Quảng Ninh: Siêu dự án nuôi tôm nghìn tỷ liên tục lỗi hẹn
Được kỳ vọng trở thành nơi sản xuất tôm giống lớn nhất toàn miền Bắc với quy mô và công suất sản xuất 8 tỷ con tôm giống/năm, Dự án Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà ( Quảng Ninh) do Tập đoàn Việt – Úc làm chủ đầu tư, sau nhiều lần lỗi hẹn, đến nay vẫn chưa có con tôm nào ra đời.
Dự án Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh do Tập đoàn Việt – Úc làm chủ đầu tư được khởi công ngày 19.5.2017, có tổng diện tích hơn 300ha, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là xây dựng khu thuần dưỡng tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống sạch bệnh, kháng bệnh; xây dựng khu nuôi tôm trong nhà kính, sản xuất tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao, đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu trực tiếp ra các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung để xuất khẩu, góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thủy sản Quảng Ninh.
Dự án được triển khai trên tổng diện tích hơn 300ha tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà.
Theo quy mô ban đầu, Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh gồm các hạng mục công trình: Khu nuôi tôm giống, nhà máy thức ăn, khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính và nhà máy chế biến xuất khẩu. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ có quy mô sản xuất tôm giống 8 tỷ con/năm, năng suất nuôi tôm thương phẩm khoảng 100-300 tấn/ha/năm, tương đương 5.800-17.400 tấn/năm, bảo đảm cung cấp tới người dân tôm giống chất lượng, vệ sinh, an toàn.
Theo cam kết của Tập đoàn Việt – Úc với tỉnh Quảng Ninh, đến tháng 5.2018, đơn vị sẽ đưa một số trại sản xuất tôm giống (thuộc Dự án Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại huyện Đầm Hà) đi vào hoạt động với công suất trước mắt đạt 50 triệu con tôm giống/trại.
Có mặt tại công trường thi công dự án Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh vào những ngày đầu tháng 9 này, PV chứng kiến một công trường ngổn ngang với nhiều hạng mục công trình đang được triển khai thi công dang dở.
Đại diện Tập đoàn Việt – Úc cho biết, hiện đơn vị vừa triển khai san gạt mặt bằng, vừa xây dựng các trại sản xuất giống, mới hoàn thiện thi công 3/14 trại, nhưng vì khung thời vụ bị chậm nên phải đến tháng 2.2019 mới đưa vào hoạt động. Đợt mưa bão vừa qua đã làm hỏng 9 trại giống đang thi công khiến dự án bị chậm tiến độ. Đến nay, riêng hạng mục thi công các trại giống, đơn vị đã hoàn thành 65% khối lượng công việc.
Video đang HOT
Nhiều hạng mục công trình đang được triển khai thi công dang dở.
Trước đó, trong cuộc kiểm tra tiến độ Dự án hồi tháng 12.2017, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Tập đoàn Việt Úc tập trung san gạt mặt bằng thi công các hạng mục dự án, thực hiện đúng tiến độ đã cam kết với tỉnh, đưa trung tâm sản xuất giống đi vào hoạt động vào tháng 5.2018 với công suất 8 tỷ con giống/năm, tiến tới xây dựng khu nuôi tôm siêu thâm canh, xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn nuôi tôm và Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu huyện Đầm Hà, Sở NN&PTNT tập trung giải quyết những khó khăn vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư thi công, sớm đưa Dự án đi vào hoạt động, góp phần cung cấp con giống thủy sản, sản xuất tôm với chất lượng cao, phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, tỉnh và miền Bắc.
Cũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và huyện Đầm Hà, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc điều hành dự án của Tập đoàn Việt – Úc, đã khẳng định, đến tháng 7.2018, những hạng mục đầu tiên của dự án sẽ hoàn thành và được đưa vào hoạt động theo đúng cam kết của nhà đầu tư với tỉnh Quảng Ninh.
Trước đó, chủ đầu tư đã cam kết với tỉnh, đưa trung tâm sản xuất giống đi vào hoạt động vào tháng 5.2018, với công suất 8 tỷ con giống/năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (tháng 9.2018), ông Thắng lại lý giải, mặc dù dự án được khởi công vào ngày 19.5.2017 nhưng đến tháng 9.2017 mới triển khai thực hiện san lấp mặt bằng. Việc san lấp mặt bằng không có chỗ đổ đất và cuối tháng 4.2018 mới triển khai xây dựng.
Đến nay, địa phương mới bàn giao cho chủ đầu tư 28ha đất đồi và cuối tháng 5.2018 mới được bàn giao 10,2ha đất mặt nước. Bên cạnh đó, do thời tiết không thuận lợi cộng với việc tiến độ triển khai xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nuôi trồng thủy sản huyện Đầm Hà của các sở, ngành, địa phương chậm đã khiến cho dự án Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh theo đó cũng bị chậm.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, khẳng định, dự án Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh tại Đầm Hà chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc bản thân chủ đầu tư, đơn vị thi công triển khai thực hiện các hạng mục công trình chậm, nhân lực, thiết bị máy móc ít.
Cùng với đó, do điều kiện san gạt mặt bằng khó khăn, mặt bằng san gạt không đảm bảo nên khi mưa bão đã làm hư hỏng một số hạng mục công trình của dự án. Tiến độ triển khai xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nuôi trồng thủy sản huyện Đầm Hà triển khai chậm cũng đã ảnh hưởng lớn tới tiến độ dự án theo cam kết của chủ đầu tư với tỉnh Quảng Ninh.
Theo quyết định phê duyệt, Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là xây dựng toàn bộ hạ tầng kỹ thuật cơ bản và khoảng 80ha gồm khu nuôi tôm thương phẩm số 3 và số 4 với 450 ao nuôi, khu xử lý nước thải, khu ao lắng, khu văn phòng nhà ở, trạm điện sản xuất, trại post, thu gom và xử lý rác thải. Giai đoạn 2 sẽ tiến hành xây dựng khu nuôi tôm thương phẩm số 1 và số 2 cùng các hạng mục còn lại.
Theo Danviet
Giống mía tím mập, giòn, ăn bao nhiêu không chán của dân Hoành Bồ
Với kỹ thuật trồng đơn giản, hiệu quả kinh tế cao, cây mía tím đang dần trở thành một trong những sản phẩm thương hiệu của Hoành Bồ (Quảng Ninh) và giúp người dân nơi đây cải thiện đời sống.
Nhắc đến huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, ngoài vùng trồng hoa truyền thống, ổi Đài Loan, rượu Bâu... thì sản phẩm thế mạnh của Hoành Bồ còn có mía tím Sơn Dương. Tuy cây mía tím được trồng ở nhiều nơi như Thanh Hóa, Hòa Bình, Khánh Hòa, nhưng mía tím Sơn Dương (Hoành Bồ, Quảng Ninh) cũng đang dần trở thành thương hiệu được nhiều người ưa chuộng bởi chất lượng và hương vị đặc trưng.
Ruộng mía tím ở Sơn Dương, Hoành Bồ đang trong thời kỳ ra gióng
Đến thôn Vườn Rậm, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ vào một ngày tháng 7, phóng viên Dân Việt thấy những cánh đồng mía tím trải dài bạt ngàn. Bởi mía tím đang trong thời kỳ ra gióng nên những cánh đồng mía đều có độ cao chỉ khoảng 1m.
Theo ông Bùi Xuân Hưng - Trưởng Phòng nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện Hoành Bồ, tổng diện tích mía tím hằng năm của huyện Hoành Bồ đạt khoảng 100 ha; trong đó diện tích mía tím được trồng ở xã Sơn Dương là lớn hơn cả, chiếm khoảng 70-80%. Thu nhập từ cây mía tím cũng đã cải thiện đáng kể đời sống của người dân.
Thu nhập của các hộ gia đình trồng cây mía tím khá cao, bình quân khoảng trên 100 triệu đồng/ha. Theo nhiều người dân xã Sơn Dương cho biết, mỗi sào mía tím, họ thu hoạch được từ 60-70 vác, mỗi vác 20 cây. Nếu mía đẹp, thân cây mập, họ có thể bán với giá 140-150.000 đồng/vác. Trừ hết các chi phí, người nông dân lãi từ 6-7 triệu đồng, còn trồng lúa thì chỉ lãi khoảng 1,5 triệu. Như vậy, so với trồng lúa, trồng mía tím thu lãi gấp 3-4 lần. Bởi vậy, cây mía tím được coi là một trong những cây trồng giảm nghèo hiệu quả cho người nông dân Hoành Bồ.
