Quảng Trị: Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát thành công, một nông dân lãi ròng 1,2 tỷ đồng
Với ý chí và nghị lực vươn lên, ông Nguyễn Xuân Thiết (sinh năm 1957), ở Thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Từng tham gia du kích địa phương, năm 1976, trở về cuộc sống đời thường, bên cạnh đảm nhiệm công việc kế toán của Hợp tác xã Thống Nhất, Bí thư Chi bộ Thôn 6, ông Thiết còn tích cực phát triển kinh tế gia đình, nghiên cứu, học hỏi để áp dụng những mô hình sản xuất mới, cho hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Thiết, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị hiện có 2 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 6.000 m2. Ảnh: HT
Ông Thiết cho biết, ông nhiều lần được tham gia các lớp tập huấn áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chăn nuôi được Hội Nông dân xã, huyện tổ chức. Nhận thấy lợi thế về điều kiện tự nhiên của vùng cát ven biển Triệu Lăng phù hợp với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát.
Với vốn kiến thức được học hỏi cùng sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền, ông Thiết quyết định đầu tư vào mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát này. Tích góp số vốn dành dụm được, năm 2010, ông Thiết xây dựng được 1 ao nuôi tôm với diện tích gần 3.200 m2 .
Với bản tính chăm chỉ chịu khó, cùng với việc tuân thủ phương pháp kỹ thuật nuôi tôm, chăm sóc đúng cách nên tôm nuôi của gia đình ông phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Qua 5 tháng chăm sóc, ông Thiết thu gần 8 tấn, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng gần 400 triệu đồng.
Những năm gần đây, do sự cố môi trường biển, dịch bệnh nên việc nuôi tôm có lúc gặp khó khăn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nuôi tôm, cùng với sự quan tâm theo dõi thường xuyên, hướng dẫn xử lý kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, Hội Nông dân xã, gia đình ông Thiết vẫn đầu tư thả nuôi tôm thẻ chân trắng và thu lãi đều đặn mỗi năm từ 300 triệu đồng trở lên.
Sau nhiều năm làm nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, gia đình ông Thiết đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi đầy đủ phục vụ cho đời sống sinh hoạt, các con được nuôi dạy, học hành thành đạt. Mô hình của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với mức thu nhập ổn định.
Ông luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con, bạn bè về vốn, truyền đạt kinh nghiệm nuôi tôm về cách chọn giống, phương pháp chăm sóc tôm trong quá trình thả nuôi để đạt năng suất cao, vừa bảo vệ môi trường, phát triển nghề nuôi tôm bền vững.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Thiết còn là một đảng viên gương mẫu, tích cực vận động con cháu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông còn tham gia công tác xã hội tại địa phương, có 7 năm làm Bí thư Chi bộ, ủy viên Ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã Triệu Lăng, Ban Công tác mặt trận ở khu dân cư. Ở cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Video đang HOT
Với những đóng góp của mình, những năm qua, ông Nguyễn Xuân Thiết đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp hội, UBND huyện, tỉnh. Năm 2018, ông Thiết là một trong những tấm gương người cao tuổi sản xuất, kinh doanh giỏi được Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tuyên dương và tặng bằng khen.
Tà Lang, Giàn Bí làm homestay gắn xây dựng nông thôn mới, được du khách săn đón
Cách trung tâm TP.Đà Nẵng 30km về phía Tây, có một bản làng của đồng bào dân tộc Cơ Tu (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) nằm kề những con suối, tựa lưng vào núi rừng hùng vĩ.
Từ năm 2018, nơi đây được du khách gần xa "săn đón" như là một điểm du lịch sinh thái cộng đồng thú vị và bổ ích.
Quyết tâm khôi phục nghề dệt thổ cẩm
Hai thôn Tà Lang và Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng là nơi sinh sống của hàng trăm hộ dân là người Cơ Tu. Bà con sinh sống chủ yếu dựa vào núi rừng, với các công việc như phát rừng, đốn củi, làm rẫy, đốn keo, săn thú... Cũng vì thế, nên theo thời gian, những bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ Tu dần bị mai một và đi vào quên lãng.
Không chỉ được học nghề dệt miễn phí, các thành viên của Tổ dệt thổ cẩm xã Hòa Bắc còn được tặng ba bộ khung cửi để thuận tiện dệt luân phiên: khăn quàng, áo dài, váy.
Ông Đinh Văn Như (Alăng Như), Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Giàn Bí bùi ngùi nói: "Mang trong mình dòng máu của dân tộc Cơ Tu, tôi luôn mong muốn khôi phục lại những bản sắc văn hóa cộng đồng đã đi vào quên lãng, như: Dệt vải thổ cẩm, múa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống. Đến năm 2018, được sự quan tâm và giúp đỡ tận tình từ chính quyền địa phương mà đồng bào Cơ Tu phấn khởi tham gia những mô hình khôi phục và phát triển".
Bình quân mỗi chiếc khăn giá 300.000 đồng, áo giá 500.000 đồng, áo dài hoặc váy giá 1-2 triệu đồng. Giá thành tuy đắt nhưng vẫn chưa đủ số ngày công dệt ra một sản phẩm.
Tổ hợp tác du lịch cộng đồng sinh thái và homestay xã Hòa Bắc được thành lập năm 2019, đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng những giá trị văn hóa linh thiêng của người Cơ Tu. Trong đó, khôi phục nghề dệt vải thổ cẩm Cơ Tu được ấp ủ nhiều năm với sự tham gia của 20 người.
Hai thôn Tà Lang - Giàn Bí có điều kiện tự nhiên thuận lợi, kết hợp với vẻ đẹp riêng biệt trong bản sắc của người Cơ Tu nên thích hợp để phát triển du lịch.
Chị Đinh Thị Tin (45 tuổi), một người có tay nghề dệt thổ cẩm cao tại thôn Giàn Bí nói: "20 chị em trong bản làng tôi được học nghề miễn phí khoảng 6 tháng để phát triển kinh tế và làm du lịch. Dù dệt thổ cẩm thủ công mất rất nhiều thời gian, yêu cầu cao sự tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo nhưng vì yêu mến bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nên có khó khăn mấy tôi vẫn luôn bám trụ".
Theo ông Đinh Văn Như, hiện nay, việc tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm của đồng bào Cơ Tu vẫn còn nhiều khó khăn. Điển hình như một chiếc khăn thổ cẩm dệt ba ngày, bán giá 300.000 đồng thì không đủ tiền công dệt và khó cạnh tranh lại với các sản phẩm dệt công nghiệp giá rẻ. Ngoài ra, để đáp ứng thị hiếu của du khách, các chị em mất nhiều công sức để học cách dệt hoa văn và kết hạt cườm cho tấm vải thổ cẩm thêm phần bắt mắt, sinh động.
Thời gian qua, văn hóa Cơ Tu (xã Hòa Bắc) được du khách gần xa "săn đón" như là một điểm du lịch sinh thái cộng đồng thú vị và bổ ích.
Phát triển du lịch homestay gắn với xây dựng nông thôn mới
Là trụ cột chính trong gia đình, chị Nguyễn Thị Nga (37 tuổi, trú thôn Giàn Bí) phải làm đủ mọi việc để nuôi con, nuôi chồng bệnh tật. Nhưng từ khi tham gia học nghề dệt thổ cẩm, chị Nga như có thêm niềm vui và động lực để cố gắng cải thiện đời sống.
Chỉ khi du lịch phát triển mạnh tại cộng đồng người Cơ Tu, thì các sản phẩm văn hóa của họ mới có thị trường tiêu thụ ổn định.
"Lúc mới học tôi thấy dệt thổ cẩm khó lắm, nhưng cũng phải cố gắng học để vừa có nghề ổn định, vừa gìn giữ được văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Đồng thời, tôi cũng mày mò học cách dệt hoa văn đẹp, hoa văn kết cườm để sản phẩm thu hút khách hàng hơn...". Chị Nga phấn khởi nói.
Homestay của anh Alăng Như là nơi trưng bày các sản phẩm thủ công của đồng bào Cơ Tu, góp phần đưa sản phẩm đến gần hơn với khách du lịch.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, phụ nữ biết dệt thổ cẩm trong vùng rất hào hứng khi được UBND xã Hòa Bắc đặt mua 200 chiếc khăn. Từ đơn hàng này, nhiều chị em có thêm kinh phí trang trải sinh hoạt trong gia đình. Thêm vào đó, họ như được tăng thêm động lực để tiếp tục phát triển đa dạng mẫu mã sản phẩm, mở rộng quy mô tổ dệt tại bản làng.
Đến tham quan và lưu trú tại vùng Tà Lang - Giàn Bí, du khách sẽ được trải nghiệm lối sống, phong tục tập quán và sản vật của người dân tộc vùng cao.
Hỏi về ý tưởng xây dựng homestay Alăng Như, ông Như cho hay, vùng Tà Lang - Giàn Bí có cảnh quan sông suối tự nhiên và nét đặc trưng văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, thích hợp để xây dựng và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Từ đó, anh mạnh dạn vay 600 triệu đồng để làm homestay theo kiểu nhà sinh hoạt tập thể, đáp ứng nhu cầu vui chơi, trải nghiệm và lưu trú của khách du lịch.
Cách trung tâm TP.Đà Nẵng 30km về phía Tây, bản làng của đồng bào dân tộc Cơ Tu (xã Hòa Bắc) nằm kề những con suối, tựa lưng vào núi rừng hùng vĩ.
"Homestay hoạt động từ tháng 10/2019, nhưng do mùa mưa nên hầu như không có khách đến lưu trú. Sau Tết, vì dịch Covid-19 nên bản làng vắng khách, các hoạt động du lịch đi kèm cũng im ắng. Tôi chỉ mong thời gian tới điểm du lịch sinh thái Hòa Bắc đón nhiều khách hơn, đường tỉnh 601 sớm được tu sửa để thuận tiện đi lại, liên kết tiêu thụ sản phẩm của đồng bào...", anh Như tâm sự.
Theo ghi nhận của PV.Dân Việt, Tổ hợp tác du lịch cộng đồng sinh thái và homestay xã Hòa Bắc gồm nhiều nhóm phục vụ du lịch: ẩm thực vùng cao, trải nghiệm tắm suối, múa cồng chiêng, dệt thổ cẩm tại nhà Gươl,.... Hòa Bắc hứa hẹn sẽ là điểm du lịch sinh thái cộng đồng không thể bỏ qua khi đến với TP.Đà Nẵng xinh đẹp.
Ông Nguyễn Thanh Long làm Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Ông Nguyễn Thanh Long sẽ giữ quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho đến khi Thủ tướng có quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng mới. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long giữ quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Tại hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối...