Quảng Ninh: Tuyệt đối không gây khó khăn, phiền hà người nộp thuế
Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân về sự phục của cơ quan hành chính nhà nước, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh sẽ bố trí công chức có đủ năng lực làm việc tại bộ phận “một cửa”, tuyệt đối không gây phiền hà, sách nhiễu người nộp thuế.
Niêm yết công khai thủ tục hành chính tại Chi cục Thuế khu vực Uông Bí – Quảng Yên (ảnh chụp trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát). Ảnh: NM.
Để thực hiện cam kết với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tiếp cục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (DDCI), chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan trung ương (PAR – INDEX), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức hội nghị trực tuyến để quán triệt đến cán bộ, công chức về vấn đề này.
Ông Cao Ngọc Tuấn – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong thời gian qua, cục thuế đã tập trung bám sát chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh để triển khai thực hiện các giải pháp cải cách hành chính nhằm năng cao lực cạnh tranh và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Kết quả là những năm qua, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh luôn đứng trong nhóm các sở, ban, ngành dẫn đầu về điểm số các chỉ số DDCI, SIPAS, PAR INDEX. Tuy nhiên, trong năm 2020 có một số chỉ số giảm điểm so với năm 2019. Do vậy, năm 2021 sẽ quyết tâm nâng cao điểm số của các chỉ số này.
Video đang HOT
Để đạt mục tiêu trên, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị lựa chọn công chức có đủ năng lực, trình độ bố trí tại bộ phận tiếp xúc với người nộp thuế, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sách nhiễu, gây phiền hà, từ chối, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Cục thuế thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các công chức thuế không công khai, hoặc công khai không đầy đủ các thủ tục hành chính, tự ý yêu cầu, bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật; tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính, công tác quản lý thuế và công tác quản lý nội ngành; triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 theo kế hoạch của Tổng cục Thuế.
Người đứng đầu Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong những tháng cuối năm 2021, đơn vị quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước được giao và hoàn thành mục tiêu nâng hạng các chỉ số DDCI, PAR INDEX, SIPAS, PCI đã được UBND tỉnh giao.
Kiên trì mục tiêu cải cách thủ tục hành chính thuế
Theo kết quả báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2020 (APCI 2020), do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ công bố mới đây, nhóm thủ tục hành chính thuế tăng 5,5 điểm lên đến 94,7 và chỉ cách 5,3 điểm so với thực tiễn tốt nhất (100 điểm).
Theo đó, nhóm này trở thành nhóm liên tiếp dẫn đầu trong những năm qua về cải cách thủ tục hành chính với chi phí tuân thủ trung bình liên tục giảm, chỉ còn 3,8 giờ và 11,6 nghìn đồng chi phí trực tiếp cho mỗi thủ tục hành chính.
Qua khảo sát của báo cáo APCI 2020, nhóm này được thực hiện trên 3 thủ tục hành chính: Hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với doanh nghiệp; khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp; khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh minh họa: TTXVN phát
Giảm mạnh các chi phí tuân thủ
Những năm gần đây, ngành Thuế luôn dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện thủ tục hành chính, nhằm đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục. Tổng cục Thuế cho biết, khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. 99,7% doanh nghiệp đang hoạt động, tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 97% doanh nghiệp tham gia, thực hiện thủ tục hoàn thuế điện tử.
Khảo sát qua các năm cho thấy, gánh nặng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp giảm mạnh. Trong đó, thời gian thực hiện chỉ còn 3,8 giờ (giảm 19%), với chi phí trực tiếp trung bình không đáng kể, chỉ 11,6 nghìn đồng/thủ tục hành chính (giảm 79%). Chi phí trực tiếp trên thực tế chỉ phát sinh ở một số trường hợp đặc biệt như thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với doanh nghiệp (có doanh nghiệp cho biết chi phí xin sao kê, đóng bộ hồ sơ hết 2 triệu đồng).
Đặc biệt, 100% doanh nghiệp được khảo sát đều khẳng định không phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói giảm đáng kể, từ 24% xuống còn 5%. Điều này phù hợp với thực tế các doanh nghiệp khảo sát đã có kinh nghiệm và lựa chọn việc tự thực hiện thủ tục.
Đáng ghi nhận, một số vùng, địa phương như: Thái Bình là địa phương có thực tiễn tốt nhất về chỉ số thành phần, thời gian thực hiện nhóm thủ tục hành chính thuế với trung bình là 0,9 giờ. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có điểm số tốt nhất với thời gian thực hiện ngắn nhất là 1,9 giờ.
Một điểm khác biệt nữa đáng ghi nhận của nhóm này là sự thay đổi tích cực về thời làm việc trực tiếp giữa đoàn kiểm tra của cơ quan thuế và doanh nghiệp trong thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với doanh nghiệp (thuộc về bước họp thẩm định/kiểm tra thực địa). Theo đó, chi phí trực tiếp dành cho việc tiếp đón đều giảm đáng kể.
Báo cáo chỉ ra một số hạn chế trong chi phí tuân thủ: Trong số các bước thực hiện thủ tục hành chính thuế, chuẩn bị hồ sơ là bước mất nhiều thời gian nhất, doanh nghiệp dành 2,1 giờ, chiếm 54% tổng thời gian thực hiện. Các thủ tục hành chính tốn nhiều thời gian nhất có thể kể đến như thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với doanh nghiệp và thủ tục khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Cá biệt, một số trường hợp mất đến 15 ngày làm việc. Ngoài ra khảo sát cho thấy, 11% số doanh nghiệp phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ trung bình 2,1 giờ và tối đa là 5 ngày làm việc (thuộc thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với doanh nghiệp).
Đơn giản hóa và chuẩn hóa quy trình
Từ những hạn chế trên, báo cáo đã đưa ra khuyến nghị về hai vấn đề mà ngành Thuế cần làm trong thời gian tới. Thứ nhất, nâng cao tính ổn định và mức độ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục khắc phục tình trạng lỗi hệ thống khi thực hiện khai hồ sơ thuế và nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, đặc biệt trong thời điểm cuối tháng hoặc cuối kỳ kế toán (theo phản ánh của doanh nghiệp trong khảo sát APCI 2018, 2019).
Thứ hai, đơn giản hóa và chuẩn hóa quy trình thực hiện thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong muốn khắc phục tình trạng hướng dẫn khác nhau trong quá trình thực hiện thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với doanh nghiệp giữa một số địa phương, ví dụ như về thành phần hồ sơ.
Nghiên cứu các nội dung phản ánh từ doanh nghiệp và phân tích các kết quả khảo sát APCI 2020 cho thấy, vẫn còn dư địa cải cách trong nhóm thủ tục hành chính thuế, đó là hoàn thiện và nâng cấp hệ thống khai và nộp thuế trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, đảm bảo khả năng truy cập và sử dụng được thông suốt, tránh trường hợp không thể truy cập. Đồng thời, Tổng cục Thuế cần rà soát các bảng, biểu mẫu được hỗ trợ trong cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và phần mềm hỗ trợ kê khai, để việc thực hiện thủ tục hành chính thuế của doanh nghiệp được dễ dàng và thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, xây dựng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và rà soát, cải cách một số khâu trong việc thực hiện thủ tục hành chính thuế. Đặc biệt lưu ý đến thủ tục đối với doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường (được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên) như thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể.
Báo cáo cũng cho rằng cần chuẩn hóa quy trình xử lý nội bộ, đảm bảo thông tin hướng dẫn thực hiện thủ tục rõ ràng và đầy đủ (bao gồm cả việc hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hồ sơ), bố trí công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ cần được lưu tâm để đảm bảo việc giải quyết các hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính thuế theo đúng quy định.
Doanh nghiệp vận tải 'mệt mỏi' vì xét nghiệm Các lái xe vận tải chưa kịp "hoàn hồn" về quy định muốn chở hàng đến cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) phải xét nghiệm COVID-19 tới 3 lần, mới đây, UBND TP Móng Cái đã ra thông báo áp dụng lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng PCR (mẫu gộp) đối với hàng hóa và phương tiện vận chuyển hàng hóa...