Quảng Ninh đã làm được những gì để các địa phương học hỏi ?
Tại hội nghị trực tuyến vơi cac đia phương trong ngày 29.12.2017, Thủ tướng Chinh phu Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh thời gian qua có nhiều sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Thủ tướng đề nghị các địa phương trong cả nước cần phải học tập cách làm của tỉnh Quảng Ninh…
Nơi không chỉ có than
Năm 2017, mặc dù công nghiệp khai khoáng gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, lượng than tồn kho lớn, sản lượng khai thác than giảm nên chỉ số phát triển của ngành khai khoáng tăng trưởng âm, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp – xây dựng, song lĩnh vực xây dựng và đặc biệt khu vực dịch vụ của Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng cao đã góp phần bù đắp sự giảm sút của công nghiệp khai khoáng, bảo đảm duy trì tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao và ổn định.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long (đứng giữa) chào đón các vị khách quốc tế đến “xông đất” Hạ Long trong ngày 1.1.2018. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, sản xuất than đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội toàn tỉnh (đóng góp 46,9% tổng thu ngân sách nội địa, chiếm 18,5% GRDP). Tuy nhiên, năm 2017 ngành than gặp nhiều khó khăn: Sản lượng than sạch giảm 0,9% cùng kỳ; lượng than cung cấp cho nhà máy nhiệt điện chạy than giảm mạnh (4 triệu tấn) do ngành điện ưu tiên huy động các nhà máy thủy điện để khai thác tối đa nguồn nước; than cung cấp cho xi măng giảm 18,2%; giá thành than tăng cao (do thuế, phí, khai thác xuống sâu, tăng hệ số bóc đất, tăng cung độ vận chuyển…).
Không những vậy, xuất khẩu than cám vào thị trường Trung Quốc gặp rào cản về mặt kỹ thuật; chủ trương của Chính phủ cho phép các đơn vị ngoài TKV, Tổng công ty Đông Bắc được phép cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện; lượng than sạch tồn kho lớn (trên 10 triệu tấn)…
Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực (GRDP) của Quảng Ninh đạt 10,2%, cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước và các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) ước đạt 122.576 tỷ đồng, tăng 10,8%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.528USD/người/năm, tăng 11,8% (năm 2016: 4.050USD).
Các kỹ sư đang thực hiện giám sát kỹ thuật tại gói thầu xây dựng nhà ga, Dự án Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn. (Ảnh: Nguyễn Quý)
Tổng số khách du lịch ước đạt 9 triệu 872 nghìn lượt, tăng 18% cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt trên 4,28 triệu lượt, tăng 23%. Tổng doanh thu ngành du lịch đạt 17.885 tỷ đồng, tăng 30% cùng kỳ.
Để có được những con số ấn tượng này, theo ông Nguyễn Văn Thành, là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của nhiều ngành, khu vực, trong đó nổi bật nhất là khu vực dịch vụ. Năm 2017 là năm Quảng Ninh đã thực sự phát huy được lợi thế từ du lịch. Hoạt động du lịch có bước tiến quan trọng, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Video đang HOT
Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, môi trường kinh doanh du lịch được cải thiện; mở rộng thị trường, quảng bá xúc tiến, truyền thông du lịch hướng đến tính chuyên nghiệp. Nhiều dự án đầu tư về du lịch đã đưa vào khai thác, tạo dấu ấn đặc sắc, tăng sức hấp dẫn, lưu giữ du khách dài ngày hơn.
Xây dựng “Nơi cần đến và đáng sống”
Nếu đến Quảng Ninh vào thời điểm hiện tại, dễ nhận thấy nơi đây đang ngổn ngang với những đại công trường. Hàng loạt dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu kinh tế, chỉnh trang đô thị đã và đang được đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng như: Đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn, Cẩm Hải – Vân Đồn, Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến, cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18A đoạn Hạ Long – Mông Dương, Cảng hàng không Vân Đồn, Dự án đường nối cao tốc Hạ Long – Hải Phòng với Khu công nghiệp – Nam Tiền Phong; Nút giao thông Loong Toòng…
Chưa dừng lại, một số công trình, dự án trọng điểm như: Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, đường trục chính từ Cảng hàng không đến khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, Cảng khách Hòn Gai… đang chuẩn bị thủ tục đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát việc xây dựng các công trình quan trọng tại Vân Đồn. (Ảnh: Minh Cương)
Hàng loạt công trình nghìn tỷ đã và đang được xây dựng ở Quảng Ninh, góp phần đưa đất mỏ thành “Nơi cần đến và đáng sống” – thương hiệu mà địa phương này đang phấn đấu xây dựng.
Cũng trong năm 2017, Quảng Ninh đã dồn sức tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Đề án thành lập Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Mọi chu trình đã được tiến hành khẩn trương và thận trọng, từ lấy ý kiến của cử tri, ý kiến của HĐND cấp xã, cấp huyện Vân Đồn, đến trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn và báo cáo Hội đồng thẩm định Trung ương.
Đồng thời, Quảng Ninh đã tích cực, chủ động tham gia cùng Bộ, ngành T.Ư xây dựng dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Ngày 10.10.2017 Chính phủ đã có Tờ trình 411/TTr-CP trình Quốc hội xem xét dự án Luật.
Phối cảnh dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
“Khi Đề án thành lập Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn được Quốc hội thông qua, sẽ góp phần tạo động lực, mô hình mới, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ninh trong những năm tiếp theo” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành khẳng định.
Tỉnh Quảng Ninh đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong năm mới 2018. Đó là tiếp tục kế thừa những thành tựu kinh tế – xã hội đạt được; hiệu ứng tích cực của Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn sau khi được Quốc hội thông qua; cùng với các quy hoạch chiến lược, các dự án động lực sẽ phát huy mạnh mẽ; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước; cùng với sự tích cực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân sẽ tạo ra thế và lực mới, những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Theo Danviet
Quảng Ninh: Đường thôn đặc biệt khó khăn vừa làm xong đã... sụt vỡ
Sau bao năm mong mỏi, cuối cùng con đường liên thôn nối từ thôn Xuyên Hùng đến bản Đài Van - thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) - đã được khởi công xây dựng. Niềm vui chưa tày gang, ngay khi chưa được nghiệm thu, cả một đoạn đường bê tông dài gần 20m bắc qua suối Đá Mài đã sụt vỡ.
Từ Đài Van Cạn, chúng tôi phải gửi lại xe máy, đi bộ hơn 3 km đường rừng, qua những con dốc dựng đứng, đất đồi ngấm mưa nhão nhoét để tới được Đài Van Sâu - trung tâm của bản. Gọi là trung tâm, nhưng Đài Van Sâu cũng chỉ thấy vài nóc nhà thưa thớt.
Đài Van là thôn đặc biệt khó khăn với 86 hộ dân (96% là đồng bào dân tộc Dao), sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng rừng và chăn nuôi gia súc. So với các thôn, bản khác trên địa bàn huyện Vân Đồn, Đài Van có khoảng cách chênh lệch khá xa về điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản. Con đường duy nhất vào thôn nhiều năm luôn ở trong tình trạng bùn đất, đá đồi lởm chởm, khiến cho việc đi lại, giao thương, buôn bán của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Người dân Đài Van chỉ có thể đi bộ qua suối, chứ không thể di chuyển bằng xe máy qua đoạn đường này.
Từ tháng 6.2016, tuyến đường nối từ thôn Xuyên Hùng đến Bản Đài Van đã được huyện Vân Đồn cho khởi công xây dựng với chiều dài gần 5 km, rộng 3,5m, trong đó có 2,44 km đổ bê tông, 2,59 km dải cấp phối. Tổng vốn đầu tư là 3,9 tỷ đồng, từ các chương trình gồm: chương trình 135, vốn bãi ngang và vốn xây dựng nông thôn mới. Con đường được xây dựng khiến bà con ở bản Đài Van hết sức phấn khởi, bởi đây thực sự là con đường mơ ước, giúp bà con ở bản vùng sâu vùng xa đi lại mua sắm, trao đổi hàng hóa với trung tâm xã, huyện được thuận tiện, con em trong bản đi học trên đường mới sạch sẽ, an toàn...
Nhưng ngay khi con đường còn đang tiến hành xây dựng, chưa được nghiệm thu bàn giao thì hàng loạt những dấu hiệu thi công kém chất lượng đã được người dân phát hiện, cảnh báo.
Anh Trần Ngọc Tiến, Trưởng thôn Đài Van, cho biết: "Từ tháng 6.2016, họ khởi công xây dựng làm được thời gian ngắn thì bỏ đấy, đến cuối năm lại quay lại làm tiếp. Suốt thời gian làm đoạn đường bê tông từ khu trường mầm non đến nhà văn hóa (hơn 1km) không hề thấy lu lèn, chỉ san gạt lấy mặt bằng trên khu đất mượn rồi đổ bê tông".
Hậu quả đúng như người dân dự đoán, nhiều đoạn bê tông vừa hoàn thành được vài tháng đã nứt vỡ, dù chưa có xe tải trọng lớn đi qua. Khi người dân phản ánh, đơn vị thi công lại cho người đến chát vá tạm bợ. Ông Trần Xuân Tiếp (khu Đài Van Sâu) bức xúc: "Họ làm như chúng tôi không biết gì hết đấy. Xe lu họ kéo vào tận nơi nhưng chỉ để làm vì, vài tháng trời đỗ yên một chỗ không động đậy. Chắc họ nghĩ chúng tôi ở vùng sâu vùng xa, có đường thế là tốt lắm rồi!".
Đoạn đường bê tông qua suối Đá Mài bị sụt vỡ.
Đỉnh điểm là qua trận mưa hồi tháng 7, cả đoạn đường bê tông dài gần 20m bắc qua suối Đá Mài đã sụt vỡ. Ghi nhận của Dân Việt có mặt tại hiện trường vào cuối tháng 12.2017, các mảng bê tông vỡ lăn xuống suối, đất nền cũng sụt tạo thành khoảng trống ngăn cách giữa đường; có 3 bi cống thì 2 bi đã bị tắc do đất đá trôi vào; đoạn đường sụt vỡ khiến mọi phương tiện giao thông không thể qua lại. Đài Van tiếp tục bị chia cắt trong những ngày mưa lớn.
Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Tiến - Trưởng thôn Đài Van cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, Trưởng thôn đã báo cáo với lãnh đạo xã, sau đó đơn vị thi công có cho phương tiện đến nạo vét, đắp lại đoạn đường hỏng, nhưng chỉ được 2 hôm, đến trận mưa đêm 4.7 thì đoạn đường chắp vá lại tan vỡ. Cũng kể từ đó đến nay, đoạn đường trên vẫn chưa được khắc phục, mưa kéo dài khiến cho đường mòn cũ không thể di chuyển bằng xe máy. Đài Van gần như bị cô lập.
Trưởng thôn Trần Ngọc Tiến chỉ những vết nứt được chắp vá trên con đường bê tông vừa mới xây dựng.
Ông Cao Thế Đơn, Chủ tịch UBND xã Đài Xuyên cho biết: Hiện tại toàn tuyến đường liên thôn Đài Van vẫn đang được khắc phục, sửa chữa một số nơi có sự cố. Cũng theo ông Đơn, bi cống nắp ở vị trí bắc qua suối Khe Mai không đảm bảo, không đủ điều kiện thông thoát nước và rác trôi trên rừng xuống. Hiện tại huyện đang nghiên cứu phương án để phá ra xây lại thành cầu thay cho tràn vừa mới xây dựng.
Trong những ngày mưa, con đường mòn xuyên rừng rất lầy lội không thể di chuyển bằng xe máy, khiến Đài Van gần như bị cô lập.
Tìm hiểu được biết, công trình đường liên thôn bản Đài Van ra thôn Xuyên Hùng hiện vẫn đang được 2 đơn vị là Công ty xây dựng Hoa Phong và Công ty CP đầu tư xây dựng du lịch và thương mại Thẩm Gia thi công, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án và công trình huyện Vân Đồn. Mặc dù có nhiều dấu hiệu thi công ẩu, thiếu thẩm định kỹ thuật, gây lãng phí của nhà thầu thi công, nhưng khi PV Dân Việt liên hệ với Chánh văn phòng UBND huyện Vân Đồn để xin cung cấp số liệu về dự án, thì vị này nói: "Đường đang hoàn thiện, nên hỏng đâu đơn vị thi công sẽ có trách nhiệm sửa đó" (!?).
Có hay không việc UBND huyện Vân Đồn thiếu trách nhiệm, gây thất thoát lãng phí trong quá trình triển khai dự án, làm trì hoãn quá trình phát triển KT-XH của 1 thôn nghèo đặc biệt khó khăn?
Theo Đề án đưa thôn Đài Van, xã Đài xuyên ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 được UBND xã Đài Xuyên lập hồi tháng 3.2017, phần mục tiêu chung ghi: Tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình 135, phấn đấu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để phát triển hạ tầng thôn bản, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phấn đấu giảm hộ nghèo, cải thiện môi trường sống...".
Dân Việt tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Theo Danviet
Ngôi nhà 100 tuổi ở Quảng Ninh Xây bằng đá với mật mía, ngôi nhà năm gian ở xã đảo Quan Lạn (Quảng Ninh) vẫn vững chãi, giữ được nét cổ xưa dù đã 100 tuổi. Xã đảo Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh) không chỉ nổi tiếng với các di tích lịch sử, danh thắng du lịch. Nơi đây còn có ngôi nhà cổ 100 năm, được xây bằng...