Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Bình chủ động ứng phó với bão số 2
Ngày 10/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 422/VPTT gửi các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Bình về việc chủ động ứng phó với bão số 2.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác phòng chống bão. Ảnh: TTXVN
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 2 sẽ đi vào đất liền các tỉnh ven biển Bắc Bộ trong 24 giờ tới. Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 10/8 đến sáng 11/8, khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió cấp 6-7, giật cấp 9. Các đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô có gió cấp 7-8, giật cấp 10. Ngoài ra, từ đêm 10 đến ngày 11/8, Bắc Bộ có mưa to, lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, có nơi trên 200mm; triều cường dao động 2 – 4 m.
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn do ảnh hưởng của bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 24/CĐ-QG ngày 9/8/2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong đó tập trung theo dõi các bản tin về diễn biến của mưa, bão, thông báo kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng để chủ động phòng, chống giảm thiểu thiệt hại.
Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Bình quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, tiếp tục rà soát và bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đặc biệt là các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông qua các cầu vượt biển, chủ động cấm biển tùy theo tình hình thực tế tại địa phương.
Các địa phương trên triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, bến cảng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, hầm lò, bãi thải khai thác khoáng sản và các dự án đang thi công ven biển, trên các đảo; sẵn sàng các biện pháp tiêu nước chống úng ngập đối với các đô thị và tiêu nước đệm bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích lúa để giảm thiểu thiệt hại; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ rủi ro cao, hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi an toàn cũng như đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tham gia giao thông tại các khu vực trọng điểm xung yếu.
Các địa phương báo cáo công tác triển khai và kết quả thực hiện về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai trước 17 giờ hàng ngày.
Ứng phó với bão số 2: Quảng Ninh dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết
Trước diễn biến rất nhanh của cơn bão số 2 đang tiến vào đất liền, dự kiến sẽ đổ vào Quảng Ninh vào chiều tối 10/8, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu các ngành, địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 2 theo các chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Các tàu thuyền neo đậu sát nhau để tránh trú cơn bão số 2. Ảnh: TTXVN phát
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống cơn bão số 2, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Đặc biệt, đối với các địa phương ven biển như Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Cô Tô, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu bằng mọi biện pháp thông tin cho chủ phương tiện, ngư dân, người có hoạt động sản xuất trên biển về diễn biến của bão, hỗ trợ người dân vào nơi tránh trú bão an toàn. Mọi công tác phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 10/8.
Tại huyện đảo Cô Tô, tính đến 11 giờ ngày 10/8, trên địa bàn huyện còn 120 khách du lịch, trong đó có 1 người nước ngoài. 100% khách du lịch trên đảo Cô Tô đã nắm bắt được thông tin về cơn bão số 2 để chủ động có kế hoạch di chuyển về đất liền. Để đảm bảo an toàn cho du khách, từ sáng đến 11 giờ 30 ngày 10/8, huyện Cô Tô tổ chức các chuyến tàu chở tất cả hành khách có nhu cầu về đất liền an toàn. Địa phương đã kêu gọi 425 tàu thuyền trên vùng biển huyện Cô Tô về nơi tránh trú bão an toàn.
Lúc 13 giờ 30 ngày 10/8, vùng biển huyện Cô Tô có gió giật cấp 4, cấp 5, trời bắt đầu xuất hiện mưa.
Tại huyện Vân Đồn, đến 14 giờ ngày 10/8, tổng số 1.231 phương tiện tàu cá của các xã, thị trấn (đã có rà soát thống kê) đã về các nơi tránh, trú an toàn ở các xã đảo Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Ngọc Vừng và khu vực tránh trú bão Cảng Cái Rồng của thị trấn Cái Rồng. Tổng số nhà bè nuôi trồng thủy sản và dịch vụ là 629 chiếc đã được gia cố. Chủ các nhà bè đã được chính quyền địa phương thông tin, yêu cầu chằng chống; sơ tán người già, trẻ em lên bờ.
Thái Bình nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 15 giờ ngày 10/8 Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 2, ngày 10/8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Thái Bình tiếp tục ban hành công điện khẩn số 08, yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn các cấp, ngành trong tỉnh nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi...