Quảng Trị: Bám biển để làm giàu
Là một xã ngư nghiệp thuần túy, Trung Giang (Gio Linh) có bờ biển dài trên 7 km, lại nằm ở vùng cửa lạch Cửa Tùng thuận lợi cho việc neo đậu và phát triển nghề biển.
Trung Giang hiện có 5 thôn, trong đó 3 thôn ở bãi ngang và 2 thôn ở cửa lạch nên việc phát triển ngành nghề để khai thác và đánh bắt thủy hải sản cũng khác nhau. Nếu 2 thôn Nam Sơn và Bắc Sơn có cửa lạch thuận lợi cho tàu thuyền ra vào neo đậu, ngư dân ở đây chú trọng đầu tư đóng mới tàu thuyền lớn để ra khơi, đi xa bám biển dài ngày, thì 3 thôn bãi ngang là Thủy Bạn, Cang Gián, Hà Lợi Trung chủ yếu sử dụng thuyền trung bờ, gần bờ và thuyền thúng để đánh bắt hải sản, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Ngư dân Trung Giang chuẩn bị ra khơi
Vậy nên so với các xã vùng biển khác, Trung Giang vẫn là địa phương có thế mạnh về khai thác đánh bắt cũng như nuôi trồng thủy hải sản. Thế nhưng để khai thác hết tiềm năng thế mạnh này ngư dân Trung Giang hiện vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Phạm Thế Hiển, Trưởng thôn Hà Lợi Trung, một địa bàn bãi ngang của xã Trung Giang giải bày: “Khó khăn đầu tiên đó là ở xa ngư trường giàu tiềm năng, nhiều loại cá. Nếu chỉ đánh bắt ven bờ thì môi trường cạn kiệt, ngư dân muốn đánh bắt xa bờ nhưng phương tiện, thiết bị khai thác chưa đáp ứng được. Muốn có thuyền to, máy lớn, ngư lưới cụ hiện đại thì phải có vốn. Nhưng để vay được đồng vốn từ ngân hàng thì không phải chuyện đơn giản.
Mặt khác Trung Giang cũng là vùng thường xuyên bị thiên tai đe dọa, vì vậy nghề cá ở đây vốn dĩ đã khó lại càng khó khăn hơn”. Muốn tìm ra giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế địa phương, từ nhiều năm qua Trung Giang đã có chủ trương phát huy mọi nguồn lực để đầu tư cho khai thác đánh bắt cũng như nuôi trồng thủy hải sản. Trước hết là ưu tiên đầu tư về khoa học, kỹ thuật và xác định rõ mục tiêu biển là hướng làm giàu cần được đầu tư khai thác. Với cách làm này, Trung Giang không chỉ cải tiến và nâng cao tư liệu sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất và còn giải phóng được lực lượng sản xuất, động viên kích thích mọi thành phần kinh tế, mỗi một hộ gia đình mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề.
Video đang HOT
Toàn xã đã có 224 tàu thuyền các loại với tổng công suất 3.782 sức ngựa. Tổng sản lượng đánh bắt hàng năm đạt khoảng 2.000 đến 2.700 tấn. Nhờ đầu tư đúng hướng và không ngừng hiện đại hóa phương tiện thuyền nghề, nên sản lượng hải sản đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản hàng năm đã tăng. Cùng với việc mở rộng ngư trường, đầu tư mua sắm ngư lưới cụ hiện đại để ra khơi đi xa, bám biển dài ngày, Trung Giang cũng chú trọng phát triển nghề gần bờ, nghề truyền thống, nhất là đầu tư cho nuôi trồng các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá đối nục. Sản lượng tôm hàng năm đạt khoảng 130 tấn, cá đạt 5 tấn.
Nhờ kết hợp một cách hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, giữa khai thác và nuôi trồng mà sản lượng thủy hải sản tăng, nhưng vẫn giữ được môi trường sinh thái. Với cách làm này, Trung Giang đã thành công bước đầu trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Đã bao đời nay, hình ảnh ngư dân vùng biển Trung Giang với chiếc thuyền nan nhỏ bé quanh quẩn ven bờ đánh bắt hải sản, 6 tháng làm, 6 tháng nghỉ, thu nhập phụ thuộc vào thời tiết nên nghèo đói cứ đeo bám mãi. Vì vậy, mục tiêu mở rộng ngư trường, vượt sóng đại dương hướng ra Biển Đông là ước mơ, khát vọng của người dân Trung Giang.
Đặc biệt sau khi nhận tiền hỗ trợ đền bù về sự cố môi trường biển do Fosmosa gây ra, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư cải hoán tàu thuyền, mua máy đẩy, máy đèn và các phương tiện khai thác đánh bắt hiện đại khác để hướng ra Biển Đông vừa khai thác đánh bắt, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên vấn đề cải tiến ngư cụ, mở rộng ngư trường là một “bài toán” không hề dễ dàng, nhưng với sự chỉ đạo sát đúng và hiệu quả của Đảng bộ và chính quyền địa phương cùng sự đồng tâm, hiệp lực của ngư dân, bây giờ Trung Giang đã có một “đáp số” đầy thuyết phục. Giá trị hải sản đánh bắt chiếm 57,6% trong tổng thu ngân sách, giá trị nuôi trồng chiếm 19,5% trong ngư nghiệp.
Cùng với việc đầu tư phát triển tàu thuyền có công suất lớn để ra khơi, đi xa, đi dài ngày trên biển theo Nghị định 67 của Chính phủ, Trung Giang còn chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về khoa học- kỹ thuật cho lao động, kể cả lao động trên biển và trong bờ…Đồng thời vận động ngư dân chú trọng phát triển nghề truyền thống, nghề khai thác gần bờ nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng ven bờ và tận dụng lao động nhàn rỗi theo mùa vụ. Đó chính là hướng đi, là lối mở để Trung Giang vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu từ biển.
Theo Tân Nguyên (Báo Quảng Trị)
Vượt qua ngày "biển động"
Lâu nay, biển cả chính là nguồn sống của người dân xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong. Thế nên, khi sự cố môi trường biển xảy ra, những ngư dân vốn vững chãi trước sóng gió rất hoang mang. Với tinh thần "còn da lông mọc, còn chồi nảy cây", bà con vùng biển Triệu Vân đã nỗ lực vượt qua gian khó.
Bà Nguyễn Thị Vấn chăm sóc đàn gia cầm của gia đình
"Giờ thì dẫu chồng cùng bạn tàu vượt sóng ra biển hay ở nhà nghỉ ngơi, tôi cũng không lo chuyện thiếu ăn, thiếu mặc nữa", bà Nguyễn Thị Vấn, trú tại thôn 7, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong chia sẻ. Cách đây khoảng một năm, có lẽ bà không dám nói điều này. Bấy giờ, kinh tế gia đình bà Vấn phụ thuộc hoàn toàn vào những chuyến vươn khơi, bám biển của chồng. Mỗi lần chiếc tàu chở ông Phan Văn Vấn khuất bóng giữa đại dương mênh mông, bà lại quay về, xắn tay lo liệu việc cửa nhà. Ngày tàu chồng cập bến, bà và những chị em trong thôn hồ hởi xách thúng mủng lấy cá, rồi mang đi bán. Số tiền thu được bà Vấn dành dụm để lo liệu cho gia đình.
Cuộc sống cả nhà dựa vào những chuyến vươn khơi nên khi sự cố môi trường biển xảy ra, vợ chồng bà Nguyễn Thị Vấn đều đứng ngồi không yên. Trong lúc đang hoang mang, ông bà mừng rỡ khi được các cán bộ nông nghiệp đến thăm nhà, tư vấn, hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế mới. Thấy có lý, bà Vấn dồn số tiền tiết kiệm được cùng với khoản hỗ trợ sinh kế để trồng cỏ voi, nuôi bò; đào ao, thả cá; chăn nuôi vịt, gà, ngan; trồng các loại rau màu... "Mô hình VAC đã giúp vợ chồng tôi vơi nhiều nỗi lo lắng. Chúng tôi đang quyết tâm mở rộng mô hình để tăng thêm thu nhập", bà Vấn khẳng định.
Trong khi hầu hết hộ dân xã Triệu Vân tìm hướng phát triển kinh tế thông qua việc chọn giống cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng thì một số gia đình chủ động đến với những nghề ít ai để ý nhưng lại cho nguồn thu nhập ổn định. Trên địa bàn xã, mô hình đúc bờ lô bằng máy của vợ chồng chị Trần Thị Nhung (trú tại thôn 8) được khá nhiều người học tập. Trước đây, kinh tế của gia đình chị Nhung phụ thuộc chủ yếu vào những chuyến đi biển của chồng. Trung bình mỗi tháng, anh đưa về từ 4 - 5 triệu đồng để vợ trang trải cuộc sống.
Về phần mình, lúc rảnh rỗi, chị Nhung thường đúc bờ lô bằng tay để xây nhà và bán cho ai có nhu cầu. Trước thực trạng cá chết hàng loạt, chị Nhung bàn với chồng đầu tư gần 100 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng và mua máy đúc bờ lô liên hoàn. Chẳng bao lâu công việc phụ của gia đình trở thành nghề chính. Bờ lô của gia đình chị Nhung được khách hàng rất ưa chuộng và ngày càng vươn xa. Chị Nhung cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu của khách, hiện tại, vợ chồng tôi thuê thêm hai nhân công lao động, trả lương theo sản phẩm với thu nhập trung bình từ 200 - 300 ngàn đồng/ngày".
Những ngày này, không khí lao động, sản xuất của người dân xã Triệu Vân rất khẩn trương, sôi nổi. Đàn ông, trai tráng trong xã miệt mài sửa sang tàu thuyền, ngư lưới cụ để chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Trên những mảnh vườn xanh tươi, mọi người cần mẫn gieo trồng, chăm sóc cây trái. Hình ảnh này trái ngược hẳn với không khí trĩu nặng âu lo vào thời điểm sự cố môi trường biển xảy ra. Dẫn chúng tôi về thăm một số hộ dân, ông Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết, xã Triệu Vân có 4 thôn với 785 hộ, 3.260 nhân khẩu.
Toàn xã có 110 lao động trực tiếp bám biển và hơn 600 lao động gián tiếp. Khi sự cố môi trường biển xảy ra, hầu hết những người sống dựa vào biển đều lúng túng. Họ không biết sẽ làm gì để sống trong hoàn cảnh đồng vốn dắt túi chẳng đáng là bao, thiếu kinh nghiệm sản xuất, trình độ khoa học - kỹ thuật hạn chế... "Lúc ấy, cán bộ xã chúng tôi cũng âu lo không kém bà con. Nếu chậm giải quyết khó khăn này chắc chắn điều kiện kinh tế - xã hội, tình hình an ninh trật tự của địa phương sẽ bị ảnh hưởng. Trước thực tế đó, chúng tôi đã có rất nhiều cuộc họp để bàn bạc, thảo luận, rồi đưa ra những giải pháp", ông Hồ Xuân Đức cho biết.
Khác với cách làm của hầu hết các địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển là tổ chức nhiều buổi hội nghị, tập huấn để dạy nghề, chuyển giao khoa học - công nghệ, cán bộ xã Triệu Vân được chỉ đạo đi từng ngõ, gõ từng nhà tìm hiểu thực tế và "bắt tay chỉ việc", hướng dẫn người dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Các cán bộ Sở Nông nghiệp &PTNT tăng cường về địa phương phối hợp chặt chẽ với cán bộ xã "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" để hướng dẫn bà con từ những việc nhỏ nhất như làm đất, dựng chuồng trại, chọn giống, phòng trừ dịch bệnh... Từ các nguồn vốn hỗ trợ sinh kế, nông thôn mới và giảm nghèo dành cho vùng bãi ngang, lãnh đạo UBND xã Triệu Vân đã hỗ trợ cho 90 hộ dân xây dựng các mô hình kinh tế mới. Tuỳ vào điều kiện của từng hộ và đặc thù mô hình kinh tế được triển khai mà người dân được hỗ trợ từ 5 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, cán bộ xã Triệu Vân cũng vận động bà con phát huy nội lực của bản thân, gia đình; giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau; kêu gọi sự tiếp sức của các tổ chức, cá nhân...
Những nỗ lực của chính quyền và nhân dân xã Triệu Vân sớm mang lại hiệu quả. Hiện nay, 39 mô hình kinh tế mới của người dân trên địa bàn xã đã được xây dựng, nghiệm thu, mang lại tín hiệu khả quan. Hàng chục mô hình còn lại vẫn đang được triển khai, được người dân rất kỳ vọng. Một số mô hình như chăn nuôi lợn F1, F2; trồng gấc kết hợp nuôi gà; mướp đắng kết hợp ném kiệu... cho thu nhập khá. Từ đó, nhiều hộ dân đã có điều kiện để mở rộng mô hình, lên phương án làm ăn mới. Cuộc sống của người dân địa phương ngày càng ổn định. Sau một thời gian "nghỉ ngơi", tàu thuyền của ngư dân xã Triệu Vân đã tiếp tục vươn khơi, bám biển và trở về đầy ắp cá tôm. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, bà con ngư dân trên địa bàn đã thu được gần 2,5 tấn cá khoai và hơn 1 tấn các loại cá khác. Trong khó khăn, ngư dân xã Triệu Vân không gục ngã mà nỗ lực vươn lên. Minh chứng là giờ đây, ngoài bám biển, họ đã quen với cây cuốc, cây rựa và có thể làm giàu từ những mô hình kinh tế mới.
Theo Quang Hiệp (Báo Quảng Trị)
Ngư dân và hành trình hướng biển Người Việt đặt chân trên đất Quảng Ngãi, cùng với việc khai hoang lập ấp, vỡ ruộng trồng lúa khoai là khai thác các loài thuỷ sản (rong biển, ốc, cua, cá) làm thực phẩm. Ban đầu ở cửa sông, ghềnh biển, sau ra dần đến lộng, xa nữa là đánh cá ngoài khơi. Suốt một thời gian rất dài, việc nhặt lượm...