Quảng Ninh: Lang thang khám phá Vĩnh Thực
Là một điểm đến mới trong bản đồ du lịch biển đảo Việt Nam, đảo Vĩnh Thực còn vẹn nguyên vẻ đẹp hoang sơ, độc đáo của rừng và biển.
Theo kinh nghiệm của những phượt thủ, mùa đẹp nhất trong năm để đến Vĩnh Thực là mùa hè để có thể chiêm ngưỡng những con đường tím ngát màu hoa sim.
Bãi Đầu Đông cong hình vòng cung .
Thiên nhiên hoang sơ
Cách thành phố vùng biên Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) khoảng 20km, để ra đảo Vĩnh Thực, du khách phải tới bến cảng Mũi Ngọc, rồi lên xuồng ra đảo. Chỉ mất chừng 10 phút băng qua sóng nước, những con đường rợp bóng cây xanh quanh đảo đã hiện ra trước mặt. Đảo Vĩnh Thực có diện tích tự nhiên khoảng 5.000ha, được phân chia thành hai xã Vĩnh Thực và Vĩnh Trung. So với thành phố Móng Cái ồn ào không ngủ, Vĩnh Thực giống như một thế giới hoàn toàn đối lập, thanh bình và yên ả. Không khí trong lành với những làn gió mát từ biển cả và màu xanh của cây cối khiến du khách được tiếp năng lượng để thỏa sức khám phá những điều hấp dẫn bày ra ngay trước mắt.
Anh Nguyễn Thành Phương, một người dân xã Vĩnh Trung cho biết, hai bãi tắm đẹp nhất ở Vĩnh Thực là bãi Đầu Đông và bãi Bến Hèn, nằm ở hai đầu của đảo nên hành trình tới hai bãi biển này giống như một hành trình khám phá trọn vẹn Vĩnh Thực.
Bãi tắm Đầu Đông thường là địa điểm check-in đầu tiên của du khách khi đến đảo Vĩnh Thực. Để đi tới đây, du khách có thể thuê xe máy hoặc đặt xe điện. Con đường xuyên đảo rộng thênh thang với hàng cây xanh mát hai bên làm cho hành trình trở nên ngắn lại. Chung quanh là những ghềnh đá xám nâu xếp chồng lên nhau, mỗi đợt sóng biển chồm tới, tung bọt trắng xóa. Bên cạnh là bãi biển dài chừng 3km, là bãi biển dài nhất trên đảo, cong theo hình vòng cung.
Bến tàu lên đảo.
Nếu như bãi Đầu Đông hợp với những trải nghiệm mạnh mẽ, như ngụp lặn, cưỡi sóng thì bãi Bến Hèn hợp với những buổi chiều ngồi ngắm ráng đỏ buông xuống mặt biển. Bãi tắm dài chưa tới 2km, triền cát vàng mịn, chạy theo hình vòng cung, được hàng phi lao bao bọc nên biệt lập với xóm thôn. Khi cảnh quan hòa hợp với nhịp điệu chầm chậm sau một ngày dài bận rộn, những bãi cát yên ả đợi từng đợt sóng xô bờ, vừa lặng lẽ dõi theo những ánh đèn từ những thuyền câu vươn ra xa khơi.
Video đang HOT
Trong hành trình lang thang khám phá đảo, người dân địa phương có thể tư vấn thêm một địa danh khác, đó là Vụng Dầm. Vụng Dầm là điểm giao giữa núi đá và biển khơi, được ví như đuôi của con rồng nằm giữa biển khơi, với những bãi cát thoải, nước trong thấu đáy, là không gian lý tưởng để du khách thỏa sức vẫy vùng.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Thơ, một du khách đến từ Hà Nội nhận xét: ” So với các điểm đến của Quảng Ninh như đảo Cô Tô, Cái Chiên hay Bình Liêu thì đảo Vĩnh Thực cũng hấp dẫn chẳng kém, đủ sức cạnh tranh bởi vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên trong lành. Những du khách trẻ như chúng tôi có thể tìm được những bãi đá sống ảo, những bờ biển cát trong, thoải và rộng để vui đùa, cắm trại, ngủ lều…”.
Trải nghiệm cuộc sống xứ đảo
Với diện tích đảo khoảng 5000ha, nhưng chỉ tập trung khoảng 700 hộ dân sinh sống, nên cuộc sống ở Vĩnh Thực không ồn ào. Người dân trên đảo chủ yếu sinh sống bằng nghề chài lưới và làm nông nghiệp. Một vài hộ kinh doanh du lịch nhưng đều dựa vào các hoạt động cộng đồng.
Điểm độc đáo mới ở Vĩnh Thực là những bức bích họa rực rỡ trên tường nhà dân. Gần 20 bức tranh tường tái hiện khung cảnh làng quê, biển đảo, những chiếc thuyền về bến, chợ cá nhộn nhịp trên bờ biển, ngư dân kéo lưới,… tô thêm sắc màu cho khung cảnh yên bình, khiến những làng chài trở nên sống động và thân thiện quá đỗi.
Cảnh quan hoang sơ trên đảo
Còn ở xóm thôn nào cũng có thể trải nghiệm cuộc sống của những người dân quanh năm làm nghề chài lưới. Chị Hoàng Thị Tuyết, một người dân xã Vĩnh Trung chia sẻ: “Ngoài trừ mùa mưa bão neo thuyền về bờ, còn lại quanh năm, mọi người hối hả với nhịp sống của dân biển. Đàn ông lên thuyền đánh cá, soi còng, phụ nữ đợi thuyền về thu gom mẻ cá về bờ, lo chuyện chợ búa, đợi nắng phơi cá tôm, lo chuyện bếp núc hay tất bật đồng áng…”.
Làng bích họa độc đáo trên đảo.
Thưởng thức hải sản tươi ngon ngay trên bãi biển là một trong những trải nghiệm không thể thiếu ở Vĩnh Thực, bên cạnh những hoạt động khám phá hay hòa nhịp cùng ngư dân kéo lưới câu mực. Anh Trường Giang (Đường Hạ Long, thành phố Bãi Cháy, Quảng Ninh) nhận xét, dù cùng là dân biển nhưng mỗi lần đến Vĩnh Thực, cảm giác thưởng thức những món ăn từ ốc, nghêu, tôm, mực… ở đây đều ngon hơn. “Sức hấp dẫn của món ăn không phải bởi sự cầu kỳ, xa hoa mà do độ tươi ngon, thuần khiết. Hoặc có thể bởi chúng tôi luôn chơi hết sức nên khi thưởng thức cũng “hết mình” nên mới đặc biệt ấn tượng với ẩm thực của người dân địa phương”, anh dí dỏm giải thích.
Cũng theo chia sẻ của vị khách từng nhiều lần đến Vĩnh Thực này, thời điểm thích hợp nhất là mùa hè. Không chỉ vì thời điểm lý tưởng của du lịch biển đảo miền Bắc, mà còn bởi những vạt rừng hoa sim, hoa mua sẽ bung nở những bông hoa tím ngắt, hay hé lộ những quả ngọt đầu mùa. Con đường lý tưởng nhất để có thể thưởng ngoạn mùa hoa này ở Vĩnh Thực là đường dẫn lên ngọn hải đăng. Theo anh Trường Giang, cây đèn biển gần 60 tuổi đời này mới sống đúng nhịp điệu của dân biển nhất, khi đêm đến vươn tầm mắt ra khơi xa, cùng đồng hành với những con tàu xuôi ngược.
Với người dân Vĩnh Thực, ngọn hải đăng Vĩnh Thực không chỉ là một người bạn đường tin cậy mà còn là một niềm tự hào, nơi họ luôn muốn giới thiệu cho du khách. Đó là ngọn hải đăng nơi địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, nằm ở vị trí đầu tiên trong tổng số 92 ngọn hải đăng trải dài ven biển, trên các đảo và quần đảo của Tổ quốc, nơi có thể hướng tầm mắt thấy được mũi Sa Vĩ – nơi đặt “nét bút đầu tiên vẽ nên hình chữ S” trên dải đất Việt Nam… Từ vị trí cao nhất trên đảo, mỗi người đều có thể thấy được cuộc sống yên bình của đồng lúa, làng chài, rừng xanh, biển cả, thấy yêu vẻ đẹp của biển đảo Tổ Quốc.
Khách du lịch đến Quảng Ninh tăng trong kỳ nghỉ lễ
Kết thúc kỳ nghỉ lễ, khách du lịch đến Quảng Ninh tăng khá kể từ khi địa phương này cho phép các hoạt động du lịch mở cửa trở lại vào hôm 1/5.
Theo đó, từ 12h00 ngày 1/5/2020, Quảng Ninh cho phép các hoạt động du lịch trên địa bàn hoạt động trở lại, bao gồm: Các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long; Khu di tích, danh thắng Yên Tử; Bảo tàng Quảng Ninh, Thư viện tỉnh; Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ - Móng Cái; các bãi tắm; khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, sân golf, hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa. Tất cả các hoạt động này đều phải đảm bảo các quy định về phòng dịch.
Để đảm bảo an toàn nhất cho người dân, du khách, các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn đã tập trung chuẩn bị các điều kiện phục vụ. Đặc biệt, trong suốt 1 tháng rưỡi đóng cửa, các điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh có đầy đủ thời gian để sắp xếp lại hoạt động kinh doanh, nâng cao hơn chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Khách du lịch làm thủ tục nhận phòng tại khách sạn phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch theo quy định. Ảnh: Anh Thắng
Theo ghi nhận của PV, ngay trong ngày đầu tiên (2/5), lượng khách đến thăm Vịnh Hạ Long có phần thưa thớt, chủ yếu do tâm lý e ngại đến nơi tập trung đông người.
Gia đình chị Phạm Thúy Hà, trú tại phường Giáp Bát, Quận Hoàng Mai (Hà Nội) đến Vịnh Hạ Long du lịch từ sáng 2/5, vì biết tỉnh Quảng Ninh cho phép hoạt động du lịch trở lại từ ngày 1/5. Trái với tâm lý e ngại đến các điểm du lịch vào ngày nghỉ do đông người, cả gia đình chị Hà tỏ ra rất thoải mái khi đến tham quan vịnh Hạ Long.
"Tôi cứ nghĩ trong thời gian dịch dã thì sẽ vắng người, thật không ngờ các điểm du lịch tại Quảng Ninh lại khá đông khách tham quan. Trước khi đến đây du lịch, cả gia đình tôi cũng đã theo dõi thông tin trên phương tiện thông tin về các điểm du lịch, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều phức tạp thì càng thận trọng. Đến đây tôi rất hài lòng với thái độ phục vụ của các nhân viên, họ yêu cầu chúng tôi đeo khẩu trang, sát khuẩn tay..." chị Hà nói.
Nếu như ngày đầu tiên của kỳ nghỉ số lượng khách đến với vịnh Hạ Long chỉ vào khoảng 100 người thì những ngày sau lượng khách đã tăng lên. Ảnh: Anh Thắng
Thông tin với PV, Ông Lê Đức Cửu, Phó Giám đôc Trung tâm hướng dẫn và điều hành du lịch vịnh Hạ Long cho biết: Trong ngày 1/5 có khoảng 100 khách đến tham quan khu vực, nhưng tính đến 16h ngày 2/5, có khoảng 400 khách đến các điểm du lịch trong khu vực vịnh Hạ Long. Hiện, chính quyền vẫn đang tiếp tục các biện pháp phòng dịch đối với khách du lịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn, và khoảng cách tiếp xúc an toàn.
Tại Khu di tích danh thắng Yên Tử, các điểm đến như làng hành hương, khu nghỉ dưỡng, cáp treo... đều đón lượng khách đến tham quan tương đối lớn. Các biện pháp phòng dịch như: Yêu cầu du khách xếp hàng kiểm tra y tế, kiểm tra thân nhiệt từ xa, rửa tay sát khuẩn trước khi vào các điểm di tích và đeo khẩu trang đúng theo quy định được thông báo rõ ràng.
Ban Quản lý di tích ở Yên Tử đã linh hoạt nhiều phương án như giãn cách các tour, các đoàn tham quan tránh tập trung đông người tại một điểm dừng chân, bố trí lực lượng nhắc nhở du khách giữ khoảng cách đúng quy định. Trước đó, đơn vị này đã triển khai các biện pháp vệ sinh, phun khử trùng, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho du khách.
Khách du lịch đến với Bảo tàng Quảng Ninh . Ảnh: Anh Thắng
Còn tại Bảo tàng Quảng Ninh, trong ngày 3/5, đã có khoảng 500 khách du lịch "check-in" địa điểm này. Bà Đỗ Thị Hường, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh nói: Trong hôm nay lượng khách tăng đột biến, trái với không khí ảm đạm của những ngày trước đó. Theo khai báo khách du lịch đa phần đều là người trong tỉnh, ngoài ra còn có một số khách du lịch đến từ các tỉnh như Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội.
Theo ghi nhận của PV, đến chiều nay (3/5), ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, khách du lịch thập phương đã đông đúc trở lại, đặc biệt tại các khu vực bãi biển Bãi Cháy (Hạ Long). Chính quyền địa phương phải thực hiện các biện pháp tuyên truyền trên xe lưu động, yêu cầu khách du lịch chấp hành các biện pháp phòng dịch, giữ khoảng cách an toàn.
Khách du lịch tại bãi biển Bãi Cháy (Hạ Long). Ảnh: Anh Thắng.
Như vậy, đến nay các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Hiện, Quảng Ninh đã sẵn sàng khôi phục, thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Cho phép vịnh Hạ Long, khu di tích Yên Tử đón khách du lịch Từ trưa 1/5, Quảng Ninh cho phép hoạt động tham quan vịnh Hạ Long và điểm du lịch trong tỉnh. Các tuyến xe khách cố định, xe buýt liên tỉnh cũng được hoạt động trở lại. Ngày 1/5, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ký công điện về việc điều chỉnh một số hoạt động liên quan đến phòng...