Mía tím có màu tím nho, mập, gióng ngắn, giòn và mềm hơn hơn các loại mía khác
Tại Quảng Ninh, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Quảng Yên... cũng trồng mía tím, nhưng mía tím Sơn Dương, Hoành Bồ vẫn có sự khác biệt. Theo kinh nghiệm của người trồng mía ở Sơn Dương, mía tím khác với mía thuốc đen hay mía vàng. Gióng của cây mía tím ngắn hơn, mập và có màu tím nho, khi ăn sẽ không có cảm giác rát lưỡi. Mặt khác, cây mía tím cũng chỉ dùng để ăn, không dùng để ép lấy nước hay làm đường. Do thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp mà cây mía tím Sơn Dương phát triển nhanh, đều, giòn, độ ngọt cao và đặc biệt thơm.
Chị Đỗ Thị Hằng - Phó Phòng nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện Hoành Bồ tự hào về cây mía tím Sơn Dương: Hoành Bồ trồng nhiều mía tím, nhưng đa số trồng ở Sơn Dương. Mía tím cũng trồng nhiều ở Đầm Hà nhưng nó không ngon bằng ở đây, độ ngọt, độ mềm không bằng. Hoặc như mía tím của Thanh Hóa, tuy cùng giống mía tím nhưng gióng dài, ăn dai và không mềm, ngon bằng.
Tỉa lá cho cây mía là công việc quan trọng nhất để cây mía phát triển, hạn chế sâu bệnh và chống đổ ngã
Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế hơn cây lúa, mà mía tím còn là loại cây có kỹ thuật trồng đơn giản, dễ chăm sóc. Bác Phạm Văn Qúy - trưởng thôn Vườn Rậm, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ cho biết: Mía tím khá dễ trồng, dễ chăm. Vào thời kỳ cây mía tím đang ra gióng như thế này, chỉ cần tưới nước, phân bón 1 lần/tháng. Công việc quan trọng nhất là tỉa lá. Phải tỉa lá, bóc bẹ thì cây mía mới ra gióng được. Nếu không bóc lá thì cây mía sẽ không lên được, mà nó sẽ ra rễ. Cây mía cứ tẽ ra 3-4 lá là phải bóc rồi. Ngoài ra, do mía tím giòn nên chịu gió kém, chúng tôi phải buộc dây, chống cọc để cây không bị đổ ngã.
Cũng theo trưởng thôn Vườn Rậm, cây mía tím thu hoạch và bán rộn vào tháng 10, 11, sang tháng 12, bắt đầu trồng vụ mới. Tuy nhiên, trên cùng một diện tích đất, cây mía tím chỉ trồng 1 vụ/ năm, sau đó vụ kế sẽ trồng lúa hoặc trồng ngô. Bởi nếu trồng liên tiếp 2 vụ mía trên cùng một diện tích đất, cây mía sẽ không phát triển, thân cây bé, chất lượng kém.
Cây mía được trồng ở Sơn Dương, Hoành Bồ từ lâu đời, nhưng đó là giống mía trắng, năng suất và chất lượng thấp, hiệu quả kém. Từ những năm 1970, khi cây mía tím bắt đầu được trồng, người nông dân từ việc phải chở mía đi Quảng Yên và các địa phương khác để tiêu thụ, nay thương lái đến tận ruộng để thu mua. Cây mía tím không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân, đưa người dân thoát nghèo, mà còn trở thành thương hiệu đáng tự hào của Sơn Dương, Hoành Bồ.
Theo Danviet
Huyện nghèo Đầm Hà phấn đấu cuối năm 2017 có 3 xã về đích NTM Là huyện miền núi, ven biển còn nhiều khó khăn, với 80% dân số sống bằng nghề nông, trình độ dân trí thấp, nguồn nhân lực chất lượng cao còn ít. Nhưng trong 9 tháng đầu năm 2017, 3 xã: Dực Yên, Quảng Tân, Đầm Hà của huyện Đầm Hà được đánh giá "gần sát nút" đích NTM. Điều này cho thấy sự...