Quảng Ninh bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy tại 100% Đại hội cấp cơ sở
Chủ trương này không chỉ giúp mở rộng dân chủ, củng cố sự đoàn kết, thống nhất mà còn giúp các Đảng bộ làm tốt công tác lựa chọn nhân sự chất lượng.
Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: Thực hiện thí điểm bầu Bí thư cấp ủy tại Đại hội ở những nơi cấp ủy đoàn kết, thống nhất cao. Để nâng cao tinh thần dân chủ và lựa chọn được những cán bộ thực sự có năng lực, tâm huyết và tín nhiệm cao, Tỉnh ủy Quảng Ninh đặt mục tiêu thực hiện 100% bầu Bí thư cấp ủy tại Đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở.
Tại Quảng Ninh, ngay từ nhiệm kỳ 2015-2020, địa phương đã thực hiện bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy tại một số Đại hội chi bộ, Đảng bộ cấp cơ sở ở những nơi có đủ điều kiện, nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nhân sự được giới thiệu để bầu chức danh Bí thư cấp ủy đã được lựa chọn chu đáo, kỹ lưỡng qua thực tiễn nhiệm kỳ qua.
Là một trong hai Đảng bộ xã, phường đầu tiên trong toàn tỉnh Quảng Ninh tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội Đảng bộ xã Tân Bình, huyện Đầm Hà đã tiến hành đầy đủ quy trình để bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ xã gồm 11 đồng chí, sau đó thực hiện thảo luận, đề cử, ứng cử để bầu trực tiếp chức danh Bí thư Đảng ủy xã khóa mới.
Bà Phạm Thị Quý, đại biểu dự Đại hội cho rằng, cách làm này giúp mở rộng, phát huy vai trò dân chủ trực tiếp của các đảng viên trong Đại hội, thay vì thông qua Ban Chấp hành như trước.
“Các đồng chí được bầu trực tiếp cũng phải là những cán bộ có uy tín rất cao trong nhân dân và đảng viên. Việc bầu Bí thư trực tiếp tại Đại hộithể hiện sự dân chủ rất cao ở cơ sở”- bà Phạm Thị Quý cho biết.
Tái đắc cử chức danh Bí thư Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2020-2025, ông Nguyễn Văn Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho rằng, sự tín nhiệm của toàn Đảng bộ cũng đòi hỏi vai trò, trách nhiệm lớn hơn của người đứng đầu cấp ủy, mà trước hết là việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Đại hội gắn với chương trình hành động cụ thể, phấn đấu đưa xã Tân Bình năm 2022 phải trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân.
Ông cảm thấy rất tự tin, vinh dự và cảm thấy trọng trách của mình càng nặng nề hơn khi được các đảng viên trao gửi những nhiệm vụ, trách nhiệm. Đây là chủ trương rất đúng đắn, là cơ hội để thể hiện niềm tin cũng như kỳ vọng của tất cả đảng viên trong toàn Đảng bộ được quyền dân chủ trực tiếp để bầu ra Bí thư của Đảng bộ mình.
Video đang HOT
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chúc mừng tân Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình (huyện Đầm Hà) tái cử nhiệm kỳ mới.
Đến thời điểm này, nhiều địa phương ở Quảng Ninh như Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Đông Triều, Ba Chẽ, Tiên Yên,… đều đã tổ chức thành công Đại hội điểm cấp cơ sở và tiến hành bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội.
Từ kết quả thực tiễn trong suốt quá trình thực hiện Nghị quyết, nhiệm vụ kinh tế – xã hội nhiệm kỳ qua, các đại biểu đều sáng suốt lựa chọn, thể hiện tinh thần đoàn kết, tin tưởng bằng tỷ lệ số phiếu đồng thuận cao.
Tại thành phố Cẩm Phả, phường Cẩm Đông được chọn tổ chức Đại hội điểm. Ông Vũ Đình Nhân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục được Đại hội giới thiệu và trúng cử Bí thư Đảng ủy phường nhiệm kỳ mới với tỷ lệ 100% phiếu bầu.
Các đại biểu Đại hội phường Cẩm Đông (TP Cẩm Phả) bỏ phiếu bầu trực tiếp Bí thư Đảng ủy phường khóa mới.
Nhìn nhận rõ ràng trách nhiệm của mình trước Đại hội, ông Vũ Đình Nhân chia sẻ, Bí thư được bầu trực tiếp tại Đại hội thể hiện được sự tín nhiệm của các đảng viên đối với cá nhân mình. Trên tinh thần ấy, ông xác định trách nhiệm, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đảng bộ TP Cẩm Phả hiện có 52 chi bộ, Đảng bộ trực thuộc, hoàn thành Đại hội cấp cơ sở trước ngày 15/5 và tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố trong tháng 7. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các Đại hội, Thành ủy Cẩm Phả phân công Ban Thường vụ trực tiếp phụ trách, rà soát từng Đại hội cấp cơ sở để đảm bảo triển khai thành công các mục tiêu, đặc biệt là việc bầu Bí thư trực tiếp. Công tác nhân sự được quan tâm kỹ lưỡng, chu đáo, lựa chọn nhân sự giới thiệu là người thật sự tiêu biểu, có năng lực, phẩm chất, trí tuệ, có tư duy đổi mới và tạo đột phá cho nhiệm kỳ mới.
Ông Nguyễn Hồng Dương, Bí thư Thành ủy Cẩm Phả cho hay: “Để chuẩn bị cho việc thực hiện thành công chủ trương bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội, Thành ủy Cẩm Phả phải rà soát lực lượng cán bộ, đảm bảo được các tiêu chuẩn, tiêu chí, thực hiện theo đúng quy trình Trung ương đề ra, đảm bảo nhân sự đủ các yếu tố về chất lượng và con người, để khi bầu tại Đại hội đảm bảo đạt được yêu cầu, có tỷ lệ đồng tình cao”.
Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 308 về tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, trong đó đề ra mục tiêu thực hiện 100% bầu Bí thư cấp ủy tại Đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, kể cả Đảng bộ Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh và các Đảng bộ cơ sở thuộc Đảng bộ Quân sự, Công an và Biên phòng tỉnh, sau khi thống nhất với Đảng ủy lực lượng vũ trang Trung ương. Chủ trương này không chỉ giúp mở rộng dân chủ, củng cố sự đoàn kết, thống nhất mà còn giúp các Đảng bộ làm tốt hơn công tác lựa chọn nhân sự chất lượng, có tâm, có tầm ngay từ cấp cơ sở./.
Trường Giang
Bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội: Bước tiến dân chủ trong Đảng
"Bí thư là người đứng đầu cấp ủy thì phải do chính đảng viên cấp ủy đó trực tiếp lựa chọn, bầu ra như vậy mới là dân chủ"
Theo tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong thời gian qua, đã có những đảng bộ tổ chức Đại hội điểm bầu trực tiếp Bí thư với số phiếu tập trung cao.
Có thể nói, việc bầu Bí thư cấp ủy tại Đại hội là việc làm mới. Theo quy định hiện hành của Đảng, chúng ta vẫn bầu Bí thư, Phó Bí thư sau khi Đại hội bầu cấp ủy, cấp ủy mới bầu Ban thường vụ. Nhân sự Bí thư, Phó Bí thư được lựa chọn trong danh sách vừa trúng cử vào Ban thường vụ.
Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thái Tân nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Ảnh: tinhuyhaiduong.vn)
Nhân sự Bí thư phải được thực tiễn công nhận
Theo cách làm mới như Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thái Tân (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) vừa tiến hành, Đại hội tiến hành bầu một lần đủ thành viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã theo đúng cơ cấu. Sau đó, Đại hội thảo luận và tiến hành lấy phiếu giới thiệu nhân sự Bí thư Đảng ủy xã. Đại hội chia tổ thảo luận, thực hiện ứng cử, đề cử nhân sự Bí thư Đảng ủy xã. Ban Chấp hành Đảng bộ xã lấy phiếu giới thiệu nhân sự Bí thư Đảng ủy; nghe báo cáo tổng hợp kết quả ứng cử, đề cử nhân sự Bí thư Đảng ủy xã tại các tổ, sau đó đưa ra Đại hội bầu.
Là đảng viên Đảng bộ xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), Đảng bộ vừa tổ chức thành công Đại hội điểm của tỉnh, ông Nguyễn Quang Hà, chi bộ thôn Đông Thanh, cho biết việc bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội là cách làm rất mới, khách quan. Từng đảng viên đều được tham gia bầu, không qua Ban Chấp hành như cũ. Qua đó, từng đảng viên được đóng góp ý kiến và nhận thức của mình để bầu Bí thư. Khi đó cũng đòi hỏi vai trò trách nhiệm của Bí thư phải cao hơn, có năng lực đầy đủ, tinh nhuệ hơn.
Nhận xét về việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những ưu điểm nổi trội của cách làm này là phát huy được vai trò trực tiếp của đảng viên tham dự đại hội. Để việc bầu trực tiếp ở Đại hội thành công, công tác nhân sự phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, mới đảm bảo nhân sự là người thực sự tiêu biểu cho trí tuệ tập thể, trung tâm đoàn kết.
Trong quá trình chuẩn bị, nhân sự phải có sự tín nhiệm qua các bước ở dưới cũng như sự tin tưởng của cấp trên. Chính vì thế, Chỉ thị 35 mới chủ trương thực hiện bầu trực tiếp Bí thư ở những nơi có điều kiện bầu trực tiếp. Có thể hiểu đó là những nơi việc lựa chọn người đứng đầu phải được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch, công phu. Nhân sự được lựa chọn phải là người được thực tiễn thừa nhận, khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, nếu coi cách làm trước đây là dân chủ đại diện, thì việc bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội chính là dân chủ trực tiếp, phát huy được vai trò trực tiếp của đảng viên. "Đại hội trực tiếp bầu Bí thư, có nghĩa là từng đảng viên bỏ phiếu bầu, như thế chính là thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp mà dân chủ trực tiếp bao giờ cũng dân chủ hơn dân chủ đại diện", ông Hà lý giải.
Bước tiến lớn về dân chủ trong Đảng
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ cách làm mới này. "Cách làm này hay hơn rất nhiều so với việc Đại hội chỉ bầu được Ban Chấp hành, rồi Ban Chấp hành mới bầu Thường vụ, Thường vụ bầu Bí thư, phải qua nhiều tầng nấc. Bí thư là người đứng đầu cấp ủy đó thì phải do chính đảng viên cấp ủy đó trực tiếp lựa chọn, bầu ra như vậy mới là dân chủ. Tôi cho đó là một dấu hiệu rất tốt về sự dân chủ trong Đảng", ông Tiến bày tỏ.
Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), 1 trong 4 đảng bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh chọn tổ chức đại hội điểm cấp cơ sở, cũng là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh tổ chức đại hội. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Hà Tĩnh)
Đã từng làm 2 nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội, ông Tiến cho rằng, Quốc hội cũng đã thực hiện dân chủ từ lâu khi bầu trực tiếp Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao thì Đảng cũng nên để Đại hội bầu ra người đứng đầu cấp ủy mà không phải qua bất cứ khâu trung gian nào.
Khi đó, người được bầu không chỉ tự hào khi được toàn thể Đại hội tín nhiệm lựa chọn, bầu cho mình. Bản thân họ cũng thấy được trách nhiệm của mình một cách rõ ràng hơn, đó là trách nhiệm trước toàn thể Đại hội, cơ quan cao nhất của Đảng, chứ không chỉ trước cấp ủy.
Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh như trên, đồng thời cho rằng, khi Đại hội đã có quyền bầu ra thì nếu như nhân sự đó không xứng đáng, Đại hội hoàn toàn có thể tổ chức đại hội bất thường để bỏ phiếu bãi nhiệm, miễn nhiệm cũng giống như Quốc hội.
Vì bầu trực tiếp nên công tác lựa chọn nhân sự rất quan trọng. Làm sao để khi đưa nhân sự ra Đại hội bầu sẽ nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao. Để làm được điều đó, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh tới việc phải cung cấp đầy đủ thông tin người được đưa ra lựa chọn để các đảng viên nghiên cứu, xem xét, đánh giá. Không chỉ thông tin của nhân thân người đó mà thậm chí cả thông tin người thân của họ. Có như vậy mới hy vọng đảng viên lựa chọn được người tinh hoa nhất trong những tinh hoa của Đảng. Công tác chuẩn bị này phải được làm từ nhiệm kỳ trước, cán bộ có tâm, có tầm, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng hay không, đảng viên đều biết hết. Làm tốt công tác nhân sự bao nhiêu chúng ta sẽ tránh được bài học kinh nghiệm đau xót thời gian qua khi có những người đứng đầu tỉnh, thành, một số bộ, ngành là đối tượng của cơ quan điều tra, thậm chí có người phải vào vòng lao lý./.
Uyển Thanh/VOV.VN
Không để bị chi phối bởi tin giả khi làm nhân sự Bên cạnh hướng dẫn về cơ cấu, độ tuổi, trình độ, phẩm chất của cán bộ các cấp cho giai đoạn 2020-2025, Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh phải kiểm soát quyền lực; chống chạy chức, chạy quyền... Ban Tổ chức Trung ương vừa ban hành Văn bản số 26 hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chỉ thị số 35...