nên rất là hy vọng quất được mùa, được giá như mình tính”.
Hầu hết quất Tết ở các nhà vườn Hội An đã được đặt mua sớm
Mỗi chậu quất bán ra đem về cho nhà vườn trung bình 1 triệu đồng/chậu
Cũng giống như nhà ông Nhất, hộ ông Nguyễn Viết Ái ở Cẩm Hà, Hội An năm nay số lượng quất nhiều hơn năm ngoái 20% và hầu hết đã được khách “đặt hàng”. Theo lời ông Ái, trồng vừa vừa như nhà ông thì quất Tết bán ra được vài trăm triệu mùa Tết, còn có những nhà trồng cả ngàn chậu quất Tết thì kiếm được bạc tỷ. Vườn lớn vào mùa thuê nhiều nhân công mới đủ người chăm sóc quất, lao động địa phương có công ăn việc làm. Mà quất được mùa được giá chủ vườn có lãi thì nhân công cũng được hơn.
Video đang HOT
Theo số liệu của Phòng Kinh tế TP Hội An, thu nhập từ cây hoa cảnh bán ra trong dịp Tết ở Hội An năm ngoái đem về cho các nhà vườn 38 tỷ đồng. Năm nay, ông Võ Như Tùng, cán bộ Phòng Kinh tế thành phố cho biết: “Năm nay Hội An có thể cung ứng cho thị trường hơn 80.000 chậu quất. Đến thời điểm này, có từ 60 – 70% quất Tết ở Hội An đã được thương lái các nơi đặt mua, giá bán ra tăng từ 10 – 20% so với năm trước
Các nhà vườn chuyên trồng quất Tết ở Hội An tập trung nhiều nhất ở phường Thanh Hà và xã Cẩm Hà. Do năm nay có tháng nhuần, nên thời gian chăm trái sẽ kéo dài hơn. Quả quất có thể nhỏ hơn một chút nhưng với đà thời thiết thuận lợi hơn các năm trước, chất lượng mẫu mã quất Tết Hội An năm nay vẫn đảm bảo”
Khánh Hiền
Theo Dantri
Người phụ nữ 40 năm "vật vã" nuôi 5 con và người chồng thần kinh
Người phụ nữ ấy biết anh bị thần kinh từ lúc 2 người còn yêu nhau nhưng chị vẫn quyết lấy anh. Về với nhau, anh chị có 5 đứa con. Và hơn 40 năm qua, chị nai lưng làm thuê nuôi 5 con với người chồng bệnh tật.
"Không biết sao mình lại đủ động lực như vậy!"
Chị là Phạm Thị Lan, trú thôn Hà My Đông, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Chúng tôi đến thăm chị Lan vào một ngày mưa, trong căn nhà xây vẫn còn mới, những kỷ vật được treo trang trọng trên tường nhà. Chị Lan cười khoe: "Nhà này mới xây chừng mấy năm nay, con cái tôi giờ có công ăn việc làm nên góp cho mẹ xây nhà".
Kể lại chặng đường hơn 40 năm qua, chị nói: "Nhìn lại, tôi không biết sao mình lại đủ động lực như vậy, nhưng tôi luôn nhìn vào tương lai để đi tiếp".
Tình yêu chân thành dành cho anh là sức mạnh để chị vượt qua quãng đường dài chông gai.
Chồng chị là anh Hoàng Văn Hải, quê gốc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Tháng 2/1975, anh nhập ngũ, tham gia vào binh đoàn pháo binh C12, tập kết tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn. Tại đây, anh gặp chị Lan - cô hàng nước địa phương. Hai người đem lòng yêu mến nhau nhưng khi cuộc tình ấy vừa chớm nở thì anh Hải bắt đầu có những biểu hiện của bệnh thần kinh. Anh quậy phá, la mắng chị mỗi ngày. Chị Lan vẫn hằng ngày quấn quýt bên anh Hải để chăm sóc, khuyên ngăn anh đừng quậy phá.
Chị Lan nhớ lại: "Lúc đầu anh Hải không nghe lời tôi, nói gì ảnh cũng bỏ ngoài tai và tiếp tục quậy phá. Một thời gian sau thì bệnh tình có vẻ dịu lại khi thỉnh thoảng tôi lại khuyên bảo được anh".
Khi phải đau đớn chứng kiến căn bệnh quái ác hằng ngày tàn phá anh Hải, chị Lan đã tìm đến đơn vị để xin phép đưa anh về quê Ninh Bình, tìm cách chữa trị. Năm ấy đưa anh về Ninh Bình nhưng chị không cho gia đình biết.
Thời gian đầu, gia đình anh Hải nhiều lần không đồng ý cho chị Lan ở lại để chăm sóc cho anh. Nhưng trước sự cứng rắn và tình yêu chân thành của chị, gia đình anh Hải đồng ý cho chị ở lại, nhưng không quên dặn dò "con có sống được với nó thì sống không thì con cứ về quê đi. Gia đình này chỉ sợ con bị khổ khi ở bên thằng Hải".
Cưới nhau được một thời gian, anh chị dần sinh hạ những đứa con. Tuy nhiên, năm 1989, trong cơn điên dại anh Hải đã đốt cháy túp lều tranh, nơi gia đình anh nương náu tại quê nhà.
Chị Lan kể lại, sau khi anh đốt cháy căn nhà, chị xin bố mẹ anh đưa anh trở lại Quảng Nam. Nhưng đó vẫn là khoảng thời gian anh còn tỉnh táo nhất; sau khi vào Quảng Nam, cuộc sống bắt đầu bị đảo ngược.
Đi khám bệnh, theo chẩn đoán của bác sĩ, anh Hải bị suy nhược thần kinh cùng với bệnh sỏi thận. Chị kể: "Ngày đó, bệnh viện bảo tái khám, nhưng anh Hải bảo tôi nhà nghèo, thôi thì đừng đi khám nữa, anh không sao. Tôi nghe anh, nhưng bệnh ngày càng nặng và tôi đã dùng mọi phương cách cứu chữa cho anh".
Năm 2004, chồng chị có triệu chứng lúc tỉnh lúc mê, cơ thể gần như mất kiểm soát. Chị vội đưa anh lên bệnh viện và người ta chuyển anh ra Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Bác sĩ kết luận anh bị thần kinh phân liệt. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng cú sốc này với chị quá lớn! Từ đây, chị phải một mình nuôi 5 con với 1 chồng.
Làm thuê nuôi chồng con
Nhà chỉ có 2 sào ruộng, ngày anh còn khỏe, chị và anh cùng làm lúa. Giờ anh ngã bệnh, một mình chị lội chân dưới bùn cấy lúa và đến ngày thu hoạch, những đứa con lại ra đồng làm cùng mẹ.
Những ngày sau đó, khi cơ thể anh Hải yếu đi nhiều, chị lại cố gắng đi cắt lúa, làm đồng thuê cho người ta để lấy vài chục nghìn trang trải cho gia đình.
Hồi năm 1994, ngày anh ngã bệnh nặng, đúng lúc đứa con gái út mới sinh được 6 tháng, chị gửi con cho bà ngoại ở TP Hội An (Quảng Nam) để trực ở bệnh viện.
Thời gian từ năm 1994 chị bắt đầu làm đủ nghề để kiếm tiền, từ phụ hồ, khiêng gạch... Có những ngày sau khi hết vụ lúa, chị lại cùng 4 đứa con đi dọc theo đường biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) lên tận quận Ngũ Hành Sơn để đi tìm lá cây Trà Hồ, một loại thuốc Nam quý để bán, dù giá chỉ 3.000 đồng/kg. Để tìm loại cây đó, chị và các con phải đi bộ ít nhất mỗi ngày 10km, vì cây mọc trong bụi rậm, bên đường, nên chỉ có đi bộ mới quan sát tìm. "Hồi ấy, nhà tôi cũng không có xe đạp, nên con cái đi học cũng đi bộ, từ làm ruộng đến làm thuê ở đâu xa cũng đi bộ"- chị nói.
"Điều gì làm chị lo nhất?". Chị trả lời: "Điều tôi lo nhất chính là những lúc anh phát bệnh, có lần anh đốt cả căn nhà do chính anh dựng nên, để rồi, tôi và các con phải tạm về bà nội ở".
Chỉ có duy nhất một động lực giúp chị đi lên chính là những đứa con đang tuổi ăn học và những tình yêu đối với người chồng.
Không phụ lòng của mẹ, nhưng đứa con lớn lên đều học giỏi và có nghề nghiệp. Con gái đầu, Hoàng Thanh Vân, kém may mắn khi chỉ học hết cấp 1, vì bệnh khớp; người kế tiếp Hoàng Thị Thanh Vui, đang làm việc tại khách sạn. Hai người con trai Hoàng Thanh Hiệp và Hoàng Thanh Hậu, cũng làm thuê kiếm sống, đứa con gái út Hoàng Thị Như Quỳnh, hiện đang học Cao đẳng.
Đến lúc này, cuộc sống của chị đã dần ổn định, bước qua một chặng đường dài và sẽ còn đi tiếp nhưng trong chị vẫn một ý chí không gục ngã.
Nguyễn Trang
Theo Dantri
Thị trường cây cảnh Tết: Bắc rộn ràng, Nam điêu đứng Còn hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán, nhiều làng đào, quất ở Hà Nội bắt đầu nhộn nhịp đón khách mua. Trong khi đó tại TPHCM, đầu tư hàng tỷ đồng cho vườn mai Tết nhưng mai nở sớm khiến cho nhiều nông dân như ngồi trên lửa. Ông Nguyễn Vũ Khánh thẫn thờ với vườn quất đã chết hơn nửa....