Quảng Trị: Huy động gần 1.500 tỷ đồng viện trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, nguồn vốn viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài đã giúp tỉnh Quảng Trị phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế; hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhất là có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh.
Thành viên đội MAT 19 rà tìm các vật liệu nổ bằng máy chuyên dụng tại vùng cát huyện Hải Lăng. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Trong 3 năm từ 2019 – 2021, tỉnh Quảng Trị đã huy động được gần 1.500 tỷ đồng viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để khắc phục hậu quả chiến tranh, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Cụ thể, tỉnh đã ký kết với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài 151 chương trình, dự án có tổng vốn cam kết không hoàn lại trên 65 triệu USD, tương đương gần 1.500 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã và đang được tỉnh sử dụng hiệu quả để rà phá bom mìn, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục.
Từ năm 2021 – 2022, Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện Dự án Phục hồi sau lũ lụt tại Quảng Trị. Dự án do Cơ quan viện trợ Ai len (Irish Aid) tài trợ thông qua Tổ chức Plan International Việt Nam với kinh phí khoảng 10,7 tỷ đồng, thực hiện trên địa bàn 15 xã thuộc 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ trẻ em và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các trận lũ lịch sử hồi tháng 10/2020. Dự kiến có trên 16.000 người, trong đó hơn một nửa là trẻ em được dự án hỗ trợ thông các mô hình cải thiện môi trường học tập, khôi phục sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu.
Lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh cũng nhận được sự viện trợ của nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Trong đó, Dự án RENEW-NPA là chương trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (RENEW) và Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Phát triển Vương quốc Anh tài trợ, đã tiến hành làm sạch bom mìn cho hàng triệu mét vuông đất, qua đó giúp người dân khôi phục sản xuất và đảm bảo an toàn.
Quảng Trị có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước, với 82% tổng diện tích đất. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị đã khiến trên 3.430 người chết, 5.100 người bị thương. Trong những năm qua, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài của các nước như: Anh, Hoa Kỳ, Na Uy… đã tài trợ hàng chục triệu đô la Mỹ để rà phá bom mìn, hỗ trợ và tạo sinh kế cho nạn nhân bom mìn.
Quảng Trị: Cứu hộ thành công 7 người bị kẹt giữa đập tràn Nam Thạch Hãn
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đến 14 giờ 30 phút ngày 26/10, các lực lượng chức năng đã tiếp cận và cứu hộ thành công 7 người bị mắc kẹt giữa đập tràn tại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị.
Tình trạng sức khỏe của 7 người đều ổn định.
Bảy người bị mắc kẹt trên khối bê tông giữa đập tràn Nam Thạch Hãn.
Trước đó, như TTXVN đã đưa tin, sáng 26/10, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị dẫn đầu Đoàn công tác của Sở kiểm tra việc khai thác khoáng sản trên sông trên tàu hút cát của một doanh nghiệp. Lúc này, tàu có 8 người, trong đó có 4 cán bộ của Sở Giao thông Vận tải tỉnh, 3 thuyền viên và Giám đốc một công ty khai thác khoáng sản.
Khoảng 9 giờ, tàu gần qua đập tràn Nam Thạch Hãn đã bị chết máy trôi vào vùng nguy hiểm, 8 người đã nhảy khỏi tàu. 7 người bám được vào trụ bê tông nổi giữa đập tràn Nam Thạch Hãn, ông Hoàng Đức V. (47 tuổi), Giám đốc một công ty khai thác khoáng sản bị nước cuốn trôi mất tích.
Công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích vẫn đang được tiếp tục triển khai.
Khánh thành trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo Ngày 16/10, tại trạm biến áp (TBA) 220kV Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) khánh thành công trình trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị...