Quảng Ninh: Hội Nông dân trồng hàng vạn giống cây lim, lát, dổi với quyết tâm phủ kín rừng gỗ lớn
Lần đầu tiên, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức phát động, ra quân trồng cây gỗ lớn, cây bản địa gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh nguồn nước.
Hàng vạn cây giống quý như lim, dổi, quế đã được trồng trong ngày 29/3.
Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; tổ chức trao hàng nghìn cây giống cho hội viên, nông dân; phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gỗ lớn cho những hộ dân có nhu cầu.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân còn tổ chức những đợt ra quân trồng cây gây rừng nhân dịp đầu xuân năm mới; xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng cây xanh tạo cảnh quan, mô hình bảo vệ rừng…
Cán bộ và người dân huyện Ba Chẽ hào hứng trồng cây Lim do Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh phát động. Ảnh: Nguyễn Quý.
Hàng năm, các cấp hội đăng ký xây dựng mô hình điểm cộng đồng trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cây gỗ lớn.
Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cũng phát huy hiệu quả nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Liên Việt để hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn phát triển các mô hình kinh tế trồng rừng, cây ăn quả, cây dược liệu, ươm cây giống gắn với việc khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng.
Thông qua đó, nhiều diện tích đất rừng đã được phủ xanh, một mặt cải thiện môi trường sinh thái, mặt khác còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.
Bà Trần Thị Hỷ (thôn Pắc Liềng, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) có 8ha đất rừng được giao tại thôn Pắc Liềng 2. Nhiều năm nay, gia đình bà chỉ trồng cây keo, với mục đích sau khi trồng được 5-6 năm, thậm chí 4 năm đã chặt hết để bán lại cây cho các doanh nghiệp làm nguyên liệu giấy hoặc xuất khẩu gỗ dăm.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Ninh Lê Văn Độ tham gia trồng cây quế tại thôn Pắc Liềng 2, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Quý.
Việc trồng rừng bằng cây keo phổ biến hiện nay không giúp nhiều cho việc sinh thủy và điều hòa nguồn nước ngầm, nước mặt. Tại Bình Liêu, ở nơi nào có rừng cây keo nhiều thì những cánh đồng lúa phía dưới hầu như nước khô cạn và phải chuyển sang trồng các loại cây hoa màu khác.
Video đang HOT
Được sự vận động của Hội Nông dân huyện Bình Liêu, gia đình bà Hỷ quyết tâm chuyển đổi sang trồng cây quế.
Trồng quế chỉ vất vả trong 3 năm đầu khi thường xuyên phải chăm sóc, phát cỏ. Sau đó các năm sau không mất công là mấy, chỉ vào rừng tỉa cành, tỉa lá là… có tiền. So với các cây trồng khác, cây quế có đầu ra ổn định bởi đang có nhiều doanh nghiệp muốn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm quế với người dân lâu dài.
Sau khi được phê duyệt hồ sơ, ngày 29/3, gia đình bà Hỷ được Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đến tận rừng trao 4.290 cây quế, để trồng trên diện tích 1,3ha.
Bà Trần Thị Hỷ (thôn Pắc Liềng, thị trấn Bình Liêu) phấn khởi trồng cây quế do Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh trao vào ngày 29/3. Ảnh: Nguyễn Quý.
“Chưa bao giờ trồng giống cây này, nhưng tôi yên tâm lắm, vì nhiều hộ khác ở Bình Liêu đã trồng thành công rồi. Vừa được trao cây giống, vừa được học kỹ thuật trồng quế do Hội Nông dân Quảng Ninh tổ chức, tôi thấy rất vui. Sau 1,3ha quế này, gia đình tôi sẽ quyết tâm bỏ keo để trồng quế trên cả diện tích rừng 8ha”, bà Hỷ nói.
Với mục tiêu xây dựng mô hình để tuyên truyền, vận động hội viên nông dân và người dân tích cực tham gia chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn vừa phát triển kinh tế nâng cao thu nhập gia đình, vừa góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn sinh thủy, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các địa phương tiến hành khảo sát địa điểm đất rừng đảm bảo các điều kiện, không có tranh chấp, đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên nông dân lập hồ sơ đăng ký tham gia triển khai trồng rừng gỗ lớn.
Hội Nông dân Quảng Ninh trao cây quế cho 6 hộ dân tại huyện Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Quý.
Ông Lê Văn Độ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng, hội viên nông dân đã thống nhất rất cao, đồng thuận ủng hộ chủ trương chuyển đổi diện tích đất trồng keo sang trồng lim, lát, dổi và cây bản địa, hướng tới sớm hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh là trồng 5.000ha lim, lát, giổi vào năm 2025″.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia mô hình, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã quyết định triển khai 3 mô hình trồng 7,7ha Lim tại Ba Chẽ, 8,25ha cây Giổi xanh tại Móng Cái và 7,8ha cây Quế tại Bình Liêu. Từ đó, hội viên nông dân được các cấp Hội hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, có những hộ đã được đi tham quan thực tế mô hình trồng cây gỗ lớn có hiệu quả tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngày 29/3 Hội Nông dân tỉnh tổ chức ra quân trồng cây gỗ lớn.
Hoạt động ý nghĩa này của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã góp phần thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ.
Công nhân ở TP.HCM chật vật trong bão giá: Đi xe buýt, ăn cơm nguội đi làm
Với đồng lương ít ỏi, nhiều công nhân ở TP.HCM phải tăng ca, thắt chặt chi tiêu để bám trụ lại thành phố trong cơn bão giá theo giá xăng.
Bước ra khỏi nhà máy cũng đã gần 9h30 tối, chị Vũ Thị Thảo (công nhân KCX Tân Thuận, quận 7) biết chắc không còn xe buýt, đành phải đi bộ về nhà. Trên con đường vắng từ khu chế xuất ra đường lớn, gần như không có một ai, chỉ còn ánh sáng vàng vọt từ các cột đèn hai bên chiếu xuống lòng đường. Bụng thì đói, nhưng chân chị phải bước nhanh vì nghĩ đến con nhỏ đang gửi nhà hàng xóm. Ra đến đường lớn, mấy chú xe ôm thấy chị liền hỏi: "Đi về đâu, tui chở cho, tối rồi".
"Tôi lưỡng lự rồi cũng từ chối để đi bộ về phòng, bởi đi xe ôm là tôi phải mất một khoản tiền mà giờ cái gì cũng tăng giá, ngày nào cũng đi vậy thì tốn kém lắm, đành đi bộ thôi, khổ lắm chị ơi...", chị Thảo chia sẻ.
Trong căn phòng trọ chưa đầy 15m2 ở phường Tân Thuận Đông (quận 7, TP.HCM) đồ đạc ngổn ngang do sáng đi làm vội chưa kịp dọn dẹp, chị Thảo cho con nhỏ ăn xong, ru cho con ngủ cũng đã 11h đêm. Con ngủ, chị Thảo ăn vội gói mì rồi tranh thủ dọn dẹp phòng, giặt quần áo.
Vừa giặt quần áo, chị Thảo kể tiếp, trước đây, thời điểm xăng chưa tăng giá lên cao, mỗi lần tăng ca về muộn chị thường ghé quán ăn gọi tô bún hay hủ tiếu lót dạ, giờ đói cũng cố về nhà ăn mì gói chứ nào dám "sang" như trước, bởi cái gì cũng lên giá theo xăng.
" Trước mua chục trứng gà có 23 nghìn đồng, giờ lên 28 nghìn đồng, rau muống có 12 nghìn/kg mà giờ 17 nghìn/kg rồi, gạo cũng tăng, ngay cả mì gói cũng tăng lên 4 - 5 nghìn đồng, tôi không dám ăn ngoài nữa mà cố gắng tự nấu ăn để tiết kiệm tiền, chứ cái gì cũng tăng giá", chị Thảo nói.
Chị Thảo ru con ngủ sau giờ tăng ca. (Ảnh: Mai Cát)
Từ Quảng Ninh vào TP.HCM làm công nhân 4 năm nay, cuộc sống vốn đã khó khăn, nay chị Thảo còn chật vật hơn khi giá cả hàng hóa leo thang.
Chị Thảo chia sẻ, từ khi xăng tăng liên tục, chị chuyển sang đi xe buýt đi làm. Những hôm tăng ca về muộn, không còn chuyến xe buýt nào, chị phải đi bộ về phòng trọ. Nhà trọ cách nơi làm hơn 6km, có những tối đi làm về vừa mệt vừa đói, chị cảm giác đường về như dài gấp đôi.
Một tháng thu nhập của chị thảo chỉ vỏn vẹn 9 triệu đồng. Hàng tháng trừ tiền thuê trọ và điện nước gần 1,5 triệu đồng, chi cho con nhỏ 4 tuổi đang học mầm non tiền ăn và học hết 3 triệu đồng, chị Thảo gửi về quê cho bố mẹ già khoảng 2 triệu đồng, còn lại số tiền ít ỏi chị phải "thắt lưng buộc bụng", tính toán từng đồng để trang trải cuộc sống giữa thành phố thời bão giá.
" Cứ hai ngày đi xe là tôi hết mấy chục nghìn tiền xăng, quá đắt đỏ nên tôi chuyển qua đi xe buýt đi làm, giảm đi lại dưới mức cần thiết. Hôm nào không tăng ca đón con từ nhà người thân, tôi mới dám thuê xe ôm chở con về, còn những lần tăng ca về muộn là đi bộ muốn rã chân luôn. Cũng không mua gì nếu không thật sự cần thiết vì sợ hụt tiền học của con, tiền gửi cho bố mẹ. Nói đâu xa cái quán bún tôi hay ăn trước có 20 - 25 nghìn đồng/tô mà giờ cũng lên 30 - 35 nghìn đồng rồi, họ nói xăng tăng, thịt heo tăng giá nên phải bán vậy", chị Thảo chia sẻ.
Cuộc sống chật vật của chị Thảo nơi phòng trọ. (Ảnh: Mai Cát)
Với đồng lương ít ỏi, nhiều công nhân ở đất Sài thành nhộp nhịp nếu không tăng ca, thắt chặt chi tiêu khó có thể sống và trụ nổi giữa lúc xăng tăng phi mã, giá cả hàng hóa lên chóng mặt như hiện nay.
Vừa trải qua những khó khăn sau 2 năm dịch bệnh COVID-19, chị Nguyễn Thị Thanh (quê Nghệ An) đang làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức, TP.HCM) lại đối mặt với nhiều khó khăn tiếp theo khi vật giá leo thang.
Chị Thanh sống một mình tại khu trọ ở phường Linh Xuân (TP Thủ Đức, TP.HCM), trước đây mỗi tháng thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Nhưng từ khi dịch bệnh, thu nhập của chị giảm rõ rệt vì công ty không còn tăng ca như trước, thậm chí có thời điểm chị phải tạm ngưng công việc vì dịch phức tạp. Tính đến thời điểm hiện tại, thu nhập của chị chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng.
" Mọi chi phí sinh hoạt hiện đang tăng cao, không riêng gì tôi, nhiều công nhân lao động trong các xóm trọ phải tằn tiện, chắt chiu để tồn tại ở thành phố này", chị Thanh chia sẻ.
Nhiều công nhân khó khăn khi vật giá tăng cao. (Ảnh minh họa)
Chị Thanh kể, mỗi tháng ngoài chi phí tiền nhà, tiền điện, nước khoảng 1,5 triệu đồng, chị phải tính toán, cân đối các chi phí sinh hoạt khác như tiền ăn, tiền xăng xe không quá 3 triệu đồng. Có tháng chị phải tính toán chi li lắm mới để dành được 500 nghìn đồng.
Chính vì vậy, chị Thanh đang lo lắng, số tiền đi làm hàng tháng không đủ để trả tiền trọ và các chi phí sinh hoạt khác. Chỉ tính riêng tiền xăng xe cũng khiến chị "đau đầu". Trước đây, mỗi lần đổ xăng, chiếc xe 3 bánh của chị (chị Thanh bị tật chân phải, nên sử dụng xe 3 bánh dành cho người khuyết tật) chỉ cần đổ 35.000 đồng là đầy bình, giờ số tiền tăng gấp rưỡi nhưng vẫn chưa đầy bình.
"Trước lo ăn, lo mặc, giờ lo thêm không đủ tiền đổ xăng. Chưa kể xăng tăng là cái gì cũng tăng, mới mấy bữa trước tôi mua ký đường cát có 25.000 đồng giờ lên 28.000 đồng rồi đó mà lương thì có tăng đâu", chị Thanh chia sẻ.
Ngoài thời gian từ nhà đến công ty và ngược lại, chị Thanh cũng chạy xe đi chợ và đến nhà bạn bè ở khu trọ khác vào dịp cuối tuần. Kể từ khi giá xăng tăng giá lên cao chị đã thu hẹp cung đường của mình, chỉ dám chạy xe từ công ty về nhà và ngược lại.
Đi làm cả ngày tại công ty, chị Thanh chỉ lo bữa tối và bữa sáng. Thỉnh thoảng chị cũng ăn sáng bên ngoài để thay đổi khẩu vị, nhưng từ khi giá cả tăng cao chị đã chuyển sang ăn sáng tại nhà. Để tiết kiệm, thắt chặt khoản chi, mỗi bữa tối, chị Thanh nấu nhiều cơm hơn để sáng hôm sau ăn cơm nguội đi làm.
" Ngày trước tôi chỉ mua 10.000 đồng/kg rau bây giờ ở chợ đã tăng lên 15.000 đồng/kg, có loại lên 20.000 đồng/kg. Thịt, cá ở cửa hàng quen tôi hay mua cũng đồng loạt tăng giá, xăng tăng nên hàng hóa cũng tăng, chỉ mong sao có điều chỉnh giá cả, tăng lương để công nhân bớt chật vật hơn thôi, chứ đà này lại bỏ hết về quê", chị Thanh nói.
Xăng tăng giá khiến nhiều người hạn chế đi lại. (Ảnh minh họa)
Thời bão giá, "động đến cái gì là tăng giá cái đó", nhiều công nhân lao động tỉnh lẻ tại mảnh đất Sài Gòn với đồng lương ít ỏi của mình nếu không "thắt lưng buộc bụng", "giật gấu vá vai" thì khó trụ nổi. Họ trông chờ vào cải cách tiền lương, chính sách hỗ trợ của các doanh nghiệp và chính sách điều chỉnh giá của các ngành chức năng để đời sống được tốt hơn, gắn bó với công việc lâu hơn.
Khởi công xây dựng khu nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Đông Mai (Quảng Ninh) Ngày 24/3 tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, Tổng công ty Viglacera - CTCP (Bộ Xây dựng) đã khởi công xây dựng Dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia tại Khu công nghiệp (KCN) Đông Mai. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực phát triển